Đức Thánh Cha tiếp giáo viên và sinh viên đại học Macerata
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các sinh viên của trường đại học Macerata của Ý trong buổi gặp gỡ vào sáng thứ Hai 09/5/2022: “Đại học phải là nơi tâm trí được mở ra cho những chân trời tri thức, chân trời cuộc sống, thế giới và lịch sử”.
Trường đại học Macerata của Ý được thành lập chính thức năm 1540 bởi ĐGH Phaolô III và là một trong những đại học lâu đời nhất ở châu Âu.
Trong buổi gặp gỡ 145 giáo viên và sinh viên của trường, sau khi nói về những điều trường đã thực hiện được trong quá khứ liên quan đến các lĩnh vực tình bạn giữa phương Tây và phương Đông, gặp gỡ các nền văn hóa, thảm kịch chiến tranh, hiện tượng di cư, hòa bình, Đức Thánh Cha nói: “Đại học phải là nơi tâm trí được mở ra cho những chân trời tri thức, chân trời cuộc sống, thế giới và lịch sử. Tất nhiên, bắt đầu từ việc nghiên cứu chuyên sâu và có phương pháp, về một lĩnh vực chuyên ngành, nhưng luôn mở ra cho một tri thức toàn diện về thế giới và con người”.
Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng, chân trời này được nhân đôi nếu chúng ta nghĩ rằng mỗi sinh viên, bước qua ngưỡng cửa đại học và theo học một số năm, chính họ cũng là một vũ trụ. Như thế, ở môi trường đại học hai vũ trụ gặp nhau: vũ trụ của thế giới, tri thức và vũ trụ của con người với lịch sử, nhân cách, ước mơ, trí tuệ và đạo đức của mỗi sinh viên. Mỗi con người là một vũ trụ và chỉ có Chúa mới biết trọn vẹn.
Ở điểm này, theo Đức Thánh Cha, thách đố cho đại học là: làm cho hai chân trời này gặp gỡ và đối thoại với nhau, và từ đó, con người được tăng trưởng. Sự trưởng thành trước hết ở nơi chính sinh viên, người được đào tạo, trưởng thành về tri thức, tự do, khả năng suy nghĩ và hành động, tham gia phản biện và sáng tạo vào đời sống xã hội và dân sự, bằng chính năng lực văn hóa và chuyên ngành của mình. Sự phát triển của con người phải phản ánh tích cực đối với xã hội. Vì vậy, đầu tư vào giáo dục, trường học là đầu tư tốt nhất cho tương lai của một đất nước.
Về vai trò của trường đại học đối với văn hoá, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải phát triển một nền văn hóa gặp gỡ. Và chắc chắn, đại học là môi trường đặc biệt để làm điều này. Ngày nay, điều này rất cần thiết ở mọi cấp độ. Chúng ta hãy đi con đường này với một quyết tâm, con đường đối thoại”.
Ngọc Yến – Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi/