Đức Phanxicô giải thích sự khởi sinh của Năm Thánh

Ước mong của Chúa là chứng tỏ cho con người thấy lòng thương xót của Ngài

Holy-Door-Bangui.jpg

 

“Chúng ta chứng kiến nạn buôn vũ khí, nạn sản xuất vũ khí giết người, nạn sát hại những người vô tội dưới những hình thức hung bạo nhất có thể, nạn buôn trẻ em, buôn trẻ vị thành niên, buôn người: “Chúng ta chứng kiến cảnh, cho phép tôi dùng chữ này, phạm thượng đến nhân loại vì con người là thiêng liêng, là hình ảnh của một Thiên Chúa đang sống. Người Cha nói: ‘Các con hãy ngừng lại và đến với Ta!’ Đó là những gì tôi thấy trong thế giới này”

 

Đức Giáo hoàng giải thích những lời này trong một cuộc phỏng vấn với báo “Tin, Credere”, tờ báo chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

 

“Tôi cảm nhận Chúa Giêsu muốn mở cánh cửa quả tim của Ngài, Chúa Cha muốn mở tấm lòng thương xót của mình và vì lý do này, Ngài gởi Chúa Thánh Thần xuống cho chúng ta: để làm cho chúng ta nhúc nhích và để lay động chúng ta. Đây là năm của tha thứ, của giải hòa”, Đức Giáo hoàng thố lộ.

NamThanh-1.jpg

 

Credere – Xin cha cho chúng con biết, đâu là động lực thúc đẩy cha lấy chủ đề lòng thương xót? Cha nhận thấy một sự khẩn cấp nào trên khía cạnh này trong tình trạng hiện nay của thế giới và của Giáo hội?

 

Đức Phanxicô – Chủ đề lòng thương xót được nhấn mạnh trong đời sống Giáo hội kể từ Đức Phaolô VI. Và Đức Gioan-Phaolô II tiếp tục nhấn mạnh trong thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Dives in misericordia), trong việc phong thánh cho thánh Faustine, trong việc thiết lập lễ Lòng thương xót Chúa trong Tuần bát nhật Phục Sinh. Theo đường hướng này, tôi cảm nhận Chúa có một ước mong chứng tỏ lòng thương xót của Ngài cho con người. Như vậy, không phải một cái gì đến trong đầu tôi nhưng là lặp lại một truyền thống tương đối gần đây, dù nó luôn tồn tại từ lâu. Và tôi nghĩ mình phải làm một cái gì để tiếp tục truyền thống này.

 

Buổi Kinh Truyền Tin đầu tiên của tôi trong cương vị giáo hoàng là nói về lòng thương xót Chúa và trong dịp này, tôi cũng  có nói đến quyển sách mà Đức Hồng y Walter Kasper tặng tôi trong kỳ mật nghị; cũng vậy, trong bài giảng đầu tiên trong cương vị giáo hoàng ngày 17 tháng 3-2013 ở giáo xứ Thánh Annà, tôi cũng có nói đến lòng thương xót. Đây không phải là một chiến lược, nó đến từ nội tâm của tôi: Đức Chúa Thánh Thần muốn một cái gì. Dĩ nhiên là thế giới ngày nay cần rất nhiều đến lòng thương xót, cần lòng trắc ẩn, có nghĩa là “khổ với”. Chúng ta đã quen với những tin tức dữ, những tin tức hung ác tàn bạo, những cảnh giết người dã man cùng cực xúc phạm đến tên và đời của Chúa. Thế giới cần khám phá Chúa là Người Cha, rằng vẫn có lòng thương xót, rằng tàn ác không phải là con đường, rằng lên án cũng không phải là con đường, vì Giáo hội đôi khi cũng đi theo con đường cứng rắn, rơi vào cám dỗ đi theo con đường cứng rắn, trong ý muốn chỉ nhấn mạnh đến các tiêu chuẩn đạo đức và để bao nhiêu là người bị ở ngoài Giáo hội!

 

Và thế trong đầu tôi có ngay hình ảnh Giáo hội như một bệnh viện làng quê sau trận chiến, sự thật là vậy: bao nhiêu là người bị thương, bị hủy hoại! Phải săn sóc người bị thương, giúp họ lành bệnh, chúng ta đang ở trong thời của lòng thương xót. Chúng ta tất cả đều là kẻ có tội, chúng ta tất cả đều mang những hòn đá nặng chịch trong lòng. Tôi cảm thấy như Chúa Giêsu muốn mở quả tim Ngài ra, Chúa Cha muốn cho con người thấy lòng thương xót của mình, vì lý do đó, Ngài gởi Đức Chúa Thánh Thần đến cho chúng ta: để làm cho chúng ta nhúc nhích, để lay động chúng ta. Đây là năm của tha thứ, năm của giải hòa. Một mặt, chúng ta chứng kiến nạn buôn vũ khí, nạn sản xuất vũ khí giết người, nạn sát hại những người vô tội dưới những hình thức hung bạo nhất có thể, nạn buôn trẻ em, buôn trẻ vị thành niên, buôn người: “Chúng ta chứng kiến cảnh, cho phép tôi dùng chữ này, phạm thượng đến nhân loại vì con người là thiêng liêng, là hình ảnh của một Thiên Chúa đang sống. Vì thế Người Cha nói: ‘Các con hãy ngừng lại và đến với Ta!’ Đó là những gì tôi thấy trong thế giới này.

 

NamThanh-2.jpg

 

Xin cha cho chúng con biết, đâu là sự quan trọng của lòng thương xót Chúa trong quá trình làm linh mục và giám mục của cha?

 

Tôi là kẻ có tội, tôi cảm thấy mình là người phạm tội, tôi chắc là như vậy; tôi là kẻ có tội được Chúa nhìn với đôi mắt của lòng thương xót. Như tôi đã nói với các tù nhân ở Bôlivia, tôi là người được tha thứ. Tôi là người được tha thứ, Chúa nhìn tôi với lòng thương xót và Ngài đã tha cho tôi. Bây giờ, tôi vẫn còn phạm tội, phạm các sai lầm, mỗi mười lăm-hai mươi ngày, tôi đi xưng tội một lần. Và nếu tôi đi xưng tội là tôi cần cảm nhận lòng thương xót Chúa vẫn còn trên tôi.

 

Tôi còn nhớ – và tôi đã nói nhiều lần – lần Chúa nhìn tôi với đôi mắt thương xót. Tôi luôn cảm nhận Chúa đặc biệt săn sóc đến tôi, nhưng lúc quan trọng nhất là ngày 21 tháng 9-1953 lúc tôi 17 tuổi. Đó là ngày lễ mùa xuân và sinh viên ở Argentina, tôi có hẹn với các bạn khác; tôi là người công giáo giữ đạo, tôi đi lễ ngày chúa nhật, nhưng chỉ chừng đó… tôi ở trong phong trào Công giáo Tiến hành, nhưng tôi không làm gì hết, tôi chỉ là một người công giáo giữ đạo. Trên đường đến ga Flores, tôi đi qua giáo xứ mà tôi vẫn hay đi lễ, tôi cảm thấy có một thôi thúc phải vào đó: tôi vào và tôi thấy một linh mục đi đến bên cạnh mà tôi không biết.

 

Lúc đó, tôi không biết cái gì sẽ đến với tôi, nhưng tôi cảm thấy cần xưng tội, ở phòng xưng tội đầu tiên bên trái đã có rất nhiều người cầu nguyện. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, tôi đi về, lòng khác trước và tôi đã thay đổi. Tôi về nhà với lòng xác quyết mình phải dâng hiến đời mình cho Chúa và linh mục đó đã giúp tôi gần một năm. Đó là linh mục của giáo xứ Corrientes, cha Carlos Benito Duarte Ibarra sống ở Nhà các linh mục, ở Flores. Cha bị ung thư máu và phải vào bệnh viện. Cha qua đời một năm sau đó. Tôi đã khóc rất nhiều trong thánh lễ an táng cha, tôi cảm thấy như mình đã mất tất cả, như thử tôi sợ bị Chúa bỏ tôi. Chính lúc đó, tôi gặp được lòng thương xót Chúa và nó kết dính với khẩu hiệu giám mục của tôi: ngày 21 tháng 9 là ngày lễ kính Thánh Matêô. Thánh Bède Tôn Kính khi nói về sự trở lại của Thánh Matêô đã nói, Chúa Giêsu nhìn Matêô “được gọi vì được thương xót, miserando atque eligendo”. Đó là thành ngữ không dịch được vì bằng tiếng Ý, một trong hai động từ không phải là động từ chia được và trong tiếng Tây Ban Nha cũng không có. Dịch sát sẽ là “được thương xót và được chọn”, đây là một công việc gần như phải làm bằng tay. Trong những năm sau đó, khi đọc kinh nhật tụng, tôi khám phá ra, Thiên Chúa đã dùng tay nhào nặn tôi với lòng thương xót của Ngài. Mỗi lần tôi về Rôma, tôi đều đến nhà thờ Thánh Luy của người Pháp ở đường Scrofa để cầu nguyện trước bức tranh “Ơn gọi của Thánh Matêô” của họa sĩ Caravage.

NamThanh-3.jpg

 

Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể gọi là dịp để nhìn lại “tình mẫu tử của Thiên Chúa không? Đây có phải là khía cạnh “nữ tính” mà Giáo hội muốn tôn vinh không?

 

Đúng, chính Chúa cũng đã khẳng định, khi Chúa nói trong sách Isaia rằng, dù một người mẹ có thể quên con mình…” thì ngược lại, Ta, Ta sẽ không bao giờ quên con”. Chúng ta thấy ở đây tầm vóc tình mẫu tử của Chúa. Tất cả mọi người không hiểu khi nói đến “tình mẫu tử” của Thiên Chúa, đây không phải là câu nói quen thuộc – trong nghĩa đẹp của nó – có vẻ như đây là một cách nói hơi cao; vì thế tôi thích nói đến tình âu yếm dịu dàng, tính chất đặc biệt của một người mẹ, tình âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa, tình âu yếm nảy sinh từ tấm lòng phụ tử. Thiên Chúa vừa là cha, vừa là mẹ.

 

Khám phá một Thiên Chúa mềm lòng và xúc động vì loài người có thể làm thay đổi thái độ của chúng ta đối với người anh em không?

 

Khám phá được khía cạnh này sẽ giúp chúng ta có thái độ bao dung hơn, kiên nhẫn hơn, dịu dàng hơn. Năm 1994, trong một lần họp thượng hội đồng, tôi nói cần phải tái lập lại ‘cách mạng’ của tình âu yếm di dân, một Nghị phụ đã lớn tuổi, rất giỏi và tốt lành, tôi rất thương mến và quý trọng, nói với tôi, không nên dùng cách nói này, cha giải thích các lý do xác đáng cho tôi, nhưng hôm nay tôi vẫn tiếp tục nói, cuộc cách mạng là cách mạng của tình âu yếm dịu dàng, vì từ đây mới có công chính và những sự còn lại.

 

Nếu một người chủ hãng nhận nhân viên chỉ từ tháng chín đến tháng bảy, tôi nói với họ, như thế là không đúng vì cho họ nghỉ các tháng hè rồi sau đó làm hợp đồng bắt đầu từ tháng chín, làm kiểu này, người công nhân sẽ không được bồi thường thiệt hại, không có chế độ hưu trí cũng không có an sinh xã hội. Họ không có quyền gì hết. Người chủ không tỏ ra mình có lòng dịu dàng, họ xem nhân viên như một món hàng, đây là ví dụ để cho thấy sự thiếu tình dịu dàng. Thay vì nghĩ đến túi tiền của mình có thêm vài đồng, nếu mình đặt mình vào địa vị của người công nhân thì khi đó mọi sự sẽ thay đổi.

 

Cách mạng của tình âu yếm dịu dàng mà chúng ta phải vun trồng hôm nay là hoa trái của năm lòng thương xót này: lòng dịu dàng của Chúa đối với mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta phải nói: “Tôi là một người nghèo nhưng Chúa cũng thương tôi; vậy tôi phải thương người khác cũng như vậy”.

NamThanh-4.jpg

“Bài diễn văn cho mặt trăng” của Đức Gioan XXIII trở thành hình ảnh Giáo hội của tình âu yếm. Bằng cách nào chủ đề lòng thương xót có thể giúp các cộng đoàn kitô hoán cải lại và làm mới lại?

 

Khi tôi nhìn các người bệnh, các người lớn tuổi, cử chỉ bộc phát của tôi là vuốt ve. Vuốt ve có thể là một cử chỉ gây khó hiểu nhưng đó là hành vi đầu tiên của người cha, người mẹ làm với đứa con sơ sinh của mình, hành vi nói lên “cha thương con”, “mẹ thương con” và “cha/mẹ muốn con đi tới đàng trước.”

 

Cha có thể cho chúng con biết một hành vi mà cha sẽ làm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa không?

 

Sẽ có nhiều hành vi, nhưng vào một ngày thứ sáu hàng tháng, tôi sẽ làm một hành vi khác nhau.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 07.12.2015/

zenit.org, Constance Roques, 2015-12-04)