TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Mc 10,46-52
“Lạy Thầy, xin cho con được xem thấy.”
(Mc 10,51)
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa cho một người mù.
A. Hoàn cảnh của người mù:
Người mù trong bài Tin Mừng hôm nay có tên là Bartimê: Con của Timê. Như vậy người ta chỉ biết anh là con của Timê chứ người ta không biết tên thật của anh là gì.
Hoàn cảnh nghèo đã khiến anh phải sống bằng nghề ăn xin. Nói một cách văn chương thì ta bảo là khất thực.
Tin Mừng không cho chúng ta biết anh ta bị mù từ bao giờ nhưng xác định thật rõ chỗ anh ta chọn để hành nghề của mình. Đó là vệ đường, chỗ có nhiều người qua lại. Chọn cho mình một chỗ để ngồi khất thực bên vệ đường nơi có nhiều người qua lại là một chọn lựa có một ý đồ rõ rệt: Tỷ lệ những người mà anh ta hy vọng sẽ giúp đỡ anh sẽ cao hơn.
Tin Mừng không cho chúng ta biết làm sao mà anh đã biết Chúa thế nhưng chúng ta có thể phỏng đoán rằng anh ta đã được người ta nói cho anh về nhân vật đặc biệt này.
Hôm đó anh đang ngồi ở vệ đường để khất thực như thường lệ, một công việc được lặp đi lặp lại…nhiều khi đến nhàm chán, thì bỗng dưng như có một cái gì khác thường sắp sửa xẩy ra: những người qua lại có vẻ nhiều hơn. Có lẽ có ai đó đã báo cho anh ta biết về việc Chúa Giêsu sắp đi ngang qua cho nên ngay khi Chúa còn cách xa, anh đã kêu thật lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu con Vua Đavid, xin thương xót tôi.”
Nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu đã nghe thấy những lời đó. Đáng lý ra thì họ phải thương anh, tìm cách cho anh được tiếp cận với Chúa. Thế nhưng không hiểu lý do gì mà không những họ không giúp đỡ mà ngược lại họ còn ngăn cấm anh nữa.
Bất chấp sự ngăn cấm của mọi người anh càng la to hơn và sự việc này đã đến tai Chúa. Chúa dừng lại và cho gọi anh tới. Thái độ của Chúa khác hẳn với thái độ của nhiều người và lập tức thái độ của những người đi theo Chúa cũng thay đổi theo. Bây giờ không còn phải là những lời ngăn cấm mà là những lời đầy an ủi: “Hãy an tâm đứng dậy. Ngài cho gọi anh.”
Thật là cơ hội ngàn vàng đã tới. Quá vui sướng và tràn trề hy vọng, anh vứt bỏ chiếc áo choàng cũ kỹ anh vẫn mang trên mình để được nhẹ nhàng đến với Chúa.
Bây giờ Chúa đã đối diện với anh nhưng anh chưa nhận ra Người. Người thừa biết anh muốn gì thế nhưng để cho anh cảm thấy anh đang được gần Chúa, Chúa đã sử dụng ngôn ngữ có âm thanh để giúp anh nhận ra điều đó. Người hỏi anh:
“Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”
Không cần phải suy nghĩ anh thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho con được xem thấy”Cách anh sử dụng để xưng hô với Chúa “Rabboni: Lạy Thầy” là cách biểu lộ lòng kính trọng.
Và bằng một cử chỉ và thái độ đầy tình yêu thương Chúa nói với anh:
“Được đức tin của anh đã cứu anh.”
B. Bài học
Điều mà anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay xin với Chúa cũng chính là điều mà mỗi người chúng ta cần xin: Xin cho con thấy được.
Thấy là một sinh hoạt tâm lý rất quan trọng trong sinh hoạt tri thức của con người. Chúa đã gọi “con mắt là cửa linh hồn”. Chúng ta cũng vẫn thường nói: “Trăm nghe không bằng mắt thấy”.
Mù không phải là không có mắt nhưng cặp mắt không còn khả năng thị giác. Người mù xin với Chúa: Xin cho con thấy được có nghĩa là xin Chúa phục hồi lại khả năng thị giác cho anh: (Restore my sigth). Không có khả năng thị giác người ta sẽ bị thiếu xót rất nhiều trong nhận thức. Thiếu sự nhận thức, con người sẽ dễ bị rơi vào tình trạng sai lầm.
Nói tới đây tôi nhớ tới một giai thoại có liên hệ đến một nhà bác học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 này. Đó là nhà bác học Albert Einstein.
Một hôm có một sinh viên không hiểu được thuyết “Tương đối” của ông cho nên mạnh miệng xin ông cắt nghĩa cho. Thay vì trả lời theo kiểu một bài học thì ông lại trả lời bằng một câu chuyện. Ông bảo: “Một hôm tôi đi đường, tôi gặp một người mù, tôi hỏi anh ta: Anh có muốn uống một ly sữa không?”
Người mù hỏi lại tôi:
– Sữa là gì?
Tôi cắt nghĩa:
– Sữa là một thứ nước trăng trắng.
Người mù hỏi lại:
– Nước thì tôi biết nhưng trắng là thế nào?
– Trắng là cái mầu giống như lông con ngỗng.
– Lông thì tôi biết rồi nhưng con ngỗng là con như thế nào?
– Ngỗng là một loại chim có cái cổ dài và cong được.
– Cái cổ thì tôi biết nhưng cong là gì?
Nhà bác học Einstein liền nắm cánh tay của người mù dang thẳng ra và bảo:
– Thế này gọi là ngay. Rồi ông bẻ cánh tay lại và bảo:
– Thế này thì gọi là cong.
Vừa nói đến đây thì người mù vui sướng như đã khám phá ra được một chân lý bí mật…. Anh ta nói với nhà bác học:
– Bây giờ thì tôi hiểu rồi… Sữa là cái cánh tay cong lại giống cái cổ của con ngỗng
Chúng ta có mắt. Mắt chúng ta sáng. Từ chỗ chúng ta thấy đến chỗ nhận biết, con đường chẳng có bao xa. Nhưng vấn đề là trong cuộc sống chúng ta có thực sự thấy được tất cả hay không?
“Lạy Chúa xin cho con thấy được.”
Lời cầu xin xem ra có vẻ rất đơn sơ, nhưng xét cho thấu tình đạt lý thì chẳng phải là một điều dễ. Tại sao? Tại vì tầm nhìn của cặp mắt chúng ta quá bị hạn chế.
Một tác giả Ấn Độ có kể câu truyện ngụ ngôn được Thu Giang Nguyễn Duy Cần ghi lại trong tác Phẩm “Cái cười của thánh nhân” như sau :
Có một người kia sinh ra đã bị mù. Sống trong một căn phòng nhưng bởi không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin vì tôi không thấy”
Một vị lương y đem lòng thương hại đi tìm một thứ linh dược trên dẫy Hy-mã-lạp-sơn về chữa anh ta lành bệnh. Anh ta sung sướng tự phụ bảo:
– Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi.
Nhưng có kẻ nói với anh:
– Bạn ơi, bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này. Như thế thì có là bao. Ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, còn biết bao vẻ đẹp lộng lẫy và màu sắc mà bạn chưa thấy
Nhưng anh ta không tin.
– Làm gì có được những cái đó: tôi chưa thấy những cái đó, những gì có thể thấy được tôi đã thấy tất cả rồi.
Một y sĩ khác liền leo lên tận núi cao, được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dượckhác đem về giúp cho anh ta có được cặp mắt nhìn xa hơn những vật chung quanh căn phòng. Bấy giờ thì anh ta thấy được mặt trời, mặt trăng, các tinh tú. Mừng quá! Rồi lòng tự phụ dâng lên, anh thốt lên:
– Trước đây tôi không thấy, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế bây giờ chẳng còn cái gì mà tôi không thấy không biết, đâu còn ai hơn tôi được
Nhưng có một hiền giả có cặp mắt thần nói với ánh ta:
– Cậu ơi. Cậu vừa hết mù nhưng cậu vẫn còn chưa biết gì cả. Tại sao lại quá tự phụ như thế. Cũng như khi cậu ở trong căn phòng. Tầm con mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây tầm mắt cậu vượt khỏi bốn bức tường và thấy được nhiều vật xa hơn. Nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai, cậu làm gì biết được những vật ngoài ngàn dặm mà tai mắt cậu không làm sao nghe được, thấy được. Cậu có thấy được những nguyên nhân cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu không? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống, còn biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không thể kể như cát sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ rằng tôi đã thấy cả, tôi biết cả? Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng và lấy sáng làm tối.
Lạy Chúa xin cho chúng con thấy được. Mãi mãi chúng ta phải xin như thế.
Thấy những gì? Thấy những điều Chúa muốn cho chúng ta thấy để chúng ta được biết bước đi dưới sự dẫn dắt của Chúa, thấy được tình thương của Người để chúng ta cảm nghiệm được niềm vui khi được làm con cái của Người. Hạnh phúc hay bất hạnh ở trong cuộc sống tùy thuộc rất nhiều vào sự việc này. Thấy được tình thương của Chúa chúng ta sẽ có hạnh phúc. Không thấy được tình thương của Chúa chúng ta sẽ bất hạnh. Amen.
THỨ HAI TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Lc 13,10-17
“Những kẻ đạo đức giả kia!
Thế ngày Sabat, ai trong các người lại không cởi dây,
dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” (Lc 13,15)
1. Câu chuyện này cho thấy rõ ý nghĩa giải phóng của ngày Sabat:
Cách chung, Luật Chúa và luật Giáo Hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi trói buộc của tội lỗi và tật xấu.
Cách riêng, luật thánh hóa ngày Sabat (nay đổi thành ngày Chúa nhật) cũng thế. Vậy phải hiểu luật và giữ luật theo tinh thần mới. Còn nếu cứ giữ luật vì luật, thì luật sẽ trở thành xiềng xích và sẽ là cớ cho nhiều lạm dụng bởi những động lực không tốt của con người.
Có một tín hữu nọ đi tới một quán ăn, anh biết quán ăn có nhiều món cá lạ, nhưng là ngày thứ sáu buộc phải kiêng thịt mà trong lòng thì lại thích ăn thịt. Vì thế, trước hết anh gọi những món cá mà anh biết chắc chắn chẳng bao giờ có, anh nói:
– Cho tôi đĩa cá sấu, cho tôi đĩa cá voi, cho tôi đĩa cá mập….
Chủ quán trả lời:
– Không có! Không có! Không có!
Thế rồi anh tự nhủ:
– Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đó là con đã gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi, con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy.
Cầu nguyện xong, anh thi hành liền, anh tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để khỏi phải bị lỗi luật Chúa!
2. Ngày Chúa nhật phải là ngày giải phóng. Trong ngày đó tôi phải ca tụng tạ ơn Chúa vì đã giải phóng tôi. Tôi phải quan tâm giải phóng chính mình khỏi mọi thứ xiềng xích xấu xa đang trói buộc mình, và cũng phải quan tâm giải phóng người khác khỏi lao nhọc, buồn khổ.
Việc Chúa chữa người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nằm trong ý nghĩa đó.
Chúa đối xử như vậy nhưng con người thì lại không được như Chúa.
Trong 40 chuyện rất ngắn do Hội Nhà văn xuất bản năm 1994, có một câu chuyện rất ngắn với tựa đề “Tính cách” của tác giả Nguyễn thị Hoài Thanh. Chuyện có nội dung như sau:
Mẹ tôi luôn chai lì trước cán cân cơm áo, nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những giọt nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên ăn theo một cách ngon lành. Có lần cha tôi nói giỡn:
– Coi chừng trôi tivi…
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hối hả chạy ra chặn đường em bé bán trứng vịt lộn:
– Mày biến đâu tài thế! Có chui xuống đất rồi cũng gặp tao.
Bà vừa nói vừa dằn mũng trứng đếm lấy để trừ nợ.
– Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm.
Mẹ tôi cười:
– Nhà này cũng đang ốm đây, khỏi bẻm mép.
Con bé chưng hửng lã chã nước mắt nhìn cái mũng không, rồi bưng lên xiêu vẹo bước đi. Cha tôi cám cảnh, rút mùi xoa chấm mắt. Lâu lâu tivi phát vở kịch “Cô bé nghèo bán trứng vịt bị xiết nợ”. Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
Chuyện ngắn trên đây có thể là bức tranh sống động hàng ngày. Người ta dành nước mắt cho những vở kịch trong phim ảnh, trên sân khấu hơn là cho những chuyện xảy ra mỗi ngày trước mắt; người ta xót thương trên môi miệng hơn là bằng những hành vi cụ thể.
Thời Chúa Giêsu, có lẽ những người Pharisêu đã đối xử với người đàn bà trong Tin Mừng hôm nay như thế. Họ nhân danh lề luật, nhất là luật ngày hưu lễ, để biện minh cho thái độ sống ích kỷ của mình.
Một bà đạo đức kia rất có lòng quí mến và tôn trọng các vị tu hành. Bà đã nhận chu cấp cho một đệ tử có chí nguyện từ bỏ cuộc sống trần gian để dấn thân theo con đường tu thân tầm đạo.
Suốt hai mươi năm trường, bà không ngừng chăm lo và khuyến khích vị tu sĩ trẻ gắng công tu trì, tĩnh niệm, chuyên cần để hiểu pháp luật. Trong một khu vườn thanh tịnh âm u, xa khuất mọi tiếng ồn ào cõi thế, bà dựng một tịnh xá để ngày đêm vị tu sĩ chuyên tâm tu luyện.
Hai mươi năm trôi qua, một ngày nọ, người đàn bà đạo đức ấy muốn biết công trình tu thân luyện đức của nhà sư đã đạt tới mức độ nào, bà liền bày ra một cuộc thử thách thật cam go.
Bà nhờ một thiếu nữ xinh đẹp giúp bà trong cuộc thử thách này. Đúng nửa đêm, khi nhà sư đang trầm ngâm trong tĩnh niệm, thiếu nữ liền đẩy cửa tịnh xá tiến vào trước mặt nhà sư và bày trò cám dỗ ông. Đôi mắt nhìn xuống, nét mặt thanh thản, nhà sư vẫn bất động.
Nhưng sau một hồi lâu như không thể cầm mình được nữa, nhà sư liền nắm cây chổi quất lia lịa vào người thiếu nữ và xua đuổi nàng ra khỏi tịnh xá.
Khi nghe nàng kể lại sự kiện, người đàn bà đạo đức buồn rầu hỏi nàng:
– Thế ra hắn không nói với con được một lời cảm thông ư? Hắn không tỏ dấu gì một tâm hồn đã siêu thoát và tự chủ ư?
Rồi bà thất vọng thốt lên:
– Ôi, hai mươi năm trường tu luyện, thật vô ích! Hai mươi năm ân cần săn sóc và mong đợi của ta, thật uổng phí!
THỨ BA TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Lc 13,18-21
“Nước Thiên Chúa
giống như chuyện nắm men bà kia
lấy vùi vào ba thúng bột,
cho đến khi tất cả bột dậy men.”
(Lc 13,21)
Với hai dụ ngôn vừa nghe, Chúa Giêsu muốn nói đến sự phát triển của Nước Trời.
1. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13,19)
Tại một nghĩa trang bên Đức, có một ngôi mộ rất được chú ý đó là ngôi mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới được xây bằng xi măng cốt sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý vì đó là ngôi mộ của một người đàn bà giàu có nhưng không tin có Chúa cũng chẳng tin có sự sống lại. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mồ.
Trên mộ, bà ta xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra.”
Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố, thế nhưng một hôm, tình cờ có một hạt giống từ một con chim bay trên trời rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, lớn lên thành cây và rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng, làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra.
Hạt cải cũng tương tự như hạt giống kể trên. Nó thật nhỏ bé nhưng có một sức sống mãnh liệt bên trong. Khi ví Nước Trời như hạt cải vô nghĩa kia, Chúa Giêsu cũng muốn nói tới sức sống bên trong của nó. Nhờ có sức sống bên trong mà nó có thể trở thành một cây lớn, đến độ chim trời có thể đến ẩn náu dưới bóng nó được.
Nhìn vào con số ít ỏi những tín hữu ngày hôm nay trên thế giới (thí dụ tại Châu Á mới chỉ có chừng 2,8%) nhiều khi chúng ta thấy thất vọng. Chúng ta thất vọng vì chúng ta thường tính toán dựa trên những số lượng mà không để ý đến phẩm chất. Ngày xưa, lúc khởi đầu cũng như thế nên Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa.
Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Các ngài đã làm xong công việc của mình. Ngày nay trong Giáo Hội, Thiên Chúa cũng đang dùng những tâm hồn bé nhỏ, những nhóm Kitô hữu nhỏ làm hạt giống. Họ là những tâm hồn khiêm tốn nhưng siêng năng cầu nguyện; họ là những nhóm nhỏ trong giáo xứ đang cùng nhau học hỏi và sống Lời Chúa. Và chuyện quan trọng ở đây không phải nhỏ hay lớn, mà là sức sống. Sức sống ấy chính là Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội: “Thầy sẽ ở với chúng con cho đến tận thế.”(Mt 28,20)
2. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)
Dụ ngôn “Men Trong Bột” nói lên sức men thấm nhập toàn thúng bột, làm cho bột dậy men. Chúa không chú trọng đến số men dùng, mà chú trọng đến sức mạnh dậy men. Cũng như men pha vào bột làm cho nó dậy men có hương vị thì giáo lý của Nước Trời cũng sẽ thấm nhập vào thế giới làm cho nó sẽ trở nên tốt hơn và làm cho mọi người có khả năng nhận biết Tin Mừng. Tinh thần bác ái Công giáo dạy chúng ta không nên khơi dậy sự tiêu diệt, sự trả thù mà hãy nghĩ đến việc hoán cải như thứ men nhỏ bỏ vào hũ bột. Tất cả bột sẽ dậy men. Như vậy, bổn phận của người Kitô hữu là đem Tin Mừng vào mọi cơ cấu gia đình và xã hội của mình, phải vận động để ảnh hưởng Tin Mừng được thể hiện trong luật pháp, đoàn thể cũng như quốc gia và mọi sinh hoạt của xã hội.
Ernest Gordon có viết cuốn sách nhan đề “Ngang qua thung lũng sông Wai”, trong đó ông mô tả những chuyện có thật xảy ra tại trại tù binh Nhật dọc bờ sông Wai trong thế chiến thứ hai. Tại đây 12 ngàn tù binh chết vì bệnh tật, vì bị đối xử tàn nhẫn trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa. Họ làm việc cực nhọc dưới nắng nóng gần 50 độ, đầu trần, chân đất, quần áo tả tơi!..
Nhưng điều đau khổ nhất không phải do lao động mà do họ cư xử xấu với nhau. Họ chỉ điểm nhau, trộm cắp của nhau, đánh đập chửi mắng nhau như cơm bữa!…
Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức học hỏi Kinh Thánh với các tù nhân khác. Nhờ đó, họ khám phá Chúa Giêsu đang sống giữa họ, thông cảm với họ, vì Người đã từng chịu đói khát, phản bội, đòn vọt đến chết và chết treo trên khổ giá. Từ đó họ không còn chỉ điểm nhau, thù ghét nhau. Họ hoán cải rõ rệt và bắt đầu cầu nguyện cho nhau. Cả trại biến đổi lạ thường. Không còn tiếng than van oán trách mà chỉ còn lời ca tiếng hát vui vẻ, mặc dầu vẫn phải lao lực cực khổ hằng ngày.
THỨ TƯ TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Lc 13,22-30
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào,
vì tôi nói cho anh em biết:
có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
(Lc 13,24)
1. Lc 13,23: Câu hỏi mà một người nào đó đặt ra cho Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, phản ánh mối quan tâm rất lớn của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.
Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản thất vọng, không chịu cố gắng.
Lc 13,24: Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu, đó là phải cố gắng. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh “đi qua cửa hẹp” để diễn tả ý tưởng này.
– “Đi qua”: Động từ “qua” diễn tả sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cửa hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đồi cách sống) thì mới vào nhà được.
– “Cửa hẹp” ở đây diễn tả sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim vậy: xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).
2. Chúa nói: “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào Nước Trời.”
Theo Matthêô (Mt 7,13-14) Chúa còn nói thêm: cửa rộng thênh thang là lối đến sự hư mất.
Một cặp vợ chồng trẻ nọ, chia sẻ với nhau ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, cuộc hôn nhân của hai vợ chồng đã tan vỡ. Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất.
“Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài.” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
Khi tuyên bố thiên hạ từ đông sang tây sẽ vào dự tiệc Nước Trời, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra, Chúa muốn nói rằng, không phải cứ hễ thuộc dòng giống Abraham là đương nhiên được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ vâng nghe và sống Lời Chúa. Không phải được Rửa tội và chịu các Bí tích, giữ một mớ lề luật là được vào Nước Trời, nhưng là phải sống Lời Chúa. “Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng Chúa đáp lại: Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi những quân làm điều bất chính!” (Lc 13,26-27)
Việc đã từng ăn uống trước mặt Chúa và đã từng nghe Chúa giảng dạy trên các đường phố, hay nói theo kiểu ngày hôm nay là chúng tôi đã từng rước lễ, đã từng nghe giảng dạy trong nhà thờ .v.v… không đương nhiên được kể vào số những người được cứu rỗi mà còn phải sống Lời Chúa, thực hành những Lời Chúa dạy.
Thánh Thomas More (1478-1535) nguyên là Chưởng ấn của triều đình vua Henri VIII nước Anh, có nhiệm vụ duy trì công lý cho toàn vương quốc. Vua Henri VIII muốn ly di vợ mình là Catherine để kết hôn với Anne Boylen, người hầu của Hoàng Hậu. Vua hy vọng Thomas More sẽ giúp mình trong việc này. Nhưng vua đã phải thất vọng vì Thomas More cương quyết trung thành với luật Chúa hơn là nghe theo hành động sai trái của nhà vua.
Sau khi lấy Anne Boylen làm vợ, vua Henri VIII thành lập Giáo Hội Anh Giáo, ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo và giành cho mình quyền làm giáo chủ. Vua bắt thần dân phải thề trung thành với Hoàng hậu mới và chấp nhận quyền bính thiêng liêng của vua. Thomas More vì quyết trung thành với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công giáo nên bị tống ngục. Các bạn hữu Ngài đến thăm và khuyên:
– Ông cứ giả bộ trung thành và tuân phục vua đi, còn trong lòng ông cứ tự bảo mình chỉ tuân hành mệnh lệnh của Chúa Kitô là Vua Các Vua thì cũng có sao đâu.
Nhưng Thomas More đáp lại:
-Tôi không thể thề gian như vậy. Tôi không thể lừa dối chính mình và lừa đảo người khác như thế được.
Ít lâu sau, vào ngày 06/07/1535, Thomas More bị chém đầu và 400 năm sau, người được Đức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong hiển thánh.
Vâng, đó là con đường hẹp nhưng lại là con đường dẫn tới vinh quang. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được can đảm bước vào con đường như thế, để mai sau chúng ta được xứng đáng với vinh quang Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những siêu sao, siêu người mẫu
làm thần tượng đời mình.Phần chúng con, chúng con chọn Chúa.
Chúng con biết chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.Chúng con chọn Chúa
Vì chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Lc 13,31-35
Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này:
“Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ
và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.”
(Lc 13,32)
Qua diễn tiến câu chuyện, chúng ta đọc được hai ý nổi bật này:
1. Ý thứ 1: Cảm nghĩ của Chúa Giêsu về cái chết sắp tới (Lc 13,31-33)
“Chúa Giêsu đã tỏ ra rất bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sát hại Ngài. Sở dĩ Ngài bình thản được như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Thiên Chúa. Do đó, một khi biết rằng, có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy đã nằm trong chương trình của Thiên Chúa thì không gì có thể làm cho Ngài phải bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó.” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
– Sở dĩ Chúa Giêsu coi thường là vì Ngài biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài, trước khi thời gian dành cho sứ mạng của Ngài kết thúc. Bởi đó Ngài nói: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi” (Lc 13,32). Kiểu nói này chỉ một thời gian ngắn, nên không được hiểu chính xác theo số học.
Như vậy, chúng ta thấy lời khuyên Ngài trốn đi có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê là một tên gian hùng, dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài biết việc đi lên Jêrusalem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Thiên Chúa mà Ngài “phải” thực hiện cho xong. Dù Hêrôđê có mưu đồ gì đi nữa, Chúa Giêsu vẫn coi thường. Do đó Ngài gọi ông là“con cáo”. Kiểu nói này đối với người Do Thái hàm ý coi thường (nếu hàm ý nể sợ, người ta sẽ gọi là “con sư tử”).
2. Ý thứ 2: Lời Chúa Giêsu nhắn gởi dân thành Jêrusalem trước viễn tượng Ngài sắp chết (Lc 13,34-35)
Chúa Giêsu đặt đối chọi nhau 2 điều hiển nhiên: Đã bao lần, xưa kia là các sứ giả của Thiên Chúa và bây giờ là Ngài, đã cố gắng tập họp họ lại như gà mẹ tập họp gà con, hầu che chở họ khỏi tai họa là cuộc phán xét của Thiên Chúa về các tội lỗi của họ. Nhưng, xưa cũng như nay, không bao giờ họ chịu nghe lời các ngôn sứ cũng như lời Ngài, trái lại họ còn bách hại và giết chết các ngôn sứ, cũng như sắp giết chết Ngài. Mặc dầu biết trước như thế, nhưng Chúa Giêsu vẫn thanh thản đi tới, không một điều gì có thể làm Ngài chùn bước. Vì giờ của Chúa Cha ấn định cho Ngài chưa tới. Có Cha thì Ngài chẳng có gì phải sợ.
Có một gia đình kia sống giữa đồng không mông quạnh. Vào một đêm kia, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đứng bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi tổ ấm gia đình mình.
Bỗng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất đứa con bé nhất. Thì ra cậu bé cũng chạy ra với mọi người, nhưng chưa tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá, cậu sợ hãi quá nên lại chạy trở lên lầu. Trong lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé năm tuổi, vì lửa cao ngút tứ phía, bỗng cửa sổ trên lầu mở toang, và cậu bé kêu khóc inh ỏi. Cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói:
– Con nhảy xuống đây!
Cậu bé nhìn xuống dưới chỉ thấy khói mù và lửa cháy, nhưng nghe tiếng cha kêu mình, liền trả lời:
– Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết!
Người cha trả lời giọng cương quyết:
– Cứ nhảy đi, có cha trông thấy con là đủ rồi.
Và cậu bé leo lên cửa sổ, liều nhảy xuống, rơi vào vòng tay yêu thương vạm vỡ của cha mình một cách an toàn.
Chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu đặt cả cuộc đời của chúng ta trong tay Thiên Chúa là Cha. Tin tưởng và phó thác như thế, tất cả sự sợ hãi sẽ không còn chỗ đứng trong cuộc đời của chúng ta.
Một lần kia, Thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi.”
Vâng, đó là thái độ của những con người luôn biết sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Đã sống theo thánh ý của Thiên Chúa rồi thì không có gì có thể làm cho họ phải sợ và cũng chẳng có gì làm cho họ chùn bước trước những khó khăn trên đời.
Hình ảnh “gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh” Chúa nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, là một hình ảnh tuyệt vời để mô tả cuộc sống tin yêu này.
Lạy Ðấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa! Amen.(Chân phước Elisabeth de Trinité)
THỨ SÁU TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Lc 14,1-6
“Ai trong các ông có đứa con trai
hoặc có con bò sa xuống giếng,
lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabat?”
(Lc 14,5)
1. Lại một lần nữa, Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabat và bị các người Pharisêu kết án. Khi Chúa đặt câu hỏi: “Trong ngày Sabat có được phép chữa bệnh không?” (Lc 14,3) Họ đã không trả lời được.
Tin Mừng cho biết, có bảy lần Chúa đã chữa bệnh trong ngày Sabat như vậy. Theo Luca thì có những lần sau:
– Chữa cho mẹ vợ ông Phêrô (Lc 4,38);
– Chúa chữa cho người teo tay (Lc 6,6);
– Chúa chữa cho người đàn bà còng lưng mười tám năm (Lc 13,14).
Rồi Gioan thêm vào câu chuyện
– Chúa chữa người bại tại hồ Bêtsaiđa (Ga 5,9).
Marcô còn cho biết
– Chúa cũng chữa người bị quỉ ám tại nhà Hội Thành Capharnaum (Mc 1,21).
– Và hôm nay Chúa chữa người mắc bệnh phù thũng.
Chắc ai cũng nghĩ rằng, như vậy mọi người sẽ yêu mến Chúa hơn, nhưng thật đáng buồn là mỗi phép lạ chữa bệnh mà Chúa làm trong ngày Sabat không những đã không làm cho người ta yêu mến Chúa mà còn làm cớ cho các thầy thông luật và người Pharisêu, những người Do Thái chính thống càng ngày càng trở thành những người đối đầu với Chúa một cách quyết liệt hơn.
2. Vị thủ lãnh Pharisêu mời Ngài đến dùng bữa tại nhà ông hôm nay, là một người giữ luật đạo rất kỹ nhưng lại hoàn toàn thiếu tình người: mời Chúa Giêsu dùng bữa nhưng lại cố ý dò xét để bắt lỗi Ngài; thấy người bị bệnh phù thũng mà hoàn toàn dửng dưng, lại còn coi đây là cơ hội để bắt bẻ Chúa Giêsu.
Một người giữ luật chín chắn như vậy mà còn có thể trở thành phi nhân như thế, thì thử hỏi những người khác không biết sẽ còn phi nhân đến mức nào! Vâng! Luật mà không có tình thì sẽ như vậy. Đây là một lời cảnh cáo cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta biết, đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu và các người Pharisêu bất đồng ý kiến với nhau về việc giữ luật ngày Sabat. Và đây cũng không phải lần đầu tiên Chúa Giêsu đưa ra lời giải thích về luật một cách rất hợp lý khiến họ không thể nào cãi lại được. Thế nhưng, họ vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tiếp tục rình mò và bắt bẻ Chúa. Những người tưởng mình biết, tưởng mình đạo đức vậy mà họ lại có thể mù quáng và ngoan cố đến như vậy!
3. Việc Chúa Giêsu thách thức những người Pharisêu để chữa lành cho người phù thũng trong ngày Sabat, cho thấy rằng, đối với Ngài, con người là ưu tiên số một. Luật lệ, ngay cả luật ngày hưu lễ, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người (“Mỗi ngày một tin vui”).
Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do Thái, ông Y. Rabbin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những anh ta không để lộ bất cứ một cử chỉ hối hận nào, mà ngược lại, anh còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay. (“Mỗi ngày một tin vui”)
Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những Pharisêu thời Chúa Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng như những người Pharisêu, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật, anh yêu tổ quốc. Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một con người có một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước nỗi khổ đau của người khác.
Khi con người không trái tim, thì họ sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác, lúc đó không biết họ còn là người nữa hay không hay đã trở thành vô cảm như gỗ, như đá.
Bởi vậy, giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương.
Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội.
Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người.
Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu thương, thì đó chỉ là phá hoại. Đạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một trò lừa bịp.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con người. Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức rằng, chúng ta chỉ đạt được định mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà thôi.
THỨ BẢY TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN
Lc 14,1.7-11
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
(Lc 14,11)
1. Nhân dịp được mời dự một bữa tiệc và thấy thái độ của những khách được mời, Chúa Giêsu đưa ra bài học về chỗ ngồi, chỗ ngồi ở đây phải hiểu là địa vị. Theo Chúa Giêsu thì:
– Chúng ta không nên tự mình tranh giành địa vị, nhất là địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của ta.
– Hãy để cho người khác sắp xếp địa vị cho ta vì sự đánh giá khách quan của họ đối với ta sẽ có giá trị hơn.
– Tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó,
2. Vâng! Cảnh “Lên voi xuống chó” là cảnh thường xảy ra thường ngày. Bởi đó, chúng ta đừng nên quá quan tâm đến địa vị và danh vọng ở đời. Cách tốt nhất là xin Chúa giúp chúng ta được làm tròn nhiệm vụ Ngài giao, trong hoàn cảnh và cũng như trong vai trò hiện tại của mình.
Ngày nọ, con Mi-mi chạy chơi trong cánh đồng của chủ. Một con ngựa lên tiếng bảo nó:
– Này chú chó nhỏ, chú thấy không. Ông chủ quí tôi hơn những con vật ở đây đấy chứ. Vì tôi giúp ông chủ chuyên chở mọi thứ cần thiết. Còn chú, tôi nghĩ chú chả giúp được gì cho ông.
Mi-mi gật đầu bỏ đi. Nó lại nghe tiếng bò cái:
– Này, tôi chiếm địa vị đặc biệt ở đây vì nhờ sữa của tôi mà gia đình ông bà chủ mới có bơ và phô mát. Còn chú chắc chả cung cấp được gì cho chủ.
Lúc đó, con cừu ở gần đó lại nói:
– Bò cái ơi, chị không hơn tôi đâu vì tôi cung cấp len cho chủ dệt áo ấm mùa đông. Không có tôi thì chắc là cả nhà chết vì lạnh đấy. Nhưng có lẽ chị nói đúng. Chú chó con này không giúp được gì cho chủ cả.
Lần lượt các con vật đều khoe với Mi-mi về công nghiệp của chúng, từ con ngựa, con bò cho tới con mèo, con vịt, con gà.
Nghe những lời chê bai sự vô ích của mình, Mi-mi buồn quá, nó tìm một chỗ vắng vẻ để than khóc thân phận. Chợt một con chó già tiến lại và bảo nó:
– Này con, đừng than khóc về những điều mình không làm được. Đàng rằng, con quá nhỏ không thể kéo xe như ngựa, cũng không cung cấp được trứng, sữa, len…nhưng con hãy dùng tới khả năng mà Thượng Đế đã ban cho loài chó chúng ta, là mang đến cho con người nụ cười và lòng quý mến.
Chiều hôm ấy, khi chủ trở về nhà sau những giờ lao động mệt nhọc, Mi-mi vui vẻ chạy ra vẫy đuôi, liếm tay chủ và chạy thót vào lòng ông. Cả hai lăn tròn trên thảm cỏ xanh. Ông chủ ôm Mi-mi vào lòng và nói với nó:
– Về đến nhà ta mệt biết bao, nhưng bây giờ ta thấy đỡ mệt hẳn đi vì Mi-mi đã làm ta vui. Ta không thể sánh Mi-mi với bất cứ con vật nào trong nông trại này được. Vì điều quan trọng nhất đối với ta là lòng quý mến, và chỉ có Mi-mi quý mến ta hơn cả!
Con vật là loài vô tri mà xem ra còn biết cư xử khéo léo và vô vị lợi. Con người có trí thức, có khôn ngoan, lẽ nào lại không biết đối xử với nhau cho xứng với danh nghĩa làm người.
3. Trong bàn tiệc Nước Chúa, điều quan trọng không phải là chỗ danh dự mà là tư cách phục vụ: càng phục vụ, càng cao trọng. (“Mỗi ngày một tin vui”).
Đừng tưởng rằng, phải làm những việc vĩ đại mới là phục vụ. Trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa rất thích biến những cái tầm thường thành những cái vĩ đại.
Một hôm, hoàng tử gọi vào đền vua một người lái buôn chuyên nghề bán ngựa. Ông ta dẫn đến trước mặt hoàng tử hai con ngựa bạch đã được huấn luyện rất kỹ để hoàng tử kén chọn. Bề ngoài, hai con ngựa trông giống hệt nhau, nhưng người lái buôn lại đòi hai giá khác nhau, con này gấp đôi giá con kia. Hoàng tử liền gọi các quan cận thần đến mà bảo:
– Ta có thể tặng hai con ngựa này cho ai giải thích cho ta biết, tại sao con ngựa này gấp đôi giá con ngựa kia?
Các quan cận thần đến gần hai con ngựa và quan sát thật kỹ, nhưng không một ai nhận ra có điều gì khác biệt. Thấy vậy, hoàng tử cho gọi hai người lính hầu cận đến và sai họ cưỡi lên hai con ngựa, hy vọng rằng, các quan cận thần sẽ nhận ra giá trị của mỗi con. Sau mấy vòng phóng ngựa chung quanh sân, không ai trong các quan nhận ra sự khác biệt về giá trị của hai con ngựa. Cuối cùng, hoàng tử phải lên tiếng giải thích cho họ:
– Chắc các ngươi đã nhận ra rằng: trong khi ngựa chạy quanh sân, con ngựa thứ nhất không để lại dấu gì đằng sau, nó chạy cách nhẹ nhàng như bay. Trái lại con ngựa thứ hai để lại lớp bụi bay ngập trời. Chính vì lý do đó mà con ngựa thứ nhất có giá gấp đôi con ngựa thứ hai.
Vâng, sự to lớn trước mặt Chúa không hệ tại ở những việc vĩ đại hay hoành tráng bên ngoài, nhưng là ở cách thể hiện âm thầm, nhẹ nhàng kín đáo phát xuất từ tâm tình bên trong. Amen.