Kitô hữu không phải là những người tìm vui trong đau khổ nhưng chấp nhận khổ đau vì họ có niềm hy vọng

Gian truân, tín thác, và bình an. Đây là ba từ then chốt trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ sáng thứ Ba 5 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người Kitô hữu không có một thái độ “tìm vui trong khổ đau” khi đối mặt với những khó khăn, nhưng dựa vào Chúa với niềm tin và hy vọng.

 Kitô hữu không phải là những người tìm vui trong đau khổ nhưng chấp nhận khổ đau vì họ có niềm hy vọng

 

Khi Thánh Phaolô chịu bách hại, bất chấp hàng ngàn gian truân, ngài vẫn kiên vững trong đức tin và khuyến khích những người khác hy vọng nơi Chúa. Dựa vào bài đọc Một từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Thánh Cha đã khai triển các ý tưởng chung quanh ba điểm chính là gian truân, phó thác và bình an – và nhấn mạnh rằng để vào Nước Thiên Chúa, người ta phải “trải qua những thời kỳ đen tối, và khó khăn”

Các Kitô hữu chấp nhận đương đầu với gian truân với lòng can đảm

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cảnh báo “đây không phải là một thái độ tìm vui trong khổ đau”, đúng hơn, đó là “cuộc đấu tranh của người tín hữu Kitô” chống lại ma quỷ thế gian này, là kẻ cố gắng tách chúng ta khỏi “lời của Chúa Giêsu, khỏi niềm tin, khỏi hy vọng.” Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng “chịu đựng những gian truân” là một cụm từ đã được Thánh Tông Đồ Phaolô sử dụng thường xuyên.

Động từ “chịu” có một nghĩa mạnh hơn là kiên nhẫn, nó có nghĩa là mang vác trên vai của mình gánh nặng của gian truân. Đời sống Kitô hữu vẫn thường có những khoảnh khắc như thế. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta: ‘Hãy can đảm lên tại những thời khắc như thế… Thầy đã chiến thắng thế gian, anh em cũng sẽ là những người chiến thắng’. Từ ngữ đầu tiên này soi sáng cho chúng ta tiến về phía trước trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc sống, những khoảnh khắc làm cho chúng ta phải khổ đau.

Sau khi đưa ra lời khuyên này, Đức Giáo Hoàng nói, Thánh Phaolô “tổ chức các Hội Thánh [tại Lýt-ra, Icôniô và Antiôkia]”, “Người cầu nguyện trên các tư tế, đặt tay của Ngài trên họ và giao phó họ cho Chúa.”

Dựa vào Chúa trong thời điểm khó khăn

Từ thứ hai: “phó thác”. Phanxicô nhận xét rằng một Kitô hữu “có thể đương đầu nổi với gian truân và cả bách hại khi phó thác mình cho Chúa.” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa “là có khả năng ban cho chúng ta sức mạnh, để cho chúng ta kiên trì trong đức tin, để cho chúng ta hy vọng”.

“Hãy phó thác mọi sự cho Chúa; phó thác thời điểm khó khăn này cho Ngài; phó thác bản thân mình cho Chúa; phó thác cho Ngài các tín hữu của chúng ta, các linh mục, giám mục; hãy phó thác cho Chúa gia đình, bạn bè và nói với Chúa rằng ‘Lạy Chúa, hãy chăm sóc cho họ, họ là những người của Chúa.’ Lời cầu uỷ thác này là một lời cầu nguyện mà chúng ta không thường xuyên đọc: ‘Lạy Chúa, con phó thác điều này trong tay Chúa: Xin Chúa giúp chăm sóc điều đó. Đó là một kinh nguyện Kitô giáo rất đẹp, là thái độ tin tưởng vào sức mạnh của Chúa, và vào sự dịu dàng của Thiên Chúa là Cha, Đấng là Cha chúng ta”

Đức Thánh Cha nói thêm: Khi một người dâng lên lời cầu nguyện này từ con tim, và cảm thấy hoàn toàn tín thác vào Chúa – người ấy có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thất vọng. Gian truân làm cho chúng ta đau khổ, nhưng niềm tin nơi Chúa đem lại cho chúng ta hy vọng; và điều này dẫn đến từ ngữ thứ ba là bình an.

Bình an của Chúa tăng cường đức tin và hy vọng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng bình an Chúa hứa ban cho chúng ta “không phải là hòa bình, không phải một trạng thái an nhiên đơn giản của tâm hồn”, nhưng là một sự bình an “đi vào bên trong tâm hồn chúng ta, một sự bình an ban cho chúng ta sức mạnh, củng cố những gì ngày hôm nay chúng ta đang kêu cầu cùng Chúa, đó là đức tin và niềm hy vọng của chúng ta” 

Để kết luận, Đức Thánh Cha, tóm lại ba từ then chốt trong bài giảng của ngài: gian truân, phó thác và bình an. “Trong cuộc sống, chúng ta phải đương đầu với gian truân đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng trong những khoảnh khắc đó, chúng ta phải trông cậy vào Chúa và Ngài đáp lại với sự bình an của Ngài. Chúa là người Cha yêu thương chúng ta rất nhiều và không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Bây giờ chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể với Chúa, cầu nguyện xin Ngài tăng cường đức tin của chúng ta và hy vọng của chúng ta, xin Ngài ban cho chúng ta lòng cậy trông để vượt qua các thử thách của chúng ta bởi vì Ngài đã thắng thế gian và ban cho chúng ta mọi bình an của Ngài.”

 

Đặng Tự Do