Hội thảo chuyên đề về di dân ở Roma

 

anniv-34_jrs_locandina-ed-300x199ROMA. Nhân kỷ niệm 34 năm thành lập JRS (Jesuit Refugee Service – Dịch vụ Trợ giúp người Di dân của dòng Tên), JRS quốc tế và trung tâm Astalli đã tổ chức một buổi hội thảo chuyên đề “Lòng hiếu khách trên các biên cương”, vào lúc 17h, hôm thứ 5, 20.11 vừa qua tại Curia, Dòng Tên, Roma.

Hiện diện trong buổi hội thảo này, dưới sự điều phối của hai cha dòng Tên Peter Balleis, Giám đốc Trung tâm JRS quốc tế và Camillo Ripamonti, Giám đốc Trung Tâm Astalli, có cha Bề Trên Cả dòng Tên Adolfo Nicolas, cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, các đại biểu và nhân viên làm việc cho JRS cũng như những ai hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc người di dân. Ngoài ra, còn có anh Tareq Al Jabr, một người tị nạn Syria sống ở Ý, chia sẻ kinh nghiệm của mình và cha Mourad Abu Seif, đến từ Aleppo, nói về vấn đề chiến tranh tại Syria và những hệ quả của nó cho người dân nơi đây.

Trong lời mở đầu, cha Balleis đã nói đến những ưu tiên khẩn cấp mà JRS phải dấn thân vào là Cộng Hòa Trung Phi, Iraq, Sudan và Syria. Đây là những nơi bị dịch bệnh và chiến tranh tàn phá, khiến cho hoàn cảnh sống của người dân rơi vào tình trạng vô cùng tồi tệ. Ngài chia sẻ rằng: “Trốn chạy khỏi sự bắt bớ và bạo lực, những người tị nạn tìm kiếm sự an toàn và lòng hiếu khách để giúp họ và gia đình có thể xây dựng tương lai.” Ngài cũng nhấn mạnh đến những trợ giúp về chỗ ở, thức ăn, đặc biệt là giáo dục vì “chính qua việc giáo dục mà các thế hệ trẻ em tị nạn có cơ hội để cống hiến cho người khác, xây dựng những cộng đồng hòa bình, tôn trọng sự khác biệt.”

Cha Camillo, giám đốc Trung Tâm Astalli, chia sẻ kinh nghiệm khi nghe những người tị nạn nói về hành trình nguy hiểm mà họ đã trải qua để đến được Ý. Họ đánh liều cả mạnh sống vì muốn có được các quyền về nhân phẩm, quyền tự do trong một xã hội dân chủ và hòa bình. Khi suy xét đến những hoàn cảnh phải đi tìm chỗ cư trú, đặc biệt là những khó khăn trong việc tìm kiếm một sự bảo vệ mang tính quốc tế trong những vùng bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột, chúng ta biết rằng mình cần phải mở cửa cho những người ấy.

Trong buổi hội thảo, cha Bề trên Cả Adolfo Nicolas và cha Lombardi cũng nói đến những khó khăn hiện tại trong việc đón tiếp những người tị nạn, cả về yếu tố vật chất lẫn pháp lý. Người ta buộc phải rời bỏ quê hương, cũng chỉ vì muốn tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.Hiện tượng di dân đang ngày càng trở nên một yếu tố cấp thiết cho hoạt động tông đồ của Dòng, do tác động của những cuộc bách hại, cũng như do chiến tranh và bệnh tật. Mở rộng vòng tay đón tiếp họ là một điều vừa cần thiết cũng vừa rất ý nghĩa.

Anh Tareq, 28 tuổi, người Syria, hiện đang tị nạn tại Ý, kể về câu chuyện của mình. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã phải rời bỏ Damas, vì anh không muốn thấy chiến tranh. Chính gia đình anh đã phải di tản nhiều nơi để sinh sống để tránh những cuộc bỏ bom, đấu súng. Anh cùng nhiều người Syria khác tìm cách đến Châu Âu. “Sáu tháng trước, tôi sống ở Milan. Tôi đã từng nói chuyện nhiều giờ với những người Syria tị nạn tại trạm xe trung tâm. Họ muốn đến Thụy Điển. Họ ở đó, chờ đợi từng ngày để được đi. Đàn ông, đàn bà, và nhiều gia đình có con nhỏ. Họ biết rằng không phải tất cả các nước ở Châu Âu đều như nhau. Họ biết là mình sẽ có cuộc sống tốt hơn ở một số nước Bắc Âu và họ tìm mọi cách để đi đến đó. Hàng tháng trời ròng rã, suốt những buổi chiều dài lê thê ở Milan, tôi đã nghe được rất nhiều câu chuyện – những nỗi đau, những giấc mơ và niềm hy vọng. Bây giờ, tôi ở đây với gói hành trang là tất cả những lời này để chia sẻ cho quý vị. Những người Syria đang muốn được hòa bình. Họ xin Châu Âu hãy đón tiếp và bảo vệ họ. Họ đang xin các cộng đồng quốc tế hãy nâng đỡ người dân trong thảm kịch có vẻ chẳng bao giờ kết thúc này, hãy làm cái gì đó trong khả năng để phục hồi nhân phẩm cho một đất nước bị tàn phá.”

Một chứng nhân khác là Mourad Abu Seif, SJ, cũng chia sẻ một chút về tình hình ở Syria cũng những hoạt động mà JRS đang cố gắng thực hiện tại đây để trợ giúp họ.

JRS được thành lập vào tháng 11.1980, được Thành Vatican thừa nhận là một tổ chức vào 19.3.2000. Chính cha bề trên Tổng Quyền dòng Tên lúc đó là cha Pedro Arrupe đã có sáng kiến thành lập khi thấy cảnh người Việt Nam phải bôn ba trên những con tàu tìm cách trốn sang các nước khác tị nạn. Hiện nay, JRS đã có chi nhánh trên 50 quốc gia, với khoảng 1400 nhân viên, trong đó có cả giáo dân, để trợ giúp y tế, giáo dục, các nhu cầu xã hội cũng như các nhu cầu khác cho khoảng 950 000 người tị nạn, hơn một nửa trong số này là phụ nữ, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo.

Trung tâm Astalli là văn phòng JRS ở Ý, được thành lập vào 1981. Với những nổ lực không ngừng của hơn 450 tình nguyện viên, trung tâm đã trợ giúp cho hơn 34300 người tị nạn ở Roma, Vicenza, Trento, Catania và Palermo. Chỉ riêng ở Roma đã có gần 21000 người.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ