Lời Chúa: Thứ Năm tuần 21 mùa Thường Niên

Tỉnh thức

 
 
Thứ Năm tuần 21 mùa Thường Niên – Ngày 25/08: Thánh Luy, hoàng đế & Thánh Giuse Calasanz, linh mục
Lời Chúa: 

Mt 24,42-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. “Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Các con hãy tỉnh thức, các con cũng phải sẵn sàng” (x. Mt 24,42.44)

 
Suy niệm: 

Đặt trong sơ đồ chung của Thánh sử Mátthêu:

Hai chương 24-25: từ hôm nay đến thứ bảy; là bài giảng về thời cánh chung. Ý chính của bài giảng này là ngày tận thế, là việc Đức Kitô quang lâm. Ý tưởng đi liền với ý tưởng trên là những biến cố vô cùng hệ trọng này buộc người ta phải chọn lựa dứt khoát hoặc đón nhận hoặc từ chối Đức Kitô. Nhưng không phải chờ tới lúc đó mới chọn, mà phải chọn ngay từ bây giờ. Do đó, những biến cố và sự chọn lựa ấy có ảnh hưởng tới cách sống hằng ngày trong hiện tại.

A. Phân tích (Hạt giống…)

Hai dụ ngôn về tên trộm và người quản gia:

Dụ ngôn tên trộm: vì không ai biết bao giờ trộm sẽ đến, do đó lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.

Dụ ngôn người quản gia: người quản gia trung tín làm việc theo tinh thần trách nhiệm, lúc nào cũng chu toàn công việc được giao, chứ không phải lúc có mặt chủ mới làm tốt còn khi vắng mặt chủ thì bê tha.

B. Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Áp dụng bài học của dụ ngôn hai tên trộm: Ta biết luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều.

2. Ta cũng có thể áp dụng bài học của dụ ngôn người quản gia trong hai bình diện:

Đối với bề trên: Cách tôi làm bổn phận khi có mặt và khi không có mặt bề trên có khác nhau hay không?

Đối với Chúa: Phải chăng khi gặp nguy hiểm, khi đau yếu, khi đụng chuyện khó khăn tôi mới cư xử đàng hoàng với Chúa?

3. Trách nhiệm: Con người là tạo vật duy nhất gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa.

4. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương bí mật sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói: trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết là việc xây đường ống dẫn khí đốt ở đó có vấn đề.

– Cái gì? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề?

– Đúng vậy.

– Thế chồng bà có báo cho ai biết việc đó không?

– Không.

– Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt)

5. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hoả hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau : người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu : khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.

Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích : Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư ? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. (“Mỗi ngày một tin vui”)

6. Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.

Thật không dễ dàng để có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Đó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà Thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: “Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần giao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.”

Sống chờ đợi Chúa lại đến không phải bằng thái độ thụ động, nhưng là bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô đã mô tả thái độ đó như sau: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.”

Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn tỉnh thức chờ đợi Chúa đến với thái độ tích cực, bằng cách sống tròn đầy đức tin, đức cậy, đức mến trong cuộc sống hằng ngày của con. Amen.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa ở lại với chúng con. Chúa đi vào cuộc đời chúng con để đồng hành, chia sẻ với những lo toan của cuộc sống chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết sống chứng nhân cho Chúa trong đời sống thường ngày.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa. Chúa cho chúng con tham dự vào sự sống trần thế để làm vinh danh Chúa. Chúa cho chúng con trông coi gia sản của Chúa để chúng con ban phát cho nhau những ơn lành đã lãnh nhận từ Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết chu toàn bổn phận Chúa đã trao. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức để chờ đón Chúa đến trong cuộc đời chúng con. Chúa đến không chỉ mỗi ngày trong Thánh Thể, nhưng còn nhiều lần trong ngày, qua dung mạo của tha nhân đang cần chúng con yêu thương, cảm thông và giúp đỡ. Có thể họ là những người thân trong gia đình mà chúng con đang phải có trách nhiệm yêu thương. Có thể họ là những người nghèo khổ, đói rách hay bệnh tật đang cần chúng con cảm thông, giúp đỡ. Xin cho chúng con đừng trốn tránh hay làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân và mau mắn giúp đỡ với lòng bác ái vị tha.

Lạy Chúa, xin dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa để chúng con ra đi gieo yêu thương vào lòng nhân thế hôm nay. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)