Gợi ý suy niệm lời Chúa: Chúa nhật 2 thường niên năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 2 thường niên năm B

Lời Chúa: Ga 1,35-42

 

Có những cuộc gặp gỡ thay đổi hẳn cuộc đời của chúng ta. Cuộc gặp gỡ làm nảy sinh tình yêu hay nối kết những cuộc đời với nhau. Tường thuật của thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy một cuộc gặp gỡ quyết định của hai thanh niên với Chúa Giêsu. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu đi ngang qua chỗ Gioan Tẩy Giả đang giảng và làm phép rửa. Ngài đã biết trước những gì Ngài muốn làm. Ngài đang chờ hai môn đệ của Gioan. Ngài thi hành sứ mệnh rao giảng Nước Trời, nhưng không chỉ có một mình, Ngài cần có những môn đệ để tiếp nối công trình dài hạn của Ngài.

Gioan đang đứng với hai môn đệ, thấy Chúa Giêsu đi qua, ông giới thiệu với hai môn đệ:“Đây là Con Chiên Thiên Chúa”.

Họ hiểu ngay, vì họ biết Con Chiên Thiên Chúa là ai, vì Kinh Thánh đã nói nhiều đến Con Chiên này. Con chiên quen thuộc nhất và được nhắc đi nhắc lại hằng năm là con chiên vượt qua thời ông Môsê. Máu con chiên đó được bôi lên cửa của những người Do Thái, nhờ đó họ thoát khỏi sự tàn sát của sứ thần và nhờ đó họ thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Và mỗi năm, vào dịp lễ Vượt qua, mọi nhà đều ăn con chiên theo nghi thức đã được ban truyền.

Con chiên được nhắc đến cũng là con chiên bị đưa đến lò sát sinh mà không hở môi. Con chiên đó gánh lấy tội của nhân loại, là người đầy tớ của Thiên Chúa. Họ hiểu ngay lời của thầy Gioan Tẩy Giả, và họ bước theo người được giới thiệu là Con Chiên Thiên Chúa. Họ chưa biết rằng cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp gỡ quyết định cuộc đời của họ.

Hai môn đệ của Gioan là Anrê và người môn đệ không tên đi theo Chúa Giêsu. Thánh Gioan thánh sử thường giấu tên ngụ ý rằng người môn đệ vô danh đó có thể là chúng ta. Hai môn đệ đến gần Chúa Giêsu, Ngài quay lại hỏi: “Anh em tìm gì thế?” Các ông đáp:“Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Hãy đến mà xem”. Đây là cách nói của người Do Thái, nếu nói theo kiểu Việt Nam, chúng ta sẽ dịch ra như sau: “Mời các anh đến chơi cho biết”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ theo tiếng Do Thái vì ý nghĩa của câu nói Do Thái mạnh hơn. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy gì? Khởi đầu là một tìm kiếm, là một gặp gỡ. Họ ở lại với Ngài, và sau cùng nhìn nhận Ngài và gắn bó với Ngài. Tâm hồn của họ đã được Gioan Tẩy Giả chuẩn bị, họ khao khát, họ tìm kiếm một cái gì đó sâu xa hơn. Họ cảm thấy còn thiếu một cái gì mà họ chưa có thể nhận ra. Tâm hồn họ như nai rừng khao khát tìm về suối nước trong, như mảnh đất khô cằn không giọt nước.

Chúa Giêsu đến mang lại điều họ đang cảm thấy cần. Ngài là Con Chiên Thiên Chúa. Họ đã từng nghe nói đến nhưng hôm nay, thầy của họ mới chỉ cho thấy. Ngài là Con Chiên Thiên Chúa? Có thật vậy không? Và họ đã đến với Ngài, tìm Ngài. Họ đã gặp. Nhưng không phải chỉ nói vài câu xả giao, mà họ muốn biết Ngài sâu xa hơn. “Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Nghĩa là Thầy là ai? Thầy sống như thế nào? Đáp trả sự tìm kiếm của họ, Chúa Giêsu mời họ đến nhà và họ được ở lại với Ngài ngày hôm ấy.

Ở lại với Ngài, và lúc ấy mới bốn giờ chiều. Trong đêm đó, họ đã trao đổi những gì với nhau? Thánh sử không nói đến, nhưng câu chuyện đưa họ đi đến niềm tin. Họ đã gặp được Đấng họ đang mong chờ. Họ vui mừng loan báo cho anh em mình: “Chúng tôi đã gặp được Đấng Mêsia!” Họ đã gắn bó với Ngài. Ngài đã chinh phục được những môn đệ đầu tiên, những con người sẽ theo Ngài vô điều kiện, sẽ sống chết với Ngài. Ông Simon, anh của Anrê cũng được ông dẫn đến với Chúa Giêsu và ông này đặc biệt đã được đổi tên mới:“Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha, tức là Phêrô”. Đổi tên, theo tục lệ Do Thái, là dành riêng người này cho một công việc quan trọng. Và đúng thế, sau này Phêrô là vị lãnh đạo nhóm Mười Hai, tiếp tục công việc của Ngài.

Mỗi người chúng ta đều được mời gọi đến với Ngài, vì Ngài là sự sống, là tình yêu, là những gì làm cho cuộc sống hôm nay của chúng ta mang một ý nghĩa vững bền và tươi sáng. Giáo hội không ngừng giới thiệu Ngài cho chúng ta. Và “dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ”. Thế nhưng chúng ta có tìm kiếm Ngài như hai môn đệ kia không? Tìm kiếm mới có thể gặp được. Chúng ta có thích ở lại với Ngài không? Hay chúng ta chỉ thích bay nhảy theo những mời gọi của thế gian? Ông Nicôđêmô ban đêm đã đến tìm Ngài và ông đã được mãn nguyện. Ông Giakêu, khao khát được nhìn thấy và ông đã được Chúa nhìn đến ông. Những cuộc gặp gỡ đã thay đổi cả cuộc đời. Chúng ta có muốn cho cuộc sống chúng ta tươi đẹp không? Hãy đến với Ngài, ở lại với Ngài, chia sẻ sứ mệnh của Ngài. Ngài đang chờ những Anrê, những Simon thời đại này. Ngài kêu gọi mọi người không trừ ai vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Chúng ta có sẵn sàng dấn thân theo Ngài không?

“Hãy đến mà xem”. Chúng ta xem gì? Có phải là cây lau phất phơ trước gió không? Chắc là không. Chúng ta sẽ thấy một con người như mọi người nhưng là Con Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi chúng ta vào thân mật với Ngài, chia sẻ thân phận cứu thế với Ngài. Sống như kẻ không nhà, không có nơi gối đầu, luôn sống theo ý Cha trên trời, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Đó là khuôn mặt của Con Chiên Thiên Chúa.

“Đến mà xem” không phải chỉ để xem mà để theo. Theo Ngài, chia sẻ sứ mệnh của Ngài, đó là tiếng gọi, không dành cho một số người được biệt đãi mà cho mọi người tin. Tin mà không đồng hành với Ngài thì không gọi là tin. Tin chính là dấn thân triệt để với Ngài, Đấng đã nhìn đến phận hèn của chúng ta và đã kêu gọi chúng ta. Tin là đáp trả lời mời gọi của Chúa: “Hãy đến mà xem”. Nhưng không chỉ xem mà “ở lại trong tình thương của Ngài”, loan báo cho người khác: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Đó là tin mừng mà chúng ta cần loan báo. Nam hay nữ, chúng ta đều phải loan báo cho mọi người hồng ân Chúa ban cho chúng ta là được biết Ngài. Bà Mađalêna trước mộ Chúa đã gặp được Ngài và đã loan báo cho các môn đệ, người phụ nữ Samari, ngỗ ngáo và lăng loàng, sau khi đã gặp Ngài, đã vội chạy về làng báo tin: “Tôi đã gặp Đấng Mêsia”.

Chúng ta có gặp được Ngài chưa? Có lẽ chúng ta đã gặp Ngài thường xuyên, trong thánh lễ, trong những lúc cầu nguyện, nhưng những cuộc gặp gỡ đó đã mang lại gì cho chúng ta? Chúng ta có cảm thấy muốn ở lại với Ngài không hay chúng ta chỉ gặp vì bắt buộc, vì thói quen và chúng ta mong mau về nhà để lo việc khác? Chúng ta có thực sự gắn bó với Ngài không? Ngài chiếm chỗ nào trong tâm hồn chúng ta? Ngài luôn mời gọi, nhưng chúng ta có đáp lại không?

“Hãy đến mà xem”. Hãy đến vì Ngài đang ở nơi bàn thờ. Ngài là Con Chiên đến để gánh tội trần gian và cũng để ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Hãy đến với Ngài, đáp trả tình yêu của Ngài. Hãy ăn lấy Ngài vì Ngài là của ăn ban sự sống. Ăn lấy Ngài để biết tình yêu của Ngài êm dịu như thế nào và loan báo tình yêu đó cho mọi người, để tất cả đều được chia sẻ hạnh phúc mà Ngài đã mang đến cho chúng ta.

Lm Trầm Phúc