Từ mùa hè năm 2014, Tổng Giám mục Công giáo người Syria, Yohanna Boutros Moshe, của thành phố Mossoul phải lưu vong khỏi địa phận mình, ngài chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của tín hữu mình, nhưng ngài luôn hy vọng một ngày sẽ trở về lại Irak.
Đức cha Yohanna Boutros Moshe trên miếng đất sẽ xây nhà thờ tương lai ở Ashti, Erbil (Irak).
Đàng xa là những căn nhà di động của người tị nạn.
Xin cha cho biết tình trạng của các tín hữu ở đồng bằng sông Ninive?
Từ hơn một năm nay, chúng tôi chờ làng mạc của mình được giải phóng, nhưng vẫn chưa được. Sự mong chờ này làm chúng tôi kiệt sức, dân chúng bắt đầu mệt mỏi. Các người cha gia đình không có việc làm, họ cảm thấy xấu hổ với con cái mình. Cũng may là chúng tôi có thể cậy vào các tổ chức như tổ chức Huynh đệ Irak, nhắc cho chúng tôi biết là chúng tôi không bị bỏ quên.
Về mặt thiêng liêng, làm sao các tín hữu của cha vượt lên được thử thách này?
Điều rất quan trọng là phải chăm sóc họ. Đôi khi người tị nạn mất lòng tin vào Chúa, nhưng đa số vẫn sốt sắng giữ đạo. Ở Erbil, chúng tôi cử hành 15 thánh lễ ngày chúa nhật. Chúng tôi mở lớp dạy giáo lý và chuẩn bị các phép bí tích cho giáo dân. Mùa hè 2015, chúng tôi đã cho 550 em rước lễ lần đầu. Trong năm thì có 600 em được rửa tội. Cuộc sống vẫn tiếp tục…
Mùa hè 2015, chúng tôi đã cho 550 em rước lễ lần đầu
Các tín hữu của cha có đự định đi di dân?
Tôi rất lo lắng, tôi sợ địa phận tôi sẽ không còn. Thử thách quá lớn vì địa phận Mossoul đại diện cho một phần ba Giáo hội công giáo Syria. Chúng tôi là phần nhỏ nhất của Kitô giáo ở Trung Đông, chỉ có 150 000 người trên thế giới. Vì tôi không thể ngăn tín hữu của mình ra đi, nên tôi tổ chức từng nhóm 500 đến 1000 người để họ ra đi. Như thế họ ở từng nhóm với nhau nên không cảm thấy mình bị cô lập, bị cắt đứt khỏi gốc rễ, khỏi truyền thống của mình. Cùng nhau, họ có thể có những giờ kinh phụng vụ. Tôi tin chắc như thế sẽ đỡ tệ hơn. Vì thế tôi tìm những nước nào có thể nhận những cộng đồng nhỏ như nước Pháp chẳng hạn, và gởi các linh mục đến đó để giúp họ.
Cha nghĩ thế nào về một sự giải phóng quân sự cho thành phố Mossoul?
Chúng tôi không có bình đoàn Kitô giáo, như thế lại là tốt. Nếu các tín hữu muốn gia nhập vào quân đội Kurde hay Irak là chuyện tốt nhưng chúng tôi không có vai trò trong quân đội của một tôn giáo. Các người Kurde nói với chúng tôi, họ chỉ chờ lệnh để tấn công và giải phóng Mossoul. Lệnh của ai? Dù sao thì chúng tôi cũng không thể về thành phố, làng mạc của mình ngay được. Cũng phải cần một thời gian để tái xây dựng, để gầy dựng lại cho người tị nạn một cuộc sống thích đáng. Nhất là, và đây là điều khó nhất, phải loại bỏ ý thức hệ của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, một ý thức hệ ăn sâu trong đầu của người dân Mossoul.
Xứ sở của chúng tôi là Irak, hoặc có hoặc không! Không có xứ của tôi, tôi chỉ là người khách lạ.
Có thể nào thương thuyết với các cựu Moukhabarat, những người đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng không?
Nếu các Đồng Minh khéo léo, họ sẽ liên lạc với các cựu nhân viên tình báo của Saddam Hussein. Những người ngày trước ở trong đảng Baas cai trị đất nước, và bị người Mỹ giải tán năm 2003, họ quan tâm đến quyền lực hơn là đến Hồi giáo. Khi thảo luận với cơ cấu có tổ chức chặt chẽ này thì có thể tìm được một sự thỏa thuận để tái xây dựng lại xã hội Irak. Họ cũng có quyền sống ở Irak và không phải tất cả đều là những người phạm tội ác.
Tín hữu Kitô có còn chỗ đứng ở Irak hay họ phải gắn vào với người Kurdistan?
Gắn vào người Kurdistan chỉ là một sự rút lui tạm thời. Xứ sở của chúng tôi là Irak, hoặc có hoặc không! Không có xứ của tôi, tôi chỉ là người khách lạ. Irak là lịch sử của tôi, là di sản của tôi, là đất nước của tôi! Làng mạc này, đền thờ này, đất đai này là của chúng tôi! Chúng tôi đã nhận từ cha ông mình, họ đã đổ máu ra để giữ đức tin ở Irak, họ đã đổ mồ hôi để trồng trọt đất đai. Chúng tôi tự hào là con cái của họ.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 15.10.2015/
famillechretienne.fr, Pierre Jovanovic, 2015-10-13