Kinh Thánh có nói về một số trường hợp những người được hồn xác lên trời như Hênoc (Dt 11,5), tiên tri Êlia (2 V 2,11), Môsê (Gđ câu 9), Chúa Giêsu (Cv 1, 9-11). Kinh Thánh không hề nói đến Đức Mẹ hồn xác lên trời. Vậy Giáo Hội chỉ ức đoán?
Trường hợp ông Môsê
Người hỏi đã dựa vào Kinh Thánh để nêu lên vài trường hợp những người được lên trời. Nhưng thư thánh Giuđa đâu có nói gì về việc lên trời của ông Môsê. Câu 9 viết: “Còn Mi-ca-en Tổng lãnh Thiên thần, khi Ngài đàm phán với quỉ, tranh biện về thi thể ông Môsê, thì đã không buông lời đàn hặc phỉ báng, nhưng chỉ nói “xin Chúa trừng trị ngươi”.
Sách Đệ nhị luật nói rõ Môsê đã chết và được chôn cất trên núi Nêbô trong xứ Môab: “Môsê, tôi tớ Giavê đã chết ở đó, trong xứ Moab, trước mặt Bet-peer, nhưng không ai biết được mộ ông cho đến ngày nay” (Đnl 34,6 ; xem thêm Ds 26,12-14). Sự kiện sau này người ta không tìm ra mộ Môsê, đã làm cho một số người nghĩ rằng ông đã được lên trời (xem quyển ngoại thư “Cuộc lên trời của ông Môsê”).
Hênoc, Elia và Chúa Giêsu
Chúng ta cũng phải phân biệt những cuộc lên trời mà sách Cựu Ước kể về trường hợp Hênoc, Êlia với trường hợp của Chúa Giêsu. Về Hênoc thì thư Do thái nói là ông“được dời đi nơi khác để khỏi thấy cái chết”(Dt 11,5). Còn về Êlia thì Kinh Thánh nói là ông “được lên trời trong cơn gió lốc” (2 V 2,11). Cho tới nay Giáo Hội không tuyên bố gì về việc Hênoc và Êlia hiện nay ở trong tình trạng nào. Dẫu sao họ cũng còn thuộc về thời Cựu ước, tức là thời chờ đợi.
Đàng khác chúng ta biết chắc rằng trường hợp sống lại và lên trời của Chúa Giêsu là trường hợp tiên khởi, vì thánh Phaolô đã khẳng định: Đức Kitô là “truởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại ” (Cl 1,18), hoặc “Đức Kitô sống lại từ cõi chết, tiên thường của các vong linh” (1 Cr 15,20). Việc lên trời của Đức Giêsu mà sách Công vụ nói tới (Cv 1,9-11) thực ra là lần hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu phục sinh. Từ nay Người không còn hiện diện bằng hình dáng thể xác nữa, nhưng bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Việc lên trời của Đức Maria phải được hiểu theo nghĩa sau: sự kiện quan trọng không phải là được dời đi một chỗ nào khác, cho dẫu là trên làn mây, nhưng là được tham dự cả hồn cả xác vào vinh quang phục sinh của Đức Kitô như lời Đức Thánh Cha Piô XII tuyên bố: “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đấng Vô Nhiễm Thai, trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống ở trần gian, đã được nâng lên, cả hồn cả xác, về hưởng vinh quang thiên quốc” (x. Foi Catholique số 410; Hiến chế Giáo Hội số 59).
Nền tảng Kinh Thánh của tín Điều
Tuy Kinh Thánh không diễn tả một cách minh nhiên việc Đức Maria lên trời, nhưng tín điều này có nền tảng vững vàng trong Kinh Thánh. Trong sách Sáng thế, Giavê đã tiên báo với con rắn về cuộc chiến của Đấng Cứu Thế, sinh ra từ một người đàn bà (St 3,15). Tác giả sách Khải huyền cũng đã miêu tả cuộc chiến đấu và cuộc khải hoàn của người đàn bà nhờ con của mình là Đấng Cưú Thế (Kh 12). Lẽ dĩ nhiên“người đàn bà mặc áo mặt trời ấy”trước hết là Sion, là toàn Dân Chúa trong ngày cánh chung. Tuy nhiên thánh Luca (Lc 1,28: “Hãy vui lên”), nhắc lại lời chào của Xôphônia 3,14-17 (“reo vui lên! nữ tử Sion!… có ở giữa ngươi, Giavê Thiên Chúa của ngươi, Anh Hùng vạn thắng”) gợi ý cho ta thấy rằng Đức Maria là “Nữ tử Sion”, là hiện thân của toàn Dân Chúa để đón nhận “Anh Hùng Vạn Thắng”, tức là Đấng Cứu Thế. Bà là thành phần hoàn hảo nhất của Dân Chúa, để tiếp nhận Đấng mang ơn cứu độ cho loài nguời. Trong cụ thể, sách Tin Mừng của Luca và của Gioan cho thấy Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đồng trinh của Chúa Giêsu đã kết hiệp chặt chẽ với Con mình trong mọi sự từ giây phút truyền tin (Lc 1,26-38) cho đến lúc Chúa chết trên Thập Giá (Ga 19,25). Và bởi vì Đức Maria đã hợp nhất với Chúa Giêsu như thế trong tâm hồn, bằng một đức tin tuyệt vời qua lời “xin vâng” (Lc 1,38), và trong thể xác bằng sự cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng Chúa Giêsu và bằng sự hiệp thông trong đau khổ, nên Giáo Hội vững tin rằng Đức Maria, cả trong tâm hồn và trong thể xác, đã được tham dự trọn vẹn vào vinh quang Phục sinh của Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Người.
Truyền thống
Từ thế kỷ II, các thánh Giáo Phụ đặc biệt là thánh Giustinô và thánh Irênê, đã trình bày Đức Maria như Eva mới luôn luôn tuân phục và kết hiệp với Adam mới là Chúa Kitô (Rm 5,14-17; 1 Cr 15,21-23) trong cuộc chiến đấu cũng như trong khải hoàn.
Tại Giêrusalem đã có nhà thờ dâng kính Đức Mẹ lên trời vào giữa thế kỷ V. Giáo hội Đông Phương đã mừng lễ “An giấc” (Dormition) của Đức Maria vào cuối thế kỷ VI. Đối với anh em Chính Thống Giáo lễ này gồm có sự chết, an táng, sống lại và lên trời của Đức Mẹ. Lễ Đức Mẹ lên trời đã được cử hành tại Rôma vào giữa thế kỷ VII.
Sau 15 thế kỷ, không một nhà thần học nào trong Giáo Hội đã phản đối niềm tin này. Nhận thấy niềm tin này là một sự kiện phổ quát, càng ngày càng lan tỏa sâu rộng trong tâm hồn các tín hữu, nên Đức Thánh Cha Piô XII, nhân danh quyền bính của Chúa Kitô và của các Tông đồ, đã long trọng tuyên bố là một tín điều ngày 1 tháng 11 năm 1950.
Công Đồng Vaticanô II cũng đã nhắc lại đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời trong hiến chế về Giáo Hội:
“Sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (Hc. Giáo Hội số 59).
(Norberto, ofmvn.org)