Giáo dân Công giáo gọi tháng Mười là Tháng Mân Côi. Riêng ở Việt Nam vào tháng này,mỗi buổi tối giáo dân trong các giáo xứ luân phiên nhau đến từng gia đình trong giáo xứ đọc kinh lần chuỗi Mân Côi. Chuỗi Mân Côi còn gọi là chuỗi Môi Khôi. Hồi tôi còn nhỏ sau khi lần chuỗi Mân Côi xong là đọc kinh “ Hôm nay lớn mọn đều chầu, cám ơn trọng Đức Bà thương đoái, truyền phép Môi Khôi rất nhiệm. Hết loài người cầu Chúa thứ tha.Đức Mẹ xưa thấy Đức Chúa Cha, đã giáng phạt cả và thiên hạ, liền can gián xin duông tội lỗi. mới lập làm phép chuỗi Rosa, dạy Duminh thánh cả giảng rao cho giáo nhơn noi giữ hầu đặng thế giải hòa cùng Chúa, mà thoát khỏi lưới quỷ ma…”(thời ấy gọi là thánh Duminh, sau này mới cải là thánh Đaminh). Tràng chuỗi Mân Côi còn được nhiều người gọi là tràng hoa Mân Côi. Vậy hoa Mân Côi là hoa gì?
Mặt tiền của nhà thờ An Vân ở Huế (muốn đến nhà thờ An Vân, du khách đi theo con đường lên chùa Thiên Mụ, đi tiếp qua Văn Thánh miếu, đi tiếp đến gần cầu Xước Dũ rẽ phải và đi khoảng hơn cây số là đến nơi) có đắp nhiều chữ Hán gắn mảnh sứ. Trên lưng chừng mặt tiền nhà thờ lối vào cửa vòm giữa có 4 chữ Hán “NHẤT THỂ TAM VỊ”. Bên dưới dòng chữ “Nhất thể tam vị” có dòng chữ Hán: “ THÁNH MẪU MÂN CÔI THÁNH ĐƯỜNG”. Bên trên vòm cuốn lối vào chính giữa là dòng chữ Latin “ ECCLESIA SS. ROSARII”. Cũng xin nói thêm nhà thờ An Vân có một chi tiết đặc biệt là không có nhà thờ nào có như vậy. Đó là chiếc kính “chiếu yêu” hình tròn gắn bên trên dòng chữ Hán “Nhất thể tam vị”!
Trên thân hồng chung của nhà thờ An Vân đúc năm 1876 có khắc bài minh bằng chữ Nôm: “ Khi Hoàng đế giáng dụ tha đạo được sáu tháng thì chúng tôi đã lo đúc cái chuông này mà dâng cho Đức Chúa Bà Môi Khôi, là bổn mạng nhà thờ An Vân mà tỏ lòng mừng cùng cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Mẹ đã đoái thương”. Mùa hạ năm Đinh Hợi (2007) giáo xứ An Vân đúc một hồng chung lớn hơn và trên thân hồng chung có bài minh bằng chữ Quốc ngữ: “…Thợ Phường Đúc đến mở lò rót đồng tại vườn trước nhà thờ, quả chuông nặng 2 tạ, bề ngang 6 tấc 8 phân, bề cao một thước 3 tấc. Thay cho quả chuông cổ ( đúc năm 1876- TG) đã bị nứt rạn năm 1972. Bản văn chữ Nôm được khắc chìm trên chuông cổ. Nay được khắc nổi lại đầy đủ với phiên âm là muốn ghi lòng tạc dạ công ơn tiền nhân mà cám đội ơn Đức Chúa Trời và Đức Bà Môi Khôi”
Dòng chữ Hán ở mặt tiền nhà thờ An Vân khi phiên âm ra đọc là “Thánh Mẫu Mân Côi Thánh Đường” nhưng giáo dân trong giáo xứ lại đọc là “Môi Khôi” ?
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có tất cả 6 chữ cùng đọc âm “Môi” nhưng viết nét khác nhau và cũng có 6 chữ cùng đọc âm “Khôi” nhưng cũng viết nét khác nhau. Khi ghép các chữ “Môi” và “Khôi” thì chẳng có nghĩa gì cả! Chữ “Mân” cũng có 6 chữ viết nét khác nhau nhưng cùng đọc âm “Mân” . Riêng chữ “Mân” như ở mặt tiền nhà thờ An Vân thuộc bộ “Ngọc”. Thiều Chửu giải thích chữ “Mân”: một thứ đá đẹp. Kinh Lễ có câu: quân tử quí ngọc nhi tiện mân (người quân tử quí ngọc mà khinh đá mân, í nói hiềm vì nó lẫn lộn với ngọc vậy). Còn chữ “Côi” Thiều Chửu giải thích:
1- một thứ đá đẹp kém ngọc. 2- quí lạ như côi kỳ hay côi vĩ đều gọi là quí báu lạ lùng cả. 3- mai côi là hoa mai côi. Chữ “Côi” ta quen đọc là “Khôi”. Ghép hai chữ Mân và Côi không có nghĩa gì về loài hoa cả! Chữ “Mân” và “Mai” đều thuộc bộ “Ngọc” cũng đều 8 nét. Bên trái chữ Mân là bộ “Ngọc”, bên phải là chữ “Phộc”; bên trái chữ Mai là bộ “Ngọc” bên phải là chữ “Văn”. Tự dạng hai chữ “ Mân” và “Mai” na ná giống nhau, rất dễ nhầm cho nên ông bà ta nói một câu nhắc đời khi đọc chữ Hán: Đọc chữ “Tác” ra chữ “Tộ”; chữ “Ngộ” ra chữ “Quá” là vậy!
Theo Hán Việt từ điển của Trần Văn Chánh thì Mai Côi có 2 nghĩa : 1- một thứ ngọc đỏ. 2- hoa hồng, hoa mai côi.Như vậy Mai Côi (hoặc có thể đọc là Mai Khôi) mới có nghĩa là hoa hồng, còn Mân Côi không có nghĩa gì là hoa hồng cả! Chuỗi Mai Côi chính là chuỗi Rosa (hoa hồng).
Vậy để đọc đúng ta phải đọc là “ Hãy mau ăn năn đền tội, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hay năng lần hạt Mai Côi” (hoặc Mai Khôi)
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Diên Khánh – Khánh Hòa.