Xin cha giải đáp những thắc mắc sau đây :
1- Thế nào là “bị treo chén” và “bị rút năng quyền” của một linh mục ?
2- Người tân tòng có buộc phải “xưng tội” trước khi được rửa tội không ?
3- Có lễ nào chỉ dành riêng cho một người xin hay không , và linh mục có được phép soạn kinh riêng cho giáo dân đọc hay không ?
Trả lời:
1- Về câu hỏi thứ nhất, xin được giải thích như sau:
Mọi linh mục giáo phận (diocesan priests)- hay còn gọi là linh mục triều, sau khi được chịu chức, thường được giám mục của mình trao cho một thư bổ nhiệm (letter of appointment) hay còn gọi là “bài sai” trong đó có liệt kê những năng quyền ( priestly faculties) được làm như:
– Cử hành Thánh lễ Tạ ơn ( Eucharist)
– Cử hành các bí tích rửa tội, thêm sức, hòa giải, sức dầu bệnh nhân và chứng hôn.
– Giảng dạy giáo lý và Tin Mừng. ( Gospels)
Như vậy, nếu không có thư bổ nhiệm trên, thì linh mục không thể công khai ( publictly) cử hành các bí tích trên , dù mình có chức linh mục. Lại nữa, khi linh mục đang có năng quyền ở một giáo phận, đến chơi và lưu trú hơn một tuần lễ ở lãnh thổ thuộc giáo phận khác, thì cũng buộc phải xin năng quyền của Bản quyền địa phương, nếu muốn thi hành sứ vụ linh mục như làm lễ cho bổn đạo, giải tội, xức dầu .v.v. Nghĩa là không phải cứ là linh mục thì đi đâu cũng đương nhiên được thì hành các tác vụ linh mục , dù mình có chức linh mục thực thụ., trừ trường hợp khẩn cấp nguy tử thì linh mục nào cũng được phép giải tội hay xức dầu cho bệnh nhân
( x giáo luật 987, triệt 2)
Khi một linh mục phạm lỗi gì, khiến Giám mục của mình tạm rút hay rút vĩnh viễn năng quyền (thí dụ linh mục có tội về sách nhiễu tình dục trẻ em), thì linh mục tạm thời hay vĩnh viễn không được thi hành mọi tác vụ linh mục ở bất cứ nơi nào trong hay ngoài giáo hội địa phương ( giáo phận). Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử, thì dù bị rút hết năng quyền, linh mục vẫn được phép giải tội và xức dầu bệnh nhân như nói ở trên..
Giáo dân Viêt Nam vẫn quen nghe nói linh mục bị “treo chén” nhưng đúng hơn phải nói theo giáo luật là “bị rút năng quyền.”
Treo chén hay rút năng quyền ( suspension of faculties) hay nói theo giáo luật là bị vạ huyền chức = suspension of faculties . (giáo luật số 1333) đều có nghĩa là linh mục tạm thời hay vinh viễn không được thi hành tác vụ linh mục ( priestly ministries) như giảng dạy, làm lễ, rửa tội ,thêm sức, giải tội, xức dầu bệnh nhân và chứng hôn công khai ở đâu, trừ trường hợp khẳn cấp nguy tử của bệnh nhân thì linh muc vẫn phải làm nhiệm vụ, dù đang bị “rút năng quyền”.
Riêng các linh mục Dòng, nếu muốn thi hành tác vụ linh mục trong phạm vi một giáo phận thì, ngoài năng quyền do Bề Trên Dòng trao cho, cũng phải xin năng quyền nơi Bản quyền địa phương ( giáo phận) nếu muốn làm mục vụ ở địa phương đó, theo đề nghị của Bề Trên Dòng liên hệ.Khi năng quyền này bị rút thì cũng không được phép thi hành năng quyền nơi cấp phát nữa.
2- Người Tân Tòng ( catechumens) có cần phải xưng tội trước khi được rửa tội hay không ?
Tôi đã có lần trả lời câu hỏi này rồi. Nay xin nhắc lại là theo giáo lý thì người tân tòng có nghĩa là những người trên 18 tuổi, chưa từng được rửa tội, muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo qua chương trình huấn luyện đặc biệt gọi là RCIA ( Rites of Christian Initiation for Aduts). Người tân tòng sẽ được dạy giáo lý để được rửa tội, thêm sức và rước Mình Thánh Chúa lần đầu trong lễ Vọng Phục Sinh ( Easter Vigil) đêm thứ bảy Tuần Thánh.
Khi được rửa tội, thì mọi tội cá nhân và tội nguyên tổ ( original sin) cùng với hậu quả của tội đều được tha hết một lượt ( x SGLGHCG số 1263). Do đó, người tân tòng không phải xưng tội cá nhân trước khi được rửa tội. Vả lại, không bí tích nào được ban thành sự cho ai chưa được rửa tội, là cửa ngõ đi vào các bí tích khác như Thánh Thể, hòa giải, xức dầu bệnh nhân và Truyền Chức Thánh. Nghĩa là muốn lãnh nhận thành sự ( validly) các bí tích trên, buộc phải được rửa tội trước. Do đó, không bao giờ linh muc nào được trao Mình Thánh Chúa hay giải tội cho trẻ em hay người lớn nào chưa được rửa tội. Trong trường hợp nguy tử, nếu bệnh nhân muốn nhập Đạo Công Giáo để lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, thì phải dạy những điều cần yếu về giáo lý trước khi rửa tội cho người ấy và không cần bắt họ xưng tội vì phép Rửa cũng tha mọi tội cá nhân và hậu quả của Tội nguyên tổ như đã nới ở trên.
Như thế, ai đòi người tân tòng phải xưng tội trước khi rửa tội là không đúng theo giáo lý và thần học bí tích (sacramental theology).
Có chăng, trong khi dạy giáo lý, cần giải thích rõ cho người tân tòng biết là với bí tích Rửa tội thì mọi tội cá nhân người ấy đã phạm cùng với hậu quả của tội nguyên tổ cho đến lúc được rửa tội, thì đều được tẩy sạch một lần khỏi mọi vết nhơ của tội . Và chiếc áo hay khăn trắng được trao cho sau khi rửa tội là dấu chỉ sự đổi mới hoàn toàn trong tâm hồn người tân tòng sau khi được tái sinh qua phép rửa và mặc lấy Chúa Kitô là Ánh Sáng của cây nến cầm trên tay và khăn trắng hay áo trắng mặc trên mình.
Đây là những điều cần thiết phải dạy cho người tân tòng biết trước khi họ được lãnh nhận ba bí tích quan trong là Rửa tội, thêm sức và Thánh Thể trong lễ Vọng Phục Sinh, hay trong dịp riêng nào đó.
3- Có lễ nào được dành riêng cho một người xin hay không ?
Thánh lễ Tạ Ơn ( Eucharst) là hành động phụng vụ quan trọng nhất diễn lại cách bí tích trên Bàn thờ ngày nay Bữa ăn sau hết của Chúa Kitô với 12 Tông Đồ và Hy tế đền tội mà Chúa dâng lên Chúa Cha trên Thập giá ngày hôm sau để một lần xin tha mọi tội cho cả nhân loại đáng bị phạt vì tội lỗi.Chính nhờ Hy tế đền tội này mà con người có hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc vô gía của Chúa Kitô, Đấng “đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muônngười,” ( Mt 20 : 28)
Vì thế, Thánh lễ Tạ ơn là đỉnh cao và là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội và của mọi Kitô hữu, vì mỗi khi cử hành Thánh Lễ , Giáo hội lại một lần hiệp thông cùng Chúa Kitô dâng lời ngợi khen, cảm tạ lên Chúa Cha và xin ơn tha tội cho chúng ta ngày nay cùng thể thức mà Hy Tế đền tội xưa Chúa Kitô dâng trên thập giá để xin ơn tha tội cho toàn thể con người.
Như vậy, mọi Thánh lễ đều là việc ca ngượi và cảm tạ Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.Trong Thánh lễ có lời cầu xin của Giáo Hội cho Đức Giáo Hoàng, cho Giám mục giáo phận, cho các tín hữu còn sống ( Kinh nguyện Tạ Ơn I) hay đã qua đời dù không có ai xin lễ cầu riêng..
Khi có người xin lễ cầu cho một hay nhiều linh hồn đã qua đời thì chủ tế đọc thêm tên thánh của người muốn xin cầu cho, hoặc nhớ đến ý lễ của người xin , như xin ơn bình an, xin có công ăn việc làm, hay xin khỏi bệnh tật v.v. Nhưng không có Thánh lễ nào chỉ dành để cầu cho một ý lễ của người xin bao giờ. Vì như đã nói ở trên, dù có ai xin lễ với ý lễ riêng thì vẫn có lời cầu chung cho Đức Thánh Cha, cho giám mục giáo phận , cho người còn sống và cho những linh hồn cha mẹ tổ tiên và thân bằng quyến thuộc đã qua đời.
Chỉ có sự khác bệt là dù cầu cho nhiều người nhưng linh mục chủ tế chỉ được lấy bổng lễ ( mas stipend) của một ý lễ thôi. Nếu vì lý do mục vụ mà phải gom nhiều ý lễ trong một thánh lễ, thì sau đó linh mục phải làm lễ bù cho đủ, nếu muốn hưởng trọn số bổng lễ của người xin.( x giáo luật số 948)
Tóm lại, Thánh lễ là việc thờ phượng, ngượi khen và cảm tạ Thiên Chúa mà Giáo Hội hiệp dâng trên bàn thờ cùng với Chúa Kitô để xin ơn tha thứ cho người còn sống cũng như cho người đã chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng còn đang được thanh luyện trong Luyện tội ( Purgatory). Thánh lễ là bí tích cao trọng nhất qua đó Chúa Kitô lại hiện diện cách bí tích qua thừa tác viên con người là linh mục và giám mục để diễn lại Bữa tiệc ly và Hy tế thập giá của Người để ban ơn cứu độ cho chúng ta ngày nay cùng thể thức và mục đích của Hy tế thập giá trên núi Sọ xưa kia.
Do đó, không có Thánh Lễ nào chỉ dành cầu riêng cho ai còn sống hay đã ly trần, cho dù người xin lễ có bỏ ra bao nhiêu tiền thì cũng không thể có lễ riêng cho một mình ai được.
Về cẩu hỏi chót liên quan đến việc linh mục có được phép soạn kinh riêng cho giáo dân đọc hay không, xin trả lời ngay là mọi kinh nguyện kể cả các bài thánh ca của ai soan hay sáng tác phải được giáo quyền địa phương duyệt xét và quyết định có cho đọc hay không trước khi phổ biến cho giáo dân đọc chung trong nhà thờ hay ở tư gia. Các bài thánh ca cũng vậy. Nghĩa là không ai được tự ý soan kinh và soan nhạc cho giáo dân đọc và hát trong nhà thờ mà không có phép của bản quyền địa phương, tức Tòa Giám mục sở tại.
Đây là kỷ luật bí tích và phụng vụ mà mọi cha sở phải thi hành nghiêm chinh, vì việc thờ phượng phải tuân theo kỷ luật chung của Giáo Hội, chứ không theo sở thích của cá nhân nào.
Cũng xin nói thêm là linh mục không nên ôm cây đàn để hát và kể chuyện tếu trong những dịp tiệc cưới hay gây qũy từ thiện. Lại càng không nên làm quảng cáo thương mại cho ai như một linh mục kia đã nằm dài trên ghế để quảng cáo cho loại ghế xoa bóp này. Làm như vậy là đã tự đánh mất tư cách của linh mục, một Đức Kitô thứ hai (Alter christus) trong sứ vụ ( Ministry) và trước mắt người đời.
Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn những câu hỏi đặt ra.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn