BOLOGNA. ĐTC kêu gọi giới trí thức và đại học Bologna thăng tiến quyền văn hóa, quyền hy vọng và quyền hòa bình.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna, bắc Italia, chiều chúa nhật 2-10-2017 trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ dài 13 tiếng đồng hồ tại hai giáo phận Cesena và Bologna.
Lúc 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC từ nhà thờ chính tòa thánh Phêrô của Bologna đến quảng trường trước Vương cung thánh đường Thánh Đaminh. Ngài tiến vào Vương cung Thánh Đường thánh Đa Minh, chào thăm hàng chục tu sĩ Đa Minh trong nhà thờ, rồi đến cầu nguyện trước mộ của thánh Đa Minh. Tại đây, ngài cũng ghi vào sổ vàng lưu niệm những hàng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha:
”Trước mộ Thánh Đa Minh, tôi đã cầu nguyện cho dòng Anh em Thuyết Giáo. Tôi đã cầu xin cho các phần tử của Dòng ơn trung thành với gia sản đã lãnh nhận. Tôi đã cám ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành mà các con cái Chúa đã làm cho Giáo Hội và tôi đã cầu xin như một món quà là sự gia tăng nhiều ơn gọi. Anh em Đa Minh thân mến: xin Chúa chúc lành cho anh em, và xin Đức Trinh Nữ Thánh bảo vệ anh em, và xin anh em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi”.
Sau đó, ĐTC mới tiến ra quảng trường bên ngoài, để gặp gỡ hàng ngàn người gồm các giáo sư, sinh viên, đại diện cho 85 ngàn sinh viên các ngành thuộc đại học kỳ cựu này.
Diễn văn của ĐTC
Lên tiếng sau lời chào mừng của giáo sư viện trưởng, ĐTC nói:
”Từ gần 1 ngàn năm nay, Đại Học Bologna là ”một phòng thí nghiệm thuyết nhân bản: tại đây cuộc đối thoại với các khoa học đã mở ra một thời đại và hình thành thành phố này. Vì thế Bologna được gọi là ”thông thái”: thông thái nhưng không kiêu hãnh, chính nhờ Đại học luôn cởi mở, giáo dục các công dân của thế giới và nhắc nhớ rằng căn tính của đại học này là căn tính căn nhà chung, universitas..
ĐTC cũng nhận xét rằng Đại học Bologna cũng nổi tiếng vì sự tiếp đón dành cho các sinh viên đến từ những môi trường xa xăm và khó khăn, và đó là một dấu chỉ tốt đẹp: ”ước gì Bologna là ngã tư ngàn đời của các cuộc gặp gỡ, đối chiếu và tương quan, và gần đây là chiếc nôi của dự án Erasmus, luôn luôn có thể vun trồng ơn gọi này!”
Ngài nhắc đến sự kiện Đại học Bologna hình thành với việc nghiên cứu luật, và nói: điều này chứng tỏ Đại học ở Âu Châu có những căn cội sâu xa nhất trong chủ thuyết nhân bản, mà các tổ chức dân sự và Giáo Hội, qua những vai trò khác nhau, đã góp phần vào. Chính Thánh Đa Minh cũng ngưỡng mộ sức sinh động của thành Bologna, với số sinh viên đông đảo đến đây để học dân luật và giáo luật. Bologna với Đại học ở đây đã biết đáp ứng những nhu cầu của xã hội mới, thu hút những sinh viên muốn tìm hiểu. Thánh Đa Minh thường gặp gỡ họ. Theo một tường thuật, một học giả, ngạc nghiên về kiến thức của thánh nhân về Kinh Thánh, đã hỏi Người xem đã học từ những sách nào. Câu trả lời thời danh của Thánh Đa Minh là: ”Tôi đã học trong cuốn sách bác ái hơn là trong những cuốn sách khác; cuốn sách này dạy mọi sự”.
ĐTC đã đề nghị với mọi người 3 thứ quyền mà ngài thấy rất thời sự. Trước hết là:
– Quyền được văn hóa. Đây không phải chỉ là quyền được học hành, nhưng còn là bảo vệ sự khôn ngoan, nghĩa là một kiến thức nhân bản và nhân bản hóa. Quá nhiều khi người ta bị ảnh hưởng của những lối sống tầm thường và phù du, thúc đẩy con người theo đuổi thành công rẻ tiền, coi rẻ hy sinh, nuôi dưỡng ý tưởng cho rằng việc học hành nghiên cứu là vô ích nếu không mang lại ngay những gì cụ thể. Không phải vậy, việc học giúp đặt những câu hỏi, nó giúp ta không bị tê liệt vì sự tầm thường, và giúp tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
ĐTC cũng nhắc nhở giới sinh viên và trí thức đại học đừng chiều theo khán thính giả, không theo những kịch bản gây phẫn nộ, thường che đậy những ích kỷ lớn, trái lại cần tận tụy hăng say với công tác giáo dục, nghĩa là rút ra những điều tốt đẹp nhất của mỗi người để mưu ích cho tất cả. Cần chống lại thứ ngụy văn hóa biến con người thành đồ phế thải, biến việc nghiên cứu thành lợi lộc và biến khoa học thành kỹ thuật. Cùng nhau chúng ta khẳng định một nền văn hóa xứng với con người, một nghiên cứu nhìn nhận những công lao, tưởng thưởng hy sinh, và một kỹ thuật không tùng phục những mục tiêu thương mại, một sự phát triển trong đó không phải tất cả những gì tiện dụng đều là điều hợp pháp”.
– Thứ hai là quyền được hy vọng. Bao nhiêu người ngày nay đang cảm thấy cô đơn, bất an, cái vẻ nặng nề của sự bỏ rơi. Vì thế cần dành chỗ cho quyền hy vọng: đó là quyền không bị xâm chiếm hằng ngày vì những lời tuyên bố gây sợ hãi và oán ghét. Đó là quyền không bị tràn ngập vì những lời mị dân hoặc phổ biến những tin tức giả dối gây lo âu và nhắm thủ lợi. Đó cũng là quyền được thấy có những giới hạn hợp lý được đề ra cho những thứ tin tức đen, làm sao để để cả những tin tức tốt đẹp cũng được nói tới. Đó là quyền của người trẻ được tăng trưởng, không phải sợ hãi về tương lai, được biết rằng trong cuộc sống có những thực tại đẹp đẽ và lâu bền, đáng được chúng ta dấn thân. Đó là quyền tin rằng tinh yêu chân thực không phải là ”dùng rồi vứt bỏ” và công ăn việc làm không phải là một ảo tưởng không đạt tới được, nhưng là một lời hứa cho mỗi người, cần phải được duy trì.
Thật là đẹp dường nào nếu các phòng học của các đại học trở thành những công xưởng hy vọng, nơi làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà người ta học để trở thành những người trách nhiệm về bản thân và thế giới!
– Sau cùng là quyền hòa bình. Đây là một quyền và nghĩa vụ được ghi khắc trong tâm hồn của nhân loại, vì ”sự hiệp nhất trổi vượt hơn xung đột)) (E.G. 226).
ĐTC khẳng định rằng: Đứng trước hòa bình, chúng ta không thể dửng dưng hoặc trung lập. ĐHY Lercaro ở đây đã từng nói rằng: ”Giáo Hội không thể trung lập đứng trước sự ác, bất kỳ từ đâu tới: sự sống của Giáo Hội không phải là trung lập, nhưng là lời ngôn sứ (Bài giảng 1-1-1968), không trung lập, nhưng là đứng vào hàng ngũ bênh vực hòa bình!
Vì thế, chúng ta kêu gọi quyền hòa bình như quyền của tất cả mọi người được giải quyết các cuộc xung đột mà không bạo lực. Để được vậy, chúng ta lập lại: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao chống lại người khác, không bao giờ không có người khác! Hãy đưa ra ánh sáng những lợi lộc và âm mưu, thường là tối tăm, của những kẻ gây ra bạo lực, nuôi dưỡng sự chạy đua võ trang, chà đạp hòa bình bằng những nghiệp vụ. Đại học được nảy sinh ở đây để học luật, để tìm kiếm những gì bảo vệ con người, điều hành cuộc sống chung và bảo vệ chống lại những lý lẽ của kẻ mạnh hơn, của bạo lực và độc đoán. Một thách đố rất thời sự là khẳng định các quyền con người và các dân tộc, các quyền của những người yếu thế hơn, người bị gạt bỏ, quyền của thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta.
Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em đừng tin những kẻ nói với anh chị em rằng chiến đấu cho những điều ấy là vô ích và chẳng có gì thay đổi! Đừng hài lòng với những giấc mơ bé nhỏ, nhưng hãy mơ ước những điều vĩ đại… Cùng với anh chị em, tôi mơ ước ”một thuyết nhân bản mới của Âu Châu, để được vậy cần có ký ức, can đảm, một ước mong lành mạnh và nhân bản”, tôi mơ ước một Âu Châu là người mẹ tôn trọng sự sống và cống hiến hy vọng sự sống, một Âu Châu trong đó người trẻ hô hấp không khí trong lành của sự lương thiện, yêu vẻ đẹp của văn hóa và một đời sống đơn giản, không bị ô nhiễm vì những nhu cầu tiêu thụ vô cùng…
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 02.10.2017)