Con Người đến để tìm và cứu
Lc 19, 1-10
1Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. 5Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)
“Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19,8)
A. Phân tích ( Hạt giống…)
1. Mở đầu câu chuyện, ông Dakêu được mô tả là kẻ tội lỗi : thu thuế (lại còn “đứng đầu những người thu thuế”) và lo thu tích của cải (“và là người giàu có”) – Cuối câu chuyện, ông thay đổi hẳn : “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” ; phân phát tài sản cho người nghèo (là điều Chúa Giêsu thường khuyên làm. x. Lc 12,33-34 16,1-8 16,9-13 v.v.) ; đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác.
2. Có hai nhân tố tạo nên sự thay đổi đó :
- một là những cố gắng của chính Dakêu : “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.
- hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu : Ngài “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống mau đi”, Ngài đưa đề nghị đến nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự giới thiệu là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
B. Suy niệm ( … nảy mầm)
1. Ơn cứu độ là kết quả sự hợp tác của hai phía : con người (Dakêu “tìm cách xem” mặt Chúa, “chạy tới phía trước”, “leo lên cây sung”) và Thiên Chúa (Chúa Giêsu “nhìn lên”, gọi Dakêu, và đến “trọ nhà” ông).
2. Dakêu là hình ảnh :
- của những người giàu : giàu tiền nhưng nghèo đạo đức thì trong lòng vẫn còn thiếu thốn và trống trải. Dakêu đi tìm Chúa Giêsu để lấp đầy khoảng trống thiếu thốn trong lòng mình.
- của người môn đệ : Tin Mừng Luca thường ghi lại những lời Chúa Giêsu khuyên môn đệ hãy bán tài sản để mua Nước Trời, hãy đem tài sản phân phát cho người nghèo rồi theo Ngài. Dakêu đã làm đúng như vậy.
- của người hoán cải : trước khi hoán cải, Dakêu thu gom tiền bạc, làm hại người khác, ích kỷ. Sau khi hoàn cải, ông không tiếc tiền, dùng tiền một cách quảng đại để đền bù thiệt hại mình đã gây ra cho người khác, lại còn bố thí cho người nghèo. Khi hoán cải, người ta trở nên quảng đại, vì người ta biết rằng những gì mình cho người khác chẳng đáng là gì so với những gì Chúa ban cho mình.
3. “Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta chìa khóa của sự bình an, đó là hãy sống quảng đại. Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu chúng ta ra khỏi chính mình để sống quảng đại với người khác” (trích “Mỗi ngày một tin vui”).
4. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu chắc không phải tình cờ. Một trong những ý định khiến Chúa Giêsu đi ngang qua Giêrikhô là để tìm cứu Dakêu, như lời Ngài nói “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần kẻ “hư mất” chịu khó tìm đến Chúa để lãnh nhận thôi.
5. Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ : “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đầy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.
Việc hoán cải một tập thể phải bắt đầu từ một con người. Muốn hoán cải một gia đình thì một người nào đó trong gia đình phải khởi sự hoán cải trước. Muốn hoán cải một cộng đoàn thì phải có ai đó trong cộng đoàn khởi sự trước. (Barclay)
6. “Ông Dakêu đứng lên thưa với Chúa rằng : Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8)
Ngồi học bài mà tôi không thể yên được vì thỉnh thoảng tiếng la ó cổ vũ cho đội tuyển VN trong Cúp Châu Á lại rộn lên. Bầu khí gia đình tôi vui hẳn lên. Ai cũng xôn xao phấn khởi trước những bàn thắng của đội nhà. Đến lớp, các bạn tôi dường như gần gũi nhau hơn và nói về thắng lợi của đội tuyển VN như là thắng lợi của chính mình. Niềm vui khiến người ta gần gũi nhau hơn.
Niềm vui của một Dakêu được gặp Chúa, được Con Thiên Chúa “đụng chạm” đến đã cho ông sức mạnh phá đổ mọi hàng rào ngăn cách giữa mình với anh em.
Giêsu ơi, xin Lời Chúa và Thánh Thể mà con được diễm phúc lãnh nhận trở nên niềm vui, nguồn hạnh phúc cho con, để con trở nên đẹp hơn và xích lại gần anh em con hơn. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Chúa Giêsu, khi đến với chúng con, Chúa thường đến như một người hành khất.
Chúa cần chút nước của người phụ nữ Samari. Chúa cần năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa cần nhà ông Giakêu để nghỉ chân. Chúa khiêm tốn cúi xuống xin chúng con, để rồi tuôn đổ trên chúng con nhiều gấp bội.
Xin dạy chúng con biết cách đến với mọi người, và khám phá ra đốm lửa nhỏ của sự hiện vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi. Ước gì chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, dám hy vọng không ngơi vào lòng tốt của mỗi người, và can đảm tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)
Xin mời xem thêm:
BÀI ĐỌC I:
Kn 11,22 – 12,2
“Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật”.
Bài trích sách Khôn Ngoan.
Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.
Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.
Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.
BÀI ĐỌC II:
2 Tx 1,11 – 2,2
“Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)