Quảng đại giúp đỡ
Ga 6,1-15
1 Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. 2 Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. 3 Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. 5 Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” 6 Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. 7 Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.
8 Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: 9 “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. 10 Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. 11 Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. 12 Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. 13 Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
14 Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. 15 Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người.” (Ga 6,9)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Từ hôm nay sang bài giáo lý thứ hai về Bí tích Thánh Thể, dựa trên đơn vị phép lạ hóa bánh ra nhiều, bài trích Phúc Âm hôm nay tường thuật phép lạ ấy. Phép lạ này được cả 4 quyển Phúc Âm tường thuật. Nhưng bài tường thuật của Gioan có những chi tiết riêng biệt như sau:
– Xác định rõ nơi xảy ra là phía Đông hồ Galilê, tức là vùng đất của lương dân. Tại vùng đất này mà “đám đông dân chúng theo Người”, chứng tỏ lúc này uy tín và ảnh hưởng của Chúa Giêsu đang lên cao.
– Nhưng Gioan còn ghi thêm “vì họ đã thấy những phép lạ Người làm” chứng tỏ dân theo Ngài vì lòng vị lợi chứ không phải do đức tin thật.
– Các bài trình thuật trong Phúc Âm nhất lãm, các môn đệ nói cho Chúa Giêsu biết dân chúng đói bụng. Còn trong Gioan, chính Chúa Giêsu hỏi các môn đệ làm sao có bánh cho dân ăn.
– Trong nhất lãm, Chúa Giêsu bảo các môn đệ phân phát bánh và các cho dân. Còn trong Gioan chính Chúa Giêsu phân phát.
– Khác biệt quan trọng nhất là Gioan coi phép lạ này là dấu chỉ giúp người ta hiểu về mầu nhiệm bản thân Chúa Giêsu: Ngài chính là Bánh nuôi dưỡng sự sống trường sinh.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Trước sứ mạng Chúa giao, ai cũng thấy rằng mình không đủ khả năng. Không bao giờ chúng ta ngang tầm để có thể đáp ứng ý muốn của Chúa. Nhưng cũng như Philipphê và các môn đệ xưa, chúng ta cứ bắt đầu rồi Chúa sẽ tiếp tay cho đến hoàn thành. Thực ra, Chúa không đòi ta làm điều ta không thể, Ngài chỉ muốn chúng ta để Ngài hành động trong và qua chúng ta.
2. Đám đông dân chúng ngày nay vẫn còn đói khát: Đói khát lương thực, đói khát áo quần, đói khát thuốc men và sâu xa hơn nữa họ còn đói khát lẽ sống, đói khát chính sự sống thật mà chỉ có Chúa mới ban cho được.
3. Một lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, trong tay chúng con, Chúa là bánh
Trong tay chúng con, Chúa là sự sống.
Xin hãy mở rộng tay chúng con, để ban bánh cho người khác
Xin hãy mở rộng chúng con, để ban sự sống cho người khác.
4. “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”.
Hồi nhỏ, mỗi khi nghe đoạn Phúc Âm này tôi tự hỏi: nếu em bé kia cứ khư khư giữ lấy phần thức ăn ít ỏi của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chợt tôi nghe như có tiếng đáp lại: “Điều ta muốn là tấm lòng quảng đại của con”.
Từ đó trở đi tôi thực sự mới cảm nhận được rằng: nếu tôi trao ban mà còn so đo tính toán thiệt hơn, nếu tôi không trao ban với tấm lòng quảng đại của mình, thì hành vi kia thật là vô nghĩa.
Em bé trong Phúc Âm Gioan hôm nay lại một lần nữa nhắc bản thân mỗi chúng ta về cách trao ban cho người anh em khác.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại. (Epphata).
5. Một cậu bé nghe nói về Chúa, cậu thắc mắc: “Chúa là ai?”
Một hôm cậu quyết định một mình đi tìm Chúa. Với cái túi nhỏ đựng ít bánh và nước ngọt, cậu bé đến một công viên gần nhà. Vừa bước vào công viên cậu đã gặp một bà cụ đang ngồi trên ghế đá. Cụ bà đang say sưa nhìn mấy con chim bồ câu đến nhặt thức ăn. Cậu bé liền đến ngồi bên cạnh bà, rồi mở cặp lấy bánh và nước ngọt ra.
Nhận thấy bà cụ như có vẻ như thiếu ăn, cậu bèn lấy bánh mời bà cụ. Bà cụ vui vẻ đón nhận và mỉm cười với cậu. Sau đó cậu lấy nước ngọt ra và cũng mời bà như thế. Một lần nữa bà lại đón nhận và mỉm cười. Chưa bao giờ cậu bé cảm thấy hân hoan như vậy. Cả buổi chiều hôm đó, bà cháu ngồi bên nhau, chia sẻ từng miếng bánh, từng hớp nước ngọt, mỉm cười với nhau mà không cần phải nói với nhau lời nào.
Chiều đã muộn, sợ cha mẹ sốt ruột, cậu bé đứng lên ra về. Vừa đi được một quãng, cậu lại quay lại bá cổ bà cụ, rồi hôn vào má bà cụ. Cụ bà đáp lại cái hôn ấy bằng một nụ cười đẹp như chưa bao giờ có. Khi cậu bé vừa mở cửa bước vào nhà, người mẹ nhận ra ngay trên gương mặt con mình một niềm vui mà bà chưa từng thấy bao giờ. Bà liền hỏi con:
– Hôm nay con làm gì mà vui thế?
Cậu bé đáp:
– Hôm nay con ăn uống với Chúa.
Người mẹ ngỡ ngàng chưa hiểu gì thì cậu bé nói tiếp:
– Mẹ biết không, con chưa bao giờ thấy ai có nụ cười đẹp bằng nụ cười của Chúa.
Còn bà cụ, với một niềm vui rộn rã trong tâm hồn, bà thong thả trở về nhà. Vừa bước chân vào cửa thì người con út đã nhận ra ngay sự bình thản khác thường trên gương mặt mẹ mình cho nên cậu hỏi ngay:
– Hôm nay mẹ làm gì mà vui thế.
Bà cụ trả lời:
– Mẹ đã ăn bánh với Chúa.
Trước sự ngỡ ngàng của người con, bà giải thích:
– Con biết không. Chúa trẻ hơn là mẹ nghĩ rất nhiều.
6. Một tác giả vô danh đã tưởng tượng ra một câu truyện sau:
Khi Thiên Chúa tạo dựng xong vũ trụ cũng như muôn người muôn vật thì Ngài gọi các sứ thần lại để hỏi xem nên đặt cái bí ẩn của sự sống – tức là cái quí giá nhất trong chương trình sáng tạo của Ngài – ở đâu?
Một sứ thần góp ý: “Nên chôn vùi nó dưới đất”
Một sứ thần khác: “Nên đặt nó dưới đáy biển”
Một vi nữa lại đề nghị: “Đặt nó trên núi cao là thượng sách”
Thế nhưng Thiên Chúa không đồng ý với những giải pháp kể trên. Ngài nói: “Phải làm thế nào để cho bất cứ người nào cũng có được cái bí ẩn của sự sống mới được”
Cuối cùng một sứ thần liền nói: “Nên đặt cái bí ẩn ấy nơi trái tim con người”
Thiên Chúa nhận thấy đó là điều tốt đẹp, Ngài liền đặt cái bí ẩn của sự sống vào trái tim con người. Và từ đó con người luôn thấy mình có một sức sống tuyệt vời hơn hẳn các loài thụ tạo khác.
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Trong giây phút linh thiêng được kết hợp với Chúa. Chúng con xin được thờ lạy và ngợi khen Chúa. Hợp với muôn triều thần thánh trên trời chúng con xin hát khen mừng Chúa, và dâng lời cảm tạ tri ân tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu,
Tình yêu Chúa thật bao la vô bờ. Trái tim Chúa luôn nhạy cảm trước nhu cầu của nhân loại. Năm xưa Chúa đã chạnh lòng thương đoàn lũ bơ vơ, không người chăn dắt. Chúa đã quy tụ họ lại, giảng dạy cho họ và Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ.
Lạy Chúa, chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, mà Chúa đã biến hóa nhiều thật nhiều đến nỗi phân phát đầy đủ cho trên năm ngàn người ăn no nê mà vẫn còn dư đầy. Chúa thật là Thiên Chúa, đầy quyền năng và rất mực yêu thương chúng con. Xin Chúa ban cho thế giới chúng con đang sống đầy cứng cỏi và khô cằn tình người được có nhiều tâm hồn quảng đại biết đóng góp phần nhỏ bé của mình, để Chúa lại có thể làm phép lạ hoá bánh ra nhiều hầu giúp đỡ những ai đang đói khát và biết xoa dịu những ai khốn cùng. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)