Vào lúc 12 giờ trưa 3/3/2019, Chủ nhật VIII Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Chúng tôi xin gởi đến quý vị những lời huấn dụ của ĐTC trước khi ngài đọc Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến!
Đoạn Tin Mừng hôm nay trình bày các dụ ngôn ngắn, qua đó Chúa Giêsu muốn chỉ ra cho các môn đệ của Ngài con đường để sống khôn ngoan. Với câu hỏi: “người mù có thể dẫn người mù được không?” (Lc 6, 39), Ngài muốn nhấn mạnh rằng một người hướng dẫn không thể bị mù, nhưng phải nhìn rõ, nghĩa là anh ta phải có khôn ngoan để dẫn dắt bằng sự khôn ngoan, nếu không anh ta có nguy cơ gây ra thiệt hại cho những người cậy nhờ vào anh ta. Do đó, Chúa Giêsu nhắc sự chú ý của những người có trách nhiệm giáo dục hoặc chỉ huy: mục tử của linh hồn, cơ quan công quyền, nhà lập pháp, giáo viên, phụ huynh, thúc giục họ nhận thức được vai trò tế nhị của mình và luôn luôn nhận ra con đường đúng đắn mà mình đang dẫn dắt người khác.
Chúa Giêsu đã mượn một diễn tả khôn ngoan để chỉ về chính mình là một khuôn mẫu của người thầy và là người hướng dẫn để theo: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.” (c. 40). Đây là một lời mời để theo mẫu gương và lời dạy của Ngài để trở thành người hướng dẫn chắc chắn và khôn ngoan. Giáo huấn này nằm đặc biệt trong diễn từ trên núi, được đọc trong Tin Mừng ba phụng vụ Chúa nhật vừa qua, cho chúng ta thấy thái độ nhẹ nhàng và thương xót để trở nên người chân thành, khiêm tốn và chính trực. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một cụm từ quan trọng khác, một cụm từ khuyến khích chúng ta không được tự phụ và đạo đức giả. Tin Mừng nói thế này: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (c. 41). Tất cả chúng ta đều biết, nhiều khi việc nhận thấy và lên án những lỗi lầm và tội lỗi của người khác dễ dàng hay dễ chịu hơn, trong khi chẳng thể nhìn thấy chính mình với cùng một sự sáng suốt như thế. Chúng ta luôn che giấu những khiếm khuyết của chúng ta, và che giấu cả chính chúng ta; ngược lại, lại rất dễ nhìn thấy khuyến khuyết của người khác. Cám dỗ là việc nuông chiều bản thân – rộng rãi với chính mình và cứng cỏi với người khác. Thật luôn hữu ích khi giúp đỡ người khác bằng lời khuyên khôn ngoan, nhưng trong khi quan sát và sửa chữa những khiếm khuyết của người bên cạnh, chúng ta cũng phải nhận thức rằng chính mình có khuyết điểm. Nếu tôi nghĩ rằng chẳng có khuyết điểm, thì tôi không thể kết án hay sửa lỗi người khác. Tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm: tất cả. Chúng ta phải ý thức điều đó và, trước khi lên án người khác, thì phải nhìn vào bên trong chính mình đã. Chúng ta có thể làm như thế bằng cách thức đáng tin, bằng sự khiêm nhường, làm chứng cho đức ái.
Giống như chúng ta có thể hiểu khi mắt chúng ta được thông thoáng hay khi bị cản trở bởi một cái xà. Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây” (cc.43-44). Hoa quả chính là hành động, nhưng cũng là lời nói. Chất lượng của cây cũng được nhận biết thông qua lời nói. Thật vậy, bất cứ ai tốt đều lấy ra điều tốt từ trái tim hay miệng lưỡi của mình, và ai xấu sẽ rút ra điều ác, thực hiện những điều độc hại nhất giữa chúng ta, đó là sự càm ràm, ngồi lê đôi mách, nói xấu về người khác. Điều này huỷ hoại; nó hủy hoại gia đình, huỷ hoại trường học, huỷ hoại nơi làm việc, huỷ hoại khu phố. Chiến tranh bắt đầu từ miệng lưỡi. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về giáo huấn này của Chúa Giêsu và tự hỏi mình câu hỏi: tôi có nói xấu về người khác không? Tôi có luôn cố tìm cách làm mất thanh danh của người khác không? Có phải tôi dễ dàng nhận ra lỗi lầm của người khác hơn của mình không? Và chúng ta cố gắng sửa mình ít nhất là một chút: nó sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người.
Chúng tôi cầu xin sự trợ giúp và cầu bầu của Mẹ Maria để theo Chúa trên con đường này.
Văn Yên, SJ
(VaticanNews 03.03.2019)