Nhà thờ Notre-Dame
Nhà thờ Notre-Dame được đặt viên đá đầu tiên vào ngày 7/5/1613. Được hoàn thành 8 năm sau đó, vào ngày 17/10/1621, nhà thờ đươc thánh hiến và dâng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Năm 1794, nhà thờ đón tượng Đức Mẹ Đấng An Ủi những người đau khổ và vào ngày 16/10/1666, Đức Mẹ với tước hiệu này trở thành bổn mạng của Luxembourg. Từ đó các cuộc hành hương tôn kính Đức Mẹ được tổ chức hàng năm tại nhà thờ, nơi có kính tượng Đức Mẹ bằng gỗ cao 73 cm, được thực hiện vào cuối thế kỷ XVI.
Ngày 27/9/1870, Đức Pio IX nâng nhà thờ thành Nhà thờ Chính tòa với tên hiệu nhà thờ Notre-Dame. Nhà thờ được tu sửa trong những năm 1953 đến 1958 và 1962 đến 1963 và được tái thánh hiến vào ngày 8/12/1963.
Khi Đức Thánh Cha đến cửa chính Nhà thờ Chính tòa Notre-Dame, Đức Hồng y Tổng Giám mục Luxembourg và cha sở nhà thờ đón tiếp ngài. Sau khi hôn Thánh giá và rảy nước phép, Đức Thánh Cha vào nhà thờ và bắt đầu cuộc gặp gỡ
Giáo hội không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ
Trong lời chào Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Jean Claude Hollerich nói rằng “Giáo hội Luxembourg sống trong một xã hội bị tục hóa cao độ, với những đau khổ và khó khăn, nhưng cũng với những con đường hy vọng”. Giáo hội đang trên hành trình hoán cải để trở nên một Giáo hội không gắn bó với vật chất nhưng vào việc phục vụ Thiên Chúa và con người; một Giáo hội dấn thân cho sự phát triển toàn diện, chăm sóc bệnh nhân, người nghèo, người bị gạt ra bên lề; tóm lại, là một Giáo hội của Chúa Kitô, không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ
Xây dựng Giáo hội tương lai nghĩa là chăm sóc cho nhau
Mở đầu phần trình bày chứng từ, Diogo Gomes Costa, một bạn trẻ đã tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023, đã chia sẻ cảm nghiệm sau khi tham dự. “Đại hội đã cho chúng con cảm nghiệm và cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa. Chúng con trở về nhà với gia tài thiêng liêng to lớn. Chúng con mang trong lòng mình những cục pin tràn đầy tình yêu và niềm vui của Chúa”. Nhắc lại lời Đức Thánh Cha “Todos!” (Tất cả!), Costa cũng khẳng định: “Trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người. Chúng ta là những viên đá sống động và với sự can đảm chúng ta xây dựng Giáo hội tương lai”. “Xây dựng Giáo hội tương lai nghĩa là chăm sóc cho nhau” như Thánh Phanxicô đã chăm sóc cho người cùi, “chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.
Nhờ Thượng Hội đồng hiệp hành, ngọn lửa tin cậy mến đã được thắp sáng trong lòng người
Chứng từ thứ hai do bà Christine Busshardt, Phó Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo phận trình bày. Bà đề cao tiến trình hiệp hành mà Giáo hội đang thực hiện, bởi vì “tại nhiều nơi, ngọn lửa tin cậy mến đã được thắp sáng trong lòng người”. Giáo phận Luxembourg đã phát triển tính hiệp hành trong mục vụ, với sự cộng tác của các thành phần, quan tâm đến người già yếu bệnh tật, người tị nạn, tù nhân và người vô gia cư. Ưu tiên mục vụ của giáo phận là chăm sóc mục vụ giới trẻ, giáo dục thần học cho người lớn, thúc đẩy hòa bình và chăm sóc môi trường.
Sống thách đố của sự đa dạng như một sự phong phú
Và cuối cùng là chứng từ của Sơ Maria Perpétua Coelho Dos Santos, đại diện cộng đồng ngôn ngữ. Sơ Maria cám ơn Đức Thánh Cha đã can đảm đón tiếp người di cư và tị nạn. Sơ cho biết Giáo hội Luxembourg đã đón tiếp người di cư thuộc các ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống tôn giáo đa dạng. Sơ nói: “Nếu sự đa dạng của chúng ta đúng là một thách đố hàng ngày, chúng ta sống điều này trước hết như một sự phong phú”.
Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon: “Todos, todos, todos” (Tất cả, tất cả, tất cả), Sơ Maria nói rằng Giáo hội Luxembourg sẽ dấn thân “vì một Giáo hội mở ra với mọi người, một Giáo hội phổ quát, hiệp hành, mời gọi mỗi người theo Chúa Kitô”.
Sứ mạng an ủi và phục vụ
Sau đó, trong diễn văn nói với cộng đoàn Công giáo Luxembourg, Đức Thánh Cha nói rằng sứ mạng an ủi và phục vụ mà Chúa giao phó cho các tín hữu thật cao đẹp. Nhấn mạnh đến khía cạnh chào đón trong việc phục vụ, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu Luxembourg hãy trung thành với di sản chào đón người khác, tiếp tục biến Luxembourg thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa để xin giúp đỡ và sự đón tiếp.
An ủi và phục vụ là hai khía cạnh cơ bản của tình yêu của Chúa Giêsu
Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Giáo hội Luxembourg đang kỷ niệm bốn thế kỷ tôn sùng Đức Maria Đấng An Ủi của những người đau khổ, Đấng Bảo trợ của đất nước. Ngài nói rằng chủ đề của cuộc viếng thăm này rất phù hợp với tước hiệu của Đức Mẹ: “Để phục vụ”. Ngài giải thích: “Thật vậy, an ủi và phục vụ là hai khía cạnh cơ bản của tình yêu mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, tình yêu mà Người đã ủy thác cho chúng ta như một sứ vụ (x. Ga 13,13-17) và là tình yêu mà Người đã chỉ cho chúng ta như là con đường duy nhất để đạt tới niềm vui trọn vẹn (xem Cv 20, 35)”. Và Đức Thánh Cha suy tư về ba từ: phục vụ, sứ vụ và niềm vui.
Phục vụ: qua đón tiếp tha nhân
Trước hết là phục vụ. Đức Thánh Cha nói đến một khía cạnh rất cấp bách ngày nay: đó là chào đón. Ngài nhận định rằng Luxembourg có truyền thống lâu đời về việc chào đón người khác, một truyền thống vẫn còn tồn tại. Bởi vì “tinh thần của Tin Mừng là tinh thần chào đón, cởi mở với tất cả mọi người và không cho phép bất kỳ hình thức loại trừ nào (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 47), Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu “hãy trung thành với di sản này, tiếp tục biến đất nước của anh chị em thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa nhà anh chị em để xin giúp đỡ và sự đón tiếp”.
Tin Mừng được chia sẻ bằng lời loan báo và dấu chỉ tình yêu
Nhắc lại lời của Thánh Gioan Phaolô II: “Việc chào đón là một yêu cầu của lòng bác ái nhưng trước hết, đó là vấn đề công lý”, và lời thánh nhân khuyến khích giới trẻ Luxembourg hãy vạch ra con đường hướng tới “một Châu Âu không chỉ của hàng hóa và của cải, mà còn của các giá trị, con người và trái tim”, trong đó Tin Mừng được chia sẻ “trong lời loan báo và trong các dấu hiệu của tình yêu” (Diễn văn gửi giới trẻ của Đại công quốc Luxembourg, 16 tháng 5 năm 1985, 4), Đức Thánh Cha nhấn mạnh về “một Châu Âu và một thế giới trong đó Tin Mừng được chia sẻ bằng lời loan báo kết hợp với những dấu chỉ tình yêu”.
Sứ vụ: đồng hành chia sẻ trách nhiệm và mục vụ
** Nói về chủ đề thứ hai – sứ vụ -, nhắc lại lời Đức Hồng Y Tổng Giám mục về “sự phát triển của Giáo hội Luxembourg trong một xã hội tục hóa”, Đức Thánh Cha diễn đạt: “Giáo hội tiến hóa, trưởng thành và phát triển trong một xã hội tục hóa. Giáo hội không co cụm, buồn bã, cam chịu, oán giận; đúng hơn, chấp nhận thách thức, trung thành với các giá trị của mọi thời đại, khám phá lại và đánh giá lại các con đường loan báo Tin Mừng theo cách thức mới, ngày càng chuyển từ cách tiếp cận đơn giản là chăm sóc mục vụ sang cách tiếp cận loan báo truyền giáo”. Ngài nhắc rằng để làm được điều này, Giáo hội sẵn sàng phát triển trong việc chia sẻ trách nhiệm và mục vụ, cùng nhau đồng hành như một cộng đoàn công bố và biến tính hiệp hành thành một “cách liên hệ lâu dài” giữa các thành viên của mình.
Nỗ lực bảo vệ Trái Đất
Đức Thánh Cha cũng đề cao nỗ lực của cộng đồng trong việc bảo vệ Trái Đất. Ngài nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người đối với “ngôi nhà chung”, nơi chúng ta là những người bảo vệ chứ không phải những kẻ chuyên quyền, và mời gọi suy tư rằng “nếu chúng ta cùng nhau sống sứ vụ này, nó sẽ trở thành một bản nhạc tuyệt vời mà chúng ta có thể hát để công bố vẻ đẹp của Phúc Âm cho tất cả mọi người”. Ngài nhấn mạnh một điều quan trọng: “điều thúc đẩy chúng ta thực hiện sứ mạng, thực ra, không phải là nhu cầu ‘làm tăng số lượng’, thực hiện ‘việc chiêu dụ tín đồ’, mà là ước muốn làm cho ngày càng nhiều anh chị em nhận thức được niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”.
Đức tin vui tươi
Suy tư về chủ đề thứ ba – niềm vui -, Đức Thánh Cha đã nhắc lại chứng từ của bạn trẻ Diogo về kinh nghiệm của Đại hội Giới Trẻ Thế Giới: niềm hạnh phúc mà anh cảm nhận được vào đêm canh thức lễ hội, khi cùng với các bạn đồng trang lứa thuộc mọi nguồn gốc và quốc gia chờ đợi giây phút gặp gỡ của chúng ta, cũng như cảm xúc khi thức dậy trong buổi sáng hôm sau, xung quanh có rất nhiều bạn bè; và cả sự nhiệt tình của anh trong quá trình cùng nhau chuẩn bị ở Bồ Đào Nha cũng như niềm vui sau một năm được đoàn tụ với những người khác tại Luxembourg. Đức Thánh Cha nói với các tín hữu: “Đức tin của chúng ta là như thế này: nó vui tươi, “nhảy múa”, bởi vì nó nói với chúng ta rằng chúng ta là con cái của một Thiên Chúa là bạn của con người, Đấng muốn chúng ta hạnh phúc và hiệp nhất, và là Đấng vui mừng trên hết vì ơn cứu rỗi của chúng ta (xem Luca 15, 4-32; Thánh Grêgôriô Cả, Các Bài giảng về Tin Mừng, 34,3)”.
Tất cả anh chị em quanh bàn tiệc của Chúa
Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại một truyền thống tốt đẹp khác của Luxembourg: cuộc rước mùa xuân – Springprozession – diễn ra tại Echternach vào Lễ Hiện Xuống. Toàn bộ thành phố đổ ra đường, nhảy múa trên khắp các đường phố và quảng trường, cùng với nhiều người hành hương và du khách đến đó, cuộc rước trở thành một vũ điệu hoành tráng, độc đáo. Già trẻ lớn bé, mọi người cùng nhau khiêu vũ, hướng về Nhà thờ Chính tòa để làm chứng một cách nhiệt tình, để tưởng nhớ Vị Mục Tử thánh thiện là Thánh Willibrord, nhà truyền giáo của Luxembourg. Đức Thánh Cha nói: “Thật tuyệt vời biết bao khi được cùng nhau bước đi và gặp tất cả anh chị em quanh bàn tiệc của Chúa chúng ta”.
Cầu nguyện khai mạc Năm Thánh Mẫu
Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện giây lát trước tượng Đức Mẹ trước khi Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg đọc kinh khai mạc năm Thánh Mẫu nhân kỷ niệm 400 năm sùng kính Đức Mẹ Đấng An Ủi của những người đau khổ. Sau đó Đức Thánh Cha đã dâng kính Đức Mẹ một bông hồng bằng vàng và ban phép lành cho cộng đoàn.
Kết thúc cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã đi xe đến phi trường Luxembourg cách nhà thờ hơn 9 km để bắt đầu viếng thăm Vương quốc Bỉ.
Nguồn: vaticannews.va/vi