Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila của Denver: Chẳng lẽ Các Thánh Thomas More và John Fisher chết lảng xẹt à?

Cuộc tranh luận về khả thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó trong những ngày qua đã nóng lên tại Hoa Kỳ sau khi Đức Tổng Giám Mục Blasé Cupich của tổng giáo phận Chicago tách khỏi các nghị phụ người Mỹ khi lên tiếng nồng nhiệt ủng hộ đề xuất của Đức Hồng Y Kasper.

Ngài còn đi xa đến mức cho rằng nếu những người ly dị và tái hôn tự mình quyết định lên rước lễ “theo lương tâm ngay thẳng của họ” thì các thừa tác viên phải cho họ được rước lễ.

Trong một bài viết đăng trên tờ First Things [1], Đức Giám Mục James Conley của Lincoln, Nebraska, không trực tiếp đả kích đích danh Đức Tổng Giám Mục Cupich, nhưng lập luận của ngài là sự tương phản sắc nét với vị Tổng Giám Mục Chicago.

Đức Giám Mục Conley ghi nhận rằng Thánh John Henry Newman, là nhà vô địch vĩ đại về lương tâm, đã tin rằng “Cảm thức chân thực của lương tâm có thể bị lấn áp bởi một cảm thức sai lạc nhằm khẳng định quyền theo chủ ý riêng mình”.

“Nhiệm vụ của các mục tử,” Đức Giám Mục Conley viết, “là phải giúp các tín hữu hiểu rằng lương tâm không bao giờ có thể mâu thuẫn với sự thật.”

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila của tổng giáo phận Denver đã viết một bài sau “Did Thomas More and John Fisher die for nothing?” [2] – “Chẳng lẽ Các Thánh Thomas More và John Fisher chết lảng xẹt à?”

Dưới đây là toàn văn bài viết của ngài:

Ý tưởng theo đó người Công Giáo phải được phép tái hôn và rước lễ đã không bắt đầu với lá thư của Giám Mục Kasper và các thành viên khác trong hàng giám mục Đức vào năm 1993. Hàng giám mục của một đất nước khác – là nước Anh – đã đi tiên phong trong việc thử nghiệm giáo lý Kitô giáo này gần 500 năm trước. Vấn đề lúc đó không phải là tái hôn và rước lễ của bất kỳ người Công Giáo nào, nhưng là vấn đề của nhà vua, vì vợ ông đã không sinh cho ông ta một đứa con trai để nối dõi tông đường.

ThomasMore.jpg
Thánh Thomas More trên đường ra pháp trường

Cũng giống như những ai ủng hộ cho những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, các giám mục Anh cảm thấy áy náy với chuyện chấp nhận thẳng thừng cho người ta được phép ly dị và tái hôn. Thay vào đó, họ chọn phương cách là bẻ cong pháp luật cho phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của từng trường hợp, và Vua Henry VIII đã được phép “tiêu hôn” – trên cơ sở gian lận và không có sự chuẩn y của Rôma.

Nếu “các Kitô hữu trung bình không thể nào sống các nhân đức một cách anh hùng”, như Đức Hồng Y Walter Kasper đã tranh biện, thì vị vua của nước Anh lại càng không thể. Thêm vào đó, các vấn đề về hạnh phúc cá nhân của nhà vua và sự thịnh vượng của một quốc gia hình thành một lý luận thực dụng mạnh mẽ cho việc ly hôn của Henry. Và nhà vua thì không thể nào lại bị cấm không được rước lễ như là hậu quả của một cuộc hôn nhân bất thường.

Đức Hồng Y Wolsey của nước Anh và các giám mục nước này, với ngoại lệ là Đức Giám Mục John Fisher của giáo phận Rochester, đã hỗ trợ nỗ lực của nhà vua để tiêu hôn mối hôn nhân đầu tiên của ông – và đường hoàng tiến tới một cuộc hôn nhân thứ hai. Cũng như Đức Cha Fisher, Thomas More một giáo dân bình thường và là thủ tướng của nhà vua, đã từ chối hỗ trợ chuyện vô luân này của hoàng thượng. Cả hai đều chịu tử vì đạo – và sau đó được tuyên thánh.

Khi công khai tranh cãi rằng hôn nhân đầu tiên của nhà vua là bất khả tiêu, Đức Cha Fisher cho rằng “cuộc hôn nhân này của vua và hoàng hậu không thể bị tan loãng bởi bất cứ quyền lực nào, dù là con người hay thần thánh.” Khi đề ra nguyên tắc này, ngài biết rõ, ngài đã sẵn sàng mất đi mạng sống của mình. Ngài tiếp tục bằng cách ghi nhận rằng Thánh Gioan Tẩy Giả thấy rằng không có cái chết nào “vinh quang hơn là cái chết cho hôn nhân,” mặc dù hôn nhân lúc đó “không linh thánh như ngày nay nhờ máu của Đức Kitô.”

Giống như Thomas More và Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Cha Fisher đã bị chặt đầu, và cũng giống như họ, ngài được gọi là một “vị thánh”.

Tại Thượng Hội Đồng đang diễn ra ngay tại thời điểm này ở Rôma, một số giám mục Đức và những người ủng hộ họ đang đẩy mạnh đề xuất yêu cầu Giáo Hội cho phép những ai đã ly dị và tái hôn được rước lễ, trong khi các giám mục khác từ khắp nơi trên thế giới đang nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể thay đổi giáo huấn của Đức Kitô. Điều này đặt ra một câu hỏi: chẳng lẽ các giám mục Đức tin rằng các Thánh Thomas More và John Fischer hy sinh mạng sống của họ lảng xẹt à?

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta, xuyên suốt sứ vụ của Ngài, rằng sự hy sinh anh hùng là yêu cầu được đặt ra cho những ai theo Ngài. Khi ta đọc Phúc Âm với một trái tim rộng mở, một trái tim không đặt thế giới và lịch sử lên trên Tin Mừng và truyền thống, người ta thấy cái giá phải trả để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu mà mỗi người được mời gọi. Các giám mục Đức nên đọc tác phẩm “The Cost of Discipleship” – “Giá phải trả của người môn đệ” của một Kitô hữu Tin Lành Luther tử đạo là Dietrich Bonhoeffer, vì những gì họ đang đề cao là những “ân sủng rẻ tiền” hơn là những “ân sủng đắt giá”, và họ thậm chí dường như gạt sang một bên những lời của Chúa Giêsu “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, và theo Ta” (Mc 8:. 34; Lc 14:. 25-27, Ga 12: 24-26)..

Hãy suy nghĩ, chẳng hạn, trong trường hợp người phụ nữ ngoại tình mà người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu để gài bẫy Ngài. Việc đầu tiên Chúa làm là bảo vệ cô ta khỏi chết dưới tay những người tố cáo cô, và điều thứ hai Ngài làm là kêu gọi cô ta từ bỏ tội lỗi mình. “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.”

Theo những lời dạy của chính Chúa Kitô, Giáo Hội Công Giáo luôn dạy rằng ly dị và tái hôn chỉ đơn giản là một danh xưng khác của tội ngoại tình. Và vì sự hiệp thông thánh thể chỉ được dành riêng cho những người Công Giáo trong tình trạng ân sủng, những người sống trong một tình huống bất thường không thể tham gia vào khía cạnh này của đời sống Giáo Hội, mặc dù họ luôn luôn nên được hoan nghênh trong giáo xứ và trong chính các Thánh Lễ.

Tháng Năm vừa qua, Đức Hồng Y Kasper tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Commonweal rằng chúng ta “không thể nói đó là tội ngoại tình đang tiếp diễn” khi một hối nhân, đã ly dị cứ tiếp tục “quan hệ tình dục” trong một kết hiệp mới. Thay vào đó, ngài cho rằng “có thể miễn tội.”

Nhưng mà, Chúa Kitô thẳng thừng gọi tái hôn là ngoại tình và nói ngoại tình là tội lỗi (Mt 05:32, Mc. 10:12, Lc. 16:18). Trong trường hợp của người phụ nữ Samaritanô (Ga 4: 1-42), Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng tái hôn không có giá trị, thậm chí khi được đi kèm với những cảm giác chân thành và trung thực.

Khi ta thêm vào cho phương trình này tỷ lệ thất bại cao của những cuộc tái hôn sau ly dị, Đức Hồng Y Kasper sẽ dẫn ta đến phương trời nào, khó ai dám nói. Ví dụ, nếu người ta được phép hiệp thông bí tích trong lần tái hôn thứ nhất, thế thì, những người tái hôn hai lần, hoặc ba lần thì sao? Và rõ ràng rằng các đối số đã dần dà nới lỏng lệnh cấm của Đức Kitô trên việc tái hôn liệu có dừng ở đó không hay lại bắt đầu lan tràn sang việc sử dụng những biện pháp tránh thai, hoặc bất kỳ các khía cạnh nào khác của nền thần học Công Giáo bị cái thế giới hiện đại, tự tham chiếu vào mình này coi là “khó khăn”.

Dự đoán trước điều này sẽ dẫn đến những chuyện gì nữa không nhất thiết là một vấn đề suy đoán tương lai, nhưng chỉ đơn giản là quan sát quá khứ. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Giáo Hội Anh giáo, mở cửa – và sau đó chấp nhận- các biện pháp tránh thai trong thế kỷ 20 và trong hơn một thập kỷ qua đã cho phép ly dị và tái hôn trong những trường hợp nhất định.

“Kế hoạch B” của các giám mục Đức là làm “theo cách của riêng họ” ở Đức, nếu thất bại tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, thậm chí nếu điều đó đi ngược với giáo huấn Giáo Hội, sẽ lâm vào những sai lầm tương tự như Anh giáo. Và, có một tương đồng đáng kinh ngạc với con đường của Anh Giáo. Hãy xem những lời của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Hồng Y Marx, người đã nói với tờ National Catholic Register rằng trong khi Giáo Hội của Đức có thể vẫn còn hiệp thông với Rôma về tín lý, về phương diện chăm sóc mục vụ cho các cá nhân, “Thượng hội đồng không thể quy định cụ thể những gì chúng tôi phải làm tại Đức.” Henry VIII chắc chắn sẽ là người đồng ý nhất.

“Chúng tôi không chỉ là một chi nhánh của Rôma,” Đức Hồng Y Marx lập luận. “Mỗi hội đồng giám mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ theo nền văn hóa của họ và phải loan báo Tin Mừng theo cách độc đáo của riêng mình. Chúng tôi không thể chờ đợi cho đến khi một thượng hội đồng nói điều gì đó, vì chúng tôi phải thực hiện thừa tác vụ cho hôn nhân và gia đình ở đây.”

Các tín hữu Anh giáo cũng tìm cách để dành quyền tự chủ như vậy – dù với hệ quả ngày càng có thêm những chia rẽ trong nội bộ của họ và các nhà thờ của họ thì càng ngày càng trống vắng dần.

Không thể phủ nhận rằng Giáo Hội phải tiếp cận với những người đang trong tình trạng bên lề đức tin với lòng thương xót, nhưng lòng thương xót luôn luôn phải nói sự thật, không bao giờ dung túng tội lỗi, và phải nhận ra rằng Thánh Giá là trung tâm của Tin Mừng. Người ta có thể nhớ lại rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – được Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu trong lễ tuyên thánh cho ngài là “Vị Giáo Hoàng của gia đình” – cũng đã viết nhiều về lòng thương xót, cống hiến toàn bộ một thông điệp về chủ đề này, và lập ra Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót. Đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lòng thương xót là một chủ đề trung tâm, nhưng phải được đọc trong bối cảnh của sự thật và Kinh Thánh, chứ không phải là chống lại.

Về chuyện tái hôn, và nhiều vấn đề khác, không ai có thể nói rằng giáo huấn của Giáo Hội, mà tối hậu là giáo huấn của Chúa Kitô, là dễ dàng thực hiện. Nhưng chính Đức Kitô đã không thỏa hiệp đối với những giáo huấn cốt lõi để giữ cho các môn đồ của Ngài khỏi bỏ mình đi nơi khác- dù đó là về Thánh Thể hay hôn nhân (Ga 6: 60-71; Mt 19: 3-12). Đức Cha John Fisher cũng đã không thỏa hiệp để giữ cho nhà vua đừng bỏ đạo Công Giáo.

Chúng ta không cần nhìn đâu xa cho một mẫu gương về vấn đề này. Hãy nhớ lại lời Đức Kitô và Thánh Phêrô trong chương 6 của Tin Mừng Gioan – đó là đoạn nhắc nhở chúng ta giáo huấn về Bí Tích Thánh Thể thường là khó chấp nhận ngay cả đối với các tín hữu.

“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin…Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’ Ông Simôn Phêrô liền đáp: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.’”

Là môn đệ, chúng ta được mời gọi để luôn luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu trước tiếng nói của thế giới, trước tiếng nói của nền văn hóa hay lịch sử. Tiếng nói của Chúa Giêsu làm sáng tỏ những bóng tối của thế giới và các nền văn hóa. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng tất cả những ai liên quan sẽ biết lắng nghe lời của sự sống đời đời, dù khó khăn đến thế nào!

(Đặng Tự Do, VCN 25.10.2015)