Biểu tượng thường diễn tả nhiều hơn ngôn từ, vì thế chúng tôi rất muốn chúng ta đánh dấu những nỗ lực của mình trong việc giảm nghèo đói bằng cách chuyển từ bóng tối ra ánh sáng.
Chúa Giêsu nói: “Ta là ánh sáng của thế gian. Ai theo Ta sẽ không bao giờ đi trong tối tăm, nhưng có ánh sáng ban sự sống.”
Mùa Chay này chúng tôi muốn mời tất cả các tổ chức thành viên Caritas, tại các giáo phận và giáo xứ cùng tất cả những người chúng ta có thể quy tụ để tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến để nhớ về 802 triệu người đang chịu cảnh đói nghèo trên toàn thế giới.
Chúng tôi hy vọng rằng với buổi cầu nguyện này, khu xóm, cộng đồng của bạn ở miền quê hay nơi thị thành có thể biến thành một biển ánh nến rực rỡ khi chúng ta dành thời gian và cùng nhau cầu nguyện cho việc chấm dứt nghèo đói.
Buổi cầu nguyện có thể có tiếng nhạc nhẹ, các bài đọc Kinh Thánh, thánh thi, thơ ca, suy niệm Lời Chúa hay các lời cầu nguyện kèm theo.
Chương trình gợi ý
Chủ đề 2015: Chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ và nhìn đi hướng khác. Người nghèo không thể chờ đợi.
Những chia sẻ sau đây của Đức Giáo Hoàng có thể gợi ý giúp chúng ta thực hiện buổi cầu nguyện và cảm nghiệm sâu sắc của chúng ta về tình yêu Thiên Chúa có thể mở rộng tâm hồn chúng ta để liên đới với người nghèo và đói kém, thúc đẩy chúng ta đi đến hành động.
Các bạn có thể chọn đọc những câu nói này khi bạn xin Chúa Thánh Thần giúp bạn thế nào là được mời gọi hành động lấy cảm hứng từ tình thương.
“Yêu mến Thiên Chúa và tha nhân không phải là cái gì đó trừu tượng, nhưng rất cụ thể: đó là nhìn thấy khuôn mặt Thiên Chúa nơi mỗi người ta phục vụ, để phục vụ họ cách cụ thể. Và bạn sẽ là người anh chị em thân cận mang khuôn mặt của Đức Giêsu.” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, phát biểu trong suốt chuyến viếng thăm tại nơi trú ẩn của những người vô gia cư “Dona Di Maria,” 21/03/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Tại sao có những lúc chúng ta khó nhận ra khuôn mặt Chúa Giêsu?
Khi chúng ta quảng đại trong việc đón nhận một người và chúng ta chia sẻ vài thứ cho họ – một chút lương thực, một chỗ trong nhà của chúng ta, thời giờ của chúng ta – chúng ta không nghèo hơn mà làm cho chúng ta nên giàu có hơn. Tôi biết rõ rằng khi có người cần ăn uống đến gõ cửa nhà của anh chị em, anh chị em hãy luôn tìm cách chia sẻ lương thực; như câu tục ngữ nói: người ta có thể “thêm nước vào đậu”! Vâng, luôn có thể “thêm nước vào đậu”? Anh chị em hãy làm điều đó với tình yêu, tỏ bày sự phong phú đích thực không phải nơi vật chất mà nơi tâm hồn!”” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, phát biểu trong chuyến viếng thăm cộng đồng tại Varginha, 25/07/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Những anh chị em nghèo khó dạy bạn điều gì? Tôi được mời gọi đón nhận ai trong cuộc đời mình? Trong giáo xứ mình? Hay trong khu xóm mình?
“Người ta đã tìm thấy một cách để mọi người đều được hưởng lợi từ các thành quả của trái đất, không đơn giản là thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và những người phải hài lòng với những mảnh vụn rơi từ trên bàn, nhưng trên hết để thỏa mãn những nhu cầu của công lý, bình đẳng và tôn trọng mỗi con người.” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, phát biểu với Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp, 20/06/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Tôi đã từng chia sẻ sự giàu có của mình cho những người khó khăn chưa?
“Một trong các nhiệm vụ của chúng ta khi làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu là lên tiếng bênh vực cho người nghèo.” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, phát biểu tại Tổng Giáo phận Canterbury, 14/06/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Tâm hồn chúng ta cần biến đổi thế nào để đáp lại lời mời gọi “lên tiếng” cho những người nghèo khó?
“Nghèo khó kêu mời chúng ta gieo niềm hy vọng (…) Nghèo khó là thân thể của Chúa Giêsu nghèo nàn, nơi những em bé đói ăn, nơi những người bệnh tật, nơi những người gặp bất công trong xã hội.” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các thanh thiếu niên các trường Dòng Tên – Hỏi đáp, 07/06/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Nơi đâu tôi nhìn thấy niềm hy vọng? Nơi đâu tôi nhìn thấy những cấu trúc bất công? Và nơi đâu tôi nhìn thấy Chúa Giêsu?
“Nhiều lần chúng ta nói về việc quá nhiều nghèo đói trên thế giới và đây là một điều đáng bận tâm. Nghèo đói trên thế giới là một điều đáng bận tâm. Trong một thế giới mà ở đó có quá nhiều của cải, quá nhiều tài nguyên để nuôi sống mọi người, thì không thể nào hiểu được là có quá nhiều trẻ em đói ăn, quá nhiều trẻ em không được giáo dục, có quá nhiều người nghèo. Nghèo đói ngày hôm nay là một tiếng khóc than.” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các thanh thiếu niên các trường Dòng Tên – Hỏi đáp, 07/06/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Sự tồn tại của nghèo đói trên thế giới đánh động tâm hồn tôi những cảm xúc gì?
“Trong Phúc Âm, chúng ta đọc dụ ngôn Người Samari nhân lành, kể lại một người bị cướp tấn công và bỏ mặc bên vệ đường. Dân chúng đi qua, nhìn và không dừng lại, họ tiếp tục hành trình của họ trong thái độ lãnh đạm, vì không phải là việc của họ! Chỉ có người Samari, một người xa lạ, nhìn thấy, dừng lại, nâng người bị thương lên, giơ tay cho người bị thương và săn sóc họ (Xc Lc 10,29-35). Các bạn thân mến, tôi tin rằng ở đây, nơi bệnh viện này, dụ ngôn người Samaritano nhân lành đang được cụ thể hóa. Ở đây không có sự dửng dưng, nhưng có sự quan tâm; không có sự lãnh đạm, nhưng có tình thương. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong huấn dụ tại Nhà Thương thánh Phanxicô Assisi, 24/07/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Đã bao giờ trong đời tôi cảm thấy cô đơn hay tuyệt vọng? Tôi đã nhận được giúp đỡ ở đâu? Tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ một người lạ lúc nào? Người hàng xóm nào đang cần được hỗ trợ ngày hôm nay? Thiên Chúa mời gọi tôi đáp lời như thế nào?
“Tôi muốn xin tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tất cả những người thiện chí: “Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong lễ đăng quang, 19/03/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang mời gọi ai? Tất cả chúng ta có thể quan tâm hơn đến trách nhiệm của mình như thế nào để trở thành người gìn giữ?
“Chúng ta xin Chúa Giêsu phục sinh, Người đã sống lại từ cõi chết, để biến ghen ghét thành tình yêu, thù hận thành tha thứ, chiến tranh thành hòa bình. Vâng, Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta và thông qua người chúng ta tìm kiếm hòa bình cho cả thế giới ”. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sứ điệp Urbi et Orbi Phục Sinh, 31/03/13)
Hãy hỏi bản thân mình: Tôi tìm kiếm bình an cho riêng mình? Hay cho toàn thế giới?
Như một đề nghị thêm, bạn có thể cũng sử dụng những câu nói này để chuẩn bị cho các lời dẫn trước nghi thức sám hối trong Thánh Lễ.
Những người tham dự vào buổi cầu nguyện
• Nhân viên và cộng tác viên của các tổ chức Caritas trên khắp thế giới
• Những người bị ảnh hưởng bởi nghèo đói
• Các tín hữu
• Tất cả những ai thiện chí tốt lành quan tâm đến vấn đề đói nghèo