Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng áp lực, và khắp nơi người ta luôn đòi hỏi hiệu quả.
Nếu hỏi google: “Burn out là gì?”, ta nhận được các định nghĩa và lời giải thích, như Tổ chức y tế thế giới – WHO định nghĩa “Burn out” là hội chứng do căng thẳng gây ra trong thời gian dài mà không được kiểm soát tốt ở nơi làm việc.
Trong ngôn ngữ thường dùng, “Burn out” được hiểu là “tình trạng cháy sạch”, như các em học sinh và sinh viên bị “cháy sạch”, khi mất đi động lực học tập và làm việc, cảm thấy kiệt sức, rồi dần dần không màng đến mọi thứ xung quanh; như người lao động bị áp lực bởi công việc và hiệu quả, bị “vắt kiệt sức”, và cuối cùng rơi vào tình trạng “đuối sức”, đến nỗi luôn cảm thấy mệt mỏi, mất đi hứng thú làm việc, không còn có năng lượng để chu toàn các trách nhiệm và đối phó với những yêu cầu hàng ngày.
Giáo dân, tu sĩ và linh mục cũng có thể bị “Burn out”, bị “cháy sạch” không? Câu trả lời chắc chắn là có. Thật vậy, nếu người tông đồ đầu tắt mặt tối lao đầu vào hoạt động và phục vụ, mà quên đến với Chúa để nghỉ ngơi trong cầu nguyện, thì dễ rơi vào tình trạng “cháy sạch – Burn out”.
Sống trong tình trạng hoạt động miệt mài như vậy, ta làm cho tinh thần “cầu nguyện và hoạt động” trở nên khập khễnh. Chỉ còn hoạt động không còn tĩnh lặng; chỉ còn sống với đôi chân và đôi tay, còn trái tim đánh mất đi những giây phút thinh lặng, thư thái an bình bên Chúa.
Chưa kết thúc việc tông đồ này, chưa ngồi xuống để lượng giá việc ta đang làm và chuẩn bị kết thúc, ta đã bắt tay vào việc tông đồ khác.
Vẫn biết rằng chuẩn bị là điều kiện cần có để việc tông đồ chạy tốt, nhưng đừng quên rằng việc tông đồ chạy tốt hơn, khi ta biết chạy đến đồng cỏ xanh tươi, nơi Chúa là mục tử đang chờ ta, để kể cho Chúa nghe về những gì ta sống, ta mới vừa làm và trải nghiệm; trên đồng cỏ xanh tươi ta hồi tâm và lượng giá với Chúa về những gì ta mới làm: đâu là kinh nghiệm tích cực và tiêu cực? Năng lượng ta đã dùng đến từ Chúa hay ta “vắt kiệt sức” của mình ra để tạo năng lượng cho việc tông đồ? Ta dựa vào sức mình hay ta cậy vào sức Chúa trong việc tông đồ Chúa trao? Ngoài ra, hồi tâm còn giúp ta nhận ra thời gian ta dùng có thật sự đúng đắn và giá trị chưa? Bao nhiêu thời gian ta dùng cách vô bổ cho việc lướt internet, cho facebook…, cho những cuộc đàm tiếu vô nghĩa và mất giờ? Bao nhiêu sức ta đổ vào những chuyện tiêu cực có thể đưa lại những cảm xúc xấu xa nặng nề dễ làm ta nản chỉ, tức tối và sợ hãi?
Càng mày mò và miệt mài hoạt động mà không có khoảng lặng để nghỉ ngơi, và trái tim không lặng khi ở bên Chúa trong các giờ cầu nguyện, người tông đồ có thể đánh mất chính mình, đánh mất động lực của người tông đồ, đánh mất ý nghĩa của đời sống theo bước Chúa, để phục vụ Chúa và anh chị em.
Chúa Giêsu hiểu được sự mỏng dòn và giới hạn của sức người nơi các môn đệ, nên sau khi các ông thi hành sứ mạng xong và trở về bên Chúa, “kể cho Chúa biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6,30-32).
Lời Chúa truyền mời gọi các môn đệ dừng bước, lấy ra khoảng lặng, sống chậm lại và cho cơ thể cùng tinh thần được nghỉ ngơi, để có được cân bằng trong cuộc sống. Đó là điều thiết yếu cho đời tông đồ theo Chúa. Barclay suy tư như sau: “Trong nếp sống hằng ngày, có hai nguy cơ. Một là có cơ nguy hoạt động quá sức. Không ai có thể làm việc mà không nghỉ ngơi, cũng như chẳng ai có thể sống đạo nếu không dành thì giờ để được sống riêng biệt với Chúa. Có thể tất cả rắc rối của đời sống là do chúng ta không dành thì giờ để Chúa phán dạy mình, vì chúng ta không biết yên lặng lắng nghe. Chúng ta không để Chúa bồi bổ lại năng lực cho mình, vì chúng ta không dành thì giờ nào riêng ra để chờ đợi, trông mong nơi Ngài cả. Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu nổi các gánh nặng của đời sống, nếu không được tiếp xúc với Đấng là Chúa tể của mọi đời sống? Làm sao chúng ta làm nổi công việc cho Chúa nếu không được sức lực Ngài ban cho? Và làm sao chúng ta có thể nhận được sức lực ấy nếu không gặp gỡ riêng với Thiên Chúa? Hai là, có nguy cơ của việc thoái thác quá nhiều. Lòng tin kính mà không tạo ra được hành động thì không phải là tin kính đích thực. Chúng ta đừng bao giờ đi tìm hiệp thông với Chúa để trốn tránh hiệp thông với con người. Nhịp điệu của đời sống là luân phiên gặp gỡ Chúa trong nơi kín đáo, phục vụ người ta ngoài phố chợ”.
Thật vậy, đời tông đồ không chỉ có hăng say và dấn thân phục vụ, đời tông đồ còn có những khoảnh khắc thanh vắng, yên tĩnh và ở lại với Chúa trong cầu nguyện, trong chiêm niệm và trong nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi trong thanh vắng thuộc về đời sống tông đồ phục vụ, là một phần quan trọng trên hành trình phục vụ. Ta chỉ có thể phục vụ tốt, khi ta được nghỉ ngơi tốt. Ta chỉ có thể ra sức dấn thân phục vụ, khi ta là cành nho biết dừng bước kín múc năng lượng từ chính Chúa là Cây Nho tốt lành: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Có lần trao đổi với một số nữ tu thuộc các dòng nữ ở quê hương, điều làm mọi người thao thức, là các nữ tu phục vụ rất tốt và rất hăng say, nhưng có rất ít ngày nghỉ trong năm, có rất ít cơ hội để thật sự được nghỉ ngơi thể lý và tinh thần. Thao thức này thật đáng chú ý, và làm liên tưởng đến hình ảnh một cha bề trên học viện triết học của Dòng Tên ở Đức. Hằng năm ngài đón tiếp từng thầy học viên để lắng nghe tâm tình chia sẻ về đời sống nhân bản cùng tâm linh. Trong cuộc nói chuyện thăm viếng hằng năm đó, cha bề trên luôn đặt ra bốn câu hỏi:
(1) “Đời sống cầu nguyện thường ngày của con thế nào?”
(2) “Con có lên chương trình tĩnh tâm hằng năm của con chưa?”
(3) “Năm nay con dự định đi nghỉ hè ở đâu và lúc nào?”
(4) “Bao lâu con gặp linh hướng một lần?”
Bốn câu hỏi không đề cập đến hoạt động, đến phục vụ, đến học tập, đến hiệu quả, mà hướng các thầy về việc chăm sóc “tâm hồn”, nghĩa là mời gọi các thầy biết ý thức để Chúa là mục tử nhân lành dẫn dắt đến với đồng cỏ xanh tươi trong nhịp sống thánh hiến, học tập và phục vụ.
“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23,1-3).
Hình ảnh Chúa là mục tử thật đẹp. Ta để các giáo phụ giúp hiểu sâu hơn tinh thần của người Mục Tử tốt lành. Theo các Giáo Phụ, người Mục Tử tốt lành chỉ về Chúa Giêsu. Người là nguồn mạch tốt lành và nơi Người ta không còn thiếu thốn gì cả, như Giáo Phụ Cyril thành Alexandria (376-444) giải thích: “trong Chúa Kitô có tất cả kho tàng khôn ngoan và hiểu biết” mà ta được đón nhận x.(Cl 2,3), và “Chúa Kitô là nguồn mọi sư tốt lành”, nơi Người ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng và kín múc bao nguồn ân sủng dồi dào.
Hình ảnh Chúa là mục tử tốt lành cho đàn chiên nghỉ ngơi êm ái còn được Giáo phụ Augustinô diễn tả trong bài giảng gởi các mục tử: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và trên các núi cao Ítraen. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong ràn êm ái, nghĩa là nơi chiên nằm nghỉ, nơi chiên nói “Thích quá !”, nơi chiên nói “Đúng thật, rõ ràng thật, chúng ta không lầm.” Chúng nghỉ ngơi vui hưởng vinh quang của Thiên Chúa, như nghỉ trong ràn êm ái. Và chúng sẽ ngủ yên, nghĩa là an hưởng những vui thú tốt lành”.
Thánh Giáo Phụ Ambrôsiô, người đã ảnh hưởng nhiều trên Augustinô và đã rửa tội cho chàng trai 32 tuổi Augustinô, sau này chàng trở thành Giáo Phụ, thánh nhân và tiến sĩ Hội Thánh. Ambrôsiô để lại lời mời gọi đến với Chúa Kitô, Đấng là nguồn của sự sống, từ nơi Ngài bạn và tôi được kín múc nguồn nước nuôi sống linh hồn và cuộc sống:
“Hãy đến với Chúa Kitô! Ngài là Đá Tảng, mà từ đó nguồn nước chảy ra.
Hãy uống lấy Chúa Kitô! Ngài là nguồn của sự sống.
Hãy uống lấy Chúa Kitô! Ngài là bình an.
Hãy uống lấy Chúa Kitô! Nguồn nước đang tuôn ra từ sâu thẳm tâm hồn.
Hãy uống lấy Chúa Kitô! Khi bạn uống lấy Lời của Chúa.
Uống thật mau từ nguồn nước này và nó sẽ trở thành Nguồn Ánh Sáng lớn lao chiếu soi cho bạn. Đó không phải là ánh sáng bình thường, không phải là ánh sáng tự nhiên của ngày sống, không phải ánh sáng của mặt trời hay của mặt trăng, mà là Ánh Sáng có sức mạnh xua tan bóng tối của sự chết”.
Để kết vài tâm tình chia sẻ này, mời bạn cùng suy tư với các câu hỏi sau, hy vọng giúp bạn và tôi phản tỉnh và để với ơn Chúa ta không rơi vào tình trạng Burn out, cháy sạch:
(1) Hiện nay bạn sắp xếp giờ cầu nguyện trong ngày sống ra sao?
Khi vào cầu nguyện, trái tim bạn có “lặng” để gặp Chúa, hay đôi chân bạn trong nhà nguyện, còn trái tim bạn đang chạy nhảy ở “ngoài phố phường”, và cảm xúc của bạn đang “lo lắng bồn chồn” về người nào đó, về chuyện gì khác ở ngoài, rồi suy nghĩ bạn đang bay bổng ở “mảnh trời” xa xôi nào đó?
Bạn ơi, xin cẩn trọng, vì Chúa vào nhà bạn, mà bạn lại ra khỏi nhà bạn, thì thật uổng cho bạn, hồng phúc và ân sủng cùng năng lượng của Chúa làm sao có thể chảy vào trong ngôi nhà bạn được, khi bạn vắng nhà?
(2) Hồi tâm cuối ngày có trong thời khoá biểu tâm linh của bạn?
Khi hồi tâm, bạn làm gì? Bạn tạ ơn Chúa về những ơn lành trong ngày, bạn cùng Chúa nhìn lại các suy tư, cảm xúc, lời nói và hành động trong hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực, bạn cùng Chúa chuẩn bị cho những bước đi trước mắt.
(3) Bạn đã lên lịch cho cuộc tĩnh tâm hằng năm? Ở đâu và khi nào?
Tĩnh tâm, cấm phòng hay linh thao hằng năm đóng vai trò rất quan trọng cho đời tông đồ, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, vì khi tĩnh tâm ta gặp Chúa và ta gặp ta, để cùng Chúa ta dọn dẹp lại ngôi nhà của ta cho ngăn nắp và trật tự như Chúa ước mong, nhặt đi những rác rưởi có thể ta đã “dồn đống” trong thời gian qua, và trên hết để ta đi vào trong thinh lặng thẳm sâu và ở bên Chúa, ở trong Chúa, như Chúa mời gọi: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,4.9).
(4) Năm nay bạn nghỉ hè ở đâu và như thế nào?
Nghỉ hè là thời gian “tách khỏi” đời sống thường nhật với trách nhiệm và lo toan, để cơ thể và thể lý có thể hít thở những luồng không khí trong lành Chúa ban, để kín múc năng lượng tốt Chúa cho.
(5) Bạn có linh hướng không? Bạn đến gặp linh hướng thường xuyên?
Bạn có đón nhận lời khuyên của người linh hướng và tập sống phân định theo thánh ý Chúa chứ không theo ý riêng của bạn?
Xin Chúa chúc lành cho việc sắp xếp cuộc sống của bạn và tôi, để cuộc sống thường ngày của người tông đồ, của con cái Chúa, được cân bằng và nên dồi dào hơn trong hoạt động và trong cầu nguyện.
Lạy Chúa, giữa bao lo toan và bao trách nhiệm trong phục vụ,
xin Chúa đừng để con quên rằng sức con có hạn,
con cần được nghỉ ngơi bồi dưỡng,
và trên hết xin cho con luôn ý thức rằng:
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2-3).
Nguồn: dongten.net