Lời Chúa: Thứ Ba Tuần thứ 6 Phục Sinh

Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian

Thứ Ba Tuần thứ 6 Phục Sinh
Lời Chúa: 

 Ga 16,5-11

5Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: “Thầy đi đâu? 6Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; 10về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; 11về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử (Ga 16,8)

 
Suy niệm: 

Phân tích

Tiếp theo bài giáo lý về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian.

Vì là Thần chân Lý, Chúa Thánh Thần sẽ tố cáo thế gian về tất cả những gì sai lầm của nó:

“Về tội lỗi”: người Do Thái coi Chúa Giêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh Chúa Giêsu là Đấng công chính của Thiên Chúa.

“Về án phạt”: Thượng hội đồng Do Thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người Do Thái cho rằng án xử ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh án xử đó là bất công.

Suy gẫm

1. Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần là Parakletos của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết tiếp một vai trò nữa của Chúa Thánh Thần: Ngài là “kẻ chứng minh thế gian sai lầm,” nghĩa là vạch cho con người thấy những sai lầm của mình.

Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho thấy 3 thứ sai lầm:

Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”: đối với người Do Thái xưa, đó là tội đã không tin Chúa Giêsu, còn đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Mỗi người đều có tội, đều có nhiều tội, nhưng lắm khi tự mình không thấy tội mình, do đó cần phải có người vạch ra cho ta thấy, người đó là Chúa Thánh Thần.

Sai lầm thứ hai là “về sự công chính”: Đối với người Do Thái, họ đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng công chính nên đã giết Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, đây là thứ sai lầm khi nhận định về Chúa. Rất nhiều khi chúng ta nhận định sai về Chúa: bóp méo hình ảnh của Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Thí dụ:

– Kẻ cố chấp miệt mài trong tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô cùng;

– Kẻ khắt khe hay lên án người khác thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng công minh nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi;

– Kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang trái thì cái phao của họ là “Thiên Chúa là tình yêu” để tự an ủi: Yêu nhau thì có tội gì đâu…

Sai lầm thứ 3 là “về việc xét xử”: ngày xưa Thượng hội đồng Do Thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người Do Thái cũng cho rằng án ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Đây là một thứ sai lầm do dự và do dư luận. Chúng ta ngày nay nhiều khi cũng dựa vào dư luận để có thành kiến không đúng về người khác.

2. Một nguyên tắc triết lý cơ bản là “Errare humanum est” nghĩa là đã là người thì thế nào cũng có sai lầm. Cho nên nhận ra những sai lầm của mình là một điều cần thiết và rất hữu ích để còn có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Từ đó lời khuyên thứ nhất của đoạn Tin Mừng này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn ý thức mình không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm, mình cần tự nhận ra những sai lầm ấy.

Trong bài hát về Chúa Thánh Thần có câu: “Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài… Ngài ơi xin Ngài hãy đến chiếu sáng thế gian u mê sai lầm, Ngài ơi mau đến hiển linh Ngài ơi.” Lời khuyên thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và đúng cái sai lầm của mình.

3. Chú bé bị mù từ bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ dẫn chú ra đường và mở mắt che, chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên: “Mẹ ơi, sao bao lâu nay mẹ không nói cho con hay đất trời đẹp như thế này.” Bà mẹ bật khóc nói: “Con ạ! Mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao hiểu được.”

Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa.

 

Bài Ðọc I: Cv 16, 22-34

“Anh hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu thoát”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Ðược lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại.

Ðến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: “Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây”. Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?” Hai ngài đáp: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ”.

Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.