Thánh Bernard (1090-1153) là đan sĩ Xitô ở Clairvaux và là tiến sĩ Hội Thánh.
Thánh Bernard thuộc dòng dõi quí tộc và chào đời tại lâu đài Fontaine-les-Dijon ở miền Đông Bắc nước Pháp. Cuộc đời thánh nhân quả là trang sử tuyệt đẹp, đẹp cả về phương diện thiêng liêng lẫn nhân bản.
63 tuổi thọ với 41 năm sống đời đan tu và 38 năm làm Viện Phụ đan viện Xitô ở Clairvaux, thánh Bernard đánh dấu giai đoạn vàng son của cuộc sống khổ-chế và nhiệm-nhặt.
Thật thế, vào năm 1112, Bernard (22 tuổi) dứt khoát từ bỏ mọi vinh-hoa phù-du thế-trần để ẩn mình trong nếp sống đan tu.
Điều đáng chú ý là Bernard cùng lúc kéo theo đoàn hùng binh – thuộc đủ giai tầng xã hội già trẻ khác nhau – gồm khoảng 30 người ra đi tìm kiếm Tuyệt Đối và Thinh Lặng .. Trong số này có 4 anh em ruột của Bernard cộng với người cậu Gaudry. Sau đó có thêm thân phụ Tescelin cùng người em gái. Tất cả hăng say chọn nếp sống cho THIÊN CHÚA và vì THIÊN CHÚA theo sát tinh thần quy luật thánh Biển-Đức (480-547), Ông Tổ đời đan tu.
Thánh Bernard thành Clairvaux còn là quí tử Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Xin trích một đoạn bài giảng ngài ca tụng danh thánh MARIA.
”Trinh Nữ ấy tên là MARIA” (Luca 1,27).
MARIA có nghĩa là Sao Biển (Stella Maris). Tên Sao Biển vô cùng xứng hợp với Đấng vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ. Ví Đức MARIA với thiên-thể là sánh ví tuyệt hảo, bởi lẽ, tinh-tú phát ra các luồng sáng mà vẫn không bị suy giảm thế nào, Trinh Nữ MARIA cũng không bị thiệt hại gì, khi sinh Con như thế. Cũng vậy, tia sáng không làm giảm bớt sức chiếu tỏa của ngôi sao thế nào, Người Con sinh ra cũng giữ nguyên nét toàn vẹn Trinh Nữ của Mẹ mình như thế. Mẹ đúng là Vì Sao cao sang nhà Giacóp, chiếu sáng khắp vũ trụ, rạng soi các tầng trời và xuyên tận vực thẳm. Mẹ cũng sáng soi toàn trái đất, sưởi ấm linh hồn hơn là thể xác, phát huy nhân đức và tiêu diệt tật xấu. Mẹ là Vì Sao huy hoàng mọc lên từ biển cả mênh mông, chói lọi nhờ công đức và rực sáng vì gương lành ..
Hỡi bạn là người đứng xa đất chắc, bạn thấy mình bị lôi cuốn bởi sóng trần gian giữa bao phong ba bão táp, bạn đừng rời mắt tia sáng của Vì Sao đó nếu bạn không muốn chết chìm.
Nếu mà cơn cám dỗ nổi lên, nếu mà đá ngầm nhô lên trên mặt đường bạn, bạn hãy nhìn Sao, bạn hãy gọi Mẹ MARIA.
Nếu mà bạn lao đao trên các đợt sóng kiêu ngạo, tham lam, nói hành, đố kỵ, bạn hãy nhìn Sao, bạn hãy gọi Mẹ MARIA.
Nếu mà tính giận, tính keo kiệt, tính thèm nhơ nhớp làm lung lay con thuyền hồn bạn, bạn hãy ngước mắt nhìn Mẹ MARIA.
Nếu mà bị xáo trộn vì các tội tầy đình của bạn, xấu hổ vì những ô nhục của lương tâm bạn, kinh hãi vì sợ bị xét xử, bạn bắt đầu đắm mình trong sầu khổ, rơi dần xuống hố tuyệt vọng, bạn hãy nghĩ đến Mẹ MARIA.
Trong nguy nan, lúc sầu khổ, khi băn khoăn, bạn hãy nghĩ đến Mẹ MARIA, bạn hãy kêu cầu Mẹ MARIA.
Ước gì danh thánh MARIA không bao giờ lìa xa môi miệng bạn, tách rời khỏi con tim bạn; và để được Mẹ thương cầu bầu trợ giúp, bạn đừng quên bắt chước gương Mẹ.
Bước theo Mẹ, bạn không lạc hướng; kêu cầu Mẹ, bạn không thất vọng; lĩnh ý Mẹ, bạn không sai lầm.
Nếu Mẹ đỡ bạn, bạn sẽ không ngã; nếu Mẹ che chở bạn, bạn sẽ không sợ; nếu Mẹ dìu bạn, bạn sẽ không mệt; nếu Mẹ ủng hộ bạn, bạn sẽ đạt đến đích; như thế, nhờ kinh nghiệm cá nhân, bạn sẽ công nhận lời thiên sứ thật đúng:”Trinh Nữ ấy tên là MARIA” (Luca 1,27).
Suy niệm về đức trinh-khiết và lòng khiêm-tốn của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, thánh Bernard viết:
Thiên Thần Gabrie được THIÊN CHÚA sai đến với Trinh Nữ đính hôn với một người tên là GIUSE.
Trinh Nữ là ai mà lại vừa đáng kính đến độ Thiên Thần phải kính cẩn cúi chào, vừa khiêm-nhu đến độ đính hôn với người thợ mộc? Thật là tổng hợp tuyệt diệu giữa đức trinh-khiết và lòng khiêm-nhu. Chắc chắn THIÊN CHÚA thật hài lòng với linh hồn trong đó sự khiêm-nhu nâng cao đức trinh-khiết và đức trinh-khiết trang điểm cho sự khiêm-nhu.
Nhưng tôn kính nào mà bạn nghĩ là sẽ thật tương xứng với sức sinh con như lời chúc tụng sự khiêm-nhu và sự sinh con lại cung hiến cho đức trinh khiết? Rõ ràng bạn nghe Cô là trinh nữ. Bạn cũng nghe Cô rất khiêm-tốn. Nếu bạn không thể bắt chước đức trinh-khiết đã từng khiêm-nhu thì bạn hãy bắt chước sự khiêm-nhu đã từng trinh-khiết.
Đức trinh-khiết thật đáng ca ngợi nhưng sự khiêm-nhu lại rất cần thiết.
Giữ trinh-khiết chỉ là lời khuyên nhưng sống khiêm tốn lại là qui tắc. Về đức trinh-khiết có lời nói rằng: Hãy đạt đến trinh-khiết người nào có thể đạt được! Nói cách khác, ai giữ được thì giữ! Nhưng sự khiêm-nhu thì lại là qui luật như lời Đức Chúa GIÊSU phán: ”Ai không trở nên như con trẻ này thì sẽ không vào được Nước Thiên Đàng” (Mátthêu 18,3-4).
Vậy thì, đức trinh-khiết được tán thưởng nhưng đức khiêm-nhu lại là điều bắt buộc.
Nói tóm lại, bạn có thể được cứu rỗi mà không cần giữ mình đồng trinh, nhưng bạn không thể được cứu rỗi nếu bạn không sống khiêm nhường. Tôi có thể khẳng định rằng: Đức MARIA vẫn có thể làm vui lòng Chúa với lòng khiêm tốn khi than khóc vì đã đánh mất đức trinh-khiết; nhưng tôi dám cả quyết rằng: nếu không có lòng khiêm-tốn thì đức trinh-khiết của Đức Mẹ MARIA chả làm Chúa hài lòng bao nhiêu, như lời Chúa phán: ”Nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi nếu không phải là nơi người khiêm tốn?”, Isaia chương 66, câu 2.
Chúa nói rõ: nơi người khiêm tốn chứ không phải nơi cô trinh nữ! Vậy thì, nếu Trinh Nữ Rất Thánh MARIA không phải là người khiêm-tốn thì ”Đức Chúa Thánh Thần sẽ không thể đến nghỉ ngơi và bao trùm Trinh Nữ”. Nếu Đức Chúa Thánh Thần không thể đến thì Ngài không thể làm cho Trinh Nữ trở thành Mẹ. Thật thế, làm sao Trinh Nữ có thể thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà không có Đức Chúa Thánh Thần được?
Như vậy, điều hiển nhiên chính là, sở dĩ Trinh Nữ được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần chính vì lòng khiêm-tốn của Trinh Nữ, như lời Trinh Nữ làm chứng rằng: ”THIÊN CHÚA đã đoái nhìn đến phận nữ-tỳ hèn-mọn”, hơn là vì đức trinh-khiết của Trinh Nữ. Và nếu Trinh Nữ làm Chúa vui lòng vì đức trinh-khiết của mình thì thật ra Trinh Nữ đã thụ thai nhờ đức khiêm-tốn. Như thế có thể kết luận rằng: Chính đức khiêm-nhu đã tô điểm khiến cho cả đức trinh-khiết cũng trở thành thi-vị dịu dàng.
(Bernard de Clairvaux, ”A La Louange De La Vierge Mère”, Les Éditions du Cerf, 1993 / Odette Philippon, ”Bernard de Clairvaux – Message de tous les temps”, Pierre Téqui Éditeur, 1990)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 14.11.2015)