Christel Juquois
Nếu tâm hồn không được bình an, như trong những lúc khó khăn, thì chỉ cần hướng về Mẹ của Chúa Giêsu là đủ. Tháng Năm là tháng, mà cách đặc biệt, chúng ta có thể thiết lập nơi ở của chúng ta trong Trái Tim của Đức Maria. Tại sao tháng Năm dành riêng cho Đức Mẹ?
Tháng Năm, đối với người Công giáo và Anh giáo, được dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do nào? Đâu là nguồn gốc của lòng sùng kính này?
Tháng Năm lấy tên của nữ thần Maïa , nữ thần mùa Xuân và khả năng sinh sản của Rôma, vị thần mà tháng Năm được dành riêng vào thời Cổ Đại. Chính vào thời Trung Cổ mà các Kitô hữu bắt đầu liên kết tháng này với Đức Maria. Từ thế kỷ XIII, người ta thấy đề cập đến điều đó trong các bài thơ dâng Đức Mẹ (Cantigas de Santa Maria) của vua Alphonse X của Castille, được gọi là Nhà thông thái (1252-1284). Ông so sánh vẻ đẹp của Đức Mẹ với vẻ đẹp của tháng Năm.
Dần dần, các tu sĩ Dòng Đa Minh và Phan Sinh khuyến khích việc sùng kính này ở Ý: vào đầu tháng Năm, các bàn thờ được dựng lên để tôn kính Đức Maria, các vòng hoa được kết cho Đức Mẹ.
Hướng về Đức Maria, Bông Hoa của tháng Năm
Chân phước Henri Suso, nhà thần bí dòng Đaminh thế kỷ XIV, đã chọn tháng này để canh tân lòng sùng kính Đức Maria. Cũng như một số tháng trong năm mang những danh xưng đến từ sự tôn vinh của người Rôma đối với một số nhân vật nổi tiếng – Junius, Julius, Augustus – , người Công giáo cũng muốn tôn kính Đức Maria, Đấng là mùa xuân của vĩnh cửu và ân sủng. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVI, với thánh Philipphê Nêri và thánh Inhaxiô Lôyôla, để lòng sùng kính này, còn sống động cho đến hôm nay, được thành hình. Tại Rôma, thánh Philipphê Nêri thích tập hợp các trẻ em xung quanh bàn thờ Đức Mẹ, vào thời điểm này vẫn còn là mùa Phục Sinh, để các em dâng lên những bông hoa đầu tiên và các hành vi đức hạnh của mình.
Thế nhưng, đặc biệt là thánh Inhaxiô Lôyôla, và tiếp đến toàn Dòng Tên tiếp bước ngài, đặc biệt trong các trường của Dòng mình, đã phát triển những thực hành tôn kính Đức Trinh Nữ Maria vào tháng đặc biệt này. Các học sinh đã đặt vào một thùng giấy trong đó họ đã ghi lại những nỗ lực và các hành vi bác ái của mình. Tiếp đến, tất cả được tập hợp lại với nhau và được ghi vào các tập sách nhỏ mà sẽ trở thành “kho tàng của Nữ Vương Thiên Đàng”. Một ví dụ nổi tiếng là tập Theophilus Marianus của cha Giovanni Nadasi, được xuất bản ở Cologne năm 1664, trong đó tác giả thêm vào những suy tư Kitô giáo cho mỗi ngày của tháng Năm.
Lòng sùng kính bình dân
Vì thế, lòng sùng kính vượt quá các hội dòng Đức Mẹ trong các cơ sở giáo dục để thâm nhập vào các gia đình. Cha Annibal Dionisi, vào năm 1724 ở parme, mô tả chi tiết các cách thức tiến hành dựng một bàn thờ Đức Mẹ nhỏ và đề nghị “những hoa thiêng liêng” mà mỗi gia thành viên của gia đình được mời gọi suy niệm. Chương trình các bài linh thao trong suốt tháng Năm này được cung cấp đầy đủ, một khóa tĩnh tâm tại gia đích thực sao chép theo mô hình của các bài Linh thao của thánh Inhaxiô Loyôla, nhưng được thích nghi theo nhịp sống của giáo dân trong thành phố và cho mọi lứa tuổi. Phương pháp sư phạm ngoại thường dưới ánh sáng của đời sống nội tâm của Đức Trinh Nữ Maria!
Vào năm 1787, cha Muzzarelli đã xuất bản, ở Ferrare, tác phẩm “Tháng Đức Maria”, một tác phẩm phong phú cho hậu thế, vì tác phẩm đạo đức này đã được thích nghi với các cuộc hội họp công cộng và nó cho phép một cuộc loan báo Tin Mừng bình dân sâu rộng vào thời này vốn đang trải qua nhiều rối loạn ở khắp Châu Âu với các cuộc xâm nhập cách mạng Pháp rồi Napôlêon và sự loại bỏ nhiều cộng đoàn tôn giáo. Đức Piô VII đã không mắc sai lầm nào về điều đó và gắn bó với lòng đạo nhiệt thành này ở Rôma nơi mà lòng sùng kính vào “tháng Đức Mẹ” đã được phát triển nhanh chóng trước khi được chính ngài đề nghị cho toàn thể Giáo hội sau khi trở về từ cuộc lưu vong ở Pháp như là một tù nhân của Đế chế thứ nhất. Đức Piô IX, vị kế nhiệm, sẽ xác nhận quyết định của ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặc biệt khuyến khích lòng sùng kính này, cụ thể vào năm 2020, lúc bắt đầu đại dịch: “Anh chị em thân mến, việc cùng nhau chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Kitô với trái tim của Đức Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ khiến chúng ta cần hiệp nhất hơn nữa với tư cách là một gia đình thiêng liêng và giúp chúng ta vượt qua thử thách này” (Thư ngày 25/4/2020).
Thời gian của niềm vui
Khi chúng ta đồng hành với Đức Trinh Nữ trong suốt cuộc Thương Khó và cho đến sự Phục Sinh, như thế chúng ta đào sâu sự gắn bó của chúng ta đối với Mẹ. Dưới chân Thánh giá, chúng ta đã sống hiệp thông với nỗi đau đớn và thống khổ của Mẹ được kết hiệp với nỗi đau đớn và thống khổ của Con Mẹ. Theo cách diễn giải Thánh Kinh (Tv 41,8) thật đẹp của Léon Bloy: “Vực thẳm Nước Mắt của Đức Maria kêu gọi vực thẳm nước mắt của chúng ta bằng Tiếng nói của các dòng thác của Mẹ” (Đấng khóc thương). Như đã có một thời để khóc, giờ đây là thời của niềm vui. Paul Claudel, trở lại nhờ Đức Mẹ ở nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 25/12/1886 và là người yêu mến Đức Bà Saletta, đã viết một bài thơ trong đó ông ca ngợi sự ngọt ngào và dịu dàng của tháng Đức Mẹ:
“Bông hồng kép lờ mờ
rụng lá trên sáp,
Ngọn lửa như hơi thở
ngắm nhìn và hít thở,
chính toàn thể linh hồn con
sám hối và động lòng,
dõi theo mi mắt của Mẹ!
Maria hỡi, xin Mẹ chấp nhận điều đó!
Và kìa dưới tảng đá,
dưới sức nặng của kẻ phạm tội,
một nguồn suối đã bắt đầu lại
như một ngụm nước tươi mát!”
(Visages radieux. Le mois de Marie, 1935)
Nếu tâm hồn không được bình an, thì chỉ cần hướng nó về Đức Mẹ.
Phúc lành lớn nhất
Charles Péguy, khi nói về các thụ tạo, đã ca ngợi Đức Trinh Nữ Maria:
“Đức thánh Trinh Nữ không chỉ là phúc lành lớn nhất được ban xuống trên trần gian.
Nhưng thậm chí là phúc lành lớn nhất được ban xuống trên toàn thể công trình tạo dựng.
Mẹ không chỉ là người nữ đầu tiên giữa tất cả phụ nữ.
Được chúc phúc giữa mọi người phụ nữ,
Mẹ không chỉ là thụ tạo đầu tiên giữa mọi thụ tạo,
Mẹ là thụ tạo độc nhất vô nhị, độc nhất vô tận, hiếm vô cùng”.
(Le Porche du mystère de la deuxième vertu)
Tháng Năm là tháng, mà cách đặc biệt, chúng ta có thể thiết lập nơi ở của chúng ta trong Trái Tim của Đức Maria, như khi chúng ta bước vào một trong những đền thánh của Mẹ, đột nhiên được bao trùm bởi sự thinh lặng, sự bình an, bỏ lại bên ngoài tất cả sức nặng của cuộc sống, tất cả những lo âu khôn nguôi… Đấng khóc thương là Đấng đón tiếp, Đấng ôm ấp trong vòng tay thương xót của mình vì Mẹ không muốn mất đi bất kỳ người con bé nhỏ nào của Người Con của Mẹ và cũng là người con của Mẹ.
Tý Linh
(theo Christel Juquois, nhật báo La Croix, và Jean-François Thomas, s.j., Aleteia)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (30.04.2023)