Ghen và ghét

Chuyện phiếm của Gã Siêu.

 

Hôm nay, gã xin bàn đến chuyện ghen và ghét. Trước hết là cái ghen. Là con nhà có đạo, chúng ta thấy cái ghen xuất hiện rất sớm, ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh. Đó là cái ghen của ma quỉ. Thấy loài người được Thiên Chúa sủng ái, được hạnh phúc trong tình yêu thương của Ngài nơi vườn địa đàng, ma quỉ đã đem lòng ghen, nên mới bày mưu thâm chước độc cám dỗ để rồi ông bà nguyên tổ đã sa ngã và phải cúi đầu lãnh nhận bản án của đau khổ và chết chóc. Tiếp đến là cái ghen của Cain. Thấy lễ vật của Abel được Thiên Chúa chấp nhận, Cain đã bực bội để rồi cuối cùng đã rắp tâm thực hiện ý đồ đen tối, giết em mình ngoài đồng vắng.

 

Bước vào đời thường, chúng ta thấy cái ghen đã có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc, cũng như trong mọi lãnh vực. Trước hết là trong lãnh vực gia đình. Không ít thì nhiều con cái đều kêu trách cha mẹ ăn ở thiên vị, không công bằng, con yêu con ghét. Đứa được nhiều, đứa được ít. Rồi từ đó sinh ra ngang bướng, giận hờn và thù oán. Thực ra, không nên trách móc cha mẹ mà nên trách móc chính bản thân. Bởi vì chắc hẳn cha mẹ sẽ yêu thương đứa con siêng năng hơn đứa con lười biếng, đứa con đau yếu hơn đứa con khỏe mạnh, đứa con ngoan ngoãn hơn đứa con xấc láo.

 

Đặc biệt là trong lãnh vực tình yêu vợ chồng. Thực vậy, trong lãnh vực này, cái ghen thường được định nghĩa là như thái độ bực bội khi thấy tình yêu của mình bị đánh cắp, hay nói cách khác, đó là thái độ tức tối khi thấy kẻ khác phỗng tay trên tình yêu của mình. Người ta thường bảo: Có yêu thì mới ghen. Và như vậy, cái ghen đã luồn lách vào trong máu huyết của những người đang yêu, bất kể đờn ông hay đờn bà, con giai hay con gái. Tuy nhiên, nơi đờn bà con gái, cái ghen thường mang một sắc thái đặc biệt hơn, chẳng thế mà ca dao đã từng nói: Ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.

 

Trong ngôn ngữ Việt Nam có rất nhiều danh từ để chỉ những mức độ khác nhau của cái ghen. Chẳng hạn như ghen bóng ghen gió, đó là một cái ghen vu vơ, một cái ghen không có bằng cớ rõ rệt, một cái ghen có tính cách phủ đầu như muốn răn đe người mình thương rằng: Chớ có lạng quạng, xớ rớ vô là….chết với bà! Còn ghen hờn, ghen tủi, đó là một cái ghen chất chứa trong lòng mà chẳng dám nói ra, cũng như chẳng có một hành động nào bên ngoài, cứ âm thầm gậm nhấm nỗi giận hờn và tủi phận, khiến cho tê tái cả tâm hồn, tan nát cả con tim, héo hắt cả cuộc đời và quay quắt cả con người. Trong khi đó ghen thầm là một cái ghen cũng để ở trong bụng, nhưng bên ngoài thì vẫn vui vẻ, coi như chẳng có sự gì xảy ra cả, để rồi lẳng lặng theo dõi và đưa ra những biện pháp vừa sâu lại vừa cay. Đây là cái ghen của những bậc cao thủ võ lâm, đáng cho thiên hạ phải kiêng nể. Và sau cùng, ghen lồng ghen lộn, đó là một cái ghen của người có dòng máu nóng, khi đã máu ghen đã bốc lên, thì đứng ngồi không yên, phải tìm cách bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành động và thường là khốc liệt và tàn bạo như cuồng phong vũ bão, nào là chặn đường đánh cho một trận te tua, nào là dùng dao lam rạch mặt cảnh cáo, nào là tạt acid cho đi đoong cả con người, cốt ý sát hại tình địch hầu lưu lại cho tình địch một dấu ấn và một bài học để đời.

 

Người ta thường nói ghen ghét, một khi đã ghen với người nào, thì chắc chắn cũng sẽ ghét người ấy. Giống như cái ghen, cái ghét cũng có những mức độ khác nhau. Trước hết là ghét ngọt ghét bùi, bên trong thì ghét nhưng bên ngoài vẫn làm bộ vui vẻ, dịu ngọt. Đây là cái ghét của người có bản lãnh sâu sắc và hiểm độc. Tiếp đến là ghét bỏ, nghĩa là vừa có ác cảm lại vừa muốn ruồng bỏ. Và sau cùng là ghét cay ghét đắng, thậm chí còn ghét vào tận tim, cho dù tới chết vẫn không thèm nhìn mặt nhau. Từ ghen tới ghét, khoảng cách không bao xa. Rồi từ ghét tới những hành động tàn ác với chủ đích hãm hại người khác, khoảng cách cũng gần lắm, như chúng ta đã thấy ở trên.

 

Thực vậy, người ta thường bảo: Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Ngày trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Phép nước Vệ là ai đi trộm xe của vua thì bị tội phải chặt chân. Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe của vua ra đi. Vua nghe thấy liền khen rằng: Có hiếu thật, vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân. Ngày kia, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa bèn đưa cho vua. Vua khen: Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta. Về sau, vua không còn yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: Di Tử Hà trước dám liều lấy xe của ta mà đi, lại còn cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong đem Di Tử Hà ra trị tội. Câu chuyện trên như muốn chứng minh rằng: Một khi đã ghét thì thế nào cũng có những hành động hãm hại kẻ mình không ưa không thích.

 

Vậy sự ghen ghét xuất phát bởi đâu? Trước hết sự ghen ghét xuất phát từ tính kiêu căng của mình. Thực vậy, kẻ kiêu căng bao giờ cũng muốn mình phải là nhất, phải là trung tâm của thế giới, phải là cái rốn của vũ trụ. Thấy ai phê bình chỉ trích, liền nổi giận đùng đùng. Thấy ai hơn mình thì hậm hực và tìm cách gièm pha, hạ nhục cho bõ ghét. Họ lỡ quên mất câu danh ngôn: Ai khen ta mà khen phải, ấy là bạn ta. Còn ai chê ta mà chê phải, ấy là thầy ta.

 

Tiếp đến, sự ghen ghét xuất phát từ bụng dạ hẹp hòi của mình. Thực vậy, thấy người khác tài giỏi hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn, chúng ta phải mừng thì mới đáng mặt quân tử. Một xã hội cần phải có những phần tử ưu tú, thì mới hòng tiến triển được, chứ nếu tất cả chỉ xoàng xĩnh, hay thường thường bậc trung, thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ chen vai sát cánh được với bàn dân thiên hạ. Sau cùng, sự ghen ghét còn xuất phát từ sự thiếu sáng suốt của mình. Thực vậy, đứng trước những thành công của người khác, chúng ta cần phải xét mình, đặt ra những câu hỏi để rút tỉa lấy những bài học cụ thể, nhờ đó mà làm đẹp cho bản thân, cũng như làm giàu cho cuộc sống. Chẳng hạn tại sao người ta giàu có? Vì người ta đã chí thú trong việc làm ăn, cần kiệm trong việc chi tiêu. Còn chúng ta thì luôn ươn lười và trễ nải, có làm thì cũng chỉ là làm biếng, hay làm ít mà xài nhiều theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”,  thậm chí lại còn xài sang nữa, theo kiểu “con nhà lính tính nhà quan”, thì làm sao có thể khấm khớ và phất lên cho được. Điều cần thiết là phải đấm ngực mình mà rằng: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chứ đừng đấm ngực người khác mà rằng: Lỗi tại anh, lỗi tại chị, lỗi tại hoàn cảnh mọi đàng.

 

 Để kết luận, gã xin ghi lại mẩu chuyện sau đây: Ngày nọ, Cú mèo gặp chim gáy. Chim gáy bèn hỏi: Bác sắp đi đâu đấy? Cú mèo trả lời: Tôi sắp sang ở bên phương đông. Tại sao lại đi như thế? Vì ở đây, nghe tiếng tôi kêu, người ta ghét, cho nên tôi phải dời đi chỗ khác. Chim gáy góp ý: Bác phải đổi tiếng kêu mới được, chứ nếu không đổi tiếng kêu, thì dù sang tới phương đông, người ta nghe tiếng, cũng lại ghét bác mà thôi, vì nhân tình đâu mà chẳng thế. Cứ như ý tôi, thì không gì bằng bác phải rụt cổ, thu cánh suốt đời, đừng kêu nữa là hơn.

 

Đừng ghen và cũng đừng ghét người khác. Trái lại, hãy sửa đổi những sai lỗi, những khuyết điểm nơi con người mình, bởi vì tiêu chuẩn cần phải thực hiện, đó là: Muốn được thương, thì bản thân phải là người thương được.