Tạp chí uy tín National Geographic vào năm 2006 đã có bài viết chấn động, tường thuật lại cuộc hành trình đi tìm mộ phần của một trong những cột trụ của Kitô giáo là thánh tông đồ Phaolô. Theo đó, chiếc quan tài đá của ngài được cho là đã tìm thấy tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành (còn gọi là nhà thờ thánh Phaolô), cũng là Vương Cung Thánh Đường lớn thứ hai của Rome.
Quan tài đá được xác định có niên đại vào khoảng năm 390 sau công nguyên. Nhà khảo cổ học Giorgio Filippi của Bảo tàng Vatican, người dẫn đầu cuộc khảo sát cho hay, chiếc quan tài được chôn bên dưới bàn thờ chính, bên trên là bia mộ bằng đá cẩm thạch có khắc dòng chữ Latinh “Paulo Apostolo Mart.”, nghĩa là “Thánh tông đồ Phaolô, tử vì đạo”. Chuyên gia Filippi cũng thông tin Vương Cung Thánh Đường “được xây dựng trên địa điểm mà theo truyền thống là nơi chôn cất ban đầu của Phaolô xứ Tarsus sau khi ngài tử vì đạo”.
Saul xứ Tarsus
Thánh tông đồ Phaolô được sinh ra với cái tên Saul vào thập niên thứ nhất của thế kỷ đầu tiên sau công nguyên tại Tarsus, thủ phủ của vùng Cilicia thuộc La Mã cổ đại (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Dù chưa bao giờ gặp Chúa Giêsu khi Người còn tại thế, chàng thanh niên đã gia nhập vào hàng ngũ của các tín hữu Kitô giáo đời đầu sau một sự kiện cải đạo gây ấn tượng trên đường đến Damascus, theo Sách công vụ tông đồ. Tư tưởng của Thánh Phaolô phần lớn được truyền lại thông qua 13 hoặc 14 bức thư, gọi chung là Thư của Phaolô. Câu trích dẫn nổi tiếng được đại đa số người đời sau biết đến chính là tuyên ngôn về tình yêu với lối diễn dịch đầy chất thơ của ngài (Love is patient, love is kind. It does not envy, it does not boast. … ).
Theo những tài liệu sau đó, vào năm 65, Thánh tông đồ Phaolô xứ Tarsus đã bị cầm tù tại Rome, bị chặt đầu và kế đến được chôn trong hầm mộ gia đình của một phụ nữ quý tộc La Mã mộ đạo, bà Matrona Lucilla. “Vào khoảng năm 320, đại đế Constantine đã cho xây nhà thờ nhỏ đầu tiên để tiếp nhận những người hành hương đến thăm mộ của Thánh tông đồ Phaolô”, theo chuyên gia Filippi. “Đến năm 390, đại đế Theodosius quyết định mở rộng nơi này và cho di hài của Thánh tông đồ Phaolô vào một quan tài được đặt ở giữa nhà thờ, cũng chính là chiếc quách mà chúng tôi đã tìm thấy”, ông cho biết thêm. Nhà khảo cổ học người Ý cam đoan đây chính là quan tài cách đây nhiều thế kỷ vì nó đã được chôn phía dưới nhà thờ từ thời đại đế Theodosius.
Vào năm 433, một phần của nhà thờ bị sụp đổ do động đất. Trong quá trình trùng tu, sàn đã được nâng lên, thế là quách bằng đá bị chôn vùi và được gắn bia mộ cẩm thạch lên trên. Vào năm 1823, một trận hỏa hoạn đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ cổ đại, và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành đã được xây lên trên nền phế tích. “Chiếc quan tài đá và bia mộ được bao phủ bằng bê tông và các mảnh vụn, bên trên là bàn thờ chính được gọi là Bàn thờ Giáo hoàng”, theo trưởng nhóm khảo sát.
Công cuộc khai quật
Vào năm 2000, tức thời điểm Giáo hội Công giáo mừng Năm Thánh 2000, người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Rome và tất nhiên, đã đến viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành. “Họ đề nghị được xem quan tài của Thánh Phaolô và thất vọng khi biết được chiếc quách đã bị chôn vùi và không thể thấy được”, tạp chí National Geographic dẫn lời Đức Hồng y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, giám quản nhà thờ lúc đó. Do vậy, công cuộc khai quật đã được triển khai vào năm 2002 và kết thúc vào năm 2005.
Các nhà khảo cổ học đã mở một lỗ hổng có chiều rộng 70cm và sâu 1m xuyên qua lớp bê tông bên dưới bàn thờ chính để đến bên sườn của quan tài. Theo trưởng nhóm Filippi, có một cái lỗ bên trên nắp của chiếc quách, với bề ngang khoảng 10cm. Ông giải thích, vào thời xưa, người ta sử dụng chiếc lỗ này để đưa vào quan tài các mảnh vải, và vào thời điểm khai quật, cái lỗ bị nhét đầy những mảnh vỡ : “Chúng tôi có thể thông qua đó để chạm đến di hài của vị thánh trong trường hợp giới chức Tòa Thánh quyết định thăm dò bên trong quan tài”. Đức Hồng y Montezemolo bổ sung: “Cuối cùng, người hành hương thời nay đến thăm Vương Cung Thánh Đường có thể thấy được một bên của quan tài thông qua chiếc cửa sổ nhỏ mà chúng tôi vẫn để mở bên dưới Bàn thờ Giáo hoàng”.
Phải mất mười mấy tháng sau, Vatican mới bật đèn xanh cho phép giám định bên trong quan tài với nỗ lực tìm kiếm di hài của Thánh tông đồ Phaolô.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc