Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh A Chúa Chiên Lành

Được sống và sống dồi dào

 
 
Chúa Nhật IV Phục Sinh, năm A
Lời Chúa: 

Ga 10, 1-10

1“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.

5Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 7

Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh /  HĐGMVN)

Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. (Ga 10,10)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên:

– “Ai không qua cửa chuồng chiên mà vào thì là quân trộm cướp”: Chúa Giêsu ám chỉ những người biệt phái và luật sĩ. Họ không được Thiên Chúa ủy nhiệm, họ chỉ dành quyền lãnh đạo tôn giáo, không phải để mưu cầu lợi ích cho dân, mà để tìm vinh dự và quyền lợi riêng.

– “Ta là cửa chuồng chiên”: Chúa Giêsu là mục tử đích thực của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được người canh gác mở cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi theo, Ngài dẫn chúng đi ăn…

B. Suy niệm (… nẩy mầm)

1. Ngày hôm nay được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành. Những lời Chúa Giêsu tự mô tả mình là mục tử tốt lành gợi cho chúng ta hai tâm tình:

a/ Vui vì được sống dưới sự dẫn dắt, chăm sóc và che chở của Chúa.

b/ Cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, tu sĩ.

2. Chúa chúng ta không phải là một Thiên Chúa cao vời xa cách, mà là một Thiên Chúa rất gần gũi yêu thương, như một mục tử sống sát với đàn chiên, hiểu biết, yêu thương, chăm sóc từng con chiên một… Giả như tôi có là một con chiên yếu đau, què quặt, Chúa đã biết và vẫn thương tôi, hơn nữa còn chăm sóc tôi đặc biệt hơn những chiên khác. Vì thế tôi nên phó thác sống theo sự dẫn dắt của Ngài.

3. Từ lâu, tôi vẫn cứ ấm ức không hiểu tại sao khi minh họa chân dung mình trong dụ ngôn Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lúc thì ví mình như Mục tử, lúc lại ví mình như cửa chuồng chiên. Gần đây, một cuốn sách đã giải tỏa cho tôi thắc mắc đó. Sách viết: một du khách đến Palestin, gặp được một mục tử đang làm việc tại một trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh vật biến ảo của cánh rừng. Thấy thế, du khách hỏi : “Đó là trại cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu ?” Người mục tử hỏi lại: “Cửa hả? Chính tôi là cửa. Ban đem tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi.” Thế đó, đức Giêsu đâu có lẫn lộn khi trình bày chân dung mình: Ngài vừa là mục tử vừa là cửa vào. (Góp nhặt)

4. Người mục tử biết từng con chiên của mình và “gọi tên từng con” : mỗi người chúng ta có những nét riêng về quá khứ, cá tính, khả năng, tội lỗi, nhược điểm… Do những nhược điểm của tôi mà người khác coi thường tôi… Vì không hiểu những nét riêng của tôi mà người khác không thông cảm cho tôi… Nhưng Chúa Giêsu biết rất rõ về tôi, nên Ngài yêu thương tôi, thông cảm cho tôi, và có cách riêng để chăm sóc và hướng dẫn tôi.

“… và chiên nghe tiếng của người đó”: đáp lại, tôi cũng phải “nghe tiếng” Chúa Giêsu và đi theo Ngài với trọn niềm tin yêu phó thác.

5. “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.”

“Tôi xin chọn Người làm gia nghiệp tôi mãi mãi. Trọn đời tôi trót cả đời tôi, trọn tuổi xuân, dâng cả tình yêu luôn với ước mơ…” Đối với tôi, đó không chỉ là một bài hát, là những nốt nhạc, những là tâm nguyện, là cuộc đời của một chàng trai đã dám từ bỏ tất cả: tương lai rực rỡ, một người yêu tuyệt vời và cả những cuộc vui cùng bè bạn, để bước theo tiếng Chúa gọi.

Đã bao lần tôi muốn quyết định… những rồi lại thôi. Muốn đặt bước chân mình lên bước chân Người, định đưa tay tôi ra để Người nắm lấy và dẵn tôi đi, nhưng lại hèn nhát rụt tay lại.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, và xin cho con biết đón nhận thánh ý Người.  (Epphata)

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, trải qua sự chết và phục sinh, Chúa đã trở thành nguồn sống mới. Chúa Phục sinh là mạch sống vô tận được khơi lên trong chúng con. Chúng con sống trong Ngài, bởi Ngài. Chính nhờ đó mà chúng con được sống dồi dào. Đó là điều kỳ diệu nhất Thiên Chúa có thể làm cho con người và cũng là đỉnh cao nhất con người có thể mơ ước và đạt tới. Xin cho chúng con luôn biết lựa chọn Chúa là đường, là sự thật và là sự sống, để cuộc sống của mỗi chúng con luôn dồi dào ơn thánh Chúa, dồi dào tình yêu thương.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, chúng con cảm tạ Chúa đã đưa chúng con thoát khỏi sự chết, mở đường cho chúng con đi vào cõi sống. Mỗi ngày qua đức tin, qua Giáo hội và qua bí tích, Ngài còn thông ban cho chúng con nguồn sống thần linh vô tận của Ngài. Nhờ Ngài chẳng những chúng con được sống mà còn được sống dồi dào. Xin cho chúng con cảm nghiệm sâu xa tình thương nhưng không Chúa dành cho chúng con để chúng con cũng biết chuyển trao tình yêu, sự sống đến anh chị em chúng con. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Xin Mời xem thêm:

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14a. 36-41

“Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Đấng Kitô”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô”.

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” Phêrô nói với họ: “Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến”. Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng: “Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này”. Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 2, 20b-25

“Anh em đã trở về cùng Đấng canh giữ linh hồn anh em”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Đức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Đấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Đấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em.

(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh /  HĐGMVN)