Gia đình: còn đó những nỗi lo…

 

con-do-noi-lo-gia-dinh“Linh thiêng, linh thiêng hai tiếng gia đình…”, đấy là lời của một bài hát quen thuộc. Và thật sự là như thế. Nhìn trong chiều kích tâm linh, gia đình là sự kết hợp giữa hai con tim, giữa hai người nam và nữ được Thiên Chúa chúc phúc và liên kết bằng bí tích Hôn Phối. Ý thức được như vậy, khi bước vào đời sống hôn nhân, các cặp tình nhân cần phải có một thời gian tìm hiểu, sẻ chia và phải cầu nguyện. Thế nhưng, khách quan mà nói, nhiều người trẻ ngày nay vội vã chạy theo thời cuộc và kế sinh nhai, vội vã với cả cuộc tình của mình, để rồi đánh mất ý nghĩa cao quý thiêng liêng của đời sống gia đình.

Đứng trước thực trạng đó, Thánh Thần như luồng gió mạnh thổi trên Đức Thánh Cha, thúc đẩy ngài triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường để bàn về Gia Đình. Và Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, vừa tham dự Thượng Hội Đồng trở về, đã chia sẻ cho mọi người những thông tin về Thượng Hội đồng, cũng như những suy nghĩ, tâm tư của riêng ngài.

Trải qua biết bao sóng gió của đời sống gia đình, tôi cũng cảm nghiệm được ít nhiều những khó khăn của thực tại gia đình. Từ đó, tôi nhất trí với quan tâm về Mục vụ Gia đình của Thương Hội đồng: “Mục vụ Gia đình phải làm thế nào để cho mỗi gia đình Công giáo trở nên một trường học đầu tiên về cách làm người; trường học đầu tiên về xã hội tính, nghĩa là sự giao lưu tiếp xúc gặp gỡ với người khác; trường học đầu tiên về tinh thần Giáo hội và lòng yêu mến Giáo hội; trường học đầu tiên về sự nên thánh vì mọi người Kitô hữu khi chịu phép rửa đều được mời gọi bước theo Chúa Kitô để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.” (Phỏng vấn Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc sau Thượng Hội đồng Giám mục khoá ngoại thường về Gia đình)

Để giúp cho đời sống gia đình của con em mình được tốt đẹp, cha mẹ không phải đợi cho con mình lớn lên đến tuổi cập kê, rồi nhắc con đi học giáo lý hôn nhân, có được cái chứng chỉ bí tích hôn nhân là làm phép cưới. Giải quyết như thế chỉ là phần ngọn. Trước tiên, cần phải chăm lo rèn luyện về nhân cách và khả năng giao tiếp tốt đẹp của con cái: “mỗi gia đình Công giáo trở nên một trường học đầu tiên về cách làm người; trường học đầu tiên về xã hội tính, nghĩa là sự giao lưu tiếp xúc gặp gỡ với người khác.”

Có lẽ chạy theo xu thế của thời đại hay sao đó mà nhiều bậc làm cha làm mẹ ngày hôm nay quên dạy con những điều rất căn bản ấy trước khi đưa con mình đi học những môn nhiều khi chỉ là “nhiệm ý”. “Con chưa biết đi mà đã dạy con phải chạy rồi”! Nhiều trẻ chưa nói rành tiếng mẹ đẻ nhưng cha mẹ, chạy theo xu thế xã hội, đã cho con học tiếng Anh. Một bà mẹ hân hoan hớn hở khoe với tôi là nhờ quen biết nên đã gửi được cháu vào học ở trung tâm giữ trẻ có dạy Anh ngữ. Hỏi ra, cháu nhỏ chỉ mới có… 3  tuổi ! Bà mẹ phấn chấn nói với tôi: “Cháu 3 tuổi nhưng hội nhập được tiếng Anh với các anh các chị 5, 6 tuổi !!!???” Học sinh ngữ không phải là xấu, nhưng cần phải biết cho con mình học lúc nào cho phù hợp với sự phát triển của con trẻ. Chưa rành tiếng mẹ đẻ mà đã chạy đua theo sinh ngữ thì thật bất thường. Mà cha mẹ lại vui vẻ ủng hộ cái điều bất thường đó nơi con mình!

Xu hướng cho con học sinh ngữ ở cái tuổi chưa rành tiếng mẹ đẻ ngày hôm nay không phải là ít. Và cứ như thế, chạy theo chuyện học hành như chạy theo thời trang vậy. Cứ chúi vào vi tính, sinh ngữ, đàn hát… ở cái tuổi còn quá nhỏ, trong khi chuyện cần là phải dạy cho con mình nhân bản, nhân cách cư xử thì nhiều bậc phụ huynh lại lơ là hoặc quên khuấy đi mất!

Vài năm gần đây, có những cuộc thi tiếng hát “nhí”. Thật không ngờ những đứa trẻ mới lên 10, 12 thôi nhưng đã trình diễn thật hay, thật vui mắt khán thính giả với phong cách sành điệu của những người lớn! Người ta đã ép “lúa non”, bất chấp mọi hậu quả! Tuổi thơ của những trẻ đó không còn nét hồn nhiên trong sáng nữa. Các em đã phải cố gắng làm sao để chạy show cho thật nhiều, quên đi mình là ai để làm theo theo ý đồ của cha mẹ, những người hình như chỉ cắm cúi chạy theo… tiền và đào tạo con mình theo những hướng thật bất thường!

Ngày hôm nay nhiều trẻ nhỏ đã quên đi hai tiếng “xin lỗi” và “cảm ơn”. Tính trung thực của các em cũng không còn khi các em sống trong một môi trường chỉ chạy theo thành tích, bằng cấp, địa vị và tiền bạc.

Trẻ lớn lên mà nhân cách méo mó, nhân bản yếu kém thì dĩ nhiên kéo theo không biết bao nhiêu hậu quả đáng buồn. Chính vì không nhận ra đâu là luân lý, đâu là đạo đức, nên mới xảy ra những chuyện đớn đau là còn quá trẻ mà đã sống chung với nhau như vợ chồng. Hay là cũng cưới hỏi như ai kia nhưng chẳng bền vững là bao. Ngày hôm nay, rộ lên phong trào sống thử, sống cho vui, sống không cần đăng ký kết hôn và dĩ nhiên là không có bí tích hôn phối ở những người có đạo.

Xao lãng việc giáo dục nhân cách, người ta sẽ hành xử theo lối “con” hơn là “người”. Nếu là người thật thì đâu có thể ra đường hở một chút là rút dao, rút phảng ra chém nhau như thường thấy hôm nay! Là người thật thì đâu có thể chỉ va chạm nhẹ với nhau trên đường là đã dùng tay chân và bạo lực để “xử” nhau!

Trước khi xây một ngôi nhà, người ta cần làm kỹ nền móng. Ngôi nhà gia đình cũng thế. Khi người ta coi thường tình yêu, coi thường bí tích, coi thường con người, vợ chồng coi thường nhau, thì hôn nhân chỉ là trò đùa. Ngôi nhà gia đình được xây trên nền không có móng, sớm muộn gì cũng sẽ lung lay. Gia đình sẽ đổ vỡ, kéo theo biết bao nhiêu hậu quả thương tâm.

Khi không quan tâm đến những giáo dục mang tính nền tảng về nhân bản và nhân cách cho con em, các bậc phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề trước mặt Chúa về bổn phận làm cha làm mẹ của mình. Người ta vẫn thường chữa lỗi là phải lo kinh tế gia đình nên có thiếu sót về việc dạy dỗ con cái, nhưng thử hỏi rằng nếu kinh tế thành đạt với của cải ê hề mà con cái lại hư hỏng và gia đình tan vỡ thì được ích gì? Có hạnh phúc không? Xã hội hôm nay xuống cấp chính vì sự  xuống  cấp của những gia đình trong đó cha mẹ chỉ lo sinh mà không lo dưỡng, chỉ lo về mặt tri thức cho con mà không lo về nhân bản và cách ứng xử của con. Rất may, vẫn còn rất nhiều gia đình tốt, con cái được giáo dục tốt. Và rất may, Thượng Hội đồng Giám mục về Gia Đình cũng đã được mở ra đúng lúc để xây dựng một nền mục vụ gia đình tốt đẹp và hữu hiệu, một nền mục vụ vừa nhân bản, vừa tâm linh và thiêng liêng…

Xin cho mỗi gia đình đều biết đón nhận luồng gió mới của Chúa Thánh Thần để sống trong Tình Yêu, Ân Sủng, Bình An, Hiệp Nhất và trở thành Hội Thánh thu nhỏ như lòng Chúa mong ước.

Micae Bùi Thành Châu