Cha con đang trò chuyện về cuộc đời, về những nổi trôi ba chìm bảy nổi chín lênh đênh của phận người. Rất thời sự, cha chia sẻ về chuyện sáng và chiều nay.
Sáng, dâng Lễ an táng cho một vị linh mục thân quen. Nhìn cỗ quan tài thật hoành tráng đi theo vóc dáng cao to của cha đó khi còn sống. Cỗ quan tài to thật đấy nhưng đến chiều thì nhìn thấy ngài ở trong cái tiểu nho nhỏ để cạnh bàn thờ. Cha đó nói với tôi: “Cuộc đời sao mong manh quá! Mới sáng thì to như thế, chiều về nhỏ xíu xiu như vậy”. Không hài lòng vì cha bảo là từ sáng đến chiều nên tôi mới nói: “Cha nói không chính xác! Chỉ 15 phút sau khi chiếc quan tài khép lại sau cánh cửa của lò thiêu thì chỉ còn trơ trọi là nắm bụi tro!”.
Đang chuyện trò say xưa bỗng cấp cụp. Hóa ra điện thoại bị mất sóng. Có lẽ cha đang đi về miền núi nơi Cha phục vụ nên vùng đó không đủ sóng để tiếp nối câu chuyện.
Dang dở câu chuyện để rồi suy nghĩ còn dở dang.
Không phải là đến ngày hôm nay cha già cố vừa ra đi mới trở nên nhỏ bé nằm ở trong cái tiểu nho nhỏ. Cách đây nhiều năm về trước, vì hạn chế của sức khỏe để rồi cha không còn làm việc được như ngày trước được nữa. Trước đó, đôi chân của ngài bôn ba khắp phương trời để loan báo Tin Mừng nhưng khi bệnh tật thì cha đã phải chấp nhận với hạn chế của con người.
Nghĩ về cha, nhìn về các nhà hưu dưỡng, bỗng dưng thấy đâu đó sẽ thấp thoáng bóng dáng của mình. Cũng chẳng ai nói trước được rằng mình có được vào đó để nghỉ dưỡng tuổi già không hay là Chúa lại gọi đi nay mai không ai biết trước được bởi lẽ cuộc sống này quá vô thường.
Cũng trong những câu chuyện về kiếp nhân sinh, 2 cha quen nói chuyện qua lại về ông bà cố của 2 cha.
Cha kia, bà cố còn sống, năm nay ngót nghét tuổi của bà cũng gần hàng 9. Trước đây, bà vui vẻ đi nói với mọi người: “Mấy đứa nó không cho ăn!”. Bà đâu có biết rằng khi bà nói như thế thì lũ cháu đàn con đau như thế nào khi gia đình không đến độ không có khả năng lo lắng cho bà những năm già yếu sức.
Được ít lâu, nay bà chuyển qua chuyện khác là chuyện dành ăn với cháu.
Đứa con dâu chăm chút bà từng miếng ăn, đến độ hỏi bà thật kỹ là bà ăn bánh mì với gì để bà khỏi phật ý. Thế nhưng, khi mua về, bà lại giành ăn phần của đứa cháu nội vì bà nói bà thích ăn như thế mà! Thế là cháu lại nhường cho bà ăn phần cháu và cháu đành ngậm ngùi ăn phần của bà mà cháu không hề thích.
Còn ông cố của cha nọ, nay cũng ngoài 80, tai đã nặng lắm rồi nhưng cứ bảo con cháu rằng: “Bố đâu có điếc!”. Chỉ đến khi đưa ông đi bác sĩ, bác sĩ hỏi thăm bệnh tình ông, ông không nghe để khai báo khi đó ông mới chấp nhận rằng mình bị “điếc”.
Thế đó, dù khi còn trẻ, khi trưởng thành là một ông lớn bà lớn trong đại gia đình đó nhưng khi về già và nhất là vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thì lại trở thành như trẻ nhỏ. Giờ đây thì bà cố của cha nọ, ông cố của cha kia hẳn là những “đứa nhỏ” (chúng tôi vẫn đùa là những cụ này là “trẻ em có quyền đòi hỏi” chứ không phải như những đứa trẻ trong nhà thì người lớn bảo gì phải nghe nấy).
Nghĩ về những cụ già, những người ngồi xe lăn, những người nằm trên giường bệnh và đặc biệt nhìn vào cái tiểu đựng cốt, ắn hẳn ít nhiều gì đó nhắc nhớ cho ta phận con người. Đừng lầm tưởng mãi rằng mình cứ lớn mà không bao giờ nhỏ. Đừng lầm tưởng rằng triều đại của mình vững bền mãi mãi.
Nghĩ như thế, nhớ như thế để ta lòng nhủ lòng sống thật nhỏ bé để khi nào đó ta ra đi khỏi cuộc đời này lòng ta nhẹ nhàng và thanh thản.
Micae Bùi Thành Châu