Ông Joseph Myat Soe, một giáo dân Công giáo, giải thích: Chiếc gậy bằng gỗ này được dâng cho Đức Thánh Cha “với hy vọng hoà bình sẽ trở về với bang Kachin”, một bang ở cực Bắc của Myanmar với đa số dân là người Công giáo. Những người tị nạn Công giáo Kachin hiện ở trong trại tị nạn của thành phố Winemaw thuộc bang Kachin, vì cuộc nội chiến đang diễn ra giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang Kachin. Ông Joseph Myat Soe cho biết nhiều người tị nạn không thể đến Yangon tham dự Thánh lễ vì họ rất nghèo.
Tuy nhiên, Đức giám mục phụ tá Yangon John Saw Han nói, “mặc dù đang diễn ra cuộc nội chiến và còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng khoảng 5.000 người Công giáo Kachin vẫn sẽ đi Yangon để gặp Đức Thánh Cha và cùng với ngài cầu nguyện cho hòa bình đến với miền đất của họ”. Đức cha Han nói thêm, nhất là những người trẻ Kachin, họ sẽ cố gắng đến Yangon vì họ “xem đây là cơ hội duy nhất để gặp Đức Thánh Cha và cùng cầu nguyện với ngài”.
Cuộc nội chiến giữa lực lượng đòi độc lập cho Kachin (KIA) và quân đội Myanmar đã kéo dài từ năm 1965. Sau một vụ vi phạm lênh ngừng bắn, vào năm 2015, hàng trăm ngàn người Kachin buộc phải tìm nơi ẩn náu trong các trại tị nạn. Một hội nghị hòa giải với các dân tộc thiểu số đã được chính phủ Myanmar tổ chức vào tháng Chín 2016, nhưng hội nghị này đã không có tác động thực sự đến tình trạng của những người Kachin.
Năm ngoái các giám mục Myanmar đã báo động tình trạng “có hơn 150.000 người sống ở các trại tị nạn, mòn mỏi chờ đợi viện trợ quốc tế trong vô vọng”.
Các ngài nói, “cuộc chiến dai dẳng này chỉ tạo ra những người thua thiệt, đó là những người vô tội bị bỏ rơi trong các trại tị nạn, trong khi đất đai của họ bị rải đầy bom đạn, nạn buôn người hoành hành, ma túy trở thành án tử cho những người trẻ và những nguồn tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như các mỏ ngọc bích, bị cướp phá. Đây là nguyên nhân chính của xung đột.
Ở Kachin có 4 giám mục và khoảng 70 linh mục chăm sóc mục vụ cho 70.000 tín hữu tập trung tại hai giáo phận Myitkyina và Banmaw.
(Nguồn: WHĐ)