Hai vị Tổng lãnh Thiên thần trong Linh ảnh

Chúng ta cùng xem một số trích đoạn trong bài giảng của thánh Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, về Tin Mừng.

angel.jpgNên biết rằng “thiên sứ” là danh từ chỉ chức vụ chứ không chỉ bản tính, bởi các thánh thiên thần ở trên trời bao giờ cũng là thiên thần, nhưng không phải bao giờ cũng được gọi là “thiên sứ”. Các vị ấy chỉ là “thiên sứ” khi được sai đi loan báo một điều gì thôi. Các vị loan báo điều nhỏ thì gọi là “thiên sứ”, còn vị nào loan báo điều gì lớn thì gọi là “Tổng lãnh thiên sứ”.

Quả thế, không phải bất cứ “thiên sứ” nào cũng được sai đến với Đức Trinh Nữ Maria, mà phải là tổng lãnh thiên sứ Gáprien, vì một thiên sứ cao cả đến loan báo một việc hệ trọng thì thật là chính đáng. Người ta cũng biết đến một số vị nhờ các tên riêng, để thấy được công việc của các ngài qua những danh xưng đó.

 

Trong thành thánh trên trời, nơi tri thức đạt tới mức hoàn hảo nhờ ơn hưởng kiến Thiên Chúa toàn năng thì không cần có tên riêng, vì đâu phải không có tên mà ngôi vị các ngài không được biết đến. Nhưng chỉ khi nào đến với chúng ta để thi hành một tác vụ, thì ở giữa chúng ta các ngài mới mang tên gọi liên quan đến tác vụ đó. Vì thế, Micaen có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Gáprien có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” và Raphaen có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa”.

Mỗi khi cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Micaen được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. …

Cũng thế, thiên sứ Gáprien mệnh danh là “sức mạnh của Thiên Chúa” được sai đến với Đức Maria làm sứ giả loan báo Đấng đoái thương xuất hiện như một kẻ hèn mọn để chiến đấu chống với những quyền lực trên không. Vậy phải nhờ “sức mạnh của Thiên Chúa” mà loan báo Đấng là Đức Chúa nắm giữ quyền lực và oai hùng khi xuất trận sắp ngự đến. ..

(Trích trong bài đọc thứ hai Kinh Sách lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần)

Trên bức Linh Ảnh của Tình Yêu, cả hai vị Tổng Lãnh Thiên Sứ đều xuất hiện. Tổng Lãnh Thiên Sứ Gaprien ở phía bên trái của Đức Mẹ (bên phải khi chúng ta nhìn vào) và Tổng Lãnh Thiên Sứ Micaen ở phía bên phải của Đức Mẹ (bên trái khi chúng ta nhìn vào).

Tổng Lãnh Thiên Sứ Gaprien trên tay cầm cây thập giá. Như đã suy gẫm ở trên, Tổng Lãnh Thiên Sứ Gaprien đã được chọn lựa để loan báo thánh ý của Thiên Chúa đến Đức Trinh nữ Maria. Cuộc Truyền Tin ở Nagiaret đã chuyển tải sứ điệp nhập thể và nhập thế của Con Thiên Chúa làm người “Tháng thứ sáu, thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nazaret, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc nhà Ðavít, và tên trinh nữ là Maria.” (Lc 1,26 -27). Ở đây, khi cầm cây thập tự, lời Tổng Lãnh Thiên sứ được rao báo rõ ràng: “người sẽ gọi tên Ngài là Yêsu” (câu 31). Yêsu nghĩa là Đấng Cứu Thế, Đấng đến để mang lại ơn cứu độ cho cả thế gian này, Ơn Cứu Độ chan chứa nơi Người (Tv 125). Ơn Cứu Độ chính là Sức mạnh của Thiên Chúa (Gaprien), tình yêu mạnh hơn cả sự chết. Ơn Cứu Độ là sức mạnh vô song của Thiên Chúa.

Tổng Lãnh Thiên Sứ Gaprien tay áo dài hẳn ra và bao trùm cả hai bàn tay, hình ảnh làm chúng ta liên tưởng đến các nghi lễ phụng vụ, khi vị tư tế rước các dụng cụ hay phẩm vật chứa sự thánh thiêng, hai tay áo cũng dài ra, phủ trùm bàn tay và trở nên vật lót khi cầm cung nghinh.

Đức Maria hướng nhìn về phía lời loan báo Ơn Cứu Độ, ánh mắt có u buồn vì những lắng lo khố giá, nhưng đầy tin yêu đón nhận Xin Vâng. Cuộc truyền tin siêu vượt làm đảo lộn thế giới được diễn tả ngay trên bức Linh Ảnh Tình Yêu này.

Tổng Lãnh Thiên Sứ Micaen có vẻ lùi ra sau Đức Trinh Nữ Maria một chút, Tổng Lãnh Thiên Sứ với “chức năng” của mình như giữ vai trò bảo vệ cho sự thực hiện Ơn Cứu Độ. “Mỗi khi cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Micaen được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. …” (trích bài giảng của Thánh Ghêgôriô Cả). Trên vai áo của Tổng Lãnh Thiên Sứ Micaen chúng ta thấy có hình vẽ cấp bậc chỉ huy của đạo quân. Chiếc đòng (giáo) trên tay của Tổng Lãnh Thiên Sứ là một dụng cụ hành hình Chúa Giêsu, nhưng ở đây cũng cho thấy hình ảnh của sự chiến đấu, chiến đấu trong cuộc chiến mà sau này Thánh Phaolô gọi là “cuộc chiến đấu chính nghĩa”. Trong cuộc chiến đấu ấy chúng ta có Thiên Chúa chiến đấu cho chúng ta và Mẹ là Đấng Đồng Công với Thiên Chúa.

Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, CSsR.

Lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần

29/09/2015

(GNsP 19.09.2015)