Jerusalem – Hành hương là một “cách thế loan báo Tin mừng mới”, bởi vì việc đi đến những nơi thánh theo bước của Chúa Kitô có thể mang lại “một sự hồi sinh đức tin”. Bất cứ ai đi hành hương, sẽ khám phá rằng họ “đã nhận được lời mời gọi từ Thiên Chúa, một ơn gọi từ Chúa Thánh Thần”. Điều này đang trở nên cần thiết cho Âu châu và cho Tây phương nói chung, nơi “Kitô giáo và tôn giáo đang khủng hoảng trầm trọng”, Đức cha Giacinto-Bouló Marcuzzo đã nói với hãng tin Á châu như thế.
Đức cha cho biết là nhiều khách hành hương đã thay đổi nhờ những chuyến đi hành hương và giúp họ thấy cuộc sống qua đôi mắt Kinh thánh. Hành hương cũng là nguồn của các ơn gọi, của việc tái khám phá đức tin và lời gọi đến với Thiên Chúa. Nhưng con đường này cần có người đồng hành. Các cuộc hành hương xây dựng, đào tạo con người nếu chúng được chuẩn bị tốt, nếu có người hướng dẫn, để suy tư về các kinh nghiệm.
Bên canh việc tìm hiểu và khám phá, hành hương cũng là một nguồn thu nhập thiết yếu cho dân Chúa ở thánh địa. Theo thống kê mới đây, ít nhất 30% cộng đoàn địa phương – ở Jerusalem và Bêlem sống nhờ ngành du lịch tôn giáo. Sự giảm sút các khách hành hương trong những năm gần đây đã ảnh hưởng tồi tệ đến kinh tế và sống còn của các Kitô hữu.
Theo Sobhy Makhoul, chưởng ấn của Tòa thượng phụ Maronít, khi có các cuộc hành hương, ít nhất 30% có việc làm đều đặn. Khi các cuộc hành hương giảm, 30% đó sẽ bị thất nghiệp và do đó trực tiếp hay gián tiếp, họ sẽ di cư.
Con số khách hành hương năm nay giảm 70% do nhiều lý do như vấn đề an ninh, các cuộc tấn công, tình hình kinh tế và khủng hoảng tôn giáo ảnh hưởng đặc biệt đến châu Âu.
Đức cha Marcuzzo cho biết thời gian này thường là thời điểm tốt nhất trong năm để hành hương đến Đất thánh nhưng tình hình vẫn đang giảm đi, điều đó cho thấy có sự khủng hoảng. Tuy có sự hồi phục trở lại nhưng vẫn còn kém xa quá khứ. Theo Đức cha, bên cạnh những lý do an ninh và kinh tế, chúng ta phải nhận là có sự xa cách tôn giáo dần dần ở các quốc gia hay châu lục (đầu tiên là châu Âu, rồi đến Bắc Mỹ). Ngài nói: “Châu Âu không còn tin vào các cuộc hành hương.”
Cuộc khủng hoảng hành hương ở châu Âu được bu lại bởi sự phát triẻn của các khách hành hương Á châu như Philippines, Nhật, Hàn, và cả Trung quốc và Việt nam. Đức cha nói: “Đặc biệt đối với các tín hữu Trung quốc, sự tái khám phá trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Không giống như người châu Âu đã quen với các câu chuyện và nới chốn được kể trong Kinh thánh, đối với các tín hữu Trung quốc, mọi thứ đều mới”. Đối với các tín hữu Trung quốc và Việt nam, nó thật sự là một khám phá với lòng biết ơn. Người ta có thể nhìn thấy sự ngạc nhiên của đức tin, các yếu tố nhập thể trên gương mặt họ.
Cũng còn một thứ ngăn trở giới hạn số khách hành hương, đó là các Kitô hữu gốc Ả rập gặp vấn đề với việc đến Israel.
(Hồng Thủy, RadioVaticana 28.09.2016/ Asia News 27/09/2016)