4. Đức Maria được rước về Trời
Trích Sách Khải Huyền
Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên muời hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Ðuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. (Kh 12,1-6)
Suy niệm:
Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy có hai dòng chuyển động ngược chiều nhau trong Kinh Mân Côi. Những mầu nhiệm đầu, ta thấy có sự xuất hiện của Mẹ Maria, một tớ nữ tuyệt vời của Thiên Chúa. Mẹ đã thưa tiếng xin vâng với Chúa và nhờ đó, Ngôi Lời đã nhập thể vào thế gian. Khi Đức Giêsu từ từ lớn lên và bắt đầu thi hành sứ vụ thì hình ảnh của Mẹ cũng dần dần mờ đi. Mẹ đã chấp nhận lui về sau và chịu nhỏ dần để Chúa được lớn lên và được mọi người nhận biết. Trong nhiều mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, ta không hề thấy hình ảnh của Mẹ cách nhãn tiền. Nhưng Mẹ vẫn luôn ở bên Đức Giêsu, Con Chí Ái của Mẹ. Mẹ cùng con bước đi trên những nẻo đường rao giảng. Mẹ chia sẻ tâm tư của Con trong cuộc Thương Khó. Mẹ hiện diện bên Con trong cuộc Tử Nạn trên đồi. Mẹ vui niềm vui của Con khi Con phục sinh. Rồi Mẹ cũng ở kề bên các môn đệ trong khoảng thời gian chờ Thánh Thần xuống. Đến khi Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng tại thế, lên trời, và sai Thánh Thần xuống, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm lại hình ảnh của Mẹ, một người tớ nữa tuyệt vời của Thiên Chúa giờ đây được Thiên Chúa thưởng công cho những hy sinh của mình.
Mẹ và Giêsu chưa bao giờ tách rời nhau. Cho dù, về mặt thể lý, họ có thể sống xa nhau, nhưng lòng họ luôn hướng về nhau, gắn kết với nhau trong một tình thân thương vô cùng bền chặt. Bởi thế, chẳng thể nào có chuyện một người trong họ về Trời, mà người kia không ở bên như trước giờ vẫn thế. Mẹ về Thiên Đàng, vì Mẹ chẳng bao giờ rời xa Giêsu. Giêsu ở đâu thì Mẹ ở đó. Giêsu như thế nào thì Mẹ như thế ấy. Họ đã cùng nhau đi trọn vẹn mọi nẻo đường chông gai chốn dương thế thì cũng sẽ cùng nhau tiến thẳng về quê trời. Thiên Đàng chính là nhà của Mẹ. Thiên Đàng được dựng nên là để dành cho những ai giống như Mẹ. Thiên Đàng cũng trở nên đẹp hơn là nhờ có những con người như Mẹ. Đúng ra mà nói, Mẹ là người đã hưởng nếm hạnh phúc Thiên Đàng ngay tại thế rồi, vì Mẹ sinh ra là đã được đầy ơn phúc. Không một vết nhơ tội lỗi nào đụng được đến Mẹ. Mẹ lại là người cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng, sinh Ngài vào trần đời và cùng chung chia cuộc sống với Ngài trong một quãng thời gian dài dưới thế. Một con người được Thiên Chúa ưu ái như Mẹ thì không bao giờ nằm dưới sự thống trị của thế lực sự dữ. Mọi sự đã được chuẩn bị sẵn cho Mẹ trên trời, để Mẹ về diện kiến Ba Ngôi và tiếp tục ở bên Giêsu, Đấng mà Mẹ luôn tôn thờ và yêu mến.
Sống trên Thiên Đàng là điều mọi người hằng khao khát. Thiên Đàng là từ mà người ta dùng để diễn tả một tình trạng bình an, hạnh phúc, vô ưu, không phiền muộn. Đó là “nơi” mà ta cảm thấy mình trở về với trọn vẹn con người mình nhất, không có chút pha tạp, thiếu sót hay khiếm khuyết nào nữa. Không phải ai trong chúng ta cũng được diễm phúc sống được tình trạng này, cơ bản là vì khi còn sống dưới thế, ta còn có nhiều thứ để bận tâm. Nhưng hầu như tất cả mọi người có ý thức nào cũng mơ về một viễn cảnh Thiên Đàng như vậy. Cuộc sống trên trần gian này khiến người ta phải đau khổ quá nhiều, nên khao khát về một chốn yên bình thanh thản vẫn luôn là một khao khát cố tri của nhân thế. Nhiều người đã ví đời tu như đời sống trên Thiên Đàng, các dòng tu như Vườn Địa Đàng, bởi họ mường tượng rằng nơi ấy, các tu sĩ đã sống thoát tục, suốt ngày chỉ một lòng một ý đọc kinh, dâng lễ ngợi khen Chúa, chứ không còn tha thiết và vương vấn gì chuyện của thế thái nhân gian. Người ta nghĩ như thế, còn những tu sĩ như chúng ta đây, có nghĩ như thế không?
Kỳ thực, đời tu “có vẻ thoát tục” hơn một đời sống bình thường, nhưng những ai sống trong đời tu sẽ cảm nghiệm được rằng nó không phải là một chốn Thiên Đường như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí, với một số người, cộng đoàn nơi mình đang sống có khi còn khủng khiếp chẳng thua gì hỏa ngục. Các tu sĩ vẫn là những con người bình thường, với đầy đủ tất cả những yếu đuối về thể lý và tinh thần, nên tránh sao được những lần bị thói đời lây nhiễm. Lời khấn hay chức thánh đâu khiến họ lột xác rồi trở thành một vị thánh ngay lập tức. Môi trường đời tu có thể giúp một con người nên như một Thiên Thần ngập tràn ánh sáng, nhưng cũng có thể biến người ấy thành một tên quỷ gian ác và đáng ghê rợn vô cùng. Nhiều người, vì muốn tìm kiếm sự thanh thoát của con tim, nên tìm đến đời tu, với hy vọng rằng mình sẽ “trốn” được đời, thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bạc tiền công danh và tiến thẳng về Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Đàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy nơi chẳng khác gì đời sống bên ngoài, cũng toàn là ganh đua, tranh giành, đố kỵ, ganh ghét, hãm hại…, chỉ là nó được khoác lên người với một lớp áo tu trì, thế thôi! Vậy, đâu là Thiên Đàng của đời tu?
Thiên Đàng của người tu sĩ cũng phải là một kiểu Thiên Đàng giống như Mẹ vậy. Đó không phải là một kiểu trốn đời để đi tìm sự thanh thản nhưng là vào đời nhiều hơn. Đó không phải là một hành trình đi tìm kiếm sự nể trọng, vinh quang và sung sướng về vật chất, nhưng là an vui và hài lòng với tất cả những gì cuộc sống ban tặng cho. Hơn hết, Thiên Đường của người tu sĩ là một sự kết hiệp trọn vẹn với Đức Kitô khiêm nhường và vác thập giá, mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, để Ngài trở nên như thế nào thì người tu sĩ cũng trở nên như vậy. Thiên Đàng kiểu như thế thì không phụ thuộc vào những cái bên ngoài, không hệ lụy ở tiện nghi vật chất, hay thậm chí là một sự trạng thái an nhiên về tinh thần. Thiên Đàng ấy chính là Đức Giêsu. Người tu sĩ hòa quyện đời mình với Giêsu, lấy Giêsu làm điểm tựa và là tâm điểm của đời mình, nên dù có ăn cơm với rau, sống trong một căn phòng chật hẹp và bất tiện, bị người ta khinh thường tẩy chay, người tu sĩ vẫn không hề nao núng và chán nản, bởi họ đã có Giêsu với mình rồi.
Người nào yêu mến Mẹ thì cũng tức khắc yêu mến Giêsu. Người nào thần tượng Giêsu thì cũng ngay lập tức được giới thiệu đến trước Mẹ. Đó là vì trong Mẹ có Giêsu và nơi Giêsu có Mẹ. Hai con người này luôn gắn chặt với nhau, không bao giờ rời xa, cho dù có biết bao sóng gió, thăng trầm, nghịch lý kéo đến giăng bủa. Khi được ở với Giêsu, Mẹ tận hưởng được niềm hạnh phúc siêu nhiên của Thiên Đàng rồi. Nét Thiên Đàng mà người tu sĩ được mời gọi để chiếu vào nhân thế phải là một nét Thiên Đàng như thế. Từ đó, dù có khi chưa về với Chúa qua cái chết thể lý, người tu sĩ vẫn cảm thấy mãn nguyện và hài lòng rồi. Với một đời sống gắt kết với Giêsu, người tu sĩ kéo khung cảnh của Thiên Đàng từ trời xuống dưới thế, làm rực lên những nhân đức sáng ngời, hệt như suối nước trong xoa dịu cái nóng oi ức của cuộc sống.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ