Đức Thượng phụ Kirill viếng thăm Nam Cực

 WHĐ (21.02.2016) – Kết thúc chuyến viếng thăm Châu Mỹ Latinh, Đức Thượng phụ Kirill của Moskva đã bất ngờ đến Nam Cực hôm thứ Tư 17-02; tại đây Đức Thượng phụ đã cử hành Thánh lễ trong một trạm nghiên cứu của Nga.

Sau khi rời Paraguay và đến Brazil, chặng dừng chân cuối cùng của chuyến viếng thăm Châu Mỹ Latinh – trong đó có cuộc gặp gỡ lịch sử với Đức giáo hoàng Phanxicô tại Cuba–, tại Brazil, vị Giáo chủ Giáo hội Chính thống Nga, thay vì đi thẳng đến Moskva, lại đáp máy bay đến Punta Arenas, thủ phủ của vùng cực nam của Chilê, và từ đó đến trạm Bellingshausen ở Nam Cực.

Chính tại trạm này, nằm trên đảo King George –phần cực bắc của châu Nam Cực– Giáo hội Chính thống Nga đã thánh hiến Nhà thờ Chúa Ba Ngôi vào năm 2014. Nhà thờ do các tu sĩ của tu viện Trinity-Sergius Lavra gần Moskva thay phiên nhau coi sóc mỗi năm; đây là nơi thờ phượng duy nhất ở Nam Cực hoạt động thường xuyên.

Khi đến Bellingshausen, theo truyền thống cổ xưa Đức Thượng phụ Kirill đã ban phép lành cho biển Nam Cực, trước khi cử hành phụng vụ cầu nguyện cho 64 nhà thám hiểm đã bỏ mạng từ khi có các cuộc thám hiểm Nam Cực của Nga vào năm 1818.

Sau đó, Đức Thượng phụ Kirill đã gặp gỡ các thành viên của đoàn thám hiểm Nga, cùng với các nhà thám hiểm của các trạm lân cận (gồm Chilê và Trung Quốc).

Nhân dịp này, vị Giáo chủ Giáo hội Chính thống Nga bày tỏ niềm vui mừng vì “Nam Cực là nơi duy nhất trên trái đất không có vũ khí, không có chiến tranh, không phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Và ngài nói thêm: “Đây là mô hình thực sự của một nhân loại lý tưởng và một điển hình mà mọi người có thể sống theo: không biên giới, không vũ khí, không tranh chấp thù địch, có thể hợp tác với nhau và cảm thấy như một gia đình”.

Trong chuyến viếng thăm Châu Mỹ Latinh, Đức Thượng phụ Kirill cũng đã trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Russia Today, trong đó ngài nhắc đến cuộc gặp gỡ lịch sử với Đức giáo hoàng Phanxicô vào thứ Sáu tuần trước, và không loại trừ khả năng hai vị sẽ gặp lại: “Chúng tôi đã không nói về một cuộc gặp gỡ khác trong tương lai, nhưng sau cuộc gặp đầu tiên, có thể sẽ có cuộc gặp thứ hai và thứ ba”.

(La Croix)
Minh Đức