Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 25 thường niên, năm B

ỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 25 thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 9,30-37

 

Chúa Giêsu đã đến trần gian, nhập thể, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, nhưng Ngài không giống ai cả. Ngài làm nổ tung tất cả những suy nghĩ, những lý thuyết của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta nghe Ngài dạy các tông đồ một bài học lạ lùng. Đang lúc danh tiếng Ngài lừng lẫy, dân chúng nô nức theo Ngài để nghe Ngài giảng và cũng vì thấy dấu lạ Ngài làm, nhưng Ngài lại thông báo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người”. Đó là một tin buồn. Thánh Maccô ghi lại: “Các môn đệ không hiểu lời đó và các ông không dám hỏi Người”

Họ không thể hiểu và cũng không dám hỏi gì cả. Tại sao?

Thực ra họ hiểu nhưng theo chiều hướng của họ. Đây là lần thứ hai Ngài loan báo cái chết của Ngài. Thế nhưng họ vẫn không dám hiểu. Nếu ai báo cho chúng ta một tin như thế, chúng ta hiểu thế nào? Chắc hẵn chúng ta sẽ hoài nghi và sợ. Các môn đệ cũng thế thôi, họ hiểu nhưng nghĩ rằng chuyện đó không thể xảy ra. Lần trước, khi Chúa loan báo như thế, Phêrô đã phản ứng mãnh liệt, lần nầy thì sợ không dám hỏi Thầy. Có lẽ họ nghĩ rằng không đến nỗi thê lương đến như vậy. Hơn nữa, họ đang nuôi hy vọng là sẽ có ngày làm lớn, được vinh dự với Thầy. Những ước mơ đẹp đã lấn át những lo âu của hôm nay.

Về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi: “Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì?” Các ông không dám trả lời vì họ đang cãi nhau xem ai sẽ là người lớn nhất.

Chúng ta nhận thấy rằng, tâm hồn họ đang hướng về một hướng khác. Họ đang mơ mộng và không mấy chú ý đến lời Thầy loan báo tai nạn đang gần kề.

Về đến nhà. Đây là lúc thuận tiện để cho họ một bài học để đời. Ngài ngồi xuống như một vị tôn sư giữa một đám môn đệ ngơ ngác. Và từng tiếng Ngài dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”.

Một câu nói đơn giản đã quét sạch tất cả những mơ mộng “làm lớn”của các ông. Họ nghĩ gì khi nghe Thầy nói như thế? Chắc các ông đã cúi mặt xấu hổ. Và chúng ta nghĩ gì khi nghe Chúa nói như thế?

Ai trong chúng ta đều ước mong làm vua thiên hạ, muốn “nổ” và chúng ta đã làm hết khả năng để có “một chỗ đứng trong mặt trời”. Chúng ta nhìn quanh xem người ta đang làm gì? Người ta đang tranh nhau, chà đạp lẫn nhau vì một mối lợi, vì đồng tiền, vì danh giá. Người mạnh đè bẹp người yếu…

Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và chúng ta một bài học đáng giá: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Những lời nói làm đảo lộn tất cả đường lối của con người. Chúng ta có thể chấp nhận không? Đây có phải là ngu ngốc không? Có mấy người trong chúng ta dám làm người rốt hết, làm đầy tớ cho mọi người?

Chúa Giêsu không đòi buộc gì cả. Ngài chỉ đưa ra một đường lối.

Nhìn vào Chúa đi, chúng ta thấy gì? Chúng ta nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, là Đấng nắm chủ quyền trên trời dưới đất, nhưng Ngài đã làm người, “mặc lấy thân nô lệ… Ngài đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và… ban mạng sống làm giá chuộc cho muôn người.

Đó là khuôn mặt của Thiên Chúa và Thiên Chúa Tình Yêu. Cuộc đời của Ngài là cuộc đời cho không, phục vụ và yêu thương đến tận cùng. Ngài là Tình Yêu tuyệt đối. Trước khi lên thập giá để biểu lộ tình yêu của Ngài, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và căn dặn: “Anh em hãy rửa chân cho nhau”.

Và cuối cùng Ngài đã chấp nhận chết cho con người, “ban mạng sống làm giá chuộc cho muôn người”. Hành động chứng minh cho lời Ngài nói. Cha Huvelin đã nói: “Chúa Giêsu đã chọn chỗ rốt hết đến nỗi không ai dành được chỗ đó của Ngài”.

Hãy nhìn vào khuôn mặt của Chúa để thấy rõ khuôn mặt của chúng ta, để thấy sự khác biệt.

Sự tranh đua, giành giựt trở thành luật của con người. Ngay cả trong gia đình, anh em ganh ghét nhau, hãm hại nhau… Bệnh ganh tị trở thành một thứ dịch bệnh tràn lan khắp nơi, kể cả trong những tu viện. Thế giới hôm nay trở thành một bức tranh thê thảm chỉ vì người ta không biết bài học của Chúa chúng ta.

Chúng ta dám trở thành những khuôn mặt của Chúa trong trần gian không? Những con người xả thân vô điều kiện? Làm người rốt hết và phục vụ vô điều kiện là vũ khí Chúa dùng để chinh phục các linh hồn. Chúng ta hãy trở thành những chiến sĩ của khiêm tốn và phục vụ.

Chúa lại nói đến việc tiếp đón trẻ nhỏ. Ở đây chúng ta có thể hiểu rằng, trẻ nhỏ là những kẻ không có tiếng nói, không vũ khí, những người chỉ có sự yếu kém làm hành trang. Tiếp đón một em bé là tiếp đón Thầy. Chúng ta có hiểu được tầm quan trọng của sự tiếp đón đó không? Ngài đang khốn khổ trong những người khốn khổ, Ngài làm như đang cần đến chúng ta: “Làm một điều gì cho một người anh em bé nhỏ của Thầy là làm cho chính Thầy”.

Thiên Chúa đến với chúng ta hôm nay, không phải trong sấm sét hay lửa hỏa hào như trên đỉnh núi Xinai thuở nào, mà trong khuôn mặt của người anh em thống khổ, bị chà đạp, bị bóc lột tận xương tủy, nằm trên giường bệnh mà không ai biết đến… Sự thống khổ hôm nay dâng trào như một làn sóng thần, phủ lấp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta, những người tin Chúa, Thiên Chúa Tình Yêu, chúng ta đã, đang và sẽ làm gì? Chúng ta là tập thể, tại sao chúng ta không cùng nhau dấn thân phục vụ như Chúa? Phục vụ không chỉ bằng tiền bạc, bằng công khó mà thôi mà phải bằng con tim, bằng cầu nguyện, bằng cố gắng hằng ngày để sống yêu thương thực sự. Một hành động yêu thương là một viên gạch xây dựng Nước Trời.

Chúa Giêsu tiếp tay với chúng ta. Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài vẫn ở với chúng ta trong phép Thánh thể, nuôi dưỡng chúng ta, phục vụ chúng ta dưới hình thức khiêm tốn nhất. Ăn lấy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm tốn mỗi ngày, sao chúng ta không thành Chúa? Bữa tiệc tình yêu của Ngài không mang lại lợi ích gì cho chúng ta sao? Ăn lấy Tấm bánh Tình yêu nầy, chúng ta phải trở nên tình yêu sống động, nhiệt thành, không mệt mỏi mới có thể đáp lại tình yêu vô biên của Ngài. “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

Lm Trầm Phúc