Đức Thánh Cha nói: “Tôi đã quyết định thành lập một Cơ quan mới có thẩm quyền trong các lĩnh vực về Giáo dân, Gia đình và Đời sống; cơ quan này sẽ thay thế Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân và Hội đồng Toà Thánh về Gia đình”.
“Để thực hiện điều này, tôi đã lập một Uỷ ban đặc biệt có nhiệm vụ soạn ra một văn bản phác thảo thẩm quyền của cơ quan mới về phương diện giáo luật. Văn bản sẽ được đưa ra thảo luận trong Hội đồng Hồng y tư vấn tại khoá họp sắp tới đây vào tháng Mười Hai”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng ngoài các Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân và Gia đình, Hàn lâm viện Toà Thánh về Đời sống cũng sẽ hợp nhất với Cơ quan mới.
Quyết định của Đức Thánh Cha rất quan trọng vì nó hợp nhất ba cơ quan riêng biệt một cách hợp lý; và cũng nhằm tạo sự quan tâm nhiều hơn các vấn đề liên quan đến giáo dân trong Giáo hội.
Nhiều người đã dự đoán Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra quyết định trên đây, từ khi ngài thành lập Hội đồng Hồng y tư vấn để giúp ngài cải tổ Giáo triều Roma ngay sau khi được bầu làm giáo hoàng hồi tháng Ba năm 2013.
Hội đồng Hồng y tư vấn được thành lập vào tháng Tư 2013, ban đầu gồm 8 hồng y từ khắp nơi trên thế giới, sau đó mở rộng thành 9 vị.
Hội đồng nhóm họp lần đầu vào tháng Mười năm đó và tại một cuộc họp báo ngày 03-10-2013, cha Federico Lombardi Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết “Hội đồng cũng có kế hoạch quan tâm đặc biệt hơn các vấn đề liên quan đến giáo dân, để chiều kích này của đời sống Giáo hội được nhìn nhận cách đúng đắn và hiệu quả, và được Giáo hội quản trị”.
Cha nói thêm: “Nay đang có một Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân, nhưng còn phải nghĩ cách củng cố lĩnh vực này”.
Đức hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng giám mục Tegucigalpa, người giữ chức vụ đồng điều phối Hội đồng Hồng y tư vấn, đã từng nói rằng cải tổ Giáo triều có thể phát huy vai trò của giáo dân trong Giáo hội bằng cách thành lập một Bộ Giáo dân, trong đó bao gồm các Hội đồng Toà Thánh về Gia đình và Giáo dân, và Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống.
Thế nên người ta ghi nhận rằng mong muốn cải tổ Giáo triều Roma là để hợp lý hóa Giáo triều bằng cách giảm bớt số Hội đồng Toà Thánh, và xếp chung các Hội đồng này vào trong các Bộ, vốn sẽ tăng thêm.
Trong thông báo của Đức Thánh Cha Phanxicô, cơ quan mới được gọi là dicastero – một thuật ngữ dùng cho cả Bộ lẫn Hội đồng Toà Thánh. Tuy Đức Thánh Cha không gọi cơ quan mới là một Bộ, nhưng vẫn có lý do để mong như thế –dựa vào các phát biểu của Đức hồng y Rodríguez, cũng như thực tế là nó sẽ bao gồm cả hai Hội đồng Toà Thánh hiện tại.
Năm 2014 đã có một số suy đoán rằng “Bộ Giáo dân” sắp được thành lập cũng sẽ bao gồm Hội đồng Toà Thánh về Chăm sóc mục vụ sức khỏe, nhưng thông báo của Đức Thánh Cha đã không xác nhận dự đoán này.
Hội đồng Hồng y tư vấn đã gặp nhau lần gần nhất vào tháng Chín vừa qua, và được biết các ngài đã chính thức đệ trình Đức Thánh Cha đề nghị thành lập Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống.
Qua đó, các ngài quyết định rằng Hội đồng Toà Thánh về Chăm sóc mục vụ Sức khoẻ sẽ không nằm trong ‘Bộ giáo dân’, nhưng thuộc về một Cơ quan mới khác, đặc trách về bác ái, công lý và hoà bình; Cơ quan này hẳn cũng bao gồm các Hội đồng Toà Thánh: Công lý và Hòa bình, Di dân, và Cor Unum.
Tuy thông báo mới đây của Đức Thánh Cha không nói gì đến một cơ quan mới đặc trách về bác ái, công lý và hoà bình, nhưng người ta vẫn cho rằng cơ quan này có thể được đề cập trong những tháng tới.
Khoá họp tiếp theo của Hội đồng Hồng y tư vấn dự kiến diễn ra vào tháng Mười Hai 2015.
Trong Công nghị Hồng y ngày 12-2-2015, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng cải tổ “bao giờ cũng là để gia tăng sự hài hoà trong công việc của các cơ quan và văn phòng khác nhau, để đạt được sự hợp tác hiệu quả hơn trong đó tính minh bạch tuyệt đối sẽ làm nên tính công nghị và tính hiệp đoàn đích thực”.
“Tự nó, cải tổ không phải là một mục đích, nhưng là một phương cách làm chứng tá mạnh mẽ của người Kitô hữu; để công cuộc Phúc âm hoá hữu hiệu hơn; để thúc đẩy tinh thần đại kết có hiệu quả; và khuyến khích cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn với mọi người”.
Công cuộc cải tổ Giáo triều Roma của Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đến việc thành lập Quốc vụ viện Kinh tế (ngày 24-02-2014) và Quốc vụ viện Truyền thông (ngày 27-06-2015).
Cuối cùng, người ta mong đợi rằng nhờ sự trợ giúp của Hội đồng Hồng y tư vấn, Đức Thánh Cha sẽ ban hành một Tông hiến mới để tổ chức lại Giáo triều Roma. Giáo triều hiện nay căn cứ trên Tông hiến Pastor bonus của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1988.
Minh Đức