Bulgaria đã sống dưới nhiều sự thống trị khác nhau và đã giữ được đức tin cũng nhờ vào lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria; tâm tình này vẫn còn nguyên vẹn ngay cả trong những năm đen tối dưới thời cộng sản.
Lòng sùng kính Đức Mẹ lan rộng khắp Bulgaria kể từ khi nước này bắt đầu theo Kitô giáo và lan rộng mạnh mẽ, mặc dù không có nhiều nhà thờ và đan viện kính Đức Mẹ từ thời kỳ đó. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở các đan viện nhưng nằm trong cội nguồn của một quốc gia đã trở lại Kitô giáo vào năm 865, và tạo nên một bản sắc dân tộc sâu đậm đến nỗi sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ và sự lan rộng của Hồi giáo cũng không làm cho nó bị phôi phai.
Đối thoại giữa các tôn giáo
Bulgaria trở thành một ví dụ về đối thoại giữa các tín ngưỡng, trong đó, người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo biết cách chung sống với nhau. Làm chứng cho điều này chính là “Tứ giác” ở thủ đô Sofia, nơi chỉ trong vài mét vuông, ở các góc của một hình vuông lý tưởng, có nhà thờ Công giáo, Chính Thống giáo, đền thờ Hồi giáo và hội đường Do Thái.
Hai đền thánh chính
Đền thánh chính ở Bulgaria là đền thánh ở Rila, được ẩn sĩ Giovanni Rilski, vị thánh bảo trợ của quốc gia, thành lập vào đầu những năm 1900. Một đền thánh quan trọng khác kính Đức Mẹ được xây dựng vào thế kỷ XI, là đền thánh ở Backovo, được xây dựng trong hai thế kỷ thống trị của đế quốc Byzantine (1018 – 1185).
Vua Kalojan trị vì từ năm 1196 đến năm 1207, và lòng sùng kính Đức Mẹ đã phát triển mạnh mẽ dưới thời ông trị vì. Trong số các di tích quan trọng nhất, có nhà thờ của Tòa Thượng phụ Ocrida, ngày nay thuộc lãnh thổ Bắc Macedonia. Ở đó, trong nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, có lưu giữ thánh tích của thánh Clement Ocrida, một môn đệ của hai thánh Xyrilô và Metôđiô. Trong những năm đó, các thánh đường kính Đức Mẹ ở Varna, Plovdiv và Tirnovo cũng được xây dựng. Ở Tirnovo cũng có một nhà thờ khác kính Đức Mẹ , đó là nhà thờ Bụi gai bốc lửa.
Dưới thời Thổ Nhĩ Kỳ cai trị
Từ năm 1393 đến năm 1878, quốc gia này nằm dưới sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ thống trị không ảnh hưởng đến Kitô giáo, bởi vì lòng sùng kính các thánh và Đức Trinh Nữ Maria được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và bảo tồn đức tin. Lòng sùng kính Đức Mẹ rất quan trọng: trong nhiều thế kỷ bị Thổ Nhĩ Kỳ thống trị, có những ví dụ về lòng sùng kính phi thường đối với ảnh Đức Mẹ thành Troy.
Phục hồi tiếng Bulgaria
Việc sử dụng tiếng Bulgari cũng gần như bị biến mất. Chính tại các đền thánh của Troy và Rila mà nền văn hóa dân tộc được duy trì và chính các trường học của các đan viện đó đã giúp khôi phục vai trò của tiếng Bungaria.
Lưu giữ bản sắc dân tộc
Đâu là lịch sử của các đền thánh đã lưu giữ bản sắc dân tộc Bulgaria? Đền thánh Mẹ Thiên Chúa Bảo Vệ ở Rila, nằm trên núi cao. Vào năm 1960, cộng sản đã đuổi các đan sĩ, nhưng sau, do các cuộc biểu tình dữ dội của dân chúng, họ phải gọi các đan sĩ trở lại.
Đan viện Đức Mẹ Lên Trời ở Backovo được xây dựng vào thời kỳ đế quốc Byzantine cai trị Bulgaria, vào năm 1086, bởi Gregorio Bakouriani. Dưới sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ, vào thế kỷ XVII, Đền thờ Đức Mẹ Lên Trời ở thành Troy đã phát triển. Ở đó, có hình Đức Mẹ với ba bàn tay, một hình ảnh đặc trưng của truyền thống Byzantine, đã được một đan sĩ Rumani đi ngang qua và lưu lại như một món quà.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/