GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa Nhật 32 thường niên năm B
Lời Chúa: Mc 12,38 – 44
Đoạn Tin Mừng chúng ta suy niệm hôm nay rất dễ hiểu và là một bài học hết sức thực tế cho chúng ta. Thánh Maccô nói rằng trong lúc giảng dạy dân chúng, Chúa Giêsu nói đến các ông kinh sư và khuyến cáo mọi người: “Hãy coi chừng các ông kinh sư.” Tại sao phải coi chừng những người đó? Họ nguy hiểm lắm sao mà phải coi chừng? Và Chúa đã vẽ ra khuôn mặt của họ. “Họ ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng, chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, nuốt hết tài sản của các bà góa và đọc kinh lâu giờ”.
Một bức chân dung không mấy đẹp. Và Ngài kết luận bằng những lời hết sức nghiêm ngặt: “Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt”.
Thực ra, không phải tất cả các ông kinh sư đều như thế, nhưng đa số đã tỏ ra phô trương, lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi, lừa dối những người nhẹ dạ như các bà góa giàu có.
Những lời Chúa nói hôm nay vẫn còn hợp thời. Trong Giáo Hội hôm nay vẫn còn nhiều kinh sư như thế, xem chức vụ của mình như một thành đạt và lợi dụng chức vụ Chúa ban để trục lợi. Tuy không là đa số, nhưng cũng làm cho Giáo Hội mất đi nét trong sáng thánh thiện của mình và làm nản lòng giáo dân. Chúa Giêsu vẫn mạnh mẽ lên án những thái độ giả hình đó.
Chúng ta hãy khiêm nhường cầu xin cho những ai được Chúa gọi tham dự vào chương trình cứu độ của Chúa, biết chân thành dấn thân cứu rỗi các linh hồn, biết quên mìnhphục vụ chứ không là để được phục vụ,hiền lành và khiêm nhường như Thầy Chí Thánh của mình, tế hiến đời mình cho danh Cha cả sáng.
Lên án những lạm dụng của các kinh sư, Chúa Giêsu cũng chú ý đến những người vô danh nhưng cao thượng như bà góa nghèo nàn kia, đã dâng cho Chúa tất cả những gì mình có để sống.
Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi xem người ta dâng cúng tiền cho Đền Thờ. Ngài nhìn thấy nhiều người giàu có bỏ tiền rổn rảng vào thùng tiền. Chúa để ý đến một bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền chỉ hai đồng tiền kẽm, nghĩa là một số tiền quá ít, và điều nầy chỉ có Ngài biết, vì Ngài soi thấu tận tâm can.
Tìm hết mọi dịp để huấn luyện các môn đệ, Ngài chỉ cho các ông thấy hành động khiêm tốn của bà góa kia: “Thầy nói thật với anh em (một cách nói long trọng), bà góa nầy đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết”.
Chúa Giêsu thấy rõ tấm lòng của bà góa đó. Ngài cũng cho thấy cách dâng cúng của những người khác: họ chỉ cho Chúa cái thừa cái cặn của họ thôi, “còn bà nầy đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”.
Chúa Giêsu cho các môn đệ một bài học hết sức quí báu. Bà góa dám cho tất cả, tại sao? Vì bà đã yêu mến Chúa thành thật. Bà dám cho vì bà không tiếc gì với Chúa. Đó là dấu hiệu của một tình yêu chân thành. Yêu là cho đi, là cho hết và cho không, cho mà không đòi hỏi lại. Không có tình yêu, mọi sự đều vô nghĩa.
Những người giàu có cho cái cặn cái thừa của họ, chứng tỏ họ không yêu. Người đời sẽ ca tụng họ, nhưng trước mặt Chúa, họ chẳng có công trạng gì. Tình yêu mới thực sự là giá trị.
Bà góa nầy mới thực sự là con Thiên Chúa vì bà đã làm như Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài đã cho chúng ta tất cả, kể cả Người Con Một của Người. Vì chúng ta, Người đã trao nộp Người Con yêu quí của Người. Chúa Giêsu đến trong trần gian, Ngài cũng làm như thế, là cho hết, là yêu thương đến tận cùng. Bà góa nầy đã sống như Chúa, bà xứng đáng là một người con của Thiên Chúa đích danh.
Còn chúng ta?
Chúng ta giống các ông kinh sư hơn giống Thiên Chúa. Cho ai được cái gì, chúng ta rêu rao khắp xóm.
Tại sao chúng ta không truyền giáo được? Tại sao không ai biết đến Chúa? Vì chúng ta chưa yêu, không biết cho đi và nếu có thì cũng chỉ là cặn thừa.
Có mấy người như ông Bill Gates, một nhà tỷ phú người Mỹ, dám cho đi 90% tài sản của mình để cứu giúp những dân tộc nghèo đói, tài trợ cho nhiều chương trình y tế để giúp các nước nghèo? Sự hẹp hòi của chúng ta đã đóng cửa lòng nhân từ của Chúa.
Các Kitô hữu đầu tiên đã dám sống yêu thương thực sự. Họ đã dám yêu thương nhau đến mức độ để chung những gì họ có, vì thế, họ đã chinh phục được những người chung quanh. Nhờ tình yêu thành thực đó, Tin Mừng đã lan rộng khắp nơi.
Giáo Hội luôn không ngừng kêu gọi chúng ta sống như một gia đình, gia đình của Chúa trong trần gian. Giáo Hội luôn xem giáo xứ là một gia đình. Nhưng điều đó chỉ là ước mơ đẹp mà không bao giờ thực hiện, có chăng là những nhóm người ít ỏi dám sống như các Kitô hữu đầu tiên. Chúng ta không dám cho đi vô điều kiện như bà góa nghèo kia.
Tóm lại, chúng ta chưa dám yêu thương. Chúng ta giữ một thứ đạo nào, có phải là đạo yêu thương của Chúa không? Chúng ta chỉ dám cho cái thừa, cái cặn thì đến bao giờ chúng ta mới thực sự là con của Chúa, là Kitô hữu? Nếu chúng ta chỉ là Pharisêu thì chừng nào Giáo Hội mới chinh phục được thế giới? Có lẽ trong số chúng ta, cũng có vài người dám cho đi thật tình, dám âm thầm cho đi tất cả, dám đứng ra cứu vớt những anh em nghèo đói, chia xẻ tất cả, nhưng con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số sống như thế gian: sống chết mặc bây, thì làm sao Tin Mừng Tình Yêu có thể thấm vào thế giới vô cảm nầy?
Hãy nhìn vào khuôn mặt của bà góa nghèo kia để quảng đại hơn. Hơn thế nữa, hãy nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được sự cách biệt giữa Ngài với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, thế nhưng Ngài đã cho đi tất cả, đã dám yêu thương đến tận cùng. Ngài đã sống và đã chết vì yêu. Ngài chính là khuôn mặt của Kitô hữu đích thực. Ngài đang khao khát tìm được những Kitô hữu đích thực. Ngài đã dạy chúng ta một bài học thực tế, nhưng Ngài sẽ có được bao nhiêu môn đệ thực sự là môn đệ?
Hơn thế nữa, Ngài chẳng những sống và chết cho chúng ta mà thôi, Ngài đã tự biến mình thành của ăn nuôi dưỡng chúng ta. Phải chăng Ngài đã không tiếc gì với chúng ta, chúng ta sẽ đáp lại như thế nào? Chỉ cho Ngài cái thừa cái cặn hay sao? Chàng thanh niên giàu có đã buồn rầu rút lui. Hôm nay Ngài cũng hỏi chúng ta: “Chúng con bỏ Thầy nữa sao?” Chúng ta sẽ trả lời sao với Ngài. Hãy xin Chúa thương xót chúng ta vì chúng ta không đáp ứng những đòi hỏi của Ngài. Hãy ăn lấy Ngài để có Ngài trong xương thịt chúng ta, chúng ta sẽ can đảm hơn, quảng đại hơn, dám cho không cuộc sống, cho không tất cả như Ngài.
Lm Trầm Phúc