Dung mạo Thánh Phaolô – người mục tử (tiếp theo)

PHẦN 2: THÁNH PHAOLÔ – MẪU GƯƠNG CHO CÁC MỤC TỬ
Khi đề cập đến các mục tử trong Giáo Hội, người ta thường nhấn mạnh đến quyền cai trị của các ngài. Thật ra, các ngài được tham dự vào sứ vụ mục tử của Đức Giêsu Kitô, “lãnh nhận đức ái mục tử của Người”[1] để chăm lo cho đoàn chiên của Chúa. Các ngài được mời gọi phục vụ dân Chúa và nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Mục Tử, để hành động nhân danh và thay mặt Người là Mục Tử Duy Nhất.

Các mục tử hôm nay có thể nhìn vào thánh Phaolô như một mẫu gương của người mục tử phục vụ theo gương Đức Giêsu. Thánh nhân đã lấy Đức Giêsu là đích điểm để sao chép đời sống mình, hoạ lại dung mạo Người Mục Tử nhân lành trong cuộc đời mình thế nào, thì các mục tử hôm nay cũng phải nối dài sự hiện diện và chăm sóc của Vị Mục Tử Tối Cao, qua việc loan báo Tin Mừng cho thế giới và xây dựng Giáo Hội như vậy.1. Giảng dạy Tin Mừng theo gương thánh Phaolô

Người mục tử không chỉ tham gia vào các chức năng của Chúa Kitô qua việc cai trị (mục vụ) mà còn cả trong trách vụ giảng dạy và thánh hoá. Chăm sóc mục vụ không chỉ  là “giữ” đoàn chiên mà còn phải tìm cách nuôi dưỡng chiên ngày càng lớn mạnh hơn.

Những ai tham dự vào sứ vụ mục tử của Đức Kitô để chăm sóc đoàn chiên Người trao phó là người ấy có trách nhiệm cung cấp cho chiên của ăn Lời Chúa để họ lớn lên trong đức tin. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô mà thánh Phaolô đã khổ công đem đến cho các cộng đoàn xưa cũng là thứ Tin Mừng thứ thiệt mà người mục tử hôm nay được mời gọi để đem đến cho thế giới. Tin Mừng này là thức ăn bổ dưỡng làm thoả mãn cơn khát đi tìm chân lý và hạnh phúc đích thực. Do đó, công việc rao giảng, đem cho chiên thức ăn là công việc vinh dự nhưng là một trách nhiệm cấp bách cho các mục tử: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Chính trong tâm tình của người phục vụ và tuân phục Đức Kitô, các mục tử được kêu gọi để loan báo Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội[2] như cách thức thánh Phaolô đã làm, mà không dùng Tin Mừng như thứ phương tiện để cai trị dân Chúa.

Khi nhận trách vụ loan báo Tin Mừng, người mục tử phục vụ cho Đức Kitô cũng là người phải trung thành với sứ điệp Tin Mừng để chiên dưới quyền mình được hưởng ân phúc. Mang chức năng nối dài sự hiện diện của Đức Giêsu Mục Tử giữa thế gian, người mục tử không thể rao giảng thứ tin buồn, khắc thêm hận thù hay chết chóc, không thể dùng rao giảng Tin Mừng như phương thế để mình nổi danh, mà phải coi đó là mục đích để mang lại ơn cứu độ, xây dựng đức ái và củng cố cộng đoàn. Thánh Phaolô đã nhận sứ mệnh loan báo Tin Mừng từ Đức Kitô phục sinh và ra đi rao giảng đầy nhiệt huyết không để khoe khoang hay xu nịnh làm đẹp lòng người đời mà để đẹp lòng Thiên Chúa (x. 1Tx 2,4-6), thì mục tử hôm nay cũng được mời gọi nuôi dưỡng cộng đoàn bằng chính lời tình yêu của Thiên Chúa.[3]

Khi trung thành rao giảng Tin Mừng, người mục tử trở nên người phục vụ Đức Kitô và đoàn chiên của Chúa. Theo gương thánh Phaolô để rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô cách nhưng không, không đòi được hưởng bổng lộc, thì người mục tử cũng được mời gọi rao giảng Tin Mừng, xây dựng Thân Thể Đức Kitô cách trung thành, không xuyên tạc theo hướng có lợi cho mình. Thánh Phaolô đã để Đức Kitô sống trong ngài (x. Gl 2,20), trở nên người quản lý, phục vụ cho Tin Mừng và làm “nô lệ cho mọi người” (1Cr 9,19), và đó cũng là tiêu chuẩn cho những ai có trách nhiệm với đoàn chiên mình: là người phục vụ chứ không lãnh đạo và thống trị.

Do vậy, lời giảng thực sự có ích và mang lại sức sống cho đoàn chiên khi người mục tử xác tín lời mình giảng, sống Phúc Âm trong cách nghĩ và hành động. Quả thế, “linh mục – mục tử không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác với đời sống thế tục.”[4] Một khi có lối sống thấm đẫm Tin Mừng, người mục tử sẽ hăm hở ra đi không từ nan và làm triển nở hoa trái Tin Mừng trong mọi người bằng ngôn ngữ của tình yêu, sẽ là dấu chứng cho mọi người biết mọi sự đều ý nghĩa, ngay cả đau khổ, thất bại và thậm chí là cả cái chết nữa.

2. Lấy đức ái làm luật của hoạt động mục vụ

Thánh Phaolô đã là người mục tử đầy thương mến với cộng đoàn mình lập ra vì thánh nhân có được nguồn lực từ chính tình yêu của Đức Kitô. Thật thế, chính vì nhận ra tình yêu nhưng không của Chúa mà thánh nhân khao khát muốn người khác cũng nhận được tình yêu đó (x. 2Cr 1,6). Khi đã thao thức một lòng yêu mến các Kitô hữu (x. 2Cr 2,4), nên trong bài ca đức ái (1Cr 13,1-8), ngài đưa ra giáo lý mới dựa trên luật mới của Đức Giêsu: luật yêu thương. Tình yêu mà thánh Phaolô sống và loan báo là tình yêu thập tự của Đức Giêsu vượt đau khổ và sự chết. Tình yêu ấy đã thúc bách thánh nhân (x. 2Cr 5,4) hy sinh tất cả để các chiên của mình lớn mạnh trong đức tin và lòng mến. Cho dù có phải sửa dạy, trách móc, cảnh cáo… thì cũng chỉ một lòng yêu mến Kitô hữu.

Cũng thế, người mục tử hôm nay cần mang trong mình đức ái của Đức Giêsu Mục Tử làm chuẩn mực cho sứ vụ phục vụ của mình. Các mục tử là “bản sao yêu thương” của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay, là “nguyên lý nội tại và năng động phối hợp mọi hoạt động mục vụ”[5]. Khi trao trách nhiệm, Đức Giêsu thẩm vấn ta về mức độ tình yêu chứ không xem đến những công phúc của ta. Tham dự vào sứ vụ mục tử của Đức Giêsu không phải là cách thức để tiến thân mà để đức ái của Đức Giêsu chiếm hữu tâm hồn, lan toả đến với mọi người. Đức ái như là cái võng bao trùm toàn bộ con người và hoạt động của người mục tử, là dây thôi lôi mọi người bám vào hầu cảm thấy được bình an và nhận ra đó chính là vị mục tử, lương y đầy yêu thương luôn chăm sóc họ.

Nhận chăm sóc đoàn chiên trong tình mến cũng cần các mục tử có đức ái nơi mình trước. Một mục tử “nghiện” rượu, thuốc lá, cờ bạc… thì lẽ đương nhiên không chỉ hại thân xác và tâm hồn mình mà còn làm cản trở Tin Mừng. Người khác nghĩ sao nếu là mục tử vẫn luôn khuyên con chiên mình tránh xa các tệ nạn mà chính mình lại mắc phải? Khi đó, lời chứng của người mục tử không còn ảnh hưởng mạnh, mất đi mức độ khả tín và có lẽ khó bảo vệ chiên. Chiên sẽ xa lánh mục tử và thậm chí lìa xa đàn.

“Tình yêu Đức Kitô thôi thúc” (2Cr 5,4) thánh Phaolô, thì các mục tử phục vụ cũng được mời gọi lấy đức ái làm chuẩn mực khi rao giảng, thánh hoá và cai quản cộng đoàn:

Đức ái trong giảng dạy mời gọi các mục tử cần có tâm hồn nhạy cảm mới nhận ra nhu cầu người khác đang thiếu thốn chăm sóc thiêng liêng, đang cần Lời Chúa và giáo lý. Khi biết chạnh lòng, người mục tử không giảng dạy với lời lẽ thoá mạ, giận giữ, chỉ trích nhưng hiền hoà, khiêm tốn. Song trên hết cần người mục tử đã sống và nhận được nhiều sức mạnh thiên linh từ Lời Chúa thì lời giảng mới đủ sức tác động và mang lại hiệu quả.

Đức ái trong nhiệm vụ thánh hoá cũng cần mục tử thánh hoá mình trước bằng Lời Chúa và Thánh Thể, là nguồn phát sinh đức ái. Khi có nguồn sức sống từ Lời Chúa và Thánh Thể, người mục tử thi hành sứ vụ với tấm lòng nhân ái, độ lương mà hề như công chức. Khi đã kín múc ân sủng nơi bí tích Thánh Thể, người mục tử sẽ sẵn lòng giang tay đón nhận những người lầm lạc, tội lỗi, người sống xa đoàn chiên… vì đức ái. Nếu người mục tử không thi hành sứ vụ trong đức ái, người mục tử sẽ có nguy cơ dùng Lời Chúa như là phương tiện để mình được nổi danh, dùng bí tích như là côn trượng để thể hiện quyền uy lãnh đạo, để doạ nạt và dùng làm hình phạt cho các chiên không chịu theo lời mình.

Đức ái trong nhiệm vụ cai quản mời gọi mục tử học nơi thánh Phaolô tinh thần của người quản gia trung thành phục vụ cho Đức Kitô. Thánh Phaolô đã không đòi hỏi các Kitô hữu, không bắt họ phải phục vụ thánh nhân vì ngài cho rằng ngài chỉ là người quản gia phục vụ Đức Kitô (x. Rm 1,5; 5,18…). Người mục tử hôm nay cần lấy đức ái để quy tụ chứ không để “quản trị” đoàn chiên như người cầm quyền áp đặt cho họ. Và cho dù có cai quản, các mục tử cũng chỉ nhận quyền uỷ từ Đức Giêsu, không cai quản như người chủ mà trong tâm tình của người phục vụ luôn lắng nghe, cư xử với người khác trong tình mến, lấy tình thương mà sửa dạy (x. Gl 6,1).

Như thế, đức ái vẫn mãi quan trọng như là luật của mục vụ, là sức mạnh cho thánh Phaolô cũng như các mục tử hôm nay dấn thân hy sinh. Có yêu mến Đức Kitô thực sự, mục tử mới tha thiết yêu mến đoàn chiên và phục vụ họ; có được tâm tình như Mục Tử Giêsu, người mục tử hôm nay mới có thao thức chăm sóc các chiên của Ngài bằng đức ái của Vị Mục Tử Nhân Lành.

3. Sống đời hy tế, chứng nhân

Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn cho người môn đệ theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Là hình ảnh của Đức Giêsu Mục Tử trong lòng nhân loại, người mục tử không chỉ có đức ái là đủ, mà cũng cần tháp nhập đời mình vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Là Mục Tử Nhân Lành của đoàn chiên, Đức Giêsu đã trở nên Chiên hiến tế: chịu đau khổ và chết trên thập giá để cứu lấy đoàn chiên, thì người mục tử cũng cần sống hiến thân vì những người được trao phó chăm sóc. Thánh Phaolô đã đặt trọng tâm lời rao giảng là “Đức Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2,2), và cuộc đời thánh nhân cũng chịu nhiều đau khổ, thất bại, bệnh tật, tù đầy và chấp nhận cả cái chết để thông phần vào khổ nạn của Đức Kitô và nhận được sức mạnh: “chính khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). 

Người mục tử bước theo đường khổ nạn của Đức Kitô không phải cách bi quan hay thi vị hoá khổ đau, nhưng mang đến cho nó một giá trị mới. Không chỉ hãnh diện như thánh Phaolô (x. Gl 6,14), người mục tử còn có nghĩa vụ rao giảng giá trị của khổ đau trong đời sống, một trách nhiệm không dễ thực thi, nhưng Đức Giêsu phục sinh là niềm hy vọng mang lại hoan hỉ cho ta chịu khổ đau (x. Cl 1,24). Khi đã xác tín như thánh Phaolô Đức Kitô  sống trong tôi” (Gl 2,20), người mục tử sẽ sống tháp nhập đời mình vào cuộc đời Đức Giêsu Kitô, để Người dẫn dắt mình băng qua mọi đau khổ, thất bại, hiểu lầm… như để thông phần vào cuộc khổ nạn của Người. Trong Đức Kitô, những khổ đau, thất bại, hiểu lầm, cô đơn, nhàm chán… sẽ hun đúc tinh thần của người mục tử, giúp họ thành vị thầy khả tín phục vụ cho các Kitô hữu. Qua đó, người mục tử sẽ giúp cho thế giới tìm lại hy vọng được đổi mới trong những thất vọng, chán trường, cuộc sống tẻ nhạt; người mục tử sẽ mang vị mặn, vị ngon của muối tình yêu đến với môi trường để xoá tan hận thù, mang ánh sáng hy vọng, bình an, thứ tha là những hoa trái của Đức Kitô phục sinh.

Như vậy, chỉ nơi Đức Giêsu Kitô, người mục tử mới có thể kín múc được sức mạnh để thực thi công việc phục vụ của mình một cách trung thành với Chúa Kitô và với Giáo Hội. Sức mạnh người mục tử có được nhờ thông phần vào khổ đau với Đức Kitô sẽ giúp các ngài thi hành chức vụ của mình với tình yêu thương tận tụy, chỉ nhắm một mục đích duy nhất là mưu ích cho các linh hồn, dám trả giá đắt là hy sinh mình, thậm chí là tử đạo để trung thành với chân lý của Tin Mừng.

4. Là người phục vụ Đức Kitô

Các kinh nghiệm về các chế độ độc tài tại Đông Âu và Tây âu trong thế kỷ XX, đã khiến con người dị ứng với quyền bính, bởi vì quyền đó không được thi hành quy chiếu về Đấng Siêu Việt, tách rời khỏi Quyền Bính Tối Cao là Thiên Chúa. Do đó, ta cần xác định lại rằng mọi quyền bính chỉ luôn luôn là một phương tiện, và mục đích của nó trong mọi thời đại luôn vì con người. Như thế, quyền của mục tử cũng trong một giới hạn, với mục đích duy nhất là phục vụ con người đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chính trong chiều hướng đó, người mục tử được mời gọi dấn thân thi hành quyền bính phục vụ không nhân danh mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhận được từ Thiên Chúa Cha mọi quyền bính trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Như thánh Phaolô, các mục tử nhận biết mình không là người chủ mà là quản lý của Đức Kitô, “giống Chúa Kitô trong đời sống thánh thiện, quảng đại vì cộng đoàn đã được trao phó, giống Chúa Kitô trong tâm tư ân cần lo cho mọi thành phần trong Hội Thánh”[6] (x. 2Cr 11,28). Qua các chủ chăn của Giáo Hội, Chúa Kitô tiếp tục chăn dắt, dạy dỗ, giữ gìn và hướng dẫn đoàn chiên của Người.

Nhân danh Đức Kitô để phục vụ đoàn chiên Chúa, các mục tử hôm nay là “chủ chăn” theo con tim của Thiên Chúa (x. Gr 3,15). Điều này cần người mục tử phải đâm rễ sâu trong tình bạn sinh động với Chúa Kitô, không phải chỉ với trí thông minh mà cả sự tự do và ý chí nữa, phải ý thức rõ ràng về căn tính đã nhận lãnh nơi Đức Kitô, một tinh thần sẵn sàng vô điều kiện trong việc dẫn dắt đoàn chiên được trao phó ở nơi nào Chúa muốn chứ không phải trong chiều hướng xem ra thích hợp có lợi với mình.[7] Thánh Phaolô coi mình là “người phục vụ Thiên Chúa” (2Cr 6,4), “tôi tớ” (Rm 1,1), “quản gia” (1Cr 4,1-2), “cộng sự viên” của Thiên Chúa (1Cr 3,9) khi phục vụ các cộng đoàn lớn lên đức tin và lòng mến. Do đó, người mục tử phải sẵn sàng liên tục để cho chính Chúa Kitô cai quản cuộc sống mình, vì không ai có khả năng chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, nếu không sống sâu thẳm và đích thực trong vâng phục Chúa Kitô và Giáo Hội.

Là người quản lý đoàn chiên Chúa với con tim của Người, người mục tử phải thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ vì đó là quyền thánh thiêng đến từ Thiên Chúa, là ơn gọi để biến đổi cá nhân thành đầy tớ của Chúa Kitô. Thi hành quyền mục tử không có nghĩa là bước vào chuyên chế quyền hành mà bị cột buộc vào Chúa Kitô trong sự hiệp thông với các chi thể khác, không để làm điều mình muốn mà là người giữ gìn sự vâng phục Chúa Kitô, không để cho mình mà cho đoàn chiên. Quyền cho đoàn chiên nên người chủ chăn biết lắng nghe tiếng chiên, biết lưu ý tới nguyện vọng trong tinh thần hướng dẫn và xây dựng. Công việc phục vụ được sống với sự tận hiến hoàn toàn cho việc xây dựng đoàn chiên trong chân lý và sự thánh thiện thường phải đi ngược dòng và nhắc nhớ cho biết rằng ai lớn nhất phải làm như người nhỏ nhất, ai cai trị phải sống như người phục vụ.[8]

Người mục tử hôm nay vừa hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo Hội, vừa là chủ chăn hướng dẫn và giữ gìn đoàn chiên, ngăn ngừa nguy cơ chiên tản lạc, một công việc mang tính thánh thiêng, phục vụ trong Đức Kitô là Đầu mà không cai trị như người có quyền.

5. Vươn ra khỏi “ràn”

Đức Giêsu vẫn thao thức quy tụ các chiên khác: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về … một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).  Sứ vụ quy tụ và phát triển đoàn chiên đã được trao cho các tông đồ và Giáo Hội khi Đức Giêsu về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thánh Phaolô đã thao thức xây dựng đoàn chiên Chúa, nên dù ở trong tù hay tự do đi rao giảng, thánh nhân đều nóng lòng đưa Tin Mừng Đức Giêsu đến với mọi người, đặc biệt là dân ngoại, để quy tụ về đoàn chiên duy nhất.

Người mục tử được đặt giữa dân chúng để đưa mọi người về hiệp nhất trong đức ái, nhưng cũng có nhiệm vụ phát triển đoàn chiên tới mọi người. Do đó, các mục tử không là người xa lạ với các tín hữu nhưng phải bận tâm lo cho họ sống chân lý Tin Mừng, lãnh các bí tích, đặc biệt là có tâm hồn nhạy cảm trước nỗi khổ đau để an ủi, thăm nom họ. Không chỉ chăm sóc các chiên thuộc về ràn mình, mục tử còn phải đặc biệt lưu tâm những người chưa nhận biết Chúa Kitô là Chủ Chăn[9]. Mục tử không chỉ có trách nhiêm “mục vụ” trong phạm vi những người mình được giao phó, mà cần hướng nhìn về Giáo Hội phổ quát rộng lớn tới mọi người, tìm kiếm cả những chiên ngoài “ràn” nữa như thể họ cũng thuộc về đoàn chiên của mình. Tìm kiếm chiên ngoài ràn, một công tác truyền giáo là “thước đo niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và vào tình yêu của Người”[10], không hẳn là để rửa tội và tăng số thành viên trong đoàn chiên mà là công cuộc ra đi sống chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa.

Không chỉ lo “thâu nạp chiên”, mục tử còn phải can đảm canh giữ các chiên trước các thách đố thời đại, Phúc Âm hoá chính các chiên trong ràn, hoặc các chiên có nhiều lý do không thể đến với cộng đoàn phụng vụ, không thông hiệp với Giáo Hội.

6. Trước các thách đố thời đại

Các mục tử hôm nay cộng tác để bảo vệ chiên vì đoàn chiên ấy vẫn được chính Chúa Kitô là Chủ Chăn Nhân Lành và Thủ Lãnh các chủ chăn chăm sóc[11]. Cộng tác để phục vụ dân Chúa, các mục tử nay cần chăm lo tới những tín hữu ở những hoàn cảnh đặc biệt thiếu vắng chăm sóc mục vụ như dân di cư, du mục, tị nạn, người đi biển, dân nghèo…. Hơn ai hết, chính các mục tử là người lo cho họ sống đúng phẩm giá trước vấn nạn có nguy cơ đang đưa những lớp người này xa lìa cộng đoàn Giáo Hội.

Người mục tử bảo vệ chiên, canh chừng đoàn chiên là người xây dựng công lý và hoà bình. Người mục tử không đành lòng nhìn chiên mình đang chịu cảnh nghèo đói, bị áp bức, đang quằn quại trong đấu tranh sinh tồn mà mình lại dửng dưng như không có gì xảy ra. Trước tình cảnh xã hội bất công, quá khích; trước tình cảnh giới trẻ chìm đắm trong lối sống xa đoạ đạo đức, người di dân bất đắc dĩ; trước tình cảnh người phụ nữ bị hạ nhân phẩm và thành nạn nhân của thứ văn hoá khoái lạc và duy vật…, người mục tử cần “chạnh lòng thương” đoàn chiên. Đó là lời mời gọi, thôi thúc tâm hồn mục tử lên tiếng bảo vệ quyền con người, lên án bất công, bách hại. Đứng đầu che chở chiên, nhiệt tình trong công lý để chiên sống an bình và có được niềm hy vọng, song khi xây dựng công lý và hoà bình, người mục tử cũng phải mang đến thăng tiến xã hội và con người, có trách nhiệm giúp tín hữu sống bổn phận mình với tinh thần yêu thương, tha thứ.

Người mục tử bảo vệ, canh giữ chiên cũng là người khai mở hiệp nhất và đối thoại. Thánh Phaolô hết lòng xây dựng Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô và là người mở đường Giáo Hội đến với dân ngoại. Người mục tử phục vụ xây dựng hoà bình và hoà hợp các lớp người, giai tầng bằng xây dựng mối hiệp thông Giáo Hội và đưa cộng đoàn sống với các tôn giáo khác. Trước xu thế xã hội coi trọng chủ nghĩa tương đối cả trong tôn giáo, người mục tử là tiếng nói cho chân lý đích thực hiện diện trong Giáo Hội Chúa Kitô. Chính người mục tử là người cần có được tinh thần đối thoại, lắng nghe chiên mình và xây dựng mối dây liên kết họ với Chủ Chiên là Đức Kitô. Không chỉ nhắm đối thoại với người khác, mà người mục tử cần gặp gỡ và liên kết với Đức Kitô để cùng lôi kéo chiên về ràn chiên Chúa.

Không chỉ lên tiếng trước các vấn nạn kinh tế xã hội, các vấn đề con người, môi trường, sức khoẻ… mà người mục tử cũng phải bận tâm đến tình cảnh người di dân. Thánh Phaolô đã từng giải quyết vấn đề xung đột người Kitô hữu gốc dân ngoại và gốc Do Thái trong cộng đoàn Rôma, nhưng thánh nhân chỉ cho họ con đường công chính đích thực đến từ Đức Kitô, qua sự kết hợp với Người. Làn sóng người di dân, tị nạn đang mời gọi các mục tử chăm sóc cho các cộng đoàn đã phải lìa xa xứ sở, xa lánh quê hương vì xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, do thiên tai, tìm nghề khác…. Họ cần được đón nhận và chăm sóc bằng một tình yêu mục tử…. Người mục tử cần đến với hết mọi người, vì tất cả đều trong đoàn chiên của Thiên Chúa. Dù ở đâu, xa quê hương, nhưng họ cần được đón nhận như đang ở trong cộng đoàn Giáo xứ, Giáo phận của mình, như đang được sống trong Giáo Hội đích thực là đoàn chiên duy nhất.

Mục tử có tâm hồn xây dựng Giáo Hội cũng bắt chước thánh Phaolô để lưu tâm đến các gia đình và sự sống. Hơn lúc nào hết, các gia đình ngày nay đang bị tấn công bởi chủ nghĩa tự do hưởng thụ, chủ nghĩa tương đối…. Chất keo gắn kết gia đình và xây dựng hạnh phúc là tình yêu và trách nhiệm mất dần độ dính kết vì chính các thành viên quá coi trọng mình, lệ thuộc vào giá trị vật chất. Người mục tử làm sao có tiếng nói để các thành viên được tôn trọng nhau và trở thành chứng nhân tôn trọng sự sống của các thai nhi và của đồng loại; mục tử là người trung gian kêu gọi, thúc đẩy họ xây dựng tổ ấm gia đình, nhất là trong những lúc đời sống tẻ nhạt, hạnh phúc bị rạn nứt.

Như thế, thánh Phaolô đã nêu gương cho các mục tử thời đại qua con người, đời sống thiêng liêng và phương thức hoạt động mục vụ của ngài. Thánh nhân là con người trung kiên có bản lãnh được tôi luyện do kết hợp thẳm sâu với Đức Kitô Giêsu. Do đó, “không phải chỉ những việc làm, nhưng là mức độ trao hiến của người mục tử mới biểu lộ tình yêu của Đức Kitô dành cho đoàn chiên Ngài trao phó”[12], vì tham gia sứ vụ của Đức Kitô là công việc phục vụ để nối dài sứ vụ của Mục Tử Giêsu. Là mục tử cũng có nghĩa “nên giống Chúa Kitô trong đời sống thánh thiện, quảng đại vì Giáo Hội đã được trao phó, giống Chúa Kitô trong tâm tư ân cần lo cho mọi Giáo Hội rải rắc trên hoàn cầu.”[13] Lấy tình yêu làm động lực, người mục tử sẽ phục vụ như người đầy tớ đầy thiện cảm, nhân ái và thao thức chăm sóc bất cứ ai đang cần đến mình. Đó là hình ảnh người mục tử như lòng Chúa và mọi người mong ước, mục tử hiện diện mang tình yêu Đức Kitô đến với mọi người.


KẾT

Khi chiêm ngắm dung mạo thánh Phaolô, một vị mục tử đáng kính đã nối gót Đức Giêsu Kitô để chăm sóc đoàn chiên Giáo Hội, chúng ta cũng được khám phá tình yêu Thiên Chúa hiện diện qua dòng lịch sử. Quả thật, hình ảnh người mục tử cho ta thấy mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa và cách thức Ngài chăm sóc chúng ta. Giavê Thiên Chúa là Mục Tử chăn dắt đoàn chiên là dân Người, nên dù các mục tử được uỷ thác đã trục lợi, bỏ bê chiên, cho dù dân có phản bội, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc mà còn hứa ban cho mục tử đích thực đến chăn dắt dân. Đó chính là Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành đến hiến mạng mình để cho chiên được sống, quy tụ chiên thành đoàn duy nhất. Ngài là Mục Tử Tối Cao và Duy Nhất chạnh lòng thương, giảng dạy Nước Thiên Chúa, mạc khải tình yêu Thiên Chúa, chữa lành và chăm sóc, giải phóng con người, hiến thân đến đô chết vì nhân loại. Đức Giêsu lại uỷ thác trách vụ chăm sóc đoàn chiên Giáo Hội cho thánh Phêrô và những ai tham dự vào sứ vụ mục tử của Người, để Người hiện diện mãi trong đoàn chiên ấy.

Là khí cụ mang tình yêu của Đức Giêsu Kitô Mục Tử đến với mọi người, thánh Phaolô là một gương mặt nổi bật, một mục tử tuyệt vời trong việc xây dựng đoàn chiên Giáo Hội. Lúc mà thánh nhân gặp được Đấng Phục Sinh trên đường Đamát cũng là lúc ngài nhận ra ơn gọi đích thực của mình là rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu. Được “tình yêu Đức Kitô thôi thúc” (2Cr 5,14), vị tông đồ dân ngoại ấy được mệnh danh là chiến sỹ truyền giáo, lập nhiều cộng đoàn, đưa Tin Mừng cứu độ đến những vùng xa xôi. Không những thế, thánh nhân còn chăm sóc cho các cộng đoàn lớn mạnh về đức tin và lòng mến bằng tất cả nhiệt huyết và tâm tình người mục tử hy sinh chăm sóc cho đoàn chiên.

Thánh Phaolô đã thành vị mục tử nổi danh không phải do tài đức của thánh nhân mà do ngài đã được dìm mình trong tình yêu của Đức Kitô, là động lực thúc bách thánh nhân phục vụ đoàn chiên Giáo Hội (x. 2Cr 5,14). Là chủ chăn thành lập và chăm sóc các giáo đoàn, thánh nhân là bản sao, hoạ lại tình yêu chăm sóc của Mục Tử Tối Cao dành cho nhân loại. Thánh nhân đã một lòng hiến thân cho Tin Mừng và các cộng đoàn mà không hề trục lợi cho mình, không dùng quyền để thống trị nhưng yêu thương, chân thành, hy sinh cho họ. Tháp nhập cuộc đời và nối gót Đức Giêsu, Vị Mục Tử Tối Cao, thánh nhân đến nếm trải đau khổ, thất bại, thử thách, tù đầy… trong ý hướng kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Giêsu và xây dựng các cộng đoàn hiệp nhất trong một Thân Thể Chúa Kitô là Hội Thánh, để sứ điệp Tin Mừng được lan toả.

Khi đối diện với các vấn đề trong mục vụ, thánh nhân đã toả sáng tâm hồn người mục tử, mang ánh sáng hy vọng để quy hướng đoàn chiên về Chủ đích thực là Đức Giêsu Kitô. Bởi thế, thánh Phaolô là vị mục tử được ban cho đời, là viên ngọc quý được Thiên Chúa chế tác làm quà tặng cho nhân loại, “thánh nhân toả sáng như một vì sao rực rỡ nhất trong lịch sử Hội Thánh, chứ không ở thời sơ khai của Giáo Hội.”[14] Cuộc đời và sứ vụ của thánh Phaolô vẫn mãi là tiếng nói mời gọi, là sức mạnh thúc đẩy tâm hồn các mục tử học cùng thánh nhân: trao hiến để phục vụ, mang tình yêu Giêsu đến những ai khao khát bằng chính trái tim nhân ái của Đức Giêsu.

Nơi thánh Phaolô, các mục tử hôm nay cũng nhận thấy đó là gương mẫu tuyệt vời cho sứ vụ phục vụ đoàn chiên Giáo Hội. Bởi lẽ, trong thế giới hôm nay, nhân loại vẫn khao khát chân lý, mong chờ các vị mục tử đến chăm sóc bằng một đức ái mục tử của Đức Giêsu Kitô. Họ cần mục tử hiện diện xoa dịu cơn đau tâm hồn, họ cần ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, họ khát khao niềm hy vọng…. Hơn bao giờ hết, sự hiện diện và công việc của người mục tử sẽ mang đến cho nhân loại những liều thuốc đặc trị chữa lành và đem lại sức sống mới. Mục tử được kêu gọi bằng những cách thế, hoàn cảnh khác nhau để giảng dạy, để chữa lành và tăng sức mạnh cho những chiên đau yếu, băng bó những con què, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đời sống chúng phát triển và đầy đủ hơn. Mục tử cần biết tên chiên của mình, hướng dẫn họ bằng thái độ dịu hiền, yêu thương họ. Mục tử hãy tạo cho chiên có được sự tự do, bầu khí tin tưởng, loại bỏ sợ hãi và lo lắng. Mục tử hãy sẵn sàng tìm kiếm và đưa con bị lạc về, trải nghiệm niềm vui và gánh nặng của các chiên lạc đàn, bảo vệ chiên, sẵn sàng chịu rủi ro, chịu đau khổ, thậm chí chịu chết. Mục tử cần tránh tính thô bạo, ngược đãi, bóc lột, tư lợi, và tránh tất cả những hình thức bức hiếp hay thờ ơ.

Ngày nay, được mời gọi tham dự sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Đức Kitô, người mục tử cần trao ban, sẵn sàng thí mạng mình để yêu mến chiên như Người và trao ban bằng tất cả tình yêu và sự quý mến[15]. Chỉ trong chiều kích hôn ước tình yêu với Đức Kitô, người mục tử mới phục vụ hết mình và soi sáng lương tâm đoàn chiên bằng chân lý mạc khải, bảo vệ đời sống họ theo đúng tinh thần Tin Mừng, sửa dạy các lỗi và săn sóc các vết thương, an ủi người sầu khổ[16]. Lượng giá thành bại của người mục tử không còn nằm ở những việc làm hay kết quả mà hệ tại ở tình yêu, một sự kết hợp với Đức Kitô và có tâm tình của Người hay không. Tiêu chuẩn đánh giá thành bại của đời giám mục, linh mục “không được đo bằng những công trình xây cất, không ướm bằng những chức vụ đảm nhiệm, không được tính bằng những bằng cấp đạt được, nhưng lại tuỳ thuộc vào mức độ lòng mến đặt nơi những công việc…, là điều cốt yếu làm nên giá trị và ý nghĩa của mọi hành vi nhân linh, đến độ thiếu tình yêu, tất cả đều trở nên vô ích”[17]. Do đó, người mục tử tương lai phải nhận ra giá trị của tình yêu trong đời sống và sứ vụ của mình, nhu cầu của đoàn chiên và gánh nặng của sự phục vụ. Trái với những hình ảnh đẹp đã được diễn tả qua các hình thức nghệ thuật tôn giáo, hình ảnh mục tử vẫn mang trong mình hình bóng của thập giá. Lời mời gọi chăm sóc chiên, trở nên nguồn sự sống cho chiên tuyệt nhiên không có nghĩa là có được một địa vị “ngồi mát ăn bát vàng” để hưởng thụ, mà là đời sống từ bỏ để Đức Kitô chiếm hữu và để Ngài dẫn ta vào con đường sứ vụ loan truyền tình yêu.

Cảm tạ Thiên Chúa là Chủ đoàn chiên, cám ơn thánh Phaolô vì thánh nhân đã là vị mục tử ghi dấu ấn trong tâm hồn, nâng đỡ những định hướng cho đời sống hiện tại và sứ vụ của các mục tử  của tương lai. Trên hết, là người dấn thân trong sứ vụ phục vụ phải nghiệm thấy bản chất hữu thể của mục tử chính là tháp nhập cuộc đời mình vào Mục Tử Giêsu và đi vào trong hôn ước tình yêu của Người, để qua đó nhận được sức mạnh từ chính Người và ra đi phục vụ bằng một tâm thức của người quản gia cho ân huệ của Thiên Chúa.  Con đường sứ vụ Chúa mời gọi bước theo, cũng có nghĩa là tôi cần tự do và noi gương thánh Phaolô, chấp nhận mang lấy khổ giá của Đức Kitô, biết bảo vệ chân lý và đức tin không chỉ từ bỏ mình cho bằng để cho Chúa biến đổi. Tham gia sứ vụ mục tử của Đức Kitô là do chính Đức Kitô kêu mời, không do tôi, không lệ thuộc vào những gì tôi có. Sứ vụ mục tử không là “nghề” lãnh đạo hay cai trị cho lợi ích của tôi, mà là con đường phục vụ bằng một đức ái mục tử của Đức Giêsu, một sứ vụ không cho mình nhưng là cho mọi người, để đoàn chiên Chúa có sức sống dồi dào, để Nước Chúa hiện diện trong thế giới, và mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha và Chủ đích thực của đoàn chiên nhân loại.

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Mục Tử của Đoàn Chiên – Pastores Gregis (bản dịch của UB Văn Hoá, HĐ Giám Mục Việt Nam), 2003, số 44.
[2] X. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 15
[3] X. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Mục Tử của Đoàn Chiên – Pastores Gregis (bản dịch của UB Văn Hoá, HĐ Giám Mục Việt Nam), 2003, số 1
[4] Công đồng Vaticanô ii, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục – Presbyterorum Ordinis (bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt 1972), số 3
[5] X. Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam cho Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục, 1994, số 43
[6] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Mục Tử của Đoàn Chiên – Pastores Gregis (bản dịch của UB Văn Hoá, HĐ Giám Mục Việt Nam), 2003, số 1
[7] X. Lm. Linh Tiến Khải, Tài liệu học tập năm thánh Phaolô – số 1
[8] x. Công đồng Vaticanô ii, Hiến Chế Anh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium (bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt 1972), số 27
[9] X. Công đồng Vaticanô ii, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục – Presbyterorum Ordinis (bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt 1972), số 9
[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Mục Tử của Đoàn Chiên – Pastores Gregis (bản dịch của UB Văn Hoá, HĐ Giám Mục Việt Nam), 2003, số 65
[11] X. Công đồng Vaticanô ii, Hiến chế Anh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium (bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt 1972), số 6
[12] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 23
[13] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Mục Tử của Đoàn Chiên – Pastores Gregis (bản dịch của UB Văn Hoá, HĐ Giám Mục Việt Nam), 2003, số 1
[14] ĐGH Bênêđíctô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 25/10/2006
[15] X. Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam cho Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục, 1994, số 55
[16] X. Công đồng Vaticanô ii, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục – Presbyterorum Ordinis (bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt 1972), số 6
[17] Phạm Quốc Văn O.P, Anh em cũng phải rửa chân cho nhau,  Chân Lý 2006, tr. 63

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Thuyên