Đường dẫn tới hạnh phúc

 

Lễ Các Thánh

ĐƯỜNG DẪN TỚI HẠNH PHÚC!

Kh 7,2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

 

Ngày lễ Các Thánh đầu tiên trong lịch sử được cử hành vào đầu thế kỷ thứ tư để vinh danh và tưởng niệm “các vị tử đạo”. Sau này, khi Kitô Hữu được tự do, Giáo hội Roma không bị bách hại đạo nữa, Giáo Hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện…

 

Vào thế kỷ VIII, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô III (731-41) đã dành một nhà nguyện tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, ở Rô-ma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1/11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ. Sau đó, Ðức Grêgôriô IV (827-44) mở rộng Lễ Các Thánh vào 1/11 cho cả Giáo Hội hoàn vũ, và Ðức Urbanô IV (1261-64) minh định: Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11 được Giáo Hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ“.

 

Thánh Bênađô nói: “ Trong dịp lễ kính các Thánh Nam Nữ tôi thấy một niềm vui khát vọng bừng cháy lên trong tôi…chúng ta được vui hưởng trong cộng đoàn hạnh phúc với các ngài và đáng được nên những người đồng hương các Thánh Tổ Phụ, Các Thánh Tiên Tri, các Thánh Tông Đồ, được gia nhập vào đạo binh các Thánh Tử Đạo, các Thánh Chủ Chăn, các Thánh Nam Nữ…Tóm lại là hợp đoàn cùng các Thánh…mà chúng ta vẫn coi thường vẫn làm ngơ ”.

 

Một vị tu rừng tìm cách sống trong một cái hang nhỏ và tối tăm, đêm ngày ăn chay, đền tội, hãm mình.

Ngày kia, một đoàn người, gồm những kẻ mộ mến tài đức của ngài, lên rừng đến thăm.

Thấy cách sống của vị tu rừng này, họ bỡ ngỡ hỏi:

– “Làm sao ngài có thể ở trong này một ngày mà thôi?”

– “Quý vị hãy vào, nhìn qua cái lỗ này, quý vị sẽ rõ.”

Họ vào và thấy: nơi tường hang rêu phủ, có một lỗ hổng, để lộ ra một góc trời.

 

Họ không hiểu. Vị tu rừng liền cắt nghĩa:

 

– “Góc trời đó, là nguồn an ủi của tôi. Những khi tôi buồn chán, tôi nhìn ra góc trời đó và kêu lên: “Ôi Thiên Đàng! Ôi Thiên Đàng!” Hai tiếng này làm cho linh hồn tôi được bằng an vui vẻ”.

 

Góc trời là lý tưởng của các thánh khi còn ở thế gian, các ngài luôn định hướng và bước đi…

 

Niềm vui mà trong một thị kiến Thánh Gioan thấy :  một đoàn người khác đông đảo không đếm được thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng.” Tất cả những người đó đều “mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế chiến thắng” (x. Kh 7,2-9),. Hình ảnh loan báo các Thánh Nam Nữ trong nước Thiên Chúa. Các Ngài  đã theo Chúa Giêsu – vì  « Ngài là Đấng thánh »  như  thánh Phaolô xác tín,  và « giặt và tẩy áo trắng mình trong máu Con chiên » (x. Kh 7,14).

 

Dù có cuộc sống khác nhau trên trần thế, nhưng các Ngài  đã  đi theo  tinh thần hiến chương  của Nước Thiên Chúa  qua Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy trong bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12), đó là bước đi trọn lành trong lời mời gọi của Thầy :  « Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành » ( Mt 5, 48)

 

Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc, trái lại là những khổ đau mà con người luôn tránh. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: họ hạnh phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian để trao cho con người chìa khóa để mở hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất:

 

·         “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những người nghèo là những người được Thiên Chúa quan tâm, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố trong diễn văn tại Hội đường Nagiaret khi bắt đầu sứ vụ, mượn lời ngôn sứ Isaia nói về mình tuyên bố: “Thánh Linh Chúa ngự trên Tôi…, sai Tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó…” (Lc 4, 18). Người mang tinh thần nghèo khó là ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình nên sẵn sàng mở tâm hồn để Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng. Chính trong thân phận nghèo, họ cảm nhận được sự thiếu thốn và sẵn sàng chia sẻ với anh em cùng khổ.

 

·         “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành và khiêm nhường trong lòng, đó là những gì Chúa Giêsu đã sống và kêu gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 29),

 

·         “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”.  Thiên Chúa không bỏ họ một mình trong lúc sầu khổ, ngôn sứ Isaia đã nhấn mạnh : “Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 3-4). Ðức Giêsu được xức dầu thánh hiến, sai đi đem Tin mừng cho những người khổ, những kẻ bị giam cầm và bị áp bức, Ngài giải thoát và dẫn họ đến tự do – hạnh phúc (x.Lc 4, 18-19). Hơn nữa, trong đau khổ con người tham dự vào cuộc Thương khó của Đức Kitô, Đấng chia sẻ với những bước đường đau khổ của kiếp người. Phêrô cũng xác tín: “Phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô” (1Pr 4, 1)

 

·         “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Đấng Công chính là Thiên Chúa như Tôbia đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài là Ðấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực” (Tb 3, 2).Khao khát nên người công chính là khao khát chính Thiên Chúa và người trở nên công chính sẽ được Thiên Chúa bảo vệ: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. (Kn 3, 1), hơn nữa: “Thiên Chúa yêu người công chính” (Tv 145).

 

·         “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Như Chúa Giêsu đã mang trái tim nhân ái xót thương tất cả mọi người, ngay cả những người tội lỗi, Ngài dạy con người lòng xót thương tha thứ trong Kinh Lạy Cha (x. Lc 11, 4).

 

·         “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Ai có tâm hồn trong sạch sẽ làm những công trình cuộc đời trong sự hoàn thiện. Tâm hồn trong sạch được khắc ghi Luật Chúa (x. Tv 10, 9). Yêu mến Chúa ( x. Mt 22, 37Mc 12, 30Lc 10, 27). Được gặp Chúa thổ lộ tâm tình như người yêu với người yêu (x.Ho 2, 16-18; 21-22)

 

·         “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Những tác nhân xây dựng hòa bình trở nên giống Thiên Chúa vì “Người thiết lập hoà bình trên cõi trời cao” (G 25, 1-2).

 

·         “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Chính trong lúc bị bách hại là cùng chịu khổ nạn và cùng được phục sinh vinh quang như Phaolô đã xác quyết: “…vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8, 17).

 

Khi nghe giáo huấn Bát Phúc, Ghandi – vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ đã tuyên bố: không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng Tám Phúc của Chúa Giêsu, và ông nói: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”

 

Vâng, hãy yêu mến Chúa Giêsu  nhiều hơn và đi theo con đường Bát Phúc. Yêu mến Thiên Chúa, noi gương các thánh như Công đồng Vatican II , trong Hiến Chế Lumen Gentium có viết :“ Các ngài tạo nên một toàn cảnh huy hoàng về những con người nam nữ, qua việc không mệt mỏi thực thi nhũng công việc hằng ngày trong vườn nho của Chúa. Sau khi đã sống một cuộc đời âm thầm, chẳng ai biết đến, và có khi những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại đối với công việc phát triển Nước Chúa… “ ( LG . 40 )

 

Mừng lễ Các Thánh người tín hữu lắng nghe lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II : “ Chúng ta vui mừng lễ để tôn kính các Thánh. Kinh nghiệm ấy tương tự như những điều chúng ta cảm nghiệm trong gia đình đông đúc, nơi đó chúng ta cảm thấy tình thân thương như ở nhà ”

 

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau.

                         (Tv 133,1).

 

 Lm. Vinhsơn scj, Sàigòn