Kim Phúc: “Tha thứ thì mạnh hơn là vũ khí”

Ngày 27 tháng 11-2015, bà Phan Thị Kim Phúc mở đầu Ngày Nicolas và Dorothée de Flüe, St-Maurice, Thụy Sĩ bằng câu chuyện đau thương cuộc đời mình.

Bà trở nên nổi tiếng nhờ bức hình chụp sau khi bị bom napalm dội xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam, làm cho bà bị phỏng nặng. Bà làm chứng về lòng tha thứ, “thử thách lớn nhất” của đời bà.

KimPhuc-1.jpg

“Sự lành lặn cơ thể là một thử thách. Cuộc sống mới của tôi ở nước ngoài là một thử thách. Tha cho những người đã gây nên các đau khổ này là một thử thách còn lớn hơn”, nụ cười mĩm và giọng nói thanh thản tóm lại cuộc đời đau khổ cũng như ngoại hạng của bà Phan Thị Kim Phúc. Bà sống sót sau trận dội bom ở Tây Ninh năm 1972 và bà được ông Nick Ut, nhiếp ảnh gia của hãng thông tấn AP lưu danh qua những tấm hình chụp này, hình một em bé bị bom làm phỏng, chạy trần truồng hốt hoảng trên đường. Bức hình trở thành biểu tượng cho sự khủng khiếp của chiến tranh và đã được truyền đi khắp thế giới.

“Tôi đi qua biển lửa”

Ông Nick Ut đưa bà vào bệnh viện. Phòng cấp cứu thấy tình trạng của bà quá nặng nên họ đành bỏ qua. Ba ngày sau, cha mẹ thấy con mình nằm hấp hối ở nhà hòm. Nhờ ông Nick Ut can thiệp, bà được chuyển về một bệnh viện ở Sàigòn và được săn sóc ở phòng dành cho người bị phỏng nặng. Bà cho biết mình “đã đi qua biển lửa”.

Nạn nhân lần thứ nhì

Qua biển lửa là đau đớn về thể xác. Việc chữa trị rất lâu và rất đau, – bom napalm với nhiệt độ 1200 -, bà đã phải chịu 17 lần giải phẫu. Lần cuối cùng là tại Đức năm 1984. Chữa trị và trị liệu phục hồi đã lấy mất đi tuổi thơ của bà. Rồi đến đau đớn về mặt tinh thần. Bà bắt đầu ghi tên học ngành Y nhưng phải ngưng vì chính quyền vào thời đó lợi dụng bà để tuyên truyền. Bà bị theo dõi thường xuyên, phải đi diễn thuyết liên tục, bà không còn được nghỉ ngơi để thanh thản sống. “Tôi trở thành nạn nhân lần thứ nhì, tôi sống như con chim trong lồng”, bà thở dài. Bà sống trong hận thù, tức giận, chất vấn vì sao phải bám rịt vào cuộc đời. “Tôi phải thay đổi tâm hồn tôi, nếu không hận thù sẽ giết tôi. Tôi tìm cách làm sao để tìm lại bình an và tình yêu”.

Các thử thách xảy ra liên tục

Năm 19 tuổi, bà tìm được câu trả lời khi vào thư viện, bà đọc được quyển Thánh Kinh. “Khi đọc, tôi biết Chúa đã có một chương trình cho cuộc đời tôi. Mọi sự thành sáng rõ dù tình trạng chung quanh tôi không thay đổi”. Bà trở lại đạo, các thử thách cứ tiếp tục chồng chất. Chính quyền đóng cửa nhà thờ. Mục sư và các nhân viên bị kết án từ ba đến sáu năm tù. Rồi năm 1986, bà được nhà nước cho đi Cuba để tiếp tục học Y khoa, một cách đưa bà đi xa và cũng để kiểm soát bà. Một mình, không bạn bè, bị theo dõi và không thể giữ đạo được, bà phải báo cáo sinh hoạt hàng tuần của mình.

“Tôi có một bí mật, bà kể như tâm sự với cử tọa, quyển Thánh Kinh nhỏ đã giúp tôi đứng vững. Các vấn đề sức khỏe buộc tôi phải ngưng hẳn việc học Y”. “Tôi phải tìm một giấc mơ khác”. Bà lao mình vào học tiếng Tây Ban Nha và mơ sống ở Phương Tây. Cơ hội đến khi bà đi hưởng tuần trăng mật ở Matxcơva. Trên chuyến về, máy bay ghé Canada, bà cùng chống bỏ trốn và xin tị nạn ở đây. “Giờ phút này dài như cả cuộc đời của tôi”, bà Kim Phúc nhớ lại. Bà bắt đầu cuộc đời mới “không có gì. Khi trốn ở phi trường, chúng tôi để lại tất cả trên máy bay: giấy tờ, tiền bạc. Chúng tôi bắt đầu bằng con số không, nhưng chúng tôi có đức tin”.

KimPhuc-2.jpg

Thụy Sĩ, 27 tháng 11-2015 trong Ngày Nicolas và Dorothée de Flüe. Phan Thị Kim Phúc, Trường Saint-Maurice. (Hình: B. Hallet)

Khó khăn để tha thứ

“Khó khăn lớn nhất đời tôi là tha thứ. Điều này đối với tôi gần như là không thể được. Tôi không biết phải làm như thế nào. Các vết sẹo không phải chỉ ở da thịt. Tôi còn mang trong người các vết thương tinh thần và cảm xúc”, bà than thở. Kim Phúc tìm lối thoát cho mình trong lời cầu nguyện và thêm vào đó là một phương pháp cụ thể để thay đổi thái độ sống. Chấm dứt hỏi “tại sao là  tôi?”, tôi xin ơn tin tưởng phó thác, vâng lời Chúa và phải sống tích cực. “Tôi bắt đầu đếm tất cả ơn tôi đã nhận được và tôi ngừng than vãn”, bà cho biết.

Tôi phải thải đi tất cả hận thù, tức giận. Bà trút ly cà phê đen, tượng trưng cho sự tăm tối của tâm hồn vào một cái ly khác. Bà cụ thể hóa cách mà lời cầu nguyện đã giúp bà loại đi các tư tưởng tiêu cực, sau đó bà đổ đầy ly nước, tượng trưng cho các ơn nhận được do Chúa ban: vui vẻ, bình an, tình thương và tha thứ. Trong khi bà nói chuyện, màn hình chiếu cảnh bà bị phỏng nên các hình ảnh này thật thuyết phục. “Lần đầu tiên khi thấy các bức hình này, tôi rất khó chịu. Sau này tôi mới ý thức, chính các bức hình này là món quà vô biên cho tôi. Tôi có thể phục vụ cho điều tốt. Đó là đời tôi”, bà kể cho báo Công giáo Thụy Sĩ. Bà dùng tấm hình này như con đường đi đến sự tha thứ.

Không thể nghi ngờ lòng chân thành và đức tin sâu đậm của người thoát cảnh địa ngục này. Con đường của bà đi đến với lòng thương xót thì thật ngoại hạng. Kim Phúc là chứng nhân, bà tránh gây cảm xúc. Bà gần với cử tọa, bà nhận biết “không cần phải sống trong cảnh chiến tranh mới tuyệt vọng”, có một số người trong phòng này gặp cảnh thất nghiệp, bệnh tật và đối diện với cơn giận nổ ra trong lòng họ. “Xin quý vị hãy đến với Chúa Giêsu và xin Chúa đổ cái ly của quý vị, Ngài sẽ làm cho quý vị thành một tạo vật mới”, bà kết luận.

Hiện nay Kim Phúc sống ở ngoại ô Toronto, Canada. Bà lập gia đình và là mẹ của hai người con trai 18 và 21 tuổi. Bà phụ trách một Tổ chức mang tên mình để trợ giúp cho các em bé nạn nhân của chiến tranh.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 02.12.2015/
cath.ch, Bernard Hallet, 2015-11-29)