Cầu nguyện để biến đổi
Mt 17,1-9
1 Hôm ấy, Chúa Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Chúa Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Chúa Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Chúa Giê-su mà thôi.
9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Chúa Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”
(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17,2)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Văn mạch: Phía trước Bài Phúc Âm này (Mt 17,1-9) có câu nói của Chúa Giêsu “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đây cũng là một cuộc hành trình của người làm môn đệ Chúa. Một cuộc hành trình cũng gian khổ và đầy tính phiêu lưu như Abraham xưa. Nhưng bài Phúc Âm Chúa Nhật này cho ta thoáng thấy một chút về cái tương lai của cuộc hành trình ấy: Chúa Giêsu biến hình ra vinh quang. Nghĩa là sau khi qua gian khổ thì sẽ tới vinh quang. Và trong khi Ngài biến hình, có tiếng Chúa Cha từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”. Ý Chúa Cha cho biết Ngài muốn các môn đệ Chúa Giêsu cũng hãy dấn thân vào cuộc hành trình của Ngài, và như thế Ngài rất hài lòng, Ngài cũng sẽ cho họ được biến hình ra vinh quang.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Cuộc biến hình và cuộc hấp hối của Chúa
Linh mục Mark Link (trong quyển Sunday homilies, Year A) đã so sánh việc Chúa Giêsu biến hình và việc Ngài hấp hối:
– Cả hai việc cùng diễn ra trên núi: biến hình trên núi Tabor, hấp hối trên núi Cây Dầu.
– Ở hai nơi, Chúa Giêsu đều biến hình: trên núi Tabor Ngài biến từ hình dáng loài người thành hình dáng Thiên Chúa; trên núi Cây Dầu, từ hình dáng Thiên Chúa vinh quang thành hình dáng con người yếu đuối. – Hai việc biến hình đều xảy ra lúc Chúa Giêsu đang cầu nguyện.
– Và cả hai biến cố này đều xảy ra trước mắt 3 nhân chứng Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Dáng vẻ yếu đuối của Chúa Giêsu là hình ảnh của Ađam cũ, còn dáng vẻ uy nghi sáng láng là hình ảnh của Ađam mới. Thân phận của chúng ta cũng thế: Có những lúc chúng ta sốt sắng ngất ngây, như Chúa Giêsu trên núi Tabor. Khi ấy chúng ta cảm thấy mến Chúa yêu người quá; chúng ta muốn ở mãi trong tình trạng ngây ngất đó; Nhưng rồi lại có những lúc chúng ta suy sụp trầm trọng, như đang ở núi Cây Dầu. Khi ấy, phần Ađam cũ trong ta nổi dậy mãnh liệt. Chúng ta cảm thấy chán nản, không ai thương mình và mình cũng không muốn thương ai. Hình như Thiên Chúa cũng xa lánh mình.
Nhưng có một chi tiết quan trọng là Chúa Giêsu đã luôn cầu nguyện trong cả hai biến cố đó. Chính sự cầu nguyện đã liên kết thống nhất 2 phương diện ngược hẳn nhau trong cùng một con người của Ngài.
2. Mảnh suy tư
a/ Biến hình
Không phải chỉ có một lối biến hình, mà có hai: biến hình nên tốt hơn và biến hình thành xấu hơn, tuỳ vào tác nhân gây nên sự biến hình ấy.
Trong các môn đệ Chúa Giêsu, Gioan là thí dụ của lối thứ nhất và Giuđa là thí dụ của lối thứ hai.
Những tác nhân ảnh hưởng giúp biến hình nên tốt là những gì ta yêu, những gì nâng tâm hồn ta lên cao, những gì làm ta thức tỉnh, những gì kêu gọi ta bước tới, những gì mở rộng cửa lòng ta ra…
b/ Hiếu động
Phêrô là một con người hiếu động, luôn cần làm một cái gì đó.
Trên núi biến hình, thay vì thinh lặng chiêm ngưỡng, ông lại muốn dựng 3 chiếc lều.
Không phải mọi thời trong cuộc sống đều phải dùng để làm một cái gì đó.
Có thời phải yên tĩnh
– để nghỉ ngơi
– để suy nghĩ
– để lắng nghe
– để kinh ngạc
– để chiêm ngưỡng
– để tôn thờ
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Lạy Thiên Chúa, xin cho con được nếm những giây phút ngất ngây như Chúa Giêsu trên núi Tabor. Trong những lúc đó xin cho con biết làm như Chúa Giêsu xưa: con sẽ hướng về Chúa để cầu nguyện, và con sẽ được nghe lời Chúa nói “Con là con yêu dấu của Cha”.
Lạy Thiên Chúa, khi con gặp những lúc suy sụp, xin cũng cho con biết làm như Chúa Giêsu xưa: con cũng hướng về Chúa để cầu nguyện. Và khi đó con cũng được bàn tay Chúa an ủi, nâng đỡ và xoa dịu con. Amen.
(Mark Link)
Xem thêm:
Bài đọc 1: Đn 7,9-10.13-14
9 Anh (em) phải biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành : cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người. 10Còn ai thù ghét Người, thì Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa, khiến nó phải chết ; với kẻ thù ghét Người, Người không trì hoãn, Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa. 13 Người sẽ yêu thương anh (em), chúc phúc cho anh (em), sẽ làm cho anh (em) nên đông đúc. Người sẽ chúc phúc làm cho lòng dạ và đất đai của anh (em) sinh hoa kết quả : lúa mì, rượu mới, dầu tươi, lứa bò, lứa chiên, ở trên đất mà Người đã thề với cha ông anh (em) là sẽ ban cho anh (em). 14 Anh (em) sẽ được phúc lành hơn mọi dân, và giữa anh (em) không đàn ông, đàn bà nào không có khả năng sinh con, gia súc của anh (em) cũng vậy.
Bài đọc 2: 2Pr 1,16-19