Quyền năng Chúa
Mc 1,21-28
21 (Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. 22 Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
23 Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên 24 rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. 25 Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” 26 Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. 27 Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Đây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. 28 Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền.” (Mc 1,22)
A- Phân tích (Hạt giống…)
1. Đoạn Phúc Âm này mở đầu cho một đơn vị văn chương trải dài từ câu 21 đến câu 34, được gọi là “Một ngày ở Caphácnaum”, trong đó Marcô liệt kê và mô tả những việc làm tiêu biểu của Chúa Giêsu trong một ngày. Việc thứ nhất là giảng dạy, việc thứ hai là trừ quỷ. Đáng chú ý là Chúa Giêsu làm cả hai việc một cách rất uy quyền.
2. “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”: Khi giảng dạy, các rabbi do thái phải dựa theo truyền thống cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.
3. Và cũng bằng uy quyền đặc biệt ấy, Chúa Giêsu làm một hành động phi thường, là buộc quỷ xuất khỏi một người bị nó ám.
4. Phản ứng của dân chúng: “Mọi người sửng sốt và hỏi nhau thế nghĩa là gì”: Họ hỏi nhau về nét mới mẻ trong lời giảng của Ngài và về uy quyền đặc biệt của Ngài trên cả tà thần. Câu hỏi này cũng tương đương với câu hỏi “Ông là ai?”, là câu hỏi sẽ được lập đi lập lại mãi trong tác phẩm.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Mở đầu hoạt động công khai của mình, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhằm thuyết phục người ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, quyền năng trong lời giảng dạy và trong hoạt động. Thái độ đầu tiên ta phải có đối với Chúa Giêsu cũng là phải tin tưởng vào quyền năng của Ngài.
2. Nhưng tin tưởng không phải chỉ là tin suông mà còn phải dám phó thác vào Ngài, đừng như câu chuyện sau:
Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.” Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế.” “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.” Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.” Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!” (Trích “Món quà giáng sinh“)
3. Một bé trai hỏi bố:
– Quỉ lớn hơn con không?
– Lớn hơn.
– Quỉ lớn hơn bố không?
– Lớn hơn.
– Quỉ lớn hơn Chúa Giêsu không?
– Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỉ.
Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười: “Vậy con không sợ quỉ.” (Góp nhặt)
4. “Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: ‘Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.” (Mc 1,27)
Vào đại học, tôi cảm thấy mọi cái đều xa lạ. Tôi náo nức chờ buổi học đầu tiên. Ngay buổi đầu, với phương pháp giảng giải, thầy đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi thấy thầy thật vĩ đại. Tôi nghĩ: Thầy quả là đường dẫn tôi vào đời. Còn Chúa, Đấng đã dựng nên cả tôi và mọi người xung quanh. Chúa cho tôi tự do, dạy tôi biết yêu thương, biết cho đi và hy sinh vì anh em. Sao tôi lại có thể dửng dưng trước tình yêu và quyền năng của Chúa?
Lạy Chúa, xin cho con biết ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu Chúa đã và đang làm cho con cũng như hết mọi người mỗi ngày. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con tin thờ Chúa là Thiên Chúa quyền năng hằng hiện hữu giữa muôn loài tạo vật chúng con. Mọi vật đều bởi Chúa mà ra. Muôn loài đều nương nhờ sức sống của Chúa và đêu quy hướng về Chúa. Xin cho chúng con luôn biết quy hướng về Chúa để tận hưởng ân lộc của Chúa và cùng với vạn vật hát khen mừng Chúa. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là hạt cát thật bé bỏng trong vũ trụ bao la này, để chúng con biết nhìn nhận nơi quyền năng sáng tạo của Chúa.
Lạy Chúa, nếu như mọi vật tồn tại đều cần có nguyên nhân tác động, thì muôn vàn vạn vật sống trên trái đất này đều cần có một nguyên nhân tổng thể để dẫn dắt, an bài. Nguyên nhân đó không thể đến từ con người. Nguyên nhân đó càng không thể tự mình mà có. Cần phải có một Ðấng Thượng Trí, Thượng tôn, là chính Chúa tác sinh muôn loài.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Trong cuộc sống dương gian, Chúa đã làm thật nhiều phép lạ để thể hiện quyền năng của mình. Chúa chữa lành bệnh tật. Chúa xua trừ ma quỷ, phục sinh kẻ chết. Chúa còn làm cho sóng gió ba đào phải dưới quyền Chúa. Xin cho chúng con luôn tin nhận Chúa. Xin giúp chúng con biết ca khen về quyền năng của Chúa. Quyền năng của Chúa đã an bài mọi sự, đã tạo dựng nên con, đã dẫn dắt chúng con đi trong tình thương của Chúa. Xin giúp chúng con luôn nhận ra phép lạ Chúa vẫn làm trong cuộc sống của chúng con để hết lòng ca hát, ngợi khen Chúa. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)