Lời Chúa: Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên

Than khóc Giêrusalem

Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, T.Clêmentê I, Giáo hoàng, tử đạo
Lời Chúa: 

 Lc 19,41-44

41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42 mà nói : “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi ! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HÐGMVN)

Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi ! (Lc 19,42)

 
Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống…)
 
Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”
 
Thành Giêrusalem tượng trưng cho dân do thái và cho tất cả những người được Thiên Chúa ưu ái nhưng đã phụ lòng Ngài nên cuối cùng phải gánh lấy số phận bi thảm.
 
Lỗi của nó là gì ? Là không “nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (câu 41) ; “không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (câu 44). Ơn Chúa ban cho nó rất nhiều, nhất là ơn “bình an” và “viếng thăm”. Nhưng nó đã coi như không, nên không nhận biết để cám ơn, không nhận biết để xử dụng, không nhận biết để hiểu xem ý Chúa muốn nó làm gì khi ban ơn cho nó. 
 
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
 
1. “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi”. Lời Chúa Giêsu rất giống với lời Thánh Vịnh đầu tiên chúng ta đọc mỗi sáng “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” (Tv 94). Lời này mỗi ngày nhắc nhở chúng ta “nhận biết” tiếng Chúa nói với chúng ta suốt ngày, và chúng ta đừng cứng lòng như thành Giêrusalem xưa.
 
2. Ngày nay người do thái vẫn còn đến bên bức tường đổ nát của cổ thành Giêrusalem để than khóc cho số phận của đất nước và tiếp tục chờ mong Đấng Messia “của họ”. Nhưng trớ trêu thay lúc Đấng Messia thật đến viếng thăm họ thì họ đã chối từ và xử tử ! Tại vì họ đã “không nhận biết”. Xin giúp con tỉnh táo “nhận biết” những thời giờ Chúa đến viếng thăm con.
 
3. Mỗi ngày tôi đã để vuột mất biết bao “sứ điệp bình an” do anh chị em trong cộng đoàn đem đến. Tôi đã cố nhắm mắt do thành kiến, ác cảm, giận hờn… Tôi cứ mù quáng chạy miết theo sở thích và ý riêng của tôi. – Lạy Chúa, đáng lẽ con phải khóc cho bản thân, nhưng con cứ thản nhiên tự đắc… và hình như Chúa đang khóc cho tình trạng khốn đốn của con.
 
4. Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ : từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.
 
5. “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương mà nói : Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (Lc 19,41-42)
Chúa Giêsu đã khóc thương dân thành Giêrusalem, và hôm nay Ngài cũng đang khóc thương tôi. 
Ngài khóc thương khi thấy tôi bị xô đẩy quay cuồng bởi dòng xoáy của cuộc đời, nhưng vẫn cố bám vào những “cột mốc” không bền vững và tin đó là cột mốc của mình.
 
Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm nhận được tình Ngài yêu con, biết lấy Ngài làm cùng đích đời con. (Hosanna) 

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Xem thêm:

Bài đọc 1: 1Mcb 2,15-29
15 Các viên chức của vua An-ti-ô-khô, những người có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái chối đạo, đã tới thành Mô-đin để tế thần. 16 Nhiều người Ít-ra-en đã đến theo chúng. Nhưng ông Mát-tít-gia và các con thì họp lại thành nhóm riêng. 17 Các viên chức của vua lên tiếng nói với ông Mát-tít-gia rằng : “Ông là thủ lãnh, là người có danh giá, là bậc vị vọng trong thành này, lại được con cái và anh em ủng hộ. 18Vậy xin mời ông tiến lên làm người đầu tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc, các người Giu-đa và những người còn ở lại Giê-ru-sa-lem đã làm. Rồi ông và các con sẽ được kể vào số bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc.” 19 Ông Mát-tít-gia lớn tiếng đáp lại : “Cho dù tất cả các dân tộc trong vương quốc của vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ phượng của cha ông mình và tuân theo lệnh vua, 20 thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với Giao Ước của cha ông chúng tôi. 21 Không đời nào chúng tôi bỏ Lề Luật và các tập tục ! 22 Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để xiêu bên phải, vẹo bên trái.” 23 Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái công khai tiến ra tế thần trên bàn thờ ở Mô-đin theo như chỉ dụ của vua. 24 Trước cảnh tượng đó, ông Mát-tít-gia bừng lửa nhiệt thành, ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng : ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. 25 Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do-thái tế thần. Rồi ông phá đổ bàn thờ. 26 Ông bừng lửa nhiệt thành đối với Lề Luật giống như ông Pin-khát trong vụ Dim-ri, con của Xa-lu. 27 Rồi ông Mát-tít-gia rảo khắp thành và hô lớn tiếng : “Ai nhiệt thành với Lề Luật và tuân giữ Giao Ước, hãy theo tôi !” 28 Sau đó, ông và các con trốn lên núi, bỏ lại trong thành tất cả tài sản. 29 Bấy giờ, nhiều người Do-thái muốn sống công minh chính trực đã xuống hoang địa và lập cư tại đó.

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HÐGMVN)