VATICAN. Kitô hữu là người biết gắn kết với tha nhân, không hề khép cửa lại với bất cứ ai, cho dù có bị chống đối. Kẻ hay loại trừ, vì nghĩ rằng mình hơn người, luôn gây ra những xung đột, chia rẽ và chẳng hề suy nghĩ đến thực tế rằng có một ngày anh sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét của Thiên Chúa.
Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng hôm nay, 05-11, tại nhà nguyện thánh Marta.
Đức Thánh Cha chia sẻ:
“Anh chị em thân mến,
Trong thư gởi giáo đoàn Roma, thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta đừng xét đoán và khinh dể người anh em; vì sẽ dẫn đến việc loại trừ người anh em đó ra khỏi cộng đoàn, và khiến chúng ta dễ có khuynh hướng tự biến mình thành những người ưu tuyển. Nhưng như thế, chúng ta sẽ không còn là những Kitô hữu đúng nghĩa nữa. Đức Kitô, với cuộc hiến tế của Ngài trên đồi Canvê, đã hiệp nhất và nối kết tất cả mọi người trong hồng ân cứu độ. Trong bài Tin Mừng, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Nói khác đi, tất cả những người bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội đều đến với Đức Giêsu. Còn những người Pha-ri-sêu và các kinh sư lại xầm xì bàn tán với nhau.
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đều có chung một động thái, đó là loại trừ. Có thể họ nghĩ bụng: ‘Chúng ta là những người hoàn hảo, vì tuân giữ mọi điều trong lề luật. Còn đây là những kẻ tội lỗi và những tên thu thuế’. Nhưng thái độ của Đức Giêsu lại là nối kết và hiệp nhất. Như thế, trong cuộc sống có hai con đường: một là loại trừ người khác khỏi cộng đồng, và một là con đường của nối kết trong hiệp nhất yêu thương. Con đường thứ nhất có vẻ nhỏ bé nhưng lại là nguyên nhất của tất cả mọi thứ chiến tranh và hận thù. Bởi vì quả thật, mọi thảm họa và chiến tranh đều khởi đi từ thái độ phân biệt, loại trừ. Con người bị loại trừ khỏi cộng đồng quốc tế nhưng cũng có thể bị loại trừ khỏi gia đình và ngay giữa một nhóm bạn bè với nhau. Quả là một con đường đầy chiến tranh và xung đột! Con đường thứ hai là con đường giúp chúng ta gặp gỡ Giêsu và dạy chúng ta biết rằng Đức Giêsu hoàn toàn khác biệt. Ngài không hề loại trừ nhưng luôn bao dung và gắn kết.”
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng ý thức rằng: “Việc nối kết mọi người không phải là chuyện dễ dàng, vì gặp phải chống đối, nhất là thái độ của những kẻ nghĩ mình được chọn, nghĩ mình là ưu tuyển. Bởi thế, Đức Giêsu mới kể hai dụ ngôn: dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị đánh mất. Cả người chăn chiên và người phụ nữ đều cố gắng làm hết mọi cách với ước mong tìm lại được thứ mà họ đã đánh mất. Và khi tìm thấy rồi, họ hoan hỷ vui mừng. Ngay lập tức, họ chia sẻ niềm vui ấy với bạn bè và hàng xóm vì họ vô cùng hạnh phúc: ‘Tôi đã tìm thấy, tôi đã đem về con chiên bị mất’. Đây chính là sự ‘bao dung’ của Thiên Chúa, hoàn toàn trái ngược với việc loại trừ của những ai ưa xét đoán và gạt bỏ người khác. Sự loại trừ tạo nên một vòng tròn nhỏ xíu chỉ gồm bạn bè hay những người hợp tính tình sở thích. Nhưng sự bao dung, gắn kết của Thiên Chúa lại rộng lớn, bao la. Ngài bao bọc tất cả mọi người, chẳng trừ một ai, trong hồng ân cứu độ. Tuy nhiên, chúng ta, với sự yếu đuối, tội lỗi, ghét ghen, đố kỵ, luôn có khuynh hướng loại trừ người khác. Và như đã nói ở trên, mọi hành vi loại trừ đều kết thúc bằng chiến tranh, thù hận.”
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, nếu tôi xét đoàn và loại trừ người khác, đến một ngày tôi sẽ phải trả lẽ về chính mình trước mặt Thiên Chúa: “Đức Giêsu đã sống và hành động như Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến để cứu chúng ta. Đức Giêsu không ngừng tìm kiếm để bao bọc chúng ta và nối kết chúng ta thành một cộng đồng, thành một gia đình. Bởi thế, chúng ta hãy chu toàn bổn phận của mình và đừng bao giờ xét đoán người khác. Thiên Chúa thấu biết tất cả. Thiên Chúa biết người kia đang làm gì. Thế nên, chúng ta đừng xét đoán anh ta, đừng loại trừ anh ta ra khỏi tâm hồn, ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười dễ mến của chúng ta. Nếu có cơ hội, ta hãy nói với anh những lời cởi mở, gần gũi. Chúng ta đừng xét đoán vì chúng ta không có quyền làm điều đó. Thánh Phao-lô đã nói: ‘Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.’ Chúng ta xin ơn để được trở nên những người biết bao dung và gắn kết, không bao giờ khép cửa chối từ bất cứ ai nhưng luôn rộng mở với trái tim nhân ái. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng này”.
(Chuyển dịch từ Ý ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ, RadioVaticana 05.11.2015)