Linh mục Jacques Mourad làm chứng cho nỗi đau khổ dai dẳng của dân tộc Syria

Ngày 16 và 17 tháng 12, ông Roberto Simona đã mời linh mục Jacques Mourad đến Fribourg để có một buổi nói chuyện về địa ngục trần gian Syria.

-Jacques-Mourad.jpg

Ông Roberto Simona làm việc cho cơ quan tương trợ công giáo “Giúp Giáo hội Nguy khốn” (Aide à l’Eglise en Détresse, AED) ở  Romandie và Tessin, ông là chuyên gia về các vấn đề của người thiểu số kitô trong các nước hồi giáo và cựu liên bang xô viết.

Linh mục cho biết: “Tôi sẽ về lại Syria. Tôi không sợ, tôi ở trong bàn tay của Chúa!” Linh mục công giáo người Syria là người “sống sót”, ngày 10 tháng 10 vừa qua, cha đã thoát được nanh vuốt của quân khủng bố của lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng. Ngày 21 tháng 5, bảy hoặc tám người bịt mặt nạ đã bắt cha và thầy phó tế Boutros trong phòng của mình ở đan viện Mar Elian (Saint Julien), cha là bề trên đan viện. Đan viện ở làng Syria Qaryatayn trong vùng sa mạc giữa Homs và Palmyre.

Đan viện Mar Elian đón nhận cả người công giáo lẫn người hồi giáo

Ông Roberto Simona đã đến đan viện thăm cha Mourad chỉ vài ngày trước khi cha bị bắt cóc lúc đã có những dấu hiệu đầu tiên lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng xâm nhập thành phố, nhưng tình trạng lúc đó vẫn còn ổn định. Ở đan viện Mar Elian, cha tiếp nhận cả người kitô giáo cũng như hồi giáo, rất nhiều người là người tị nạn sunnit ở những làng lân cận, những ngôi làng này bị san bằng trong các cuộc chiến với chính quyền.

Và chính những người trẻ hồi giáo ở Qaryatayn đã giúp cha trốn, trong số 250 tín hữu kitô bị tù ở thành phố bị dội bom và gần như hoang vắng này, có được 220 người đã được đào thoát. Mười mấy người còn bị quân khủng bố giam tù, những người khác bị chặt đầu hay bị bắn, có bốn người chết tự nhiên.

Được cứu nhờ  giúp đỡ nhân đạo cho người hồi giáo

“Tôi được cứu nhờ sự giúp đỡ nhân đạo mà chúng tôi đã giúp cho cả người hồi giáo lẫn kitô giáo, chúng tôi không phân biệt tôn giáo, linh mục cho báo Thụy Sĩ biết (cath.ch.). Trong vòng 15 năm, chúng tôi xây dựng và điều hành một trung tâm đối thoại giữa người hồi giáo và kitô giáo ở Mar Elian. Chúng tôi giúp đỡ cho người dân và người tị nạn hồi giáo ở Qaryatayn mà vì lý do chiến tranh, dân số đã tăng gấp đôi từ 30’000 đến gần 60’000 người. Chính vì sự gần gũi này nên đã làm cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng gai mắt, chúng tôi giúp họ xây lại làng mạc đã bị bom tàn phá. Vì vậy họ bắt cóc chúng tôi, họ không thể chấp nhận chuyện người kitô giáo giúp người hồi giáo, vì dưới mắt họ, họ xem chúng tôi như  súc vật, những người ngoại đạo. Họ đã san bằng đan viện Mar Elian, một cơ sở có từ thế kỷ thứ 5 mà chúng tôi đã tái dựng lại.

Linh mục đã giúp tổ chức các cuộc khai quật địa chất dưới sự giám sát của các chuyên gia Syria và với các nhà địa chất học của Đại học York của nước Anh.

“Vào cuối năm 2014, chúng tôi thành lập một hội đồng giải hòa và đã có sự trung gian hòa giải giữa chế độ và Quân đội Syria Tự do (ASL) nên các  người trẻ đã gia nhập quân nổi loạn năm 2013 mới được phép trở về thành phố và về với gia đình mà không bị ra tòa”.

“Chúa đã không bỏ tôi, tôi cảm thấy Ngài ở gần tôi”

Nhưng nhanh chóng, các người trẻ đã gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng lén lút về thành phố, họ mang theo vũ khí. Ngày 21 tháng 5, họ vũ trang đột nhập đan viện, bắt cóc linh mục và thầy phó tế Boutros, ăn cắp máy vi tính và xe của đan viện. Sau bốn ngày bị giam trong một chiếc xe, hai người được đưa về Raqqa, “thủ đô” của cái tự cho là “Nhà nước Hồi giáo”, cha và thầy phó tế bị giam 84 ngày trong phòng tắm. Trong thời kỳ này, các quân canh ngục thuyết phục hai người trở lại đạo hồi giáo, một “tôn giáo của hòa bình và lòng thương xót”, đe dọa sẽ chặt đầu nếu không nghe lời. Nhưng họ luôn từ chối.

“Họ rất hung hăng, mắng nhiếc chúng tôi, đối xử ác với chúng tôi, cố gắng làm cho chúng tôi sợ. Họ dọa miệng nhưng tôi cảm thấy như có con dao đè lên cổ. Họ làm bộ hành quyết nhưng rất dễ sợ, một kinh nghiệm rất đau đớn. Nhưng tôi được ơn Chúa, ơn Chúa luôn nâng đỡ tôi, cho tôi bình an. Tôi cầu nguyện với Đức Mẹ, tôi lần hạt suốt ngày nên tôi có sức mạnh để cự lại và phó thác vào ý Chúa. Tôi cảm thấy Chúa ở gần tôi, Ngài không bỏ tôi!”

Một người Xauđi, “lãnh đạo” của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng

Một người Xauđi “lãnh đạo” của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đến tìm linh mục ở Raqqa, vì các giáo hữu kitô ở Qaryatayn mà quân khủng bố bắt giam ở một nhà kho ở Palmyre đòi trả tự do cho linh mục của họ. “Thật là một cú sốc cho tôi khi thấy dưới mắt tôi là các giáo hữu kitô bị tù, các phụ nữ, trẻ con, những người già…” Rồi sau gần ba tuần, ngày 1 tháng 9, người ta đem các con tin về Qaryatayn, họ “được tự do”, nhưng cấm không được rời làng. Họ ký một thỏa hiệp tôn giáo tập thể tự nhận mình là “công dân không theo đạo hồi trong một nước hồi giáo” và phải ở dưới sự “bảo trợ” của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng.

Họ được “tự do” theo lệnh của Al-Bagdadi, thủ lãnh vùng đất hồi giáo mà Nhà nước Hồi giáo Tự xưng muốn áp đặt cho tất cả vùng Trung Đông. Họ được “tha”, vì ngược với các tín hữu kitô assyria của Hassaké, thuộc miền bắc-Đông Syria, họ không mang vũ khí chống lại “Nhà nước Hồi giáo Tự xưng”. Al-Bagdadi đưa ra một thỏa hiệp buộc họ phải theo với 12 điều kiện, trong đó đáng kể là điều kiện phải nộp thuế đặc biệt “jizya” mà những người không theo đạo hồi phải đóng, phải ăn mặc đúng cách họ chỉ định, cấm phụ nữ không được đi ra ngoài một mình… vân vân. “Chúng tôi phải kín đáo giữ các nghi thức của mình, với điều kiện là đừng làm chướng tai gai mắt người hồi giáo”.

Quân khủng bố đốt sách, đốt áo thánh, đốt cả đồ chơi trẻ em!

Bây giờ khi đi về làng mình, những ngôi làng bị bom ném nát, không nước, không điện, không bánh mì, giáo hữu kitô ở trong cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vài người nhà còn nguyên thì họ muốn ở lại, người không còn nhà thì họ chỉ muốn đi. Vì vẫn còn các vụ ném bom, nên người dân phải ẩn trú trong hầm của những căn nhà kiên cố. Quân khủng bố đã tiêu hủy hai nhà thờ và một đan viện. Họ muốn dùng nhà thờ làm trường học để dạy luật hồi giáo, họ đốt tất cả sách, đốt áo thánh, đốt cả đồ chơi trẻ con!

Trong thành phố chỉ còn vài kitô hữu, vài người hồi giáo và luôn chịu sự kiểm soát và đương nhiên có các tên khủng bố. Linh mục Mourad nhấn mạnh, các tên khủng bố cho thấy, chúng là những tên xa-đích khoái thú tàn ác, đặc biệt muốn khủng bố người dân. “Chúng muốn chặt đầu ở nơi công cộng một người lính bị chúng bắt, nhưng có một máy bay xuất hiện nên chúng vội vàng hành quyết: chúng chỉ bắn hạ. Chúng cũng giết một giáo dân ở giáo xứ của tôi, không một lý do nào ngoài lý do làm cho chúng tôi sợ. Tuần trước, chúng hành quyết hai người hồi giáo”.

Đòi 500’000 đôla tiền chuộc

Cho đến giờ phút này, Nhà nước Hồi giáo Tự xưng vẫn còn giữ sáu giáo hữu kitô làm con tin. Họ cũng còn giữ bốn phụ nữ và một em bé chín tháng. “Hồi mới đầu, họ đòi 500’000 đôla tiền chuộc, nhưng chúng tôi không có số tiền này. Chúng tôi đi tìm tiền vì bây giờ họ đòi 125’000 đồng…” Cuộc sống trở nên không thể sống được ở đây vì bây giờ Qaryatayn không còn một người dân nào ở lại.

Phần lớn các lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng là người nước ngoài

Phần lớn các lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng là người nước ngoài: những người Xauđi, Tunisia, Irak, vv.., cha Jacques Mourad cho biết. Nếu cha khẳng định mình không phải là “chính trị gia” thì cha cũng không hiểu vì sao các nước Phương Tây lại ở bên cạnh các nước Ả Rập Xauđi, Qatar hay Thổ Nhĩ Kỳ là những nước ủng hộ cho các tên khủng bố.

“Sự đau khổ của dân tộc Syria, người hồi giáo cũng như tín hữu kitô là do trách nhiệm trực tiếp của các nước Phương Tây, họ nhìn người Syria chết mà không làm gì. Điều này làm cho tôi rất giận! Tất cả những ai nào dùng vũ khí đều có trách nhiệm trong tai họa này. Ngày nay, không còn một vùng nào ở nước Syria sống trong bình an. Thế giới và Liên Hiệp Quốc nhìn mà không phản ứng trước sự hủy hoại của nước này, một nước có lịch sử, có một nền văn hóa phong phú, có tài nguyên địa chất tuyệt vời… Tại sao người ta để cho các di sản, đền đài của Palmyre bị phá hủy?”

Dù vậy chúng tôi cũng mừng lễ Noel!

Dù thiếu tất cả, dù không có lệnh hưu chiến, các giáo hữu kitô cũng mừng lễ Giáng Sinh. “Chúng tôi sẽ mừng lễ Đấng Cứu Chuộc vì chúng tôi có đức tin và hy vọng. Chúng tôi chuẩn bị các sinh hoạt tốt đẹp cho gia đình, quà cho trẻ con, tiền cho những người nghèo. Những gì Đức Giáo hoàng làm là một an ủi lớn cho chúng tôi, ngài nhắc đến một cuộc cách mạng đích thực và điều này mang hy vọng đến cho chúng tôi!”

Không có tin của các tu sĩ đã bị bắt

Linh mục Jacques Mourad là tu sĩ của đan viện Mar Moussa, đan viện này đã được linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall’Oglio sáng lập, tháng 7-2015 cha Paolo bị mất tích ở Raqqa, vùng đất của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm đóng. Linh mục Mourad xin cầu nguyện cho các giám mục chính thống – Boulos Yazigi và Yohanna Ibrahim – hai người bị quân khủng bố bắt ngày 22 tháng 4 năm 2013 gần Alep. Trước đây ngày 9 tháng, vào tháng 2-2013, hai linh mục Michel Kayyal, người công giáo Armênia và linh mục Maher Mahfouz, Hy lạp chính thống cũng đã bị quân khủng bố giam giữ.

Từ đó không có một tin tức nào về số phận của các tu sĩ này. Báo Công giáo Thụy Sĩ hỏi về số phận của cha Dòng Tên Paolo, bạn của cha Mourad, cha xác nhận từ khi bị bắt, không có một tin nào được lọt ra ở Raqqa cũng như ở các nơi khác của nước Syria.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 21.12.2015/
cath.ch, Jacques Berset, 2015-12-17)