WHĐ (20.02.2016) – Lúc 7g15 tối thứ Tư 17-02 (theo giờ tại bang Chihuahua, Mexico), phi cơ chở Đức Thánh Cha Phanxicô cất cánh từ phi trường Ciudad Juárez (bang Chihuahua, Mexico), trở về Roma, kết thúc chuyến tông du thứ 12 của ngài. Trong hành trình trở về Roma, theo thông lệ, Đức Thánh Cha đã có cuộc trao đổi với các phóng viên có mặt trên chuyến bay về nhiều đề tài, như cuộc khủng hoảng tại châu Âu, vấn đề phá thai, nạn ấu dâm, vai trò phụ nữ trong Giáo hội…
Đức Thánh Cha cũng đã dành thời gian nói về cuộc gặp gỡ của ngài với Giáo chủ Chính thống giáo Moskva và toàn Nga Kirill. Nhiều người Công giáo nghi lễ Hy Lạp tại Ukraina đã coi cuộc gặp gỡ này là một hành động phản bội. Phản ứng này được nhắc đến trong phát biểu vào Chúa nhật vừa qua (14-02) của Đức cha Sviatoslav Shevchuk, Tổng giám mục Kiev, niên trưởng Giáo hội Công giáo nghi lễ Hy Lạp tại Ukraina (UGCC). Về phản ứng này, trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại ngài vốn biết rõ và từng làm việc với Đức Tổng giám mục Shevchuk trong bốn năm tại Buenos Aires và “kính trọng” ngài. Tiếp đến Đức Thánh Cha mời gọi hãy đặt những phát biểu của Đức Tổng giám mục vào bối cảnh của nó, tức là bài trả lời phỏng vấn linh mục Ihor Yatsiv, phụ trách truyền thông và là người phát ngôn của UGCC. Quả thật, trong một câu trả lời, Đức cha Shevchuk đã nói: “Người dân Ukraina hoặc nhiều người Ukraina cảm thấy rất thất vọng và bị phản bội”. Đức Thánh Cha cho biết ngài đã đọc toàn bộ bài phỏng vấn này; ngài nói: “Đức cha Shevchuk nói ngài là con của Hội Thánh, hiệp thông với Giám mục Roma, với Giáo hội; ngài nói về Đức giáo hoàng, về sự gần gũi của ngài với Đức giáo hoàng; ngài nói về mình, về đức tin của mình và đức tin của người Chính thống giáo”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, mỗi người đều có thể bày tỏ những suy nghĩ riêng để cùng đối thoại”. “Còn văn kiện ư? Đó là loại tài liệu có thể bàn cãi, thêm bớt”, Đức Thánh Cha minh định, “Ukraina đang sống trong giai đoạn có chiến tranh, chịu đau khổ, với biết bao lối giải thích”. Đức Thánh Cha nhắc lại ngài đã từng nhiều lần cổ võ hãy đến với người dân Ukraina, hãy cầu nguyện cho đất nước này, đồng thời nhấn mạnh trong văn kiện tuyên bố chung cũng đã “kêu gọi kết thúc chiến tranh, đạt đến sự thỏa thuận”. Đức Thánh Cha khẳng định: “Cá nhân tôi từng yêu cầu hãy xúc tiến thỏa thuận Minsk”. “Đức giáo hoàng luôn luôn nói: hãy tìm kiếm hòa bình”. Tóm lại, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy nhìn vào những điểm giáo thuyết nghiêm chỉnh trong bài trả lời phỏng vấn (của Đức Tổng giám mục Shevchuk) “toát lên mong muốn hiệp nhất, đẩy mạnh việc đối thoại đại kết” và kêu gọi hãy rút ra bài học: “cái mới cần phải được giải thích trong tổng thể chứ không phiến diện”.
Nạn ấu dâm
Được hỏi về vấn đề ấu dâm, Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định: “một giám mục chỉ hành động giới hạn bằng cách đổi một linh mục ấu dâm đi xứ khác thì chưa ý thức được vấn đề. Hành động đúng nhất là ra quyết định bãi nhiệm”. Đức Thánh Cha Phanxicô là người dứt khoát, không uyển chuyển, khi giải quyết những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo hội. Về vấn đề này, ngài khuyên các nhà báo hãy nhìn nhận sự đóng góp của Đức hồng y Ratzinger, sau này trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XVI, đã từng mạnh mẽ chống lại nạn dịch này và coi đó thật đáng ghê tởm. “Một linh mục được thánh hiến để đưa trẻ đến với Chúa mà lại hiến mình cho quỷ dữ thì hủy hoại đứa trẻ mất rồi”. Vatican đang tiếp tục làm việc về hồ sơ này và mới bổ nhiệm vị phó thư ký thứ ba cho Bộ Giáo lý Đức Tin.
Phá thai
Tiếp tục bày tỏ thái độ một cách mạnh mẽ, Đức Thánh Cha nhắc lại “phá thai không những xấu xa mà còn là một tội ác, một điều tuyệt đối xấu xa”. Còn việc tránh thai, trái lại, có thể coi là ít xấu xa nhất. Đức Thánh Cha nhắc lại: “Đức Phaolô VI đứng trước hoàn cảnh khó khăn tại châu Phi, đã cho phép các chị em trong trường hợp bị cưỡng bức được dùng các biện phép tránh thai”. Không bao giờ được nhầm lẫn giữa tránh thai với phá thai, đối với thầy thuốc, phá thai đi ngược lại lời thề Hippocrate. Trong khi đó có thể cho phép ngừa thai trong những trường hợp nhất định, chẳng hạn để tránh sự lan tràn của virus Zika. “Phá thai không phải là vấn đề thần học mà là vấn đề về con người, về y học”.
Gia đình
Trong cuộc trao đổi với các nhà báo, Đức Thánh Cha nhắc lại mong muốn của ngài là “đưa những gia đình bị thương tích và những người ly dị tái hôn được hội nhập lại vào đời sống Giáo hội” đồng thời nói rõ “tái hội nhập không có nghĩa là được rước lễ”. Nhân dịp này Đức Thánh Cha cho biết Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về gia đình sắp được công bố, “có lẽ vào trước lễ Phục sinh”.
Chính trị và châu Âu
Khi được hỏi về những vấn đề liên quan trực tiếp đến chính trị, Đức Thánh Cha tỏ ra thận trọng hơn vì ngài nói không nên để bị lôi cuốn vào đề tài cuộc đề cử ứng viên Donald Trump trong cuộc tranh cử ở Mỹ, hoặc việc thảo luận tại quốc hội Italia về việc cho phép các cặp đồng tính được nhận con nuôi. Tuy nhiên ngài đã đưa ra nhận định: “một người chỉ nghĩ đến chuyện xây tường ngăn cách chứ không bắc những nhịp cầu thì không phải là Kitô hữu”.
Về châu Âu, Đức Thánh Cha mong mỏi một cuộc trùng tu tại lục địa này, vì, ngài nói: “lục địa lâu đời này có một sức mạnh, một nền văn hóa, một lịch sử không thể để lãng phí. Vì vậy, phải làm mọi cách để Liên minh châu Âu tìm được niềm hứng khởi tiến lên phía trước”.
Đức Thánh Cha thú nhận ngài rất thích được đến Trung Quốc. Đồng thời cho biết dù không đi Kriti dự Công đồng toàn Chính thống giáo nhưng sẽ “hiện diện về tinh thần qua một sứ điệp gửi đến Công đồng”. Khi trả lời câu hỏi do một nhà báo đặt ra, Đức Thánh Cha nói ngài mong được gặp vị Đại Giáo trưởng Hồi giáo Al Azhar: “Tôi mong gặp ngài và tin ngài cũng sẽ vui lòng. Hiện chúng tôi đang tìm phương cách cho cuộc gặp gỡ này”.
Phụ nữ và Giáo hội
Trong lần gặp gỡ này với giới báo chí, Đức Thánh Cha đề cao vai trò tư vấn quý báu của phụ nữ trong Giáo hội. Khi được hỏi về “việc trao đổi thư từ thường xuyên” của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II với nữ triết gia Mỹ Anna-Teresa Tymieniecka được nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến, Đức Thánh Cha nói khi còn ở Buenos Aires ngài đã từng nghe nói đến “mối tương quan bằng hữu” giữa Đức Gioan Phaolô II và nữ triết gia. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Một người đàn ông không biết duy trì mối tương quan bằng hữu với một phụ nữ sao cho tốt đẹp (…), thì người đàn ông ấy vẫn còn thiếu một điều gì đó”. Ngài nói tiếp: “Tôi cũng vậy, dựa vào kinh nghiệm riêng, tôi thấy khi cần một lời khuyên, tôi hỏi người cộng sự, hỏi một người bạn thân, đồng thời tôi cũng muốn nghe ý kiến của một phụ nữ: phụ nữ sẽ cho bạn nhiều ý tưởng!”. “Làm bạn với phụ nữ không phải là một tội, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, nói rõ rằng giáo hoàng là một người cũng cần đến những suy nghĩ của phụ nữ”. Đức Thánh Cha nói tiếp “Giáo hoàng mang một trái tim có thể có một tình bạn lành mạnh, thánh thiện với một phụ nữ”. Cuối cùng, Đức Thánh Cha lấy làm tiếc rằng phụ nữ vẫn ít được lưu tâm. “Chúng ta không nhận ra điều tốt lành phụ nữ có thể mang lại cho đời sống của linh mục và Giáo hội, qua những lời khuyên, sự giúp đỡ và tình bạn lành mạnh”.
(Theo Radio Vatican)