Hạt Châu Ngọc (138)

10-9-1984 : “Các con yêu dấu ! Các con phải hiểu rằng người ta phải cầu nguyện. Cầu nguyện không là trò đùa, cầu nguyện là cuộc trò chuyện với Thiên Chúa. Mỗi khi cầu nguyện, các con phải lắng nghe tiếng Thiên Chúa. Không cầu nguyện, người ta không thể sống được.Cầu nguyện là sự sống.        

5-10-1984 : “Mẹ yêu các con ! Các con hãy yêu Mẹ và yêu thương nhau !”

17-11-1984 : Cho Jelena : “Hãy cầu nguyện ! Con đừng tự hỏi lý do tại sao Mẹ luôn luôn mời gọi các con cầu nguyện. Hãy gia tăng việc cầu nguyện cá nhân, để nó trở nên nguồn dẫn đến cho người khác.”

21-12-1984 : “Các con yêu dấu ! Mẹ ước muốn các con như một bông hoa đang nở ra cho Chúa Giêsu ngày lễ Giáng Sinh – một bông hoa sẽ không ngừng tươi nở cả khi Lễ Giáng Sinh đã qua đi. Hãy là những mục đồng tốt lành của Chúa Giêsu !”

29-12-1984 : Hôm nay là ngày kỷ niệm Mẹ đến nói chuyện lần đầu tiên với em Jelena:

“Hôm nay là ngày Lễ của Mẹ Nhân Lành, giàu Lòng Thương Xót và Tình Yêu.”

Lần đầu tiên Đức Mẹ ban Phúc Lành cho nhóm và họ được thay đổi mạnh mẽ nhờ Phúc Lành ấy.

“Cho đến nay, Mẹ chưa ban Phúc Lành ấy cho ai.”

Nhóm hết sức vui sướng khi nhận được Phúc Lành của Đức Mẹ:

“Hãy nhận lấy Phúc Lành và đừng lơ là với Phúc Lành ấy như trước ! Mẹ có thể ban cho các con Phúc Lành của Mẹ, nhưng Mẹ không thể ban Phúc Lành ấy cho các con nếu các con không muốn nhận.”

Với Jelena : “Mẹ muốn thấy nảy nở nơi các con một tình yêu lớn lao, một sự bình antuyệt diệu. Vì vậy, hãy cầu nguyện!”

         SUY NIỆM LỜI ĐỨC MẸ

Hôm nay, Mẹ bộc lộ vài điều mới lạ về cầu nguyện :

  1. Các con phải hiểu rằng người ta phải cầu nguyện.
  2. Cầu nguyện không là trò đùa,
  3. Cầu nguyện là cuộc trò chuyện với Thiên Chúa.
  4. Khi cầu nguyện, các con phải lắng nghe tiếng Thiên Chúa.
  5. Không cầu nguyện, người ta không thể sống được.
  6. Cầu nguyện là sự sống.

Chúng ta hãy suy nghĩ về từng điều Mẹ dạy.

  1. Mẹ bảo rằng : mọi người phải cầu nguyện. Ngày nay người ta, kể cả người có đạo, không mấy ai nghĩ rằng mình phải cầu nguyện. Phải làm việc, đúng. Phải ăn uống, đúng.Phải ngủ nghỉ vui chơi, đúng. Còn phải cầu nguyện, không ! Tại sao? Vì cầu nguyện có được gì đâu, chỉ mất thời giờ lao động. “Thời giờ là tiền bạc.” Chung chung ai cũng nghĩ vậy, người Công giáo cũng không ngoại lệ, chỉ có điều họ không dám nói trắng ra, sợ bị coi là phản đạo, còn trong lòng thì họ nghĩ, trong đời sống thì họ làm. Đây cứ xem một ví dụ : những người buôn bán: mở mắt ra, đã lo bán hàng, suốt ngày túi bụi, đến tối, mệt mỏi lăn ra ngủ, giỏi lắm thì đọc được kinh Lạy Cha, Kính mừng mắt nhắm mắt mở…Suốt ngày chẳng cầu nguyện, chỉ lo làm làm ! Nếu ta nhớ lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về ông phú hộ muốn thu tích hoa mầu, liền đập kho cũ, xây kho mới ; nhưng đêm hôm đó, bị chết, của cải bỏ lại hết, và Chúa kết luận: người không biết thu tích làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì cũng vậy đó. Khi chết là trắng tay. Ai hiểu được bài học Chúa và Mẹ dạy hôm nay, hãy lo tỉnh ngộ, lo cải thiện lối sống.
  2. Mẹ nói câu sau đây nghe lạ tai : Cầu nguyện không phải trò đùa. Sao thế ? Có ai trong chúng con dám coi cầu nguyện là trò đùa đâu ? Hình như Mẹ bảo: chúng con không dám coi, nhưng các con hành động, và cư xử như thế đấy ! Cứ xem những người vừa đọc kinh vừa ngủ gật, người khác thì miệng đọc kinh nhưng mắt nhìn hết chỗ nọ đến chỗ kia, lòng thì lo hết chuyện này đến chuyện nọ…Còn người đi dự lễ, thì ngồi trong nhà thờ, nhưng chẳng chú ý đến Thánh Lễ, mà chỉ để mắt nhìn người ta đi lên đi xuống, xem quần áo thời trang ; còn ở ngoài sân nhà thờ thì nhiều cô nhiều cậu ôm eo nhau ngồi vắt vẻo tren xe gắn máy, hay tụm năm tụm ba nói chuyện…Đó chẳng phải người ta coi cầu nguyện là chuyện đùa đấy ư ? Nếu những người đó ý thức được rằng, cầu nguyện là họ đang ra trước thánh Nhan Thiên Chúa Oai nghi, Cao cả vô cùng để thưa chuyện với Người, có lẽ họ đã không dám có những thái độ bất kính như thế. Ngày nay Thiên Chúa trở nên hiền lành quá mất rồi ! Nhớ lại ngày xưa lúc rước Hòm bia (nơi Thiên Chúa ngự) ông Út-da thấy nó nghiêng suýt đổ, giơ tay đỡ, chạm vào vật thánh thiêng, thế là Thiên Chúa nổi thịnh nộ, phạt ông chết tươi ngay tại chỗ (2 Sam 6.6-7).
  3. Từ xưa, ta vẫn nghe dạy : Cầu nguyện là “nâng lòng lên tới Chúa để nói với Chúa”. Đức Mẹ thấy thế chưa đúng, vì như thế chỉ là độc thoại, chúng ta nói, còn Chúa nghe, ta đọc kinh, lần hạt, xin ơn này ơn nọ v.v…toàn là chỉ mình nói từ đầu đến cuối. Nay Đức Mẹ bảo “Cầu nguyện là cuộc trò chuyện với Thiên Chúa”, mà trò chuyện là đối thoại,lúc người này nói, lúc người kia nói, lúc ta nói Chúa nghe, lúc Chúa nói, ta nghe, vì thế Mẹ bảo “Phải lắng nghe tiếng Chúa !” Chúa nói với ta qua nhiều cách : qua hoàn cảnh, qua biến cố, qua lời Chúa v.v… Chắc vì hiểu như thế, cho nên ngày nay ở nhiều nơi, khi cầu nguyện, Kitô hữu thường đọc một đoạn Lời Chúa trước, để nghe Chúa phán mà đáp lại.
  4. Câu này của Đức Mẹ mới quan trọng : Không cầu nguyện, người ta không thể sống được. Cầu nguyện là sự sống. Thế có nghĩa là ai không cầu nguyện là kẻ chết, dù thân xác vẫn sống, vẫn hoạt động, ăn uống, vui chơi… Cũng thường nghe các thánh và các tác giả đạo đực dạy rằng : Cầu nguyện ví như hơi thở của tâm hồn. Không cầu nguyện, là hết thở, là chết. Không biết người Công giáo chúng ta có ý thức điều đó chưa ? Cứ thử nhìn chung quanh mà coi : có mấy ai không cầu nguyện mà sống tử tế đâu ? Họ ăn chơi, họ phạm tội, họ làm các điều gian ác, xảo trá, làm đồ giả, làm những điều hại môi trường, hại sức khỏe đồng bào v.v… Đấy chết phần hồn là như thế đấy. Người Công giáo nào cầu nguyện, cầu nguyện sốt sáng thật lòng, sống thân mật với Chúa, không bao giờ làm những chuyện đó.

CHÚNG TA CÙNG CẦU NGYỆN

Chúng con xin tạ ơn Mẹ,/ vì những điều Mẹ dạy hôm nay về cầu nguyện./ Xét mình thì thấy/ chúng con phần nhiều lỗi phạm,/ nếu không tất cả những điều Mẹ nói,/ thì cũng khá nhiều điều./ Sửa lại những thái độ sai trái,/ chắc chúng con sẽ cầu nguyện nên và đẹp lòng Chúa,/ và nhờ đó, chắc sẽ lãnh được nhiều ơn,/ vì chúng con có lần nghe Mẹ nói :/“Cầu nguyện, các con sẽ có được tất cả,/ không cầu nguyện, các chẳng có gì hết.”/ Nhưng việc trước tiên và cần nhất,/ là sau khi nghe Mẹ dạy,/ xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con/ được mở lòng ra đón nhận các điều Chúa và Mẹ dạy đã,/ sau đó xin ơn Chúa giúp mà sửa đổi./Xin Mẹ nhậm lời chúng con. Amen.

THỰC HÀNH

Xét mình xem đã lỗi những điều gì trong các điều Mẹ dạy trên, và gắng sức sửa.