Có Thầy ở giữa
Mt 18,15-20
15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. 16 Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. 17 Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. 18 “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ. 19 “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. 20 Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy.” (Mt 18,20)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Chúa Giêsu dạy thêm hai điều nữa về nếp sống cộng đoàn:
1. Khi có người trong cộng đoàn phạm lỗi, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn và qua nhiều giai đoạn: gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm quyền. Khi tất cả mọi cố gắng cuối cùng đều vô ích thì mới kể người đó không là thành phần trong cộng đoàn nữa.
2. Cộng đoàn cần tụ họp cầu nguyện chung với nhau, “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy sẽ ở giữa những người ấy”.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Để mất một phần tử trong cộng đoàn là một nỗi đau rất lớn. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn giúp những phần tử lầm lỗi hoán cải. Nhiều khi cách giải quyết của chúng ta không theo đủ những bước Chúa dạy nên mới đánh mất những người anh chị em.
2. Chúa dạy những người trong hội đoàn phải “hiệp lời cầu xin”. Hiệp lời cầu xin là cầu xin chung với nhau, cầu xin những điều chung của cộng đoàn. Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở giữa. Như thế những giây phút cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh phúc.
3. Tôi rất vui sướng khi một sinh viên đến kể: “Chúa Nhật vừa rồi, khi giảng, Cha đã bảo thỉnh thoảng nên đọc kinh và lần chuỗi chung với nhau. Xưa nay mỗi tối con đọc kinh riêng một mình. Thằng em con thì rất nguội lạnh ít khi đọc. Tối Chúa Nhật ấy con rủ nó cùng con lần chuỗi. Hai anh em chỉ lần có hai chục thôi. Nhưng chúng con thấy rất sốt sắng. Hôm nay chúng con rủ thêm mấy thằng bạn nhà bên cạnh nữa”. Tôi không ngờ một lời khuyên nhỏ như thế mà lại sinh một kết quả to lớn như thế. Nhưng không phải, không phải nhờ lời khuyên của tôi, mà nhờ Thiên Chúa ở giữa những bạn trẻ ấy: “Vì ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.
4. Ngày kia một vị Giám mục đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với vị ẩn sĩ trên núi vì ông hiện đang chung sống với một người phụ nữ. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào trong chiếc thùng rỗng. Vị Giám Mục là người thứ nhất bước vào trong lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự kiện. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Nhưng không tìm thấy ai, dân làng đành ra về. Chờ cho mọi người đi hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt vị ẩn sĩ và nói “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ linh hồn cho mình”. (Trích: “Mỗi ngày một tin vui”)
5. Đã có bao nhiêu cuộc họp. Bao nhiêu khối óc họp lại nhân danh công lý hòa bình, nhân danh quyền lợi tập thể, thậm chí nhân danh Đấng Tạo Hóa, để làm những điều đồi bại.
Nhân danh – đó là mỹ từ vẫn thường được lạm dụng để che đậy, biện hộ cho cái tôi ích kỷ, những ý đồ xấu xa, những mục đích đen tối.
Tôi cũng nhân danh Chúa để chỉ trích, lên án người này người kia. Nhân danh công tác nhà thờ để trốn tránh bổn phận và trách nhiệm bản thân.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương. Xin cho tất cả những hành động, nỗ lực và công việc của con chỉ nhằm làm vinh danh Chúa. (Hosanna)
6. “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó.” (Mt 18,19)
Tôi không thể ngờ được, người bạn thân nhất của tôi lại có thể hiều lầm tôi. Thật khó có thể trở lại làm bạn như cũ! Và tôi cùng nó đến nhà thờ.
Vị chủ tế nói: “Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho hai người luôn gắn bó bên nhau”.
Quay qua nó, tôi nói: Bạn hãy cùng tôi cầu nguyện cho chúng ta và cho mọi người.
Bây giờ tôi và nó càng thắm thiết hơn xưa.
Lạy Cha, xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh nguyện, để Cha chúc phúc và nâng đỡ chúng con hôm nay và mãi mãi. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa là nguồn sức sống của chúng con. Thánh Thể Chúa là Bánh Bởi Trời dưỡng nuôi chúng con trên đường về đất hứa. Xin Chúa hãy ướp hồn chúng con bằng ơn thánh của Chúa. Xin cho tình yêu của Chúa được lớn lên còn cái tôi ích kỷ tầm thường của chúng con nhỏ bé lại. Xin cho chúng con biết sống bao dung và nhân ái với nhau như Chúa vẫn hằng khoan dung với chúng con.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, dẫu biết rằng “nhân vô thập toàn”. Thế nhưng chúng con lại khó nhìn nhận sự yếu đuối của mình để đón nhận lời sửa dạy của cha mẹ và bạn hữu. Chúng con thường quá đề cao cái tôi khiến chúng con không thể nhìn thấy “cái xà trong mắt mình”. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhường. Sự dịu hiền để chúng con cảm thông và đón nhận nhau trong yêu thương và tha thứ. Sự khiêm nhường để chúng con khiêm tốn đón nhận lời khuyên, lời dạy dỗ của mọi người.
Lạy Chúa, người xưa thường nói rằng: “Cá không ăn muối cá ươn – Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình đơn sơ ngoan hiền để chúng con được lớn lên trong lời khuyên của cha và lời dạy của mẹ. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Xem thêm:
Bài đọc 1: Đnl 34,1-12
1 Từ đồng bằng Mô-áp, ông Mô-sê lên núi Nơ-vô, tới Pít-ga, đối diện với Giê-ri-khô, và ĐỨC CHÚA cho ông xem thấy tất cả miền đất : miền Ga-la-át cho đến Đan, 2 tất cả Náp-ta-li, miền đất Ép-ra-im và Mơ-na-se, tất cả miền đất Giu-đa cho đến Biển Tây, 3 miền Ne-ghép, vùng sông Gio-đan, thung lũng Giê-ri-khô là thành Chà Là, cho đến Xô-a. 4 ĐỨC CHÚA phán với ông : “Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, khi nói : ‘Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi.’ Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó.” 5 Ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh ĐỨC CHÚA. 6 Ông được mai táng trong thung lũng, ở miền đất Mô-áp, đối diện với Bết Pơ-o. Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu. 7 Khi chết, ông Mô-sê thọ một trăm hai mươi tuổi, mắt không mờ, khí lực không giảm. 8 Con cái Ít-ra-en khóc ông Mô-sê trong đồng bằng Mô-áp ba mươi ngày ; rồi những ngày than khóc thọ tang ông Mô-sê chấm dứt. 9 Ông Giô-suê, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Mô-sê đã đặt tay trên ông. Con cái Ít-ra-en nghe ông và làm như ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê. 10 Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, người mà ĐỨC CHÚA biết rõ, mặt giáp mặt. 11 ĐỨC CHÚA đã sai ông thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ tại nước Ai-cập, phạt Pha-ra-ô cùng tất cả bề tôi và cả nước. 12 Ông Mô-sê đã biểu dương tất cả sức mạnh bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Ít-ra-en.
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)