Phúc Âm Thánh Mác-cô bắt đầu với sự chú ý: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Mác-cô bêu bật một điều mới xuất hiện và tóm tắt sứ điệp của toàn bộ Tin Mừng qua lời rao giảng của Chúa Giê-su: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,14). Với biến cố giáng trần của Chúa Giê-su, thời gian biến chuyển đã được tiên báo, và thời gian mà nhiều người mong chờ đã đến. Đó là thời gian Nước Trời, Triều đại Thiên Chúa lên đường và đến gần. Nước Trời đến với những sự chữa lành những người đau yếu của mọi thứ bệnh hoạn. Nước Trời đến với sức mạnh tuyệt đối xua đuổi ma quỷ và sự dữ, kẻ gây ra biết bao đau khổ và bất hạnh cho cuộc sống của con người.
Thánh Lu-ca còn nêu rõ hơn nữa, khi ngài diễn tả hình ảnh Chúa Giê-su giảng trong hội đường ở Na-da-rét: “ Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe’. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4, 16-22). Thánh Lu-ca đã nêu bật được hình ảnh của Chúa Giê-su với sứ mạng của cao quý của Ngài, sứ mạng đến để đem Tin Mừng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho muôn người, và đặc biệt là những người nghèo khổ và bất hạnh.
Trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu, chúng ta tìm thấy một đoạn tương tự. Khi các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đến với Chúa Giê-su và hỏi Ngài, Ngài có phải là Đấng cần đến không. Chúa Giê-su đã liên hệ đến một câu trong sách của tiên tri I-sai-a (61,1) để diễn tả: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11, 4-6). Sứ mạng của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của Mát-thêu là sứ mạng trao ban lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại, lòng thương xót có sức chữa lành và nâng đỡ. Cũng trong tinh thần này, Đấng Mê-si-a luôn luôn chú ý đến những người nghèo khổ, những người đang cần đến sự giúp đỡ và những anh chị em nhỏ bé không được chú ý tới.
Như thế, theo tinh thần của các tác giả của Tin Mừng nhất lãm, chúng ta đọc được sự chú ý quan tâm của Chúa Giê-su dành cho những người nghèo khổ và thấp cổ bé miệng:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3) và “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6, 20). Với Mối Phúc này, Chúa Giê-su không chỉ hướng đến người nghèo về vật chất, mà Ngài hướng đến tất cả những người bất hạnh và phải gồng gánh nặng nề ở trong mọi phương diện. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Đến đây, chúng ta nên để Đức Phanxicô hướng dẫn chúng ta chiêm ngắm dung mạo thương xót của Chúa Giê-su qua tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16), Thánh Gioan khẳng định như thế lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và đụng chạm được trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Nhân tính của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các mối quan hệ Chúa hình thành với những người tiếp cận Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng từ bi.
Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo Ngài, nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt, đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với họ (x.Mt 9,36). Trên cơ sở của tình yêu từ bi này, Ngài chữa lành những kẻ đau yếu được mang đến với Ngài (x.Mt 14,14), và chỉ với một vài cái bánh và một ít cá, Chúa đã làm hài lòng đám đông khổng lồ (x.Mt 15,37). Điều làm Chúa Giêsu chạnh lòng trong tất cả các tình huống này không gì khác hơn là lòng thương xót, nhờ đó Ngài đọc được trái tim của những người Ngài gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ. Khi Ngài gặp bà góa thành Naim đem con mình đi chôn, Ngài chạnh lòng thương xót trước những đau khổ bao la của người mẹ đau khổ này, và Ngài đã cho kẻ chết sống lại để trao người con lại cho bà (x.Lc 7,15). Sau khi giải phóng cho người bị thần ô uế ám tại miền quê Ghêrasa, Chúa Giêsu trao cho anh ta nhiệm vụ này: ‘Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào’ (Mc 5,19). Chúa cũng đã kêu gọi ông Mátthêu trong bối cảnh của lòng thương xót. Khi đi ngang qua cái quầy của người thu thuế, Chúa Giêsu nhìn chăm chú vào Mátthêu. Đó là một cái nhìn đầy lòng thương xót tha thứ cho những tội lỗi của người này, một kẻ có tội và là người thu thuế, mà Chúa Giêsu đã chọn – bất kể sự do dự của các môn đệ – để trở thành một trong số mười hai. Thánh Bede Đáng Kính, khi bình luận về đoạn Tin Mừng này, đã viết rằng Chúa Giêsu đã nhìn Mát-thêu với tình yêu thương xót và đã chọn ông: miserando atque eligendo. Thành ngữ này gây ấn tượng mạnh cho tôi đến mức tôi đã chọn làm khẩu hiệu giám mục của mình” (số 08).
Chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn, nên lời giảng của Chúa Giê-su luôn đi đôi với đời sống của Ngài. Lời và đời sống là một nơi Chúa Giê-su. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa cách sống động. Ngài đã chữa lành cho người bị thần ô uế ám, Ngài đã thương nhìn đến và lắng tai nghe người đui mù hành khất kêu xin. Ngài đã tự mình mời người phụ nữ còng lưng đang nghe Ngài giảng trong hội đường ra giữa mọi người, để Ngài chữa lành cho bà, trả lại cho bà sự thẳng đứng của cuộc đời. Ngài đã cảm nhận được sự khổ đau tột bậc không chỉ của thân xác, mà cả tinh thần của người phong hủi, và đã đáp lời anh, khi anh lên tiếng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Đặc biệt, lòng thương xót được Chúa dành cho những người tội lỗi có lòng ăn năn hối cải: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”(Mc 2, 17).
Người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành, đứng đàng sau sát chân Chúa và khóc. Giọt nước tuôn trào trên đôi chân Chúa. Ngài không rút chân lại, mà Ngài vẫn để vậy, đến nỗi những giọt nước mắt kia làm ướt đẫm chân Chúa. Không chỉ thế, quỳ xuống người phụ nữ dùng mái tóc để lau chân Chúa. Chân Ngài vẫn không rút lại. Đôi chân ướt đẫm các giọt nước mắt thống hối ăn năn giờ cần được lau khô. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ chỉ dừng lại ở những giọt nước mắt ăn năn. Nước mắt cần chảy đấy. Nhưng chảy rồi, nước mắt cần được lau khô, được lau sạch, để dọn chỗ cho lòng thương xót tràn đầy sự tha thứ của Chúa. Cũng nổi tiếng tội lỗi, Gia-kêu, một tay thu thuế tham lam, khi gặp Chúa và chính Ngài muốn đến nhà của ông, vì hôm nay ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa cần đến thăm ông, để tha thứ, để thánh hoá và để dọn cho ông một con đường mới. Khi bị treo trên cây Thánh Giá, lòng thương xót của Chúa Giê-su vẫn không hề tắt. Ngài đã lên tiếng với kẻ tử tội có lòng thống hối ăn năn: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).
Lòng nhân hậu của Chúa Giê-su với người trộm lành diễn tả mạnh mẽ lời của Chúa nói trong Phúc Âm của thánh Mát-thêu:“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi’.” (9,13). Đó là câu trả lời của Giê-su trước lời chỉ trích của người Pha-ri-sêu. Họ không hiểu được tại sao Chúa Giê-su lại có thể ngồi ăn chung với người thu thuế và tội lỗi. Sự gần gũi và chú ý đến người đau yếu, nhỏ bé, tội lỗi làm nổi bật tinh thần xót thương nhân hậu của Thiên Chúa dành cho con người, đặc biệt những người thấp cổ bé miệng.
Cũng gần giống như vậy: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” (Mt 12, 7). Chúa Giê-su đã đặt lại vấn đề với những người mắng các môn đệ của Ngài, khi các ông bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát. Việc phạm lỗi trong ngày Sa-bát chính là điểm chính gây ra tranh cãi. Nhưng thật cương quyết, Chúa đã bênh vực cho các môn đệ của mình. Một lần nữa Ngài đã nêu bật tinh thần căn bản và nền tảng mà Cựu Ước luôn coi là quan trọng: Lòng thương xót thì quan trọng hơn tất cả những nghi thức, và sự xót thương thì có giá trị cao quý hơn việc tuân theo luật của ngày Sa-bát.
Xót thương trong những đoạn vừa nêu nói về những tinh thần: “cảm thông”, “cùng chia sẻ những đau khổ”, “từ bỏ việc kết án người khác”. Xót thương là một thái độ căn bản trong tương quan với anh chị em, với tha nhân bên cạnh. Xót thương cần được biểu lộ rõ ràng trong cách hành xử của người với người, ngay trong ngày thường, đặc biệt thái độ và hành động cần có với anh chị em rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Xót thương như thế nào, chúng ta đọc được trong Mát-thêu 25, 35-36:
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống;
Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;
Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng;
Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”.
Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta sống tinh thần nhân hậu xót thương. Ngài muốn rằng, chúng ta với sức của mình phải dấn thân cho những anh chị em nghèo khổ và ở trong hoàn cảnh éo le. Những anh chị em đau khổ được kể trong danh sách ở trên đang cần đến sự chú ý và tấm lòng cùng bàn tay nhân hậu của chúng ta. Đó chính là một sự gợi ý rất cụ thể cho chúng ta biết phải sống tinh thần xót thương mà Mối Phúc thứ năm này nhắc tới.
Ngoài ra, những việc làm nhân hậu xót thương là sự diễn tả của thái độ nền tảng bên trong của chúng ta. Vì vậy, mà Chúa Giê-su cũng cảnh báo chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi rằng: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 2-4).[1]
Như thế, lời giảng và thái độ của Chúa Giê-su với những người bất hạnh chan chứa tinh thần của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, và lòng thương xót của Thiên Chúa được loan báo cho tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ ai. Không chỉ dành cho một số ít người đạo đức và công chính, mà Chúa Giê-su đã mở cánh cửa lòng thương xót cho tất cả mọi hạng người. Chỗ trong Nước Trời được dành cho mọi người. Không có ai bị loại bỏ cả. Thiên Chúa đã thực sự lấy lại sự giận dữ của Ngài, và Ngài đã tạo nên một không gian của lòng thương xót, của tình yêu vô bờ bến.[2]
Đức cố Hồng Y Albert Decourtray, Tổng Giám Mục Lyon, thành viên Hàn Lâm Viện Pháp Quốc, có một bài giảng rất hay với tựa đề Chúa Giê-su và sự tôn trọng người khác, nêu bật hình ảnh của Chúa Giê-su Ki-tô giàu lòng thương xót:
“Không hề có ai tôn trọng người khác như Con Người ấy.
Đối với Người ấy, kẻ khác luôn vượt lên trên và cao quí hơn điều mà các tiền kiến muốn gán cho họ, dẫu đó là định nghĩa của các kẻ làm văn hóa hay bậc thông hiểu lề luật. Người ấy luôn thấy nơi ông hay bà mà Người gặp một chốn hy vọng, một lời hứa sống động, một kẻ có thể phi thường, một người được Chúa gọi để thực hiện một ngày mai tươi sáng, vượt lên trên và bất chấp những giới hạn, tội lỗi và đôi khi là những tội ác của họ.
Có lúc, Người còn nhìn vào thực trạng ấy để mặc khải một sự lạ lùng bí ẩn, để suy niệm và tạ ơn!
Người ấy không nói: Bà ấy lung tung, nhẹ dạ, ngu ngốc, bà cứ mãi xếp nếp theo thói đạo hạnh và tôn giáo địa phương hạn hẹp, ấy cũng chỉ là một thứ đàn bà! Nhưng Ngài đến xin bà một ly nước và khởi đầu bắt chuyện với bà.
Người ấy không nói: Đây là một loại gái hư, một thứ đàn bà bán thân mất nết. Ngài nói: Người nữ ấy có nhiều may mắn để hưởng Nước Chúa hơn những kẻ sống bám tiền của hoặc huênh hoang về nhân đức và hiểu biết của mình.
Người ấy không nói: Người đàn bà nầy chỉ là gái ngoại tình. Người nói: Ta không lên án con. Hãy đi đi và đừng phạm tội nữa.
Người ấy không nói: Người đàn bà tìm cách đụng đến áo mình chỉ là một thứ kinh loạn. Người lắng nghe bà, nói với bà và chữa lành bệnh cho bà.
Người ấy không nói: Bà già ấy bỏ tiền xu cắc vào hòm cúng để giúp sinh hoạt đền thờ là một người đàn bà mê tín. Nhưng Người nói bà ấy thật phi thường và ta cần noi theo gương vô vị lợi của bà.
Người ấy không nói: Bọn trẻ nầy chỉ là những đứa nhãi con. Người nói: Các con hãy để chúng đến với Ta và cố sống giống như chúng.
Người ấy không nói: Người đàn ông nầy chỉ là một thứ công chức hư hỏng, nịnh bợ quyền thế và bóc lột kẻ nghèo để vinh thân phì gia. Người tự đến ngồi vào bàn với người đó và quả quyết rằng nhà ông ta đã nhận ơn cứu độ.
Người ấy không nói như thói thường dân gian: kẻ mù kia hẳn phải đền tội của hắn hay mọi tội của tổ tiên hắn. Người nói rằng suy nghĩ như vậy là không đúng; Người càng làm cho mọi người, và các tông đồ, các ký lục và Pharisiêu ngạc nhiên, khi tuyên dương ông mù ấy đang hưởng ơn cao quí của Thiên Chúa: Hành động của Chúa phải được thể hiện nơi ông ta.
Người ấy không nói: Người sĩ quan nầy chỉ là một kẻ xâm lược. Người nói: Ta chưa hề thấy một Đức Tin nào như thế trong Ít-ra-en.
Người ấy không nói: Người thức giả nầy chỉ là một loại trí thức tự cao. Người mở đường cho ông ta được tái sinh trong Thánh Thần.
Người ấy không nói: Kẻ nầy chỉ là thứ đạo tặc. Người ấy nói với ông ta: Hôm nay, Ta sẽ ở với con trên Thiên đàng.
Người ấy không nói: Tên Giuđa nầy luôn mãi chỉ là một tên phản bội. Người để cho ông ấy hôn mình và nói với ông: Hỡi bạn của ta.
Người ấy không nói: Tên khoác lác nầy chỉ là một kẻ bội nghĩa. Người ấy nói với ông: Phê-rô, con thương Ta không?
Người ấy không nói: Những thầy cả thượng phẩm nầy chỉ là những phường phán xét bất công, vua nầy chỉ là tên múa rối, tên toàn quyền đó chỉ là đứa khiếp nhược, lớp người đang bêu rêu mình chỉ là một lũ đê tiện, các người lính đang hành hạ mình chỉ là quân bạo hành tra tấn. Người nói: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm…
Người Giê-su đã không bao giờ nói: Không có gì tốt nơi người nầy, nơi người nọ, nơi chốn nầy, nơi môi trường kia…
Trong thời đại chúng ta, hẳn Người sẽ không bao giờ nói: Ấy chỉ là một kẻ cuồng tín, chỉ là một thứ chạy theo mốt tân thời, chỉ là một tên tà phái, phát-xít, vô thần, dị đoan…
Với Người ấy, những người khác, dẫu họ là ai, họ đã làm gì, thuộc thành phần nào, thành tích, danh tiếng họ thế nào, thì luôn luôn họ là những con người được Thiên Chúa yêu thương.
Không hề có người nào trả lời cho những người khác như Con Người ấy. Người ấy là Duy Nhất.
Người ấy là Con duy nhất của Đấng làm cho mặt trời chiếu sáng trên kẻ lành cũng như trên kẻ ác.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Xin thương xót chúng tôi, là những kẻ tội lỗi!” [3]
Ngoài ra, trung tâm của sứ điệp lòng thương xót mà Chúa rao giảng và sống, là sứ điệp nói về Cha trên trời. Chúa Giê-su đã gọi cha là Áp-ba – Cha ơi. “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã cho phép chúng ta cũng được cầu nguyện với Cha Ngài ở trên trời với từ ngữ rất thân thương “Áp-ba, Cha ơi”. Ngài mở cánh cửa ngôi nhà của lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta có thể bước vào gặp gỡ người Cha trên trời giàu lòng xót thương. Cha trên trời giàu lòng xót thương luôn chú ý đến thế giới của chúng ta. Đối với Ngài, chúng ta rất quan trọng và rất quý giá. Tóc trên đầu của mỗi người chúng ta đều được Ngài đếm, trong đôi mắt của Cha chúng ta là những viên ngọc thật quý giá. Cha trên trời giàu lòng xót thương cũng thấu hiểu những gì chúng ta đang cần đến, trước khi chúng ta mở lời với Ngài. Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Cha trên trời không ở xa chúng ta. Cuộc sống của chúng ta chính là món quà cao quý Cha đã ban tặng. Chúng ta được phép cảm nhận bàn tay nhân từ của Cha luôn ấp ủ, che chở và đỡ nâng chúng ta. Chúng ta được phép kêu lên người Cha giàu lòng thương xót, mỗi khi chúng ta rơi vào trong hố sâu khổ đau, dẫu cho chúng ta là những tội nhân. Thật vậy, mỗi khi chúng ta rơi vào trong hoàn cảnh khổ đau và bất hạnh, Thiên Chúa luôn hướng nhìn và nâng đỡ. Chúng ta đọc được điều này qua một số dụ ngôn của Chúa Giê-su. [4]
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ