Hành hương Thánh Địa (Phần đầu)

Hành hương Đất Thánh Israel và Palestine là ước mơ lớn nhất của những Kitô hữu trên khắp thế giới, cũng là của cả anh em Hồi giáo, vì Giêrusalem là thánh địa thứ ba sau La Mecque và Médine của họ. Một linh mục Pháp, năm nay 83 tuổi, đã dẫn các đoàn hành hương, trong đó đoàn của chúng tôi là đoàn thứ 72, ngài nói rằng hành hương Đất Thánh là cuốn Tin Mừng thứ 5. 
 

Đền thờ Hồi giáo ở Giêrusalem
 
Hành hương đến đó có lẽ vào mùa Đông là tốt vì mùa Hè thời tiết rất nóng. Ngắm cảnh đồi núi chập chùng, nhưng lại ít cây xanh; thung lũng khô khẳng, chẳng thấy nước non đâu cả. Nước đắt như vàng, vì thế vào nhà hàng ở Giêricô, khu tự trị của người Palestine, ăn trưa không có nước uống, muốn uống phải trả tiền. Đây quả là một nơi ít sông ngòi và nhiều đồi núi. Đi về hướng thủ đô Tel Aviv thì thấy đất đai bằng phẳng và phì nhiêu hơn. Israel chỉ có một con sông nổi tiếng đó là sông Giođan. Con sông này ngày nay nhỏ xíu có thượng nguồn là Dan, nhận nước từ ba nhánh và đổ vào hồ Tibêria, cũng gọi là biển hồ Galilê, diện tích 166 km², dài 21 km, rộng 12 km, sâu từ 40 đến 49 m, nằm dưới mực nước biển 212 m. Từ biển hồ này nước chảy vào con sông Giođan để xuống biển Chết. Cha hướng dẫn chúng tôi nói rằng từ lần đầu tiên ngài hành hương khi mới chịu chức linh mục cho đến lần này (2014), bờ biển Chết đã nhỏ đi 8 m, nước mặn nhất và là chỗ thấp nhất của Trái đất, tức là sâu hơn 422 m dưới mực nước biển, diện tích 810 km², dài 67 km, rộng 18 km, sâu từ 118 đến 378 m. Đến được sông Giođan và biển Chết cũng có một chút khó khăn vì là biên giới với Giócđani, nên phải được phép của quân đội quốc phòng mới qua được barie để đến con sông này. Có một số nhóm hành hương công giáo hay chính thống giáo đến đó để lãnh phép rửa. Người ta dìm người xuống sông, mặc dầu nước sông đục ngầu.
 
Biển hồ Tibêria
 
Các đoàn hành hương thường theo lộ trình trong vòng 8 đến 9 ngày. Lịch trình do các hãng tổ chức hành hương đặt ra. Thông thường phải đi theo đoàn vì an ninh của Israel kiểm soát rất gắt gao và phải có hướng dẫn viên là người bản xứ để dễ dàng trong việc giao tiếp và để cảnh sát an tâm hơn. Vào Israel bị kiểm soát ít gắt gao hơn là ra khỏi nước này vì quốc gia này mới thành lập và luôn có vấn đề tranh chấp đất đai với Palestine và mối lo ngại về đánh bom khủng bố. Vì thế, lịch sử của quê hương Chúa Giêsu là một lịch sử phức tạp, đau thương. Người Do thái đã biết bao nhiêu lần ra đi khỏi quê hương của họ. Biết bao nhiêu người Do thái đã phải chết vì nạn kỳ thị chủng tộc, vì các đế quốc đến xâm chiếm đất đai, bắt họ phải đi lưu đày. Cũng một lý do là vì đó là Đất Thánh, là nơi giao thương giữa ba châu lục: Á, Âu và Phi.
 
Vì là Đất Thánh, cho nên mỗi năm đất nước này đã đón nhiều triệu người đến hành hương, cụ thể theo hướng dẫn viên, năm 2013 Israel đã đón 3,5 triệu khách hành hương. Con số vẫn gia tăng hằng năm. Cũng vì con số gia tăng khách hành hương mà giao thông của Israel ngày càng phát triển, cụ thể là con đường cao tốc nối từ Libăng (miền Bắc) xuống Ai cập (miền Nam) dài 530 km với 8 làn xe, chưa kể bốn làn (hai phía trong và hai phía ngoài bỏ trống vì sự an toàn giao thông) sắp hoàn thành, có cả hệ thống chiếu sáng dọc theo suốt đường cao tốc này. Các bảng báo giao thông được ghi ba thứ tiếng: trên cùng là tiếng Do thái, giữa là tiếng Ả rập và dưới cùng là tiếng Anh. Khu của người Palestine thì chỉ có duy nhất là tiếng Ả rập và đường sá chật hẹp hơn.
 
Có một sự khác biệt trong khu của người Do thái và khu của người Ả rập, đó là sự giàu có, sạch sẽ, rộng rãi. Người Ả rập không giàu hơn người Do thái vì nhiều lý do. Có một lý do mà nhiều người nhận thấy, đó là phụ nữ Hồi giáo Ả rập ít làm việc công chức và ở ngoài xã hội. Họ ở nhà làm việc nhà. Gia đình Hồi giáo thì đông con hơn. Tháng Ramadan cả ngày không ăn uống, nên tháng đó cả nam và nữ làm việc kém hiệu quả hơn. Bằng chứng là ở Aulnay sous Bois, ngoại ô Paris, Pháp, tháng ăn chay này có những công nhân Hồi giáo bị ngất xỉu khi làm việc, như thế bị coi là tai nạn lao động, cho nên hãng ôtô Renault đã phải đóng cửa.
 
Người Do thái và Hồi giáo không bao giờ tổ chức gặp gỡ liên tôn, nhưng Công giáo thì rất ôn hòa, gặp gỡ liên tôn được với mọi tôn giáo. Công giáo không có nhiều, theo một Giám mục phụ tá, người Palestin đầu tiên làm Giám mục, Giáo Hội La tinh ở Giêrusalem quản nhiệm ở 4 miền đất: đảo Sýp, Giócđani, Israel và Palestine, với số giáo dân khoảng 200 ngàn và hơn 100 giáo xứ. Các thánh đường ở Israel và Palestine hầu hết là do các linh mục và tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn quản trị.
 
Giêrusalem cũng là nơi qui tụ của tất cả các Giáo Hội Kitô. Giáo Hội nào cũng có thánh đường và cơ sở ở đó. Cũng theo Đức Giám mục phụ tá này, Chính thống giáo là Giáo Hội Kitô có những tranh giành quyền lực, đôi khi còn có cả tranh chấp, cãi cọ.
 
Mặc dầu có nhiều khách hành hương và khách hành hương phải chi phí tốn kém cho cuộc hành hương đó, nhưng Giáo Hội Công giáo hàng năm phải kêu gọi các kitô hữu trên khắp thế giới trợ giúp để tu sửa các ngôi thánh đường hoặc xây thánh đường mới. Được biết, nhiều nhà thờ hành hương lại do mấy Giáo Hội Kitô quản nhiệm và số tiền công đức cho các nhà thờ đó cũng rất ít ỏi, có lẽ chỉ đủ cho người giúp việc, chi phí đèn dầu, điện nước…
 
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa
(Còn nữa)