Sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng, mà còn rất gần với thực tế của cuộc sống, và với đời sống xã hội của con người. Vì tội lội đã phạm, nên con người đáng phải chết, nhưng với lòng thương xót Thiên Chúa đã tha thứ, gìn giữ con người trong sự sống, và còn ban tặng sự sống mới cho con người. Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa của sự chết, mà là Thiên Chúa của sự sống. Ngài không bao giờ mong muốn con người phải chết, mà Ngài ước mong con người được sống và sống dồi dào hơn. Thiên Chúa chẳng bao giờ vui sướng về cái chết của những người tội lỗi, mà Ngài chỉ mong chờ sự ăn năn sám hối trở về của tội nhân, để họ tiếp tục sống là con cái được Thiên Chúa yêu thương. “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23). Chúa Giê-su đã đón nhận sứ điệp của Cựu Ước và luôn nhắc lại rằng: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12,27).
Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa chính là sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh gìn giữ, khuyến khích, tái lập, xây dựng và thăng tiến sự sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên cái lô-gíc công lý của con người, công lý luôn chú ý đến hình phạt và cái chết đáng ban tặng cho người có tội. Lòng thương xót của Thiên Chúa mong muốn sự sống. Trong sự trung tín với Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân của Ngài và với lòng thương xót của Ngài, Thiên Chúa gầy dựng lại tương quan giữa Ngài với dân của Ngài, tương quan đã bị tội lỗi làm cho đổ vỡ. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn ưu tiên cho sự sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã diễn tả rõ ràng rằng, Thiên Chúa chúng ta tin không phải như Nietzsche nghĩ: Thiên Chúa là kẻ thù của sự sống. Với chúng ta, Thiên Chúa là sức mạnh (x.Tv 27,1), Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống (x.Tv 36,10). Ngài là người bạn của sự sống: “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26).[1]
Sự ưu tiên đặc biệt của Thiên Chúa luôn là ưu tiên chú ý đến người nghèo khổ và yếu đuối. Khi dân tộc Ít-ra-en còn nghèo nàn và sống ở Ai-cập đã được Thiên Chúa chú ý thương yêu và cứu thoát, đưa ra khỏi Ai-cập và đến vùng đất Chúa hứa. Điều này vẫn luôn luôn ở trong tâm thức của dân Ít-ra-en. Khi dân Ít-ra-en đến được vùng đất hứa, thì Thiên Chúa lại chú ý đặc biệt đến những người khốn cùng, nghèo khổ và yếu đuối đang sống trong vùng đất hứa này. Điều này được diễn tả qua các giới luật cấm ức hiếp và bóc lột những người ngoại kiều, những phụ nữ goá bụa và các trẻ em mồ côi (x.Xh 22, 20-26), cũng như luật che chở người nghèo hèn trước toà án (x.Xh 23,6-8). Sách Lê-vi còn viết ra luật lệ giúp mọi người cần có thái độ tốt trong tương quan xã hội: “ Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng. Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi, Ta là Đức Chúa. Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết. Ta là Đức Chúa. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa”. (Lv 19, 13-18).
Trong bài ca tạ ơn của bà Hanna, mà Mẹ Maria sau này đã lấy phần nào để hát lên bài ca Magnificat, có câu: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (2 Sm 2, 8). Cũng cần nhắc đến lề luật của ngày Sa-bát: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ làm công việc của ngươi; nhưng ngày thứ bảy, ngươi sẽ nghỉ, để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức” (Xh 23,12).
Còn trong sách Đệ Nhị Luật, có phác thảo về một dân tộc không có người nghèo và cô đơn lẻ loi: “Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo, vì Đức Chúa sẽ chúc phúc dồi dào cho anh (em) trong miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp để anh (em) chiếm hữu” (Đnl 15, 4). Và còn nhiều giới luật bênh vực người ngoại kiều, cô nhi quả phụ và người nghèo khổ. Sự chăm sóc của Thiên Chúa và sự chú ý của Ngài dành cho người nghèo cũng được diễn tả rõ rệt trong sách của các tiên tri. Thiên Chúa lên án những người bóc lột, và bênh vực những người nghèo khổ bị bóc lột và ngược đãi (x.Am 2, 6-8; 4, 1.7-12; 8, 4-7). Thiên Chúa luôn quan tâm chú ý đến người nghèo khổ và không bao giờ bỏ rơi họ: “Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ta sẽ không bỏ rơi chúng” (Is 41, 17). Tiên tri I-sai-a cũng nói rằng, Đấng Mê-si-a sẽ đến với những người nghèo khổ:
“Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61,1).
Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa giàu lòng xót thương luôn chú ý đặc biệt đến những người nghèo khổ bất hạnh và yếu đuối. Ngài sẵn sàng bênh vực và chở che họ. Trong nhà Ngài luôn có chỗ cho họ, ngôi nhà tràn đầy lòng xót thương của Thiên Chúa quyền năng và trung tín.[2]
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ
[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 62-63.
[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 63-64.